Bài viết này không hợp với những ai tôn sùng triết lý quản trị đổi mới và không có biên giới cho sức sáng tