Văn hoá doanh nghiệp không chỉ đến từ các yếu tố vĩ mô như tầm nhìn hay chiến lược lâu dài của cả một tập thể.
Ngày nay, không khó để chúng ta bắt gặp cụm từ “văn hoá” ở bất kì một quốc gia phương Đông – trong đó có Việt Nam. Sức mạnh của nền tảng và các loại hình văn hoá giúp chúng ta không quên đi nguồn cội cùng các giá trị truyền thống tốt đẹp – trước khi nghĩ đến chuyện duy trì và phát triển chúng trở thành trụ cột trong văn hoá nước nhà.
Từ gia đình văn hoá, khu phố văn hoá cho đến văn hoá địa phương hay văn hoá quốc gia, dù đi kèm với danh từ chỉ quy mô nào thì cũng không thể phủ nhận rằng, khái niệm văn hoá có liên hệ mật thiết khó lòng tách rời với bản thân con người.
Trong bài phỏng vấn hồi năm 2022, PGS-TS Vương Xuân Tình – Nguyên Viện trưởng Viện Dân Tộc Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từng nhận định: “Một thực thể văn hoá là nơi các giá trị văn hoá được bàn luận, chia sẻ để định hình văn hoá con người đang ở trong thực thể đó. Chẳng hạn, văn hoá quốc gia làm nên tính đa dạng của văn hoá tộc người.”
Điểm qua một số loại hình văn hoá đang trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại, chúng ta không thể bỏ qua khái niệm văn hoá doanh nghiệp – hoặc thường được gọi là văn hoá thương hiệu, văn hoá công ty,… Cũng như các loại hình văn hoá thường gặp khác, văn hoá doanh nghiệp có sự liên kết mạnh mẽ với yếu tố con người trong môi trường làm việc, bao gồm ban lãnh đạo và đội ngũ nhân sự.
Một lẽ tất yếu, văn hoá là bộ phận không thể tách rời khỏi chiến lược và bản sắc của cả đội ngũ doanh nghiệp, nhưng không thể kết luận khái niệm văn hoá doanh nghiệp chỉ được bao hàm bởi hai nền tảng phổ quát đó.
Trong bài viết này Vũ muốn giải đáp thắc mắc của nhiều người rằng Văn hoá doanh nghiệp là gì? Những yếu tố nào giúp xây dựng văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp có vai trò như thế nào? Bài viết có các nội dung chính như sau:
- Lược sử và lý thuyết văn hoá doanh nghiệp
- Vì sao văn hoá doanh nghiệp quan trọng?
- Các yếu tố giúp xây dựng văn hoá doanh nghiệp là gì?
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Lược sử và lý thuyết văn hoá doanh nghiệp
Harvard Business Review từng đưa ra quan điểm như sau: “Văn hoá doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng giúp nhà lãnh đạo duy trì và đảm bảo tính hiệu quả của một tổ chức.”
Từ lâu văn hoá doanh nghiệp đã được xác nhận là nền tảng thành công của mỗi tập thể, tổ chức hoạt động kinh tế. Không có văn hoá doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự của công ty sẽ làm việc như những cỗ máy vô tri, ban lãnh đạo thì xây dựng định hướng và quản trị bộ máy của mình một cách vô hồn.
Tất nhiên văn hoá doanh nghiệp không tự nhiên được sinh ra, nó đến từ một quá trình nghiên cứu, phát triển rồi hình thành nền tảng văn hoá dựa trên các giá trị và chuẩn mực mà đội ngũ doanh nghiệp tin tưởng.
Khái niệm văn hoá doanh nghiệp chưa từng xuất hiện trước giai đoạn thế kỷ 15, thế kỷ 16 khi nền kinh tế tự cung tự cấp vẫn đang ngấm sâu vào đời sống con người.
