Chiến lược marketing của Mercedes Benz ghi nhận sự đóng góp có hệ thống của tất cả các bộ phận và nhân sự công ty.
Xe ô tô châu Âu và xe ô tô đến từ Đức chính là hai phạm trù khó lòng tách rời, bởi khi kể tên các thương hiệu xe nổi tiếng của châu Âu, ta thường kể ra một loạt tên tuổi của Đức trong vô thức. Từ những dòng xe phổ thông như Opel, Volkswagen,… cho đến nhiều thương hiệu xe sang như Audi, BMW hay Mercedes Benz – có thể thấy rằng các thương hiệu Đức chiếm thị phần rất lớn trong thế giới xe châu Âu, buộc các thương hiệu đến từ Anh, Pháp hay Ý cùng chia nhau “miếng bánh nhỏ” còn sót lại.
Nhưng cần biết rằng chi phí để sản xuất một chiếc xe Đức ở thị trường nội địa là không hề thấp, chủ yếu do chi phí sử dụng lao động và phục vụ nghiên cứu phát triển còn tương đối cao. Chỉ trong khoản thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, chi phí nhân sự của ngành sản xuất xe cơ giới tại Đức đã tăng từ 50,8 triệu Euro lên gần 54,9 triệu Euro – nghĩa là tăng hơn 4 triệu Euro chỉ sau 12 tháng và cũng là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận.
Như vậy để xây dựng, duy trì cũng như phát triển năng lực cạnh tranh của thương hiệu mình, thì đòi hỏi các tên tuổi hàng đầu nước Đức phải xây dựng chiến lược marketing bài bản, khoa học và hướng đến tầm nhìn dài hạn. Không thể cứ làm một cách manh mún, mang tính thời điểm hay nhằm mục đích giải quyết vấn đề ngắn hạn như doanh thu, doanh số bán ra trên thị trường.
Nhờ có chiến lược marketing được xây dựng và phát triển hiệu quả, tỉ lệ chuyển đổi từ khách hàng mục tiêu trở thành khách hàng thật sự của các thương hiệu sẽ được cải thiện. Chúng ta đã nhìn thấy bài học đó ở thị trường Hàn Quốc vài năm gần đây. Nếu như trước những năm 2010, người Hàn chỉ chọn xe Kia hay Hyundai phần lớn vì tinh thần dân tộc thì giờ đã khác, xe của Toyota, Tesla hay thậm chí là Mercedes Benz đã xuất hiện nhiều hơn trên đường phố – được giới trẻ ở xứ Kim Chi tin tưởng và chi tiền để sở hữu.
Mercedes Benzz là một trong những thương hiệu xe nổi tiếng, xuất hiện trên khắp thế giới nhờ xây dựng được chiến lược marketing hiệu quả. Đây cũng là câu chuyện Vũ muốn phân tích, chia sẻ đến tất cả các bạn qua bài viết lần này với chủ đề: 3 ưu thế trong chiến lược marketing của Mercedes. Bài viết có những nội dung chính như sau:
- Chiến lược marketing của Mercedes Benz đã thay đổi như thế nào?
- Những ưu thế trong chiến lược marketing của Mercedes Benz.
- Tương lai của thương hiệu Mercedes Benz trên thị trường.
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Thay đổi gần đây trong chiến lược marketing của Mercedes
Nếu như trong phân khúc xe phổ thông, ta được nhìn thấy cuộc cạnh tranh giữa Toyota và tập đoàn Volkswagen suốt nhiều thập kỷ, thì BMW và Mercedes Benz cũng là hai tên tuổi như vậy trong thế giới xe sang. Trong quá khứ, nhiều năm liền BMW và Mercedes Benz đóng góp khoảng 40% doanh số bán xe trên toàn cầu – nghĩa là gần một nửa số xe ô tô bán ra đến từ hai thương hiệu này. Lẽ tất yếu, cả BMW và Mercedes Benz đều xem đối phương là thương hiệu cạnh tranh mà mình phải vượt qua.
Còn nhớ năm 2016 nhân kỷ niệm thương hiệu BMW tròn 100 tuổi, đội ngũ ngôi sao ba cánh đã gửi đến đối thủ lời chúc mang tính cà khịa như sau: “Cảm ơn BMW vì 100 năm cạnh tranh với nhau, 30 năm trước đó thật sự rất tẻ nhạt.” Ngụ ý của Mercedes Benz là BMW vẫn luôn xếp sau mình, khi Karl Benz và kỹ sư Gottlieb Daimler – hai nhà đồng sáng lập Mercedes Benz đã có những thành công đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô, thì BMW thậm chí còn chưa được ra đời.
Ở Đức có nhiều thương hiệu xe nổi tiếng, nhưng đầu những năm 2000 trở lại đây thì ba cái tên nổi bật nhất vẫn là Audi, BMW và Mercedes Benz. Audi với sự đầu tư và quan tâm dàn trải của công ty mẹ Volkswagen, dẫn đến thực trạng luôn “bị đuối” nếu phải so kè với BMW và Mercedes Benz. Thay nhau dẫn đầu trên các bảng xếp hạng doanh số hoặc mức độ nổi tiếng, không bất ngờ khi chiến lược marketing của Mercedes luôn xoay quanh vấn đề tự làm mới, đề cao giá trị của mình so với thương hiệu kia (và chiến lược của BMW cũng vậy).
Khách hàng mục tiêu của BMW và Mercedes Benz không giống nhau, ngôn ngữ thiết kế của hai thương hiệu cũng tương đối khác nhau. Trong khi BMW mô tả sản phẩm của mình là “cỗ máy lái xe tối tân”, với đường nét thiết kế phần lớn là hình thẳng, vát cạnh để tập trung chiều lòng những khách hàng cũng chú trọng cảm giác lái – sự phấn khích khi được ngồi phía sau tay lái thay vì tính thẩm mỹ bề ngoài. Mercedes Benz thì lại hướng đến khách hàng có phần đại chúng, không phân biệt giới tính, độ tuổi hay mục đích sử dụng thường ngày.
Vì vậy xe Mercedes những năm gần đây càng ngày càng trung tính trong đường nét thiết kế, chúng không còn được đóng khung là sản phẩm dành riêng cho các quý ông đứng tuổi, thành đạt và có vị trí nhất định ở trong xã hội nữa. Bất cứ ai cũng có thể sở hữu xe Mercedes, chỉ cần có đủ điều kiện tài chính và bị thuyết phục bởi thiết kế xinh đẹp, mỹ miều đúng như tên gọi của thương hiệu trong tiếng Tây Ban Nha – vẻ đẹp yêu kiều và đầy duyên dáng.
Dễ nhận thấy là sản phẩm của Mercedes Benz bắt đầu có dấu ấn quan trọng trong định hướng truyền thông, cách quảng bá thương hiệu và cả chiến lược marketing của đội ngũ thương hiệu nước Đức. Nếu trong giai đoạn cuối thập niên 50, đầu những năm 60 khi sản phẩm của Mercedes Benz là một thể độc lập, tách rời khỏi chiến lược marketing với tư duy thiết kế của Bruno Sacco – người đứng đầu nhóm thiết kế công nghiệp của Mercedes Benz giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20.
Giai đoạn đầu những năm 2000 trở lại đây lại là một Mercedes Benz rất khác, tươi mới hơn và khởi sắc hơn trong cách xây dựng chiến lược marketing. Nhờ có sự xuất hiện của Ola Kallenius – người đầu tiên trong lịch sử cùng lúc đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tập đoàn và Tổng giám đốc của Mercedes Benz khi chưa nhập tịch Đức (Ola Kallenius chỉ vừa nhập tịch Đức hồi tháng 7/2023).
Ola Kallenius sinh ra và lớn lên ở Thuỵ Điển, cũng như nhiều cậu bé châu Âu ở thời điểm đó, Ola có ước mơ sau này được cầm lái một chiếc Mercedes Benz “bóng bẩy và sang trọng.” Ông tốt nghiệp cử nhân trường Kinh tế Stockholm ở quê nhà, trước khi hoàn tất chương trình cao học khoa Quản trị quốc tế của Đại học St. Gallen (Thuỵ Sĩ).
Kể từ năm 1993, ông liên tiếp đảm nhận các vị trí quản lý tại Daimler AG – tiền thân của Mercedes Benz ngày nay. Năm 2013, Ola Kallenius được bổ nhiệm vào ban điều hành của Mercedes Benz Cars và chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng. Chỉ hai năm sau đó, ông được thăng chức để trở thành thành viên của nhóm quản trị tập đoàn, cũng là người trẻ nhất từng được bầu vào vị trí này khi vừa bước sang tuổi 45.
Trong một buổi phỏng vấn để trả lời về xu hướng marketing hiện đại, Ola Kallenius đã chia sẻ như sau: “Mọi người có xu hướng nói quá nhiều về kỹ thuật số, nhưng quên mất những kết nối cảm xúc giữa người với người. Hãy nhìn các thương hiệu xa xỉ như Hermès và Louis Vuitton, họ vẫn kiên trì xây dựng những cửa hàng trưng bày tuyệt đẹp – nơi khách hàng dễ đi đến quyết định tiêu dùng vì vẫn còn đó những kết nối cảm xúc.”
Theo quan điểm của Ola, chiến lược marketing phải được xây dựng và triển khai đồng loạt bởi nhiều bộ phận, đội ngũ nhân sự khác nhau trong công ty – với mục đích sau cùng là tạo ra trải nghiệm khách hàng hoàn hảo, đúng với tôn chỉ của những thế hệ sáng lập và nhà lãnh đạo đi trước: “The best or nothing – Làm điều tuyệt nhất hoặc không làm gì cả.”
Nhiệm vụ của chiến lược marketing là giúp khách hàng thấu hiểu, hài lòng với thông tin được chia sẻ từ đội ngũ thương hiệu – trước khi họ quyết định mua, trong lúc họ đang chọn mua và cả sau đó khi họ mang sản phẩm về nhà. Thay vì đóng vai trò là nhà sản xuất hay người kinh doanh đơn thuần, mỗi thành viên trong đội ngũ cần trở thành người “chia sẻ và thông tin đến khách hàng” một cách trọn vẹn, giàu tâm huyết nhất có thể.
Trước thời của Ola, thương hiệu Mercedes Benz từng có một câu slogan khác nổi tiếng không kém, đó là “Unlike Any Other – Không giống với bất cứ chiếc xe nào khác.” Câu slogan này cũng được dùng trong một chiến dịch marketing ở những năm 2009, 2010 khi thế giới vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng tài chính.
Vì không giống với bất cứ chiếc xe nào khác, nên xe Mercedes Benz có thể trở thành sự lựa chọn hoàn hảo của bất cứ ai. Từ một doanh nhân thành đạt, nhà hoạt động giáo dục, nghệ sĩ sân khấu cho đến một vận động viên bóng rổ, ai cũng muốn trở thành chủ nhân của chiếc xe Mercedes Benz.
Nhưng “Unlike Any Other” không còn là câu khẩu hiệu phù hợp trong vài năm qua, khi nhà lãnh đạo Ola Kallenius không muốn đội ngũ của mình quá tập trung vào giá trị của sản phẩm – mà bỏ qua các yếu tố về tinh thần, cảm xúc và trải nghiệm của khách hàng nữa. Thay vào đó, best customer experience – trải nghiệm khách hàng tuyệt vời nhất là cụm từ mà Ola thường xuyên nhắc đến.
Để mang đến trải nghiệm khách hàng tuyệt vời nhất, dĩ nhiên cần có công sức của tất cả bộ phận và nhân sự công ty – chứ không chỉ là sự cố gắng của riêng đội ngũ marketing, hoặc chỉ cần sản phẩm có chất lượng tốt là sẽ đạt được. Ola Kallenius đã nhiều hơn một lần, lấy hình ảnh thương hiệu Apple để chứng minh cho đội ngũ nhân sự của ông.
Apple thường mô tả nhân viên bán hàng của mình là những “product genius – thiên tài sản phẩm.” Họ không đóng vai trò của một nhân viên bán hàng bình thường, mà có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tư vấn đến khách hàng một cách hiệu quả.
Khách hàng của Apple thường rất thoải mái khi bước chân vào cửa hàng, đồng thời sẵn sàng trò chuyện và chia sẻ với đội ngũ nhân viên tại đây. Khách hàng của Apple cũng rất vui vẻ khi giao dịch với các bạn nhân viên, thậm chí “tự nguyện” mua thêm sản phẩm này, phụ kiện kia mà chưa cần nhân viên phải gợi ý hay lôi kéo. Đây là vai trò chưa từng có ở các thương hiệu hay đại lý kinh doanh xe ô tô trước kia, và Mercedes Benz đang cố gắng để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh của mình.
Những ưu thế trong chiến lược marketing của Mercedes
Với tham vọng đưa chiến lược marketing của Mercedes lên một tầm vóc mới, vượt xa những gì các thương hiệu cạnh tranh đang làm được, ông Ola Kallenius đã cùng với các cộng sự của mình xây dựng bộ tiêu chuẩn có tên gọi The Mercedes Way – hiểu nôm na là xây dựng chiến lược marketing theo cách của Mercedes Benz.
Trong cuốn sách Driven To Delight – cũng nói đến câu chuyện The Mercedes Way, tác giả Joseph Michelli đã chia sẻ như sau: “Điểm mạnh lớn nhất cũng chính là điểm yếu lớn nhất của Mercedes Benz. Chất lượng của những chiếc xe do họ tạo ra – xét ở góc độ kỹ thuật và máy móc là rất ấn tượng, đến nỗi suốt nhiều thập kỷ chẳng có một vụ tai tiếng nào về chất lượng sản phẩm.”
Nhưng thành công về chất lượng cũng tạo ra sự tự mãn trong cách làm việc của đội ngũ này, họ khó có thể thay đổi quy trình hay tiêu chuẩn truyền thống để bắt kịp các xu thế, yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng hiện đại. Nhiều năm liền, đội ngũ Mercedes Benz tự tin với những chiếc xe họ tạo ra đến mức, lơ là chuyện đầu tư cho trải nghiệm khách hàng cùng với chất lượng dịch vụ. Đó là điều đội ngũ nhân sự dưới thời Ola Kallenius đang cố gắng thay đổi, thông qua 3 ưu thế trong chiến lược marketing của Mercedes Benz.
Cân bằng giữa cảm xúc và lý tính
Trong chiến lược marketing của Mercedes, hai yếu tố quan trọng nhất đó là câu chuyện và thái độ – giúp chinh phục đồng thời cảm xúc và lý trí của khách hàng. Theo quan điểm của nhiều người, khách hàng trẻ hiện nay không quá quan trọng các yếu tố cảm xúc. Họ có đủ tiềm lực tài chính nhờ thế hệ đi trước, có đủ những sự lựa chọn để sử dụng lý trí trong quá trình cân nhắc, chọn mua một sản phẩm bất kì.
Nhưng những con số thì không biết nói dối, theo khảo sát khách hàng trẻ tuổi có mức độ gắn bó với thương hiệu bằng cảm xúc cao hơn 58% – so với khách hàng lớn tuổi. Bên cạnh đó, 68% giao dịch thẻ tín dụng đến từ nhóm khách hàng có kết nối cảm xúc với thương hiệu, khách hàng có nhiều kết nối cảm xúc cũng mang đến giá trị cao hơn 52% – so với khách hàng chỉ đơn giản là hài lòng với chất lượng sản phẩm.
Tính cạnh tranh trong thế giới marketing đang ngày một phức tạp hơn, đòi hỏi các đội ngũ thương hiệu phải chinh phục khách hàng trên cả hai phương diện – trái tim và tâm trí của họ. Với chiến lược marketing của Mercedes Benz, đội ngũ thương hiệu nước Đức luôn tìm cách đến gần hơn với nhóm khách hàng trẻ tuổi – những người cũng theo đuổi sự cân bằng giữa công nghệ, kỹ thuật số với các yếu tố cảm xúc đặc biệt.
Điển hình như Mercedes Me – ứng dụng được thương hiệu Mercedes Benz phát triển, sử dụng trên các thiết bị di động và có kèm theo Mercedes ID của mỗi chủ xe. Dựa trên hệ thống dữ liệu và nghiên cứu tình huống giao thông do đội công nghệ thông tin xây dựng, Mercedes Me có thể thông báo đến chủ xe tình trạng bảo dưỡng, các chi tiết linh kiện cần được kiểm tra, tình trạng giao thông của tuyến đường sắp đi qua, thậm chí là những điểm đến thích hợp cho chuyến đi của chủ xe Mercedes.
Sử dụng công nghệ nhưng không bỏ qua các giá trị cảm xúc, đó là cách thương hiệu Mercedes Benz chinh phục thêm nhiều khách hàng trẻ. Lượng thông tin về dữ liệu cá nhân, thông tin sản phẩm hay tình trạng giao thông đã và đang phát triển suốt nhiều năm qua, đội ngũ Mercedes Benz muốn tận dụng nguồn tài nguyên đó để tập trung chiều chuộng, chinh phục khách hàng bằng nền tảng cân bằng giữa cảm xúc và lý tính.
Không chỉ là người bán hàng
Áp dụng định hướng “product genius – thiên tài sản phẩm” của Apple, đội ngũ bán hàng/nhân viên kinh doanh của Mercedes Benz cũng không sắm vai một người bán hàng đơn thuần – nghĩa là chỉ tiếp nhận thông tin, tư vấn sản phẩm và ký hợp đồng mua bán, bàn giao sản phẩm.
Đội ngũ kinh doanh của Mercedes Benz phải là những người am hiểu về xe, sẵn sàng chia sẻ đến khách hàng như một người bạn tâm giao và quan trọng hơn hết, tất nhiên phải có niềm đam mê đủ lớn với xe cộ. Đã qua rồi cái thời nhân viên kinh doanh xe như những “bình hoa di động” đúng nghĩa, ít nhất là tại các đại lý và địa điểm bán hàng, trưng bày sản phẩm của Mercedes Benz.
Ban lãnh đạo của thương hiệu nước Đức có thể dùng công nghệ để thuyết phục, chinh phục niềm tin của khách hàng mục tiêu, nhưng đồng thời cũng chạm đến các kết nối cảm xúc thông qua hoạt động tư vấn bán hàng, chia sẻ thông tin ngay tại điểm bán trực tiếp. Cũng như cách Apple hay nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton không ngừng phát triển các hoạt động ngay tại điểm bán – dù việc mua một chiếc iPhone, iPad hay túi da hàng hiệu qua nền tảng online đã trở nên phổ biến hơn xưa.
Quan điểm của Ola Kallenius cùng các cộng sự là rất rõ ràng: bạn không thể làm marketing tốt nếu chỉ có một mình. Từ nhiều bộ phận khác nhau của công ty như đội ngũ kinh doanh, truyền thông, IT hay thiết kế công nghiệp – tất cả phải phối hợp cùng nhau để xây dựng hành trình khách hàng trọn vẹn, trau chuốt nhất. Đúng với tinh thần “the best or nothing – làm điều tuyệt nhất hoặc không làm gì cả.”
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Hamburg xa xôi đến Thượng Hải cách đó hơn 7 ngàn cây số – hàng trăm nhân viên bán hàng mới của Mercedes Benz cứ mỗi tháng, mỗi quý lại được tham gia quy trình đào tạo để trở thành những “product genius” đích thực. Mối quan hệ một – một giữa khách hàng với nhân viên bán hàng là điều ban lãnh đạo Mercedes Benz luôn tin tưởng, ứng dụng và đòi hỏi đội ngũ nhân sự của mình nghiêm túc thực hiện.
Lợi thế “made in Germany”
Nếu nhìn vào cách phân bổ và cơ cấu mô hình sản xuất thì xe ô tô sẽ có khác biệt lớn – khi so sánh với nhiều ngành hàng khác chẳng hạn như đồ công nghệ, trang phục thể thao hay hàng hoá tiêu dùng. Với đặc tính của sản phẩm và quy trình hoàn thiện, các thương hiệu xe ô tô thường không phó mặc chuyện sản xuất cho một quốc gia hay thị trường nào độc lập.
Với Mercedes Benz nói riêng và hầu hết các thương hiệu xe Đức nói chung, họ vẫn phát triển tốt quy trình cùng chất lượng sản xuất trong thị trường nội địa. Lấy ví dụ tập đoàn danh tiếng Volkswagen có trụ sở chính tại Wolfsburg, phải có đến hơn 90% người dân ở đây đi xe Volkswagen (nếu không muốn nói là toàn bộ), và ít nhất 1/3 cư dân sinh sống ở thành phố này đang làm việc cho nhà máy của Volkswagen. Dĩ nhiên, các thương hiệu xe Đức cũng làm rất tốt trong mô hình và cơ cấu sản xuất tại thị trường nước ngoài.
Điều này khác xa việc bạn sử dụng một chiếc iPhone, iPad và gần như chắc chắn chúng được sản xuất ở Trung Quốc. Trong khi các mặt hàng thời trang nhanh, trang phục thể thao thì được gia công tại nhiều quốc gia có chất lượng lao động vừa phải, chi phí lao động thấp chẳng hạn như Bangladesh, Pakistan,…
Nhờ tính chất và ưu thế sản xuất đặc thù đó, thương hiệu Mercedes Benz cùng nhiều tên tuổi xe Đức có thể củng cố một nhận thức tích cực trong tâm trí khách hàng – rằng xe Mercedes luôn được sản xuất tại Đức, hoặc ít nhất mang trên mình những tiêu chuẩn nhất định dù được gia công, lắp ráp ở một lãnh thổ khác ngoài Đức. Tâm lý này giống với người Việt Nam khi phần lớn thích dùng iPhone có mã LL/A (thị trường Mỹ) hoặc chê bai, hạn chế sử dụng các mặt hàng gia dụng có dòng chữ “made in China.”
Đội ngũ truyền thông, marketing của thương hiệu nước Đức cũng khai thác triệt để ưu thế “made in Germany” – trong các ấn phẩm và sản phẩm tiếp thị của mình. Dĩ nhiên rồi, khi một khách hàng muốn tìm kiếm hay sở hữu một chiếc xe có hiệu suất cao, công nghệ vượt trội đi kèm chất lượng vượt thời gian, chẳng có lựa chọn nào tối ưu hơn xe Đức một khi bỏ qua các cân nhắc về mặt tài chính.
Tương lai của thương hiệu Mercedes Benz trên thị trường
Khách hàng của Mercedes Benz trong quá khứ, hiện tai và tương lai dĩ nhiên vẫn là những người hướng đến sự sang trọng, đẳng cấp cả trong thẩm mỹ lẫn chất lượng sản phẩm. Họ là những người yêu thích các trải nghiệm khác biệt, vượt trội mà không phải một mẫu xe nào khác cũng có thể mang lại – dù có nằm trong cùng phân khúc giá hay không.
Trong quá trình chuyển đổi chuỗi sản phẩm của mình sang thiên hướng công nghệ, kỹ thuật số để mang lại nhiều trải nghiệm khách hàng khác biệt, thương hiệu Mercedes Benz luôn là những người dẫn đầu về công nghệ và mức độ can thiệp của xe lên từng thao tác, hành động sử dụng hằng ngày của khách hàng – đặc biệt là người ngồi sau vô lăng.
Bên cạnh nỗ lực không ngừng nâng cấp, cải thiện công nghệ tự hành trên xe của mình (hiện tại đã đạt đến cấp độ 3), Mercedes Benz còn đang thúc đẩy hệ điều hành của riêng họ – MB.OS và nỗ lực phát triển thêm EQXX, giúp nâng cao hiệu suất cùng phạm vi hoạt động của xe điện lên vị thế mới. Theo như chia sẻ của ông Markus Schafer – Giám đốc công nghệ của công ty:
Chiến lược của chúng tôi là phát triển dựa trên hệ điều hành riêng và hệ thống truyền động khác biệt của dải sản phẩm xe điện, thông qua danh mục cùng kiến trúc sản phẩm ngày càng hiện đại hơn.
Như vậy có thể khẳng định dù trên các phương tiện truyền thông, quảng cáo và xây dựng chiến lược marketing hay trong quá trình nghiên cứu, sản xuất và phát triển sản phẩm, sự hiện đại và công nghệ cao trong khi hiệu suất xe vẫn được đảm bảo, cải tiến liên tục chính là tầm nhìn tương lai của đội ngũ đến từ nước Đức.
Xin chân thành cảm ơn,