Tâm lý sợ thay đổi là lúc ta tin rằng mình đã có giải pháp tốt nhất trong khi thực tế đó chưa phải giải pháp tối ưu.

Có một câu nói rất nổi tiếng trên các trang mạng xã hội như sau: “Mọi chuyện rồi cuối cùng sẽ ổn, nếu chưa ổn chứng tỏ đó chưa phải cuối cùng.” 

Quả thật mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn, nhưng có lẽ là ổn với người đứng ngoài nói câu này. Còn người trong cuộc với bao thử thách và vấn đề cần giải quyết thì mọi chuyện không thể tốt lên chỉ sau một câu nói.

Cách tốt nhất để giải quyết ổn thoả vấn đề là đứng lên và đối diện với nó, thay vì ngồi yên để tự nhủ rằng “rồi mọi thứ sẽ tự ổn.” 

Giống như Vũ từng chia sẻ trong bài viết về Chiến lược thương hiệu của amazon, cách phòng ngự hiệu quả nhất trong bóng đá là tấn công. Trên thương trường cách duy nhất để phòng tránh rủi ro không phải là ngồi chờ, mà phải chủ động lên kế hoạch giải quyết từng vấn đề một nếu có.

Thật mừng nếu giữa muôn trùng những khó khăn và thử thách bủa vây, bản thân bạn vẫn có đủ dũng cảm cùng với sự kiên định để đối mặt với vấn đề nội tại của chính mình. 

3 tác động của tâm lý sợ thay đổi đến thương hiệu - Tác giả hình ảnh: Duy Huỳnh.

Tác giả hình ảnh: Duy Huỳnh.

Tuy nhiên bạn vẫn phải chấp nhận một thực tế rằng, trên chặng đường tự mình thoát ra khỏi vũng lầy của những thử thách, bạn phải liên tiếp đối mặt với những “chướng duyên” tiêu cực – mà nói theo ngôn ngữ dân dã thì là những cám dỗ khó lòng tránh khỏi. Một trong số đó chính là hiệu ứng Einstellung – tâm lý sợ thay đổi.

Vậy tâm lý sợ thay đổi là gì, tâm lý sợ thay đổi tác động tiêu cực ra sao đến cuộc sống nói chung và quá trình xây dựng thương hiệu nói riêng? Ngày hôm nay với định hướng sẵn sàng chia sẻ kiến thức thương hiệu miễn phí đến đúng người cần, Vũ muốn gửi đến tất cả các bạn bài phân tích về hiệu ứng Einstellung – các tác động tiêu cực của tâm lý sợ thay đổi.

⇒ Xem thêm: Hiệu ứng đám đông là gì và 3 ví dụ phổ biến.

Tâm lý sợ thay đổi là gì? Nó xuất phát từ đâu?

Einstellung là từ trong tiếng Đức mang ý nghĩa bị mắc kẹt trong suy nghĩ hoặc lối tư duy xưa cũ. Tình trạng này xảy ra khi con người tin rằng những giải pháp trong quá khứ luôn mang đến hiệu quả cao, trong khi quên mất hiện tại hay những giải pháp mới tối ưu hơn hẳn.

Vũ từng chia sẻ đến các bạn về tâm lý học marketing, nỗi sợ bị bỏ lỡ FOMO, hiệu ứng tâm lý đám đông,… Nhưng phải công nhận rằng chưa có một chủ đề nào liên quan đến tâm lý con người lại khiến Vũ thích thú, tò mò và có động lực chia sẻ đến tất cả nhiều như Tâm lý sợ thay đổi.

Bởi vì khác với những hiệu ứng tâm lý trước vốn luôn có biểu hiện rõ ràng, chỉ xảy ra với một nhóm người nhất định và có thể dễ dàng thoát khỏi được ngay. Hiệu ứng Einstellung, tâm lý sợ thay đổi hay còn gọi là hiệu ứng xu thế cố định có muôn hình vạn trạng các biểu hiện, mà bất cứ ai cũng đã hoặc đang vô tình mắc phải nhưng không hề hay biết.

Về bản chất tâm lý sợ thay đổi dễ hiểu giống như chính tên gọi của nó, là hành động ngại thay đổi và làm mới bản thân hoặc những trải nghiệm bản thân đã từng trải. Tâm lý này thường thấy ở những nhân sự lâu năm của một doanh nghiệp nào đó, đang sẵn có vị trí ổn định cùng với mối quan hệ tích cực, thân thiết với các cộng sự và ban lãnh đạo.

Tâm lý sợ thay đổi - Einstellung là một khái niệm xuất phát từ tiếng Đức (Ảnh: Center of Care Innovations).

Tâm lý sợ thay đổi – Einstellung là một khái niệm xuất phát từ tiếng Đức (Ảnh: Center of Care Innovations).

Tương tự là trường hợp của những gia đình đã sống ở một địa phương, một khu phố trong thời gian dài. Họ e ngại việc chuyển nhà không phải vì sợ bỏ công tốn sức ra dọn đồ và di chuyển, mà là ngại phải sinh sống ở một môi trường xa lạ hoàn toàn mới, tạo dựng các mối quan hệ hàng xóm láng giềng lại từ đầu.

Khác với chuyện vượt qua nỗi sợ nước để quyết tâm đăng ký học bơi lội, hay sẵn sàng tham gia thử thách nhảy bungee dù bản thân là người sợ độ cao. 

Người mang theo tâm lý sợ thay đổi không nhất thiết phải vượt qua cái tôi và bản ngã của chính mình, chỉ đơn giản là nếu đặt trên bàn cân thì họ “thà ở lại với những trải nghiệm cũ” thay vì chạy theo một trải nghiệm mới, một cảm giác hoàn toàn khác lạ. 

Tâm lý sợ thay đổi sẽ trở nên nhạt nhoà, thậm chí tự động tan biến khi có một yếu tố hoặc tác nhân nào đó đủ lớn – khiến cho trải nghiệm mới đang chờ thật sự “mê hoặc” được mỗi người trong số chúng ta. 

Khi mức thu nhập từ chỗ ba cọc ba đồng nay tăng lên thành 4 con số (tính bằng đô la), hay căn nhà sắp chuyển đến nằm ở khu đô thị sang chảnh bậc nhất chứ không còn là khu lao động của thì hiện tại, lúc đó bạn chẳng hứng thú với bài chia sẻ về tâm lý sợ thay đổi này của Vũ đâu. Thậm chí sẽ còn tự hỏi mình rằng: “Tâm lý sợ thay đổi quan trọng đến thế sao.”

Vậy đến đoạn này đã kết thúc bài viết được chưa? Câu trả lời là chưa. Không phải Vũ sợ viết dài quá thì nhiều người chê và thoát luôn khi chưa đọc đến nửa bài, cũng không phải là chưa nhận định xong về bản chất của tâm lý sợ thay đổi. 

Nhưng mới “động đến” bản chất của một khái niệm hay hiệu ứng nào đó thôi là chưa đủ, chúng ta cần đi sâu vào phân tích và thử đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Tâm lý sợ thay đổi tất nhiên không đơn giản như bản chất vốn có, cơ sở nào để Vũ khẳng định rằng Einstellung là một hiệu ứng “dễ bước vào nhưng lại khó thoát ra?” Câu trả lời sẽ có khi chúng ta đi vào phân tích chiều sâu của hiệu ứng tâm lý đầy thú vị này.

tam ly hoc

Chiều sâu của tâm lý sợ thay đổi

Năm 1942, ông Abraham Luchins – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, được công nhận là người tiên phong cho tâm lý học theo nhóm đã tổ chức một thực nghiệm như sau. 

Ông chia tổng số người tham gia thực nghiệm thành hai nhóm, với nhiệm vụ chia một bình nước lớn thành nhiều bình nước nhỏ có kích cỡ khác nhau – sao cho kết quả cuối cùng đạt thể tích nước tối ưu nhất. 

Trước khi được biết nhiệm vụ và yêu cầu kết quả là gì, nhóm đầu tiên được phép thử một loạt các giải pháp có liên quan đến kết quả cuối cùng. Trong khi đó nhóm thứ hai được phép thử một loạt các giải pháp không hề liên quan gì đến kết quả. 

Sau cùng nhóm đầu tiên tìm ra cách chia nước nhanh hơn, đạt đến thể tích nước cao nhất trong số những giải pháp họ liên tục thử nghiệm và phân tích trước đó. Tuy nhiên nhóm thứ hai dù chậm hơn trong quá trình tìm ra lời giải, nhưng phương án của họ được công nhận là mang tính tối ưu cao hơn hẳn.

Thực nghiệm của Abraham Luchins cho thấy rằng, con người có xu hướng sa đà vào những giải pháp cũ tuy vẫn còn đó nhiều phương án tối ưu hơn. 

Nguy hiểm hơn, nhóm thực nghiệm đầu tiên luôn tin rằng bản thân đang đi đúng hướng, trong khi thực tế họ chỉ đang lún sâu hơn vào tâm lý sợ thay đổi đến mức đánh mất cơ hội đạt kết quả tối ưu. Thêm ví dụ sau đây sẽ chứng minh rằng, tâm lý sợ thay đổi thậm chí vẫn tồn tại khi bạn đạt đến trình độ một chuyên gia trong lĩnh vực bất kì.

Thực nghiệm của Abraham Luchins đã chứng minh cho tâm lý sợ thay đổi (ảnh: The Weather Channel).

Thực nghiệm của Abraham Luchins đã chứng minh cho tâm lý sợ thay đổi (ảnh: The Weather Channel).

Những nhà nghiên cứu của trường Queen’s College thuộc Đại học Oxford đã tiến hành thực nghiệm nhỏ như sau.

Có một nhóm “cao thủ” cờ vua được chia làm hai đội, đội thứ nhất được giao nghiên cứu nước đi trên một bàn cờ gồm cả nước đi có lợi lẫn nước đi “ít có lợi hơn.” Đội thứ hai được giao nghiên cứu nước đi trên một bàn cờ gồm toàn các nước đi có lợi.

Theo dõi cách đảo mắt của các kỳ thủ trong quá trình tham gia, ban tổ chức nhận thấy rằng kỳ thủ ở đội một có xu hướng chú tâm hơn vào các nước đi “ít có lợi hơn.” Trong khi đó kỳ thủ của đội hai dĩ nhiên chỉ quan tâm đến nước đi nào có lợi nhất.

Kết quả thực nghiệm cho thấy tâm lý sợ thay đổi luôn xảy đến bất cứ lúc nào, dù bạn là tay ngang mới chân ướt chân ráo hay đã trở thành “cao thủ” ở trong một lĩnh vực bất kì. 

Các kỳ thủ của đội một vì quá chú tâm vào những phương án thiếu tối ưu, nên đã bỏ qua cơ hội quan sát bàn cờ một cách tổng thể và trực quan nhất – vô tình “đánh rơi” luôn những nước đi có lợi hơn nhiều.

Cả hai cuộc thực nghiệm đều chỉ ra chung một bài học sâu sắc, chúng ta trước giờ vẫn nghĩ tâm lý sợ thay đổi chỉ xảy ra với những người có đầu óc và tư duy giản đơn, thậm chí là kết quả của việc chưa chuẩn bị cho bản thân có đủ vốn kiến thức uyên bác.

Tuy nhiên thực tế đã cho thấy điều ngược lại, càng học cao hiểu rộng và sớm trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình, con người càng dễ lún sâu và bị tác động tiêu cực bởi tâm lý sợ thay đổi. 

Chẳng nói đâu xa, có thể nhìn thấy thực trạng này ngay trong những quan điểm xưa cũ của người Việt Nam. Chẳng hạn như thương cho roi cho vọt, hay “trứng thì đừng có đòi khôn hơn vịt.” 

Cũng có một câu nói rất hay để nhìn nhận chính xác về thiếu sót của những người đi trước, bị ảnh hưởng bởi tâm lý sợ thay đổi dẫn đến sai lầm trong cách nuôi dạy lớp trẻ như sau: “Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa bao giờ được làm người lớn.”

Các kỳ thủ có xu hướng tập trung vào những nước đi ít tối ưu hơn (ảnh: MakeMeSomethingSpecial).

Các kỳ thủ có xu hướng tập trung vào những nước đi ít tối ưu hơn (ảnh: MakeMeSomethingSpecial).

Tâm lý sợ thay đổi tác động đến thương hiệu như thế nào?

Giờ là lúc Vũ quay về với thế giới thương hiệu, tập trung vào những tác động tiêu cực của tâm lý sợ thay đổi đến quá trình xây dựng, thay đổi và phát triển một thương hiệu bất kì.

Như những gì đã nhìn thấy trong hai thực nghiệm của trường Queen College và Abraham Luchins, tâm lý sợ thay đổi có thể xảy ra ở bất cứ hoàn cảnh, lĩnh vực và đủ sức tác động đến tâm lý của tất cả mọi người. 

Thậm chí nếu ai đó tự tin thái quá cho rằng, bản thân đã trở thành một chuyên gia, một bậc thầy trong lĩnh vực của mình nên tâm lý hết sức vững vàng, người đó lại càng dễ bị tác động và “điều khiển tâm trí” bởi tâm lý sợ thay đổi.

Đây không phải một chân lý sau khi tìm hiểu và phân tích đầy đủ bản chất của hiệu ứng này. Mà là một sự thật được đội ngũ của Vũ chiêm nghiệm, đúc kết sau thời gian gặp gỡ, tiếp xúc rồi tư vấn nhiều khách hàng doanh nghiệp đến từ các mô hình và lĩnh vực khác nhau.

Trái với suy nghĩ ban đầu cho rằng các nhà lãnh đạo đã có tên tuổi, nhiều năm kinh nghiệm quản trị thì sẽ có cái nhìn chính xác và bao quát hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Từ đó đội ngũ xây dựng thương hiệu cũng hỗ trợ, phối hợp thuận lợi hơn nhờ không cần xây dựng lại nhận thức về vai trò của một thương hiệu mạnh.

Thực tế lại cho thấy điều ngược lại, hầu hết doanh nghiệp và nhà lãnh đạo trẻ tuổi mới là những người có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. 

Tâm lý sợ thay đổi thường không tác động đến doanh nghiệp trẻ (ảnh: SEN).

Tâm lý sợ thay đổi thường không tác động đến doanh nghiệp trẻ (ảnh: SEN).

Người ta thường nói trang giấy trắng thì luôn dễ để viết lên những gì mình muốn, tất nhiên đạt đến vị thế và trình độ của một lãnh đạo doanh nghiệp thì chẳng ai “trắng tinh” cả. Nhưng ít nhất các bạn doanh nghiệp trẻ cũng chưa bị chi phối, xác lập thiên kiến quá nhiều bởi những quan điểm xưa cũ và theo lối mòn của hệ thống quản trị ngày trước.

Trái lại những nhà lãnh đạo đã có giàu kinh nghiệm quản trị, điều hành doanh nghiệp và quản lý bộ máy nhân sự mới là những người có nhiều hiểu nhầm, hoặc các quan điểm trái chiều về vai trò của một thương hiệu mạnh. Cũng như tác gia nổi tiếng người Pháp Voltaire từng nhận định: “Tốt chính là kẻ thù của vĩ đại.”

Vậy đâu là những tác động của tâm lý sợ thay đổi đến quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu của thế hệ các nhà quản trị đi trước? Vũ sẽ phân tích về đề cập ngay phía bên dưới.

Tâm lý sợ thay đổi khiến ta quên mất những biến động thời cuộc

Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp ưu tú không chỉ có trong tay tài năng thao lược, năng lực quản trị vượt trội cùng với tầm nhìn bền vững của một người dẫn lối đội ngũ. Bên cạnh đó còn phải nhìn thấu và liên tục cập nhật những biến động của thời cuộc, dù là từng biến đổi tích cực hay tiêu cực nhất.

Cái dở của một người bị tâm lý sợ thay đổi ảnh hưởng, chi phối chính là thường xuyên bỏ quên những biến động thời cuộc. Ví như ngày nay các thế hệ đi trước ngầm ám chỉ, phê bình lớp đàn em hoặc thế hệ con cháu của mình tiêu xài quá lãng phí. Kiểu cứ uống trà sữa, đi cà phê sang chảnh thì “biết bao giờ mới mua được nhà?”

Thế nhưng họ vô tình, hoặc bị tâm lý sợ thay đổi tác động nên bỏ qua mất những biến động thời cuộc. Thứ nhất, tiêu dùng là yếu tố giúp thúc đẩy nền kinh tế thị trường vốn đầy rẫy sự cạnh tranh. Thế hệ ngày nay không thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế đi lên bằng cách “đổi dép cũ lấy cà rem” như đàn anh đàn chị 8X trở về trước.

Chân dung nhà văn người Pháp Voltaire (ảnh: Observador).

Chân dung nhà văn người Pháp Voltaire (ảnh: Observador).

Thứ hai, những cuộc “đại nhảy vọt” của thị trường chẳng hạn như vào các năm 2001 và 2008 đã đẩy giá bất động sản trong nước lên mức “không thể tin nổi.” Theo tính toán của Batdongsan.com.vn, với mức giá dao động 2.200 – 2.400 USD/m2 và mức lương bình quân đầu người, người dân Sài Gòn hay Hà Nội cần tối thiểu 25-30 năm để mua được căn nhà đầu tiên.

Vậy nếu cho rằng sống tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn để sớm mua được nhà là đúng, thì đầu tư tiền của và công sức cho những trải nghiệm mới mẻ hằng ngày, xây dựng hình ảnh và vốn sống của bản thân để chuẩn bị cho một tương lai sáng sủa cũng không hẳn đã sai. 

Giống với thực nghiệm có sự tham gia của hai nhóm cao thủ cờ vua, nhiều người thuộc thế hệ trước chỉ tập trung vào những nước cờ “ít có lợi hơn.” Đây là thế hệ vun đắp, tạo dựng và áp lực sở hữu tài sản có thật khiến họ không thể nhìn ra bức tranh bàn cờ tổng quát. 

Ngược lại thế hệ thừa hưởng thuộc gen Y, gen Z sớm tập trung vào nước cờ có lợi nhất, mà bằng chứng là họ thường cảm thấy hứng thú với những hoạt động mang tính xã hội. Sử dụng nguồn lực của bản thân để tạo ra giá trị mang tính cộng đồng, một khi áp lực sở hữu tài sản đang dần vơi bớt.

Quay về với nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều độ tuổi, giới tính và thế giới quan khác nhau. Góc nhìn của những nhà quản trị đi trước bị ảnh hưởng bởi áp lực duy trì đời sống đội ngũ nhân sự, chịu trách nhiệm với không chỉ mô hình kinh doanh của bản thân, mà còn là năng lực phát triển nền kinh tế địa phương và chính quốc gia của mình.

Cộng hưởng với tâm lý sợ thay đổi khi bản thân luôn tin rằng, thành công mình có được hôm nay chính là nhờ chuỗi suy nghĩ và hành động có phần cổ hủ của ngày trước. Họ mặc định chỉ có tiếp tục duy trì, theo đuổi định hướng vốn có mới là con đường tốt nhất để một cá nhân thoát nghèo, vươn lên trở thành người có địa vị và đóng góp tốt cho xã hội.

Tâm lý sợ thay đổi khiến bạn dễ quên mất biến động thời cuộc (ảnh: Unsplash).

Tâm lý sợ thay đổi khiến bạn dễ quên mất biến động thời cuộc (ảnh: Unsplash).

Quá trình xây dựng thương hiệu dĩ nhiên cũng vì thế mà “vạ lây”, biểu hiện thường gặp là bản thân người tạo dựng, quản trị thương hiệu nhưng lại không biết mình muốn gì. 

Một phía rất hợp tác và đặt niềm tin vào đội ngũ xây dựng thương hiệu, một mặt lại chủ quan với những định hướng xưa cũ mà bản thân cho là đúng. Làm kéo giảm cả tiềm năng phát triển thương hiệu lẫn năng lực sáng tạo của đội ngũ xây dựng thương hiệu đó.

Tâm lý sợ thay đổi khiến ta mãi ngủ quên trên chiến thắng

Một ông anh mà mình chơi chung nhóm có con gái năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10, hai vợ chồng chỉ sinh được một người con nên hết sức quan tâm và dành cho bé những gì tốt đẹp nhất. Nhưng cách dạy dỗ và giáo dục con của bản thân anh khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Suốt những năm tiểu học và đi học cấp hai, bé liên tục đạt thành tích học tập đáng nể. Có lần xếp hạng hai trong lớp về thành tích học tập của một học kỳ, bé vui mừng và tự hào chạy về khoe với gia đình. Ai nấy đều khen ngợi, chúc mừng nhưng chỉ có anh lại tỏ ra lạnh lùng rồi nói: “Con vẫn có thể tự hào hơn nhiều nếu đứng đầu lớp, thậm chí đứng đầu toàn trường.”

Mọi người không hiểu nổi thái độ thờ ơ và có phần lạnh nhạt của anh, riêng mình thì có thể thông cảm và thấu hiểu phần nào với kiểu suy nghĩ này. Sau một thời gian tìm hiểu, đi sâu vào thế giới của tâm lý sợ thay đổi và hiệu ứng xu thế cố định, mình nhận ra rằng tâm lý sợ thay đổi không chỉ ảnh hưởng đến năng lực tìm kiếm giải pháp tối ưu nhất.

Tâm lý sợ thay đổi còn giữ chân ta ở lại với những trải nghiệm và quá khứ huy hoàng, tự thoả hiệp rằng đây mới là hiện thực tối ưu và là nơi ta nên tập hài lòng với bản thân mình. 

Nhưng đừng quên mất thực tế rằng, giả định mình đưa ra ở đầu bài sẽ chỉ là giả định. Chẳng có ai vô cớ mời bạn vào “ở free” trong một khu đô thị sang chảnh, hoặc tạo điều kiện để bạn có được công việc với mức lương ngàn đô trong khi giá trị bạn mang đến là không hề tương xứng. 

Tiềm năng xây dựng và phát triển từ một thương hiệu mới nổi, trở thành một thương hiệu mạnh và tạo ra di sản cũng như thế.

Tâm lý sợ thay đổi cũng được quyết định bởi cách nuôi dạy con trẻ (ảnh: The Kashmir Monitor).

Tâm lý sợ thay đổi cũng được quyết định bởi cách nuôi dạy con trẻ (ảnh: The Kashmir Monitor).

Cuộc đời mà chúng ta đang sống là một nơi bạn phải luôn tự mình vươn lên, vượt qua từng cám dỗ khi tâm lý sợ thay đổi không ngừng níu ta ở lại lâu hơn nữa – với những giá trị phù phiếm hay bốn chữ hào quang rực rỡ phía trước mắt. 

Sau khi đưa chúng ta đến chiến thắng bằng con đường không mấy bằng phẳng, thậm chí không kém phần chông gai. Tâm lý sợ thay đổi tiếp tục cám dỗ ta ngủ quên trên chiến thắng, quên mất rằng bản thân chỉ vừa mới chạm ngưỡng Tốt và chặng đường đi đến Vĩ đại vẫn còn tương đối mờ mịt. 

Nên hiểu rằng, trên thị trường mà doanh nghiệp và đội ngũ bạn đang tham gia không hề thiếu những “thương hiệu tốt.” Có thương hiệu tốt về chất lượng sản phẩm, có thương hiệu thì tốt về chất lượng dịch vụ. 

Thậm chí chỉ cần đáp ứng được nhu cầu giá tốt, thì cũng đã thu hút được hàng vạn hay hàng triệu khách hàng có thói quen tiêu dùng giá rẻ. Giữa một nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh thì tốt thôi là chưa đủ. 

Trong cuốn sách nổi tiếng Từ Tốt Đến Vĩ Đại, tác giả Jim Collins đã chỉ ra đặc điểm ở những thương hiệu và doanh nghiệp vĩ đại. Đó là những doanh nghiệp có tuổi đời trên 50 năm, có nguồn vốn đổ vào hoặc tái đầu tư gấp 5, gấp 8 hay thậm chí gấp 10 lần các công ty đại chúng.

Thống kê cho thấy cứ 11 công ty, thương hiệu vĩ đại thì đến 10 trường hợp các nhà lãnh đạo cấp cao có xuất phát điểm không quá rực rỡ. Trong quá khứ họ chỉ là những nhân viên bình thường, làm việc tại một bộ phận nhất định và có năng lực đóng góp vào hiệu quả kinh doanh tương đương, thậm chí không hề vượt trội nếu so sánh với các đội hay phòng ban khác.

Bản chất chính sách tuyển dụng, điều phối và đề bạt nhân sự của các thương hiệu vĩ đại cũng chẳng có gì “ghê gớm.” Họ không hề sa đà vào việc tạo ra những chức vụ to tát, tìm kiếm hay đề bạt nhân sự xuất chúng so với mặt bằng chung, chế độ khen thưởng cũng vừa đủ để không vi phạm luật lao động thay vì quá hấp dẫn để mong thu hút người tài.

Kết hợp với quan điểm cho rằng càng tự hài lòng với năng lực bản thân, càng ngủ quên trên chiến thắng hay tự hào vì được xem như một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, tâm lý sợ thay đổi càng ảnh hưởng đến cá nhân nhà lãnh đạo và cả đội ngũ nhân sự, mô hình kinh doanh của tập thể là hoàn toàn chính xác.

Từ Tốt Đến Vĩ Đại là cuốn sách đại diện cho tâm lý sợ thay đổi (ảnh: Rick Kettner).

Từ Tốt Đến Vĩ Đại là cuốn sách đại diện cho tâm lý sợ thay đổi (ảnh: Rick Kettner).

Tâm lý sợ thay đổi khiến ta chẳng bao giờ thay đổi thật sự

Đáng sợ nhất của tâm lý sợ thay đổi không phải là chẳng bao giờ chịu thay đổi, mà là chấp nhận thay đổi nhưng rồi “đâu lại hoàn đó.” Chấp nhận thay đổi nhưng không thay đổi thật sự là một quá trình làm lãng phí thời gian, công sức và cả chi phí của ban lãnh đạo, đội ngũ nhân sự công ty và bản thân đội ngũ xây dựng thương hiệu.

Không riêng gì đội ngũ tại Vũ, thực tế này còn có thể xảy đến với tất cả agency xây dựng, phát triển nhận thức và thiết kế hình ảnh thương hiệu tích cực. Tạo ra hệ luỵ tiêu cực trong mối quan hệ giữa agency thương hiệu với khách hàng doanh nghiệp, thậm chí tạo ra nhiều hậu quả khó lường ngay trong chính nội bộ công ty. 

Không ít ban lãnh đạo và nhà quản trị có xu hướng phản ứng ngờ vực, tiêu cực và muốn bác bỏ những thay đổi giàu tính sáng tạo – đặc biệt thường gặp ở các thương hiệu và doanh nghiệp lâu năm, có vị thế ở thị trường trong nước đồng thời còn sẵn có mối quan hệ tích cực với bạn hàng, đối tác lẫn người dùng cuối.

Không phải họ không thích sự sáng tạo, thậm chí còn kỳ vọng sức sáng tạo của đội ngũ xây dựng thương hiệu mình tin tưởng sẽ được dịp phát huy. 

Nhưng sau cùng khi sản phẩm thiết kế hình ảnh và sáng tạo nội dung thương hiệu vừa hoàn thành, đứng giữa quyết định thay đổi triệt để một nhận diện thương hiệu cũ kĩ, hay nhập nhằng kết hợp giữa mới với cũ bởi tác động từ tâm lý sợ thay đổi, không ít trường hợp chọn lấy vế thứ hai dù chờ đợi họ là hàng tá rủi ro về nhận thức thương hiệu.

Đây không chỉ là vấn đề thường gặp tại thị trường Việt Nam, mà ngay cả thị trường thế giới cũng đã không ít lần chứng kiến thực trạng tương tự.

Còn nhớ trong nỗ lực tạo ra thiết kế logo mới cho thương hiệu Gap, nhưng “đề bài” là phải giữ lại ô vuông nền xanh quen thuộc. Đội ngũ thiết kế đã quyết định thu nhỏ ô vuông xanh lại, trước khi đổi luôn phông chữ được dùng cho wordmark Gap. 

Một thiết kế vừa mới mà vừa cũ, nhập nhằng giữa quá nhiều chi tiết đã khiến Gap nhận về không ít phản ứng tiêu cực của khách hàng. Kết quả chỉ sau chưa đến một tuần kể từ ngày ra mắt logo mới, thương hiệu Gap đã phải quay về với thiết kế cũ và ứng dụng nó cho đến hôm nay.

Gap phải nhận nhiều phản ứng tiêu cực vì đánh mất bản sắc khi thiết kế logo mới (ảnh: The Branding Journal).

Gap phải nhận nhiều phản ứng tiêu cực vì đánh mất bản sắc khi thiết kế logo mới (ảnh: The Branding Journal).

Lời kết

Tâm lý sợ thay đổi ban đầu chỉ tác động đến tâm lý và tinh thần con người ở dạng bản ngã, khiến chúng ta hài lòng với những hiểu biết và trải nghiệm đã cũ, tỏ ra e ngại khi được đề nghị hoặc có cơ hội trải nghiệm thêm những điều mới mẻ.

Tuy nhiên càng đi sâu vào phân tích và càng để cho bản thân bị tác động bởi tâm lý sợ thay đổi, rủi ro của hiệu ứng này ngày một rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Nó vẽ ra cho ta một lối mòn vô hình trong tiềm thức, khiến ta không chấp nhận những đổi mới dù biết rằng các giải pháp hay định hướng sẵn có rồi sẽ dẫn ta đi vào ngõ cụt.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Hy vọng bài viết đã giúp tất cả các bạn hiểu thêm hơn về tâm lý sợ thay đổi, đi từ bản chất giản đơn đến chiều sâu đáng ngại của hiệu ứng tâm lý nổi tiếng này. 

Từ đó nhanh chóng thoát khỏi tâm lý sợ thay đổi nếu có, hoặc đề phòng nó ngay từ những biểu hiện đầu tiên. Để không chỉ thương hiệu hay doanh nghiệp của bạn, mà đến cuộc sống thường ngày của cả gia đình cũng đạt đến hiệu suất và tiêu chuẩn tối ưu nhất.

Để hiểu hơn về tâm lý sợ thay đổi và thế giới kiến thức thương hiệu, củng cố kiến thức về xây dựng và quản trị thương hiệu, bạn đọc có thể kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Tâm lý sợ thay đổi có thể tác động đến ai

Tâm lý sợ thay đổi có thể xảy ra ở bất cứ hoàn cảnh, lĩnh vực và đủ sức tác động đến tâm lý của tất cả mọi người. Thậm chí nếu ai đó tự tin cho rằng, bản thân đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình nên tâm lý hết sức vững vàng, người đó lại càng dễ bị tác động và “điều khiển tâm trí" bởi tâm lý sợ thay đổi.

Biểu hiện của một người mắc tâm lý sợ thay đổi là gì

Người mang theo tâm lý sợ thay đổi không nhất thiết phải vượt qua cái tôi và bản ngã của chính mình, chỉ đơn giản là nếu đặt trên bàn cân thì họ “thà ở lại với những trải nghiệm cũ" thay vì chạy theo một trải nghiệm mới, một cảm giác hoàn toàn khác lạ. 

Bản chất của tâm lý sợ thay đổi là gì

Là hành động ngại thay đổi và làm mới bản thân hoặc những trải nghiệm bản thân đã từng trải. Tâm lý này thường thấy ở những nhân sự lâu năm của một doanh nghiệp nào đó, đang sẵn có vị trí ổn định cùng với mối quan hệ tích cực, thân thiết với các cộng sự và ban lãnh đạo.