Mọi người thời đó vẫn sống ổn nhờ các mô hình nông nghiệp, chuồng trại đa dạng đến mức đủ đầy – nếu không muốn nói là dư thừa khi mục tiêu chỉ là để nuôi sống gia đình. Việc rời xa ngôi nhà, nông trại của mình để đi làm và tham gia vào mô hình công nghiệp không nằm trong tâm trí của nhiều người ở giai đoạn này.
Tất cả bắt đầu khi mọi người đi theo xu hướng cùng nhau làm việc ở một địa điểm – nơi ngày nay ta vẫn hay gọi là các văn phòng, công ty hay không gian làm việc (workplace). Từ “văn phòng” cũng đến từ lịch sử lâu đời nơi không gian làm việc của Chính phủ thời trung cổ, các dòng tu tôn giáo hoặc số ít các doanh nghiệp thương mại được biết đến là chỗ lưu trữ nhiều văn bản, tài liệu cần thiết nhất.
Ban đầu “văn phòng” chỉ là nơi làm việc của các nhà tri thức danh tiếng, mà trường hợp điển hình nhất là Thánh Augustine – người có nhiều đóng góp cho Cơ đốc giáo và triết học phương Tây. Có một bức tranh được vẽ bởi danh hoạ Botticelli với hình ảnh Thánh Augustine đang ngồi làm việc trong văn phòng.
Đến đầu thế kỷ 17, xu hướng làm việc chung trong văn phòng lớn mới len lỏi vào tầng lớp các luật sư hay công chức nhà nước – khởi nguồn tại các đô thị tráng lệ bậc nhất như London, Paris, Amsterdam,… Nhưng mọi thứ chỉ thật sự bùng nổ khi Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tìm đến.
Cách mạng công nghiệp hơi nước kéo nhiều nhà máy và xưởng sản xuất rời xa sông hồ, thay thế nhiều mô hình nông trại truyền thống bằng mô hình công nghiệp kiểu mới, và tất nhiên kéo nhiều người dân đang quen thuộc với nền kinh tế tự cung tự cấp – chuyển sang sản xuất hàng loạt với nhu cầu và yêu cầu về hàng hoá thay đổi đến chóng mặt.
Chỉ sau vài thập kỷ ngắn ngủi, nhiều mô hình kinh doanh hộ gia đình và làng nghề truyền thống bị thay thế bởi những toà nhà chọc trời, báo hiệu làn sóng thành lập doanh nghiệp khi con người dần có ý thức về tầm quan trọng của mối quan hệ cộng hưởng, hợp tác để cùng phát triển trong môi trường làm việc có tổ chức.
Việc cùng lúc có nhiều người, nhóm người hay đội ngũ cùng làm việc trong một không gian khép kín, buộc các nhà lãnh đạo phải sớm xây dựng những quy tắc, tiêu chuẩn cũng như hệ giá trị phù hợp với mô hình và nguồn lực sẵn có. Đây là những bước đi đầu tiên của lý thuyết về văn hoá doanh nghiệp thời hiện đại.
Vì sao văn hoá doanh nghiệp lại quan trọng?
Ông Peter Drucker – cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh thời hiện đại có câu nói rất nổi tiếng: “Culture eats strategy for breakfast.” – tạm dịch: Văn hoá doanh nghiệp xem chiến lược giống như bữa ăn sáng của nó.
Theo quan điểm của Peter Drucker và hầu hết chuyên gia kinh tế đương thời, một chiến lược kinh doanh tuyệt vời đến mấy rồi cũng sẽ đi đến bờ vực thất bại – khi thiếu sự xuất hiện của văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp hiệu quả và có ích khi từng cấp độ trong đội ngũ nhân sự đều cảm nhận được giá trị trong công việc hằng ngày.
Nhiều người vẫn đang lầm tưởng là văn hoá doanh nghiệp mang đậm hình ảnh bề ngoài, phần nào đó còn khá phù phiếm. Chẳng hạn như chỉ cần nhà lãnh đạo nói với nhân viên rằng “hãy xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình”, hoặc trưa nào cũng mời cơm mua nước cho cấp dưới của mình là xong.
Trên thực tế văn hoá doanh nghiệp là hệ thống các yếu tố từ vô hình đến hữu hình, tác động toàn diện từ cảm xúc đến lý trí của từng mắt xích nhỏ nhất trong đội ngũ. Điều này có nghĩa là, từ lãnh đạo ở vị trí cao nhất trong phân chia chức danh doanh nghiệp, cho đến bạn nhân viên vừa chân ướt chân ráo vào công ty thực tập, tất cả đều phải cảm nhận đầy đủ tinh thần và giá trị mà văn hoá doanh nghiệp truyền tải.
Giống như thói quen nhiều người luôn mặc định chỉ số IQ cao nghĩa là rất thông minh, thực tế chỉ số IQ được quyết định bởi một tổ hợp của khả năng tư duy, phân tích thông tin và xử lý tình huống. Cũng như vậy, văn hoá doanh nghiệp giúp các thành viên trong đội ngũ nhân sự tôn trọng bản thân mình, hành động hoà nhã với các cộng sự và ứng xử có chuẩn mực với khách hàng của doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp còn là nền tảng giá trị để mỗi nhân viên hiểu những gì mình nên nói, cần làm và phải làm nhằm đóng góp vào thành công chung của tập thể. Quan trọng hơn hết, văn hoá doanh nghiệp còn có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp cá nhân của mỗi người.
Bỏ qua yếu tố tài chính, nếu một người liên tục nhảy việc và chuyển công ty thì chỉ có thể vì 3 nguyên nhân: người đó chưa kịp cảm nhận và dành trọn tâm huyết để theo đuổi văn hoá doanh nghiệp, người đó đã cảm nhận và dành trọn tâm huyết nhưng nhận ra văn hoá doanh nghiệp không phù hợp với văn hoá cá nhân, hoặc cũng có thể ngay từ đầu bản thân doanh nghiệp không xây dựng và phát triển văn hoá đúng mực.
Tất nhiên tài chính và lương bổng vẫn là những yếu tố quan trọng trong quyết định công việc, tiến thân của mỗi người. Nhưng Vũ nhận ra rằng ở xung quanh mình, số người bỏ việc vì lương cao, đãi ngộ tốt nhưng văn hoá doanh nghiệp không phù hợp vẫn vượt trội hơn so với những người bỏ việc vì văn hoá doanh nghiệp phù hợp, nhưng lương thấp và không thoả mãn nhu cầu tài chính cá nhân.
Ngay cả những CEO nổi tiếng thế giới, với tài sản cá nhân lên đến hàng tỷ đô la vẫn từng nghỉ việc (bị sa thải hoặc tự nguyện rời đi) chỉ vì văn hoá doanh nghiệp không còn phù hợp. Có thể kể đến trường hợp Steve Jobs rời Apple năm 1985 vì mâu thuẫn với hội đồng quản trị, hay mới đây Howard Schultz chia tay Starbucks vì công ty bắt đầu thay đổi quan điểm lâu đời về nhượng quyền thương mại.
Nhờ có văn hoá doanh nghiệp hiệu quả và phù hợp, một người sẽ luôn thức dậy với niềm hứng khởi chuẩn bị cho ngày làm việc mới – thay vì đến công ty như một cái xác không hồn và làm việc chỉ vì đồng lương. Rồi trong những giai đoạn tưởng chừng khó khăn nhất, ban lãnh đạo vẫn nhìn thấy những điểm sáng và cơ hội rõ rệt để vực dậy công ty – từ nền tảng của các giá trị bền vững sẵn có nơi văn hoá doanh nghiệp.
Các yếu tố xây dựng văn hoá doanh nghiệp là gì?
Ngày nay có quá nhiều nhà lãnh đạo chạy theo văn hoá doanh nghiệp, bản thân luôn xem văn hoá doanh nghiệp là thứ “người khác có thì mình cũng phải có”, đơn giản là vậy chứ không hề có nhận thức đúng đắn về vai trò của nó. Văn hoá doanh nghiệp hiện đại vì vậy ngày càng biến tướng, thậm chí trở thành tấm màn che phủ cho nhiều định hướng kinh doanh lệch lạc.
Doanh nghiệp nào cũng ráo riết xây dựng văn hoá, nhưng tấm gương về văn hoá doanh nghiệp tích cực thì ít, bài học về văn hoá doanh nghiệp bị biến tướng và suy đồi thì nhiều không đếm nổi. Các thực trạng tiêu cực trong xã hội liên quan đến môi trường làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần của người lao động cũng có chiều hướng gia tăng.
Có thể điểm qua một số vụ việc nổi bật gần đây, chẳng hạn như nhân viên một cửa hàng cơm tấm có lời lẽ phân biệt đối xử với shipper giao hàng, hay nữ nhân viên ở một nhà xuất bản nổi tiếng tố cáo hành vi quấy rối tình dục của lãnh đạo cấp cao.
Vũ tin rằng bên cạnh mong muốn và niềm cảm hứng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, thì trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức của những người xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Hai chuyên gia kinh tế nổi tiếng là Sarah Soule và Bryan Walker đã từng nhận định tương tự khi viết bài trên Harvard Business Review:
Văn hoá doanh nghiệp tồn tại trong trái tim và thói quen hằng ngày của cả tập thể. Vì vậy nhà lãnh đạo cần truyền cho nhân viên cả cảm hứng thay đổi và trách nhiệm thay đổi khi tạo dựng văn hoá.
Khi liệt kê các yếu tố xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp, người ta dễ dàng gọi tên tầm nhìn doanh nghiệp, bản sắc thương hiệu hay triết lý vận hành của đội ngũ doanh nghiệp đó. Nhưng hãy tưởng tượng khi bạn mang những nguyên liệu tinh hoa nhất của đất trời và tự nhiên, trao tận tay một người đầu bếp không giỏi thì món ăn bạn nhận được sẽ ra sao?
“Người đầu bếp không giỏi” đó có thể là bất cứ ai. Có thể là nhà lãnh đạo với mức độ ái kỷ cao như núi, sử dụng văn hoá doanh nghiệp để trục lợi và che đậy cho hành vi thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm với đội ngũ nhân viên của mình. Cũng có thể là một nhân viên xem công việc đơn thuần là công cụ kiếm tiền, hết lần này đến lần khác vi phạm văn hoá doanh nghiệp miễn sao lợi ích cá nhân được thoả mãn.
Nên nhớ rằng văn hoá doanh nghiệp kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, năng suất làm việc của mỗi người lao động – dẫn đến kết quả làm việc không tốt của cả một tập thể. Dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận rằng người lao động thời nay quan tâm đến các đồng nghiệp, các thông điệp mà ban lãnh đạo truyền tải hằng ngày nhiều hơn những giá trị và định hướng lâu dài doanh nghiệp hướng đến.
Tạm kết
Thực hiện khảo sát với các chuyên gia dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, khoảng 40% cho biết văn hoá doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất khi họ quyết định “nhảy việc.” Trong một thống kê khác, 66% giám đốc điều hành tin rằng văn hoá doanh nghiệp còn quan trọng hơn chiến lược hay mô hình kinh doanh.
Vì vậy không quá khó hiểu khi các chủ nghĩa mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm dần đi sâu vào quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp – nhất là trên hành trình xây dựng chiến lược thương hiệu. An ninh việc làm, sức khoẻ tinh thần hay luật chống phân biệt đối xử dần cho thấy chỗ đứng của chúng trong môi trường làm việc nói chung.
Nhân viên ở các doanh nghiệp hàng đầu thị trường, chẳng hạn như tại các công ty thuộc Thung Lũng Silicon cũng nhận thấy mình không còn đi làm chỉ vì tiền như trước. Giờ đây, môi trường làm việc thật sự vui vẻ, thoải mái và phù hợp với hệ giá trị của cá nhân mới là điều thúc đẩy họ sẵn sàng đến sở làm hằng ngày.
Xin chân thành cảm ơn,