Nếu tinh ý sẽ nhận ra các logo nổi tiếng thế giới có nhiều điểm chung nhất định về màu sắc hay phong cách thiết kế.
Có một thực tế là không phải cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân nào cũng xây dựng thương hiệu một cách bài bản và hiệu quả. Nhiều mô hình kinh doanh tồn tại vài năm, thậm chí hàng chục năm mà vẫn chưa một ngày tạo dựng thương hiệu đúng nghĩa.
Nhưng dù có xây dựng thương hiệu hay không thì mỗi mô hình kinh doanh đều không thể tồn tại, hoạt động và phát triển mà không có thiết kế logo. Bằng chứng là không gian mạng ngày nay có rất nhiều nhà bán hàng online, chỉ cần thiết kế xong logo là đã có thể bán hàng, mở gian hàng rồi quảng bá sản phẩm của họ đến khách hàng đại chúng.
Thiết kế logo trở thành tiêu chuẩn cơ bản nhất trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, hoặc nói chính xác hơn thì nhiều nhà kinh doanh chỉ quan tâm đến mỗi thiết kế logo. Liệu có trách họ được không? Câu trả lời là không.
Bởi vì nhìn lại lịch sử của công nghiệp và nền kinh tế thế giới, có thể thấy rằng lịch sử của thiết kế logo đã đi trước rất xa lịch sử xây dựng thương hiệu.
Thiết kế logo trở thành tiêu chuẩn bắt buộc từ những năm đầu thế kỷ 20, khi cuộc cách mạng in ấn chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới. Nhưng lịch sử ra đời của các thiết kế logo là từ đầu thế kỷ 14, khi các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ phương Tây bị buộc phải đánh dấu, thiết kế biển hiệu độc quyền để tự mình phân biệt với các hộ kinh doanh lân cận.
Trong khi đó phải đến sau cuộc cách mạng công nghiệp hơi nước vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ thứ 19 thì việc xây dựng thương hiệu mới dần đi vào nhận thức của những nhà sáng lập, cùng các giới chủ mô hình kinh doanh lớn nhỏ trên phạm vi toàn cầu.
Xu thế xem trọng vai trò của thiết kế logo dĩ nhiên cũng xảy ra với các thương hiệu lớn, những tên tuổi dẫn đầu thị phần của họ và đi đầu trong các học thuyết nổi tiếng nhất về kinh doanh.
Có nhiều điểm chung khi nhìn vào các thiết kế logo nổi tiếng thế giới, nhưng tất cả đều dẫn đến một điểm giao nhau không thể chối cãi rằng: “các thiết kế logo luôn đi theo dòng chảy lịch sử từ phức tạp đến tối giản, tỉ lệ thuận với mức độ thành công và cải thiện nhận thức của chính thương hiệu trong tâm trí khách hàng.”
⇒ Xem thêm: 7 phong cách thiết kế logo kinh điển
#1 Thiết kế logo nổi tiếng: Nike
Logo Nike chính là biểu tượng về sự hiệu quả và tính tối ưu của một sản phẩm thiết kế, nghĩa là với mức chi phí đầu tư thấp nhất có thể nhưng mang lại giá trị cao nhất có thể. Được tạo ra bởi một sinh viên khoa thiết kế với giá 35 USD, không ai ngờ hình ảnh dấu móc “swoosh” sau này có thể trở thành một biểu tượng thương hiệu toàn cầu.
Cũng như tinh thần của câu tagline thương hiệu Just Do It, thiết kế logo Nike là kết quả của sự tình cờ và đơn giản đến mức nó không mang theo ý nghĩa nào đặc biệt – ngoại trừ tên thương hiệu Nike đến từ câu chuyện Nữ Thần Chiến Thắng Victoria trong thần thoại Hy Lạp.
#2 Thiết kế logo nổi tiếng: Apple
Nếu thiết kế logo nổi tiếng của Nike được biết đến với ý tưởng, câu chuyện và ngữ nghĩa vô cùng giản đơn, thì thiết kế logo của Apple lại thu hút sự quan tâm mạnh mẽ bởi đằng sau nó có quá nhiều câu chuyện và giả thuyết. Tuy nhiên trong đó chẳng có giả thuyết nào được phía Apple xác nhận một cách chính thức.
Những giả định về quả táo rơi xuống đất trong câu chuyện của Newton, quả táo cắn dở tìm thấy ở hiện trường vụ án liên quan đến Alan Turing – người khai sinh ra máy tính thời hiện đại, hay đơn giản giả thuyết cho rằng vì cố CEO Steve Jobs thích ăn táo, tất cả đều không được Tim Cook cùng các cộng sự công nhận là ý tưởng tạo nên logo táo khuyết.
Ở một diễn biến khác nhà thiết kế thương hiệu Rob Janoff chỉ ra rằng, tuyên bố của ông có thể khiến nhiều người cảm thấy thất vọng. Nhưng quả táo khuyết vốn ban đầu là một quả táo hoàn chỉnh, ông tạo ra “vết cắn” chỉ là để mọi người không nhầm lẫn nó với loại trái cây nào khác – như cherry chẳng hạn.
#3 Thiết kế logo nổi tiếng: Chanel
Cùng với Apple, Chanel là một trong những thương hiệu hiếm hoi sở hữu thiết kế logo nổi tiếng, nhưng đến nay vẫn chưa một ai biết chính xác ý nghĩa đằng sau nó.
Có hai giả thuyết kém thuyết phục hơn, khi nhiều người tin rằng logo hai chữ C lồng vào nhau được ghép từ tên của Coco Chanel với Arthur Boy Capel – người bạn trai đã tài trợ tích cực cho các thiết kế của Chanel trong thời kỳ đầu.
Một số khác cho rằng hai chữ C là viết tắt của “cocotte” – một từ tiếng Pháp có nghĩa là “kept woman”, chỉ những người phụ nữ không thích gò bó trong hôn nhân, trở thành nhân tình và được những người đàn ông thành đạt, giàu có cưng chiều. Đồng thời cũng là những người phụ nữ độc lập về tài chính, có sự nghiệp riêng chứ không chấp nhận sống quá lệ thuộc.
Trong khi đó, giả thuyết đáng tin hơn và có câu chuyện lịch sử rõ ràng lại đến từ thời thơ ấu của Coco Chanel. Nhiều sử gia tin rằng bà đã có cảm hứng thiết kế logo nổi tiếng của Chanel từ những năm 1920 – giai đoạn Coco còn sống trong trại trẻ mồ côi Aubazine.
Aubazine là một nhà nguyện thuộc tu viện dòng Citeaux, nơi đây có những ô cửa sổ to bản mà khi ánh nắng ban ngày rọi qua, lập tức xuất hiện những hoạ tiết đẹp mắt với hai chữ C lồng ngược vào nhau.
Nhưng cũng như logo nổi tiếng của Apple, đến nay đội ngũ thương hiệu hay bản thân nhà sáng lập Chanel chưa một lần công bố niềm cảm hứng tạo ra thiết kế logo. Nó bí ẩn, thu hút nhiều sự quan tâm cũng giống như cuộc đời đầy bí ẩn và giai thoại về Coco Chanel.
#4 Thiết kế logo nổi tiếng: Starbucks
Biển cả và lính hải quân luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thương hiệu Starbucks – thương hiệu “nước có mùi cà phê” nhưng vẫn sở hữu hơn 30 ngàn cửa hàng tại gần 80 quốc gia trên thế giới.
Ngay tên gọi Starbucks cũng xuất phát từ bến cảng nổi tiếng trên tấm bản đồ cổ, hay nguồn gốc logo nổi tiếng có hình mỹ nhân ngư màu xanh cũng vậy. Nàng tiên cá với hai chiếc đuôi uốn cong được đặt tên là Siren – một từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là những hồi chuông, giúp kêu gọi các con tàu ra khơi ngay lập tức cập bến, tiến vào các hòn đảo nhỏ trong khu vực lân cận.
Ngụ ý của logo nổi tiếng này muốn nói lên thực tế rằng, bất cứ ai nhìn thấy logo mỹ nhân ngư màu xanh đều muốn ghé vào ngay. Bởi họ biết bên trong đó là một không gian thoải mái, cao cấp như được sinh ra để phục vụ cho tinh thần thương hiệu Starbucks: “cung cấp không gian làm việc, trao đổi thoải mái mà không phải ở nhà hay văn phòng công ty.”
#5 Thiết kế logo nổi tiếng: Mercedes Benz
Nếu như người sở hữu cỏ ba lá trong tay tin rằng mình đang có được nhiều may mắn, thì người sở hữu “sao ba cánh” trong tay bên cạnh nhiều may mắn còn có nhiều tiền của, nhiều danh vọng và thậm chí nhiều ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ nhìn vào.
Sao ba cánh chính là thiết kế logo nổi tiếng của Mercedes Benz – thương hiệu xe nước Đức có gần 100 năm tuổi đời.
Cụ thể vào năm 1925, hai doanh nghiệp xe lớn nhất nước Đức là Karl Benz và Benz Patent Motorcar đã kết hợp để trở thành Mercedes Benz – lấy tên gọi của khách hàng nữ đầu tiên đặt mua xe, mà trong tiếng Tây Ban Nha thì Mercedes cũng có nghĩa là vẻ đẹp yêu kiều và đầy duyên dáng.
Hình tượng ngôi sao ba cánh xuất phát từ gia đình ông Daimler – người có công sáng lập và đưa tên tuổi của Benz Patent Motorcar phát triển. Trong những chuyến công tác xa nhà rồi viết thư gửi về cho vợ con mình, Daimler thường dùng hình ảnh sao 3 cánh để đóng dấu niêm phong bì thư.
Hình ảnh sao ba cánh được sử dụng cho thương hiệu này từ năm 1909 – nghĩa là trước cả thời điểm liên doanh Benz Patent và Karl Benz ra đời. Sau này vào năm 1926 khi Mercedes Benz trình làng logo thương hiệu đầu tiên, bên cạnh hình tượng sao ba cánh còn có hình ảnh chiếc vòng nguyệt quế là biểu tượng của thành phố Mannheim.
Mannheim từ lâu vẫn được biết đến là thủ phủ của công nghiệp và công nghệ máy móc nước Đức. Đây đồng thời còn là nơi chiếc xe đầu tiên do Karl Benz sản xuất được chạy thử, trước khi tiến hành đặt hàng dưới sự ủng hộ của đông đảo công chúng.
#6 Thiết kế logo nổi tiếng: BMW
BMW khi dịch sang tiếng Anh là viết tắt của Bavarian Motor Works, tên gọi được đổi mới sau khi BMW tiếp quản lại xưởng sản xuất động cơ Rapp Motorenwerke. Đó là vào những năm 1916 và 1917, khi BMW chủ yếu nhận lãnh nhiệm vụ phục vụ cho quân đội nước nhà – tham chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ngoài danh mục kinh doanh hiện có là sản xuất động cơ máy bay, BMW còn đăng ký tên gọi thương hiệu cùng với ba danh mục gồm động cơ ô tô, động cơ nông nghiệp và sản xuất tàu thuyền. Điều ít ai biết là trong giai đoạn này thương hiệu nước Đức không đăng ký thiết kế logo, cũng không quan tâm đến việc sở hữu thiết kế logo của riêng mình.
Phải đến cuối năm 1917 BMW mới đăng ký logo lên Cơ quan đăng ký Thương hiệu Hoàng Gia Đức, với thiết kế được truyền cảm hứng từ đường tròn và viền từ logo Rapp.
Hai nửa màu xanh trắng vốn là màu cờ của xứ Bavaria – địa phương nơi BMW đặt trụ sở và xưởng sản xuất đầu tiên của họ. Tuy vậy thứ tự sắp xếp mảng màu đã được đảo ngược, vì ở thời điểm đó luật bảo hộ nhãn hiệu quy định không được sử dụng màu sắc, hình ảnh mang tính chính trị hoặc lãnh thổ trên các thiết kế thương mại.
#7 Thiết kế logo nổi tiếng: Unilever
Tập đoàn đa quốc gia Unilever và các thương hiệu con chỉ thật sự phổ biến tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, thiết kế logo nổi tiếng của Unilever trong nhận thức khách hàng Việt Nam cũng là bản thay mới từ năm 2004.
Khi zoom cận vào thiết kế logo này có thể đếm được 25 biểu tượng hay hình ảnh khác nhau, đại diện cho từng nhóm sản phẩm hoặc chuỗi giá trị mà đội ngũ Unilever vẫn luôn theo đuổi. Với cam kết “giúp cuộc sống chất lượng trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu”, thiết kế logo này của Unilever đã thể hiện đầy đủ và chính xác lời cam kết đó.
Có thể kể đến hình ảnh mái tóc đại diện cho sản phẩm Dove hay Sunsilk, hình ảnh đôi môi đại diện cho sản phẩm Vaseline, hình ảnh đoạn DNA thể hiện tinh thần muốn tạo ra di sản thương hiệu, hay hình ảnh chú cá thể hiện định hướng luôn tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường nước.
25 biểu tượng được kết hợp và sắp xếp khéo léo để tạo hình chữ U, giúp bộc lộ sứ mệnh vì cuộc sống của toàn nhân loại (vitality mission).
#8 Thiết kế logo nổi tiếng: Mastercard
Cũng như nhiều doanh nghiệp và thương hiệu tài chính ngân hàng khác, Mastercard chọn ứng dụng ngôn ngữ thiết kế tối giản và màu sắc thiết kế tươi trẻ, nổi bật trên logo thương hiệu của mình.
Logo thương hiệu Mastercard là sự kết hợp của hai vòng tròn màu đỏ cam, một bên tượng trưng cho phía Đông còn một bên tượng trưng cho phía Tây. Logo Mastercard vì thế thể hiện chính xác tính toàn cầu mà thương hiệu hướng đến – trở thành thương hiệu đáp ứng và phục vụ nhu cầu tài chính cho khách hàng trên khắp thế giới.
Ý đồ của nhà thiết kế khi tạo ra các mảng màu đậm nhạt khác nhau, chính là ngụ ý về tính liên kết và năng lực kết nối thế giới của bản thân thương hiệu.
Mastercard trong quá khứ lẫn hiện tại đều liên tiếp tạo ra những cột mốc đáng nhớ. Năm 1988 thẻ Mastercard trở thành tấm thẻ đầu tiên đến từ một “liên hiệp ngân hàng” phát hành ở Liên Xô, trước đó vào năm 1987, Mastercard cũng trở thành tấm thẻ thanh toán đầu tiên phát hành ở Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.
#9 Thiết kế logo nổi tiếng: McDonald’s
Không “nhảy cóc tăng trưởng” như nhiều thương hiệu F&B thời hiện đại, McDonald’s ngày xưa đúng nghĩa với câu nói đi lên từ hai bàn tay trắng. Mọi chuyện xuất phát từ năm 1937, khi người đứng đầu gia tộc McDonald là ông Patrick McDonald quyết định khởi nghiệp – bằng cách bán xúc xích nướng và bánh mì kẹp thịt ở gần sân bay Monrovia.
Ba năm sau hai người con của Patrick là Maurice và Richard McDonald đã mang mô hình này đến California – trước khi mở rộng menu lên thành 25 món khác nhau, chủ yếu là những món nướng theo phong cách BBQ.
Nhưng McDonald’s chỉ thật sự bành trướng và trở thành chuỗi kinh doanh F&B danh giá, sau khi được mua lại bởi doanh nhân Ray Kroc vào năm 1961. Đây cũng là thời điểm logo nổi tiếng hình mái vòm của McDonald’s chính thức “chào sân.”
Ban đầu Ray Kroc giao trọng trách thiết kế logo mới cho Fred Turner – người đóng vai trò Chủ tịch công ty vào thời điểm đó. Nhưng Fred đã giao lại nhiệm vụ này cho Jim Schindler, trưởng bộ phận kỹ thuật của McDonald’s.
Ngay lập tức Jim Schindler nhớ ngay đến mái vòm màu vàng của chuỗi hệ thống, dù chúng đã được ứng dụng từ đầu thập niên 1950, nhưng suốt nhiều năm sau chẳng có ai dám nghĩ rằng sẽ kết hợp hình tượng này lên thiết kế logo thương hiệu. Bản thảo đầu tiên của Jim được duyệt và bắt đầu trở thành logo chính thức của McDonald’s từ năm 1961.
Có ít nhất hai phiên bản được luân phiên sử dụng trong quá trình truyền thông thương hiệu, một trong số đó gồm hình tượng mái vòm chữ M màu vàng với câu nói quen thuộc: “I’m Lovin It.”
Dù phiên bản nào được công nhận và ủng hộ mạnh mẽ hơn, cũng không thể phủ nhận rằng giờ đây hình ảnh mái vòm chữ M màu vàng, khi xuất hiện trên background màu đỏ tươi chính là nhận diện thương hiệu dễ nhận thấy và đáng tin cậy hàng đầu thế giới.
#10 Thiết kế logo nổi tiếng: amazon
Thương hiệu amazon cũng có nhiều thay đổi về logo trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng không giống McDonald’s, sự loay hoay tìm kiếm giải pháp tối ưu nhất của amazon lại đến từ tốc độ thay đổi của thị trường, phương thức bán hàng và cả ngành hàng mà họ bao phủ.
Chỉ trong vòng 5 năm từ năm 1995 đến cuối năm 1999, amazon đã 4 lần thay đổi logo thương hiệu. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc họ dùng duy nhất một thiết kế logo, kể từ năm 2000 cho đến nay.
Từ thiết kế có phần trực diện và không nhiều ẩn ý của năm 1995, với một shape hình thang màu đen cùng hình ảnh tượng trưng cho dòng sông Amazon, thiết kế logo gần nhất của amazon đã chạm đến đỉnh cao về chinh phục cảm xúc người tiêu dùng.
Logo nổi tiếng được thương hiệu này sử dụng hơn 2 thập kỷ qua có điểm nhấn là mũi tên màu cam, vì đội ngũ thương hiệu muốn chứng minh sự hài lòng của khách hàng thân thiết. Ngoài ra, mũi tên cam nối từ chữ a đến chữ z cũng thể hiện ngành hàng hay lĩnh vực amazon theo đuổi – khách hàng có thể mua tất cả mọi thứ ở trên website và app amazon.
Mũi tên màu cam tạo hình nụ cười của khách hàng không vô cớ xuất hiện, nó đến từ việc nhà thiết kế thương hiệu Turner Duckworth muốn làm mới lại logo trước đó. Ông giữ nguyên dòng chữ amazon, chỉ lật ngược đường cong theo hướng đi xuống để trở thành mũi tên hướng lên trên.
Ở logo trước đường cong hướng xuống để tạo ra hình ảnh mặt trời đang ló dạng, báo hiệu cho nhiều thành tựu sáng lạn đang chờ đội ngũ thương hiệu ở phía trước. Sau khi thay đổi, mũi tên hướng lên trên trỏ vào chữ z đã tạo ra hình ảnh thú vị không kém – chữ z lúc này giống như “má lúm đồng tiền” khiến tổng thể logo như đang mỉm cười.
Điểm chung của các thiết kế logo nổi tiếng
Có một điểm chung ở hầu hết thiết kế logo nổi tiếng, đó là thiết kế logo luôn đi theo dòng chảy lịch sử từ phức tạp đến tối giản, tỉ lệ thuận với mức độ thành công và cải thiện nhận thức của chính thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Chẳng hạn logo của McDonald’s trong những năm đầu không chỉ có tên thương hiệu, tên sản phẩm là thịt nướng hay bánh mì kẹp, mà còn phải có hình ảnh cụ thể của một người đàn ông đang nướng thịt.
>> Xem ngay: 5 điều cần biết để đặt tên thương hiệu hay
Hoặc như logo của Mastercard trong vài thập kỷ đầu tiên, thật khó thuyết phục và thoả mãn nhận thức của giới chủ thương hiệu nếu nó chỉ đơn thuần là hai mảng màu đậm nhạt. Logo Mastercard trong giai đoạn 2016 – 2019 có dòng chữ Mastercard phía bên dưới, giai đoạn từ 1979 – 2015 thì chữ Mastercard to bản hơn và nằm đè lên cả thiết kế logo.
Thậm chí logo đầu tiên trong lịch sử Mastercard còn xuất hiện cả lĩnh vực kinh doanh – Master Charge, The Interbank Card.
Điều này là dễ hiểu bởi tư duy xây dựng thương hiệu đúng đắn ở các nước phương Tây, họ hiểu rằng nhận biết thương hiệu cần đi trước nhận thức thương hiệu – đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận biết nơi khách hàng mục tiêu. Cũng giống như hành trình xây dựng 4 bước mà Vũ vẫn thường tư vấn, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp của mình: Hiểu – Biết – Tin – Yêu.
Thật khó để khách hàng mục tiêu đặt niềm tin, ủng hộ sản phẩm và trung thành gắn bó với bạn ngay lập tức, nếu ngay cả sản phẩm hay lĩnh vực kinh doanh của bạn mà họ còn không được biết chính xác.
Theo thời gian khi thương hiệu dần định vị và xây chắc chỗ đứng của mình trong lòng đại chúng, cùng với việc mở rộng thương hiệu sang nhiều lĩnh vực khát với mong muốn xây dựng thương hiệu mạnh, để lại di sản thương hiệu cho nhiều thế hệ tiếp nối. Lúc này logo thương hiệu dần được tối giản, hạn chế sự phức tạp và thậm chí “trừu tượng một cách cực đoan” càng tốt.
Con đường này thường đi ngược với quan điểm và tư duy xây dựng thương hiệu của nhiều doanh nghiệp Việt. Phần lớn đều hướng đến sự trừu tượng, đầy ẩn ý trong thời gian đầu. Cho rằng logo mà kèm theo tên thương hiệu hay lĩnh vực kinh doanh thì “thường quá” và “làm sao trở thành thiết kế logo nổi tiếng, được nhiều người quan tâm đây?”
Để rồi sau cùng tạo ra bức tường vô hình, ngăn cách thương hiệu với khách hàng mục tiêu ngay từ buổi đầu. Khi khách hàng không biết bạn là ai, bạn kinh doanh cái gì và những giá trị nào bạn đủ sức mang lại, thật khó để chọn quay lưng với hằng hà sa số các thương hiệu mạnh hơn, trực quan hơn và tấn công tốt vào cảm xúc khách hàng hơn ngoài kia – chỉ để mù quáng ủng hộ thương hiệu của bạn.
Xin chân thành cảm ơn,
Những câu hỏi thường gặp
Những giả thuyết đằng sau logo nổi tiếng của Apple?
Những giả định về quả táo rơi xuống đất trong câu chuyện của Newton, quả táo cắn dở tìm thấy ở hiện trường vụ án liên quan đến Alan Turing - người khai sinh ra máy tính thời hiện đại, hay đơn giản giả thuyết cho rằng vì cố CEO Steve Jobs thích ăn táo, tất cả đều không được Tim Cook cùng các cộng sự công nhận là ý tưởng tạo nên logo táo khuyết.
Ý nghĩa logo nổi tiếng của Unilever?
Khi zoom cận vào thiết kế logo này có thể đếm được 25 biểu tượng hay hình ảnh khác nhau, đại diện cho từng nhóm sản phẩm hoặc chuỗi giá trị mà đội ngũ Unilever vẫn luôn theo đuổi. Với cam kết “giúp cuộc sống chất lượng trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu”, thiết kế logo này của Unilever đã thể hiện đầy đủ và chính xác lời cam kết đó.
Điểm chung của các thiết kế logo nổi tiếng?
Thiết kế logo luôn đi theo dòng chảy lịch sử từ phức tạp đến tối giản, tỉ lệ thuận với mức độ thành công và cải thiện nhận thức của chính thương hiệu trong tâm trí khách hàng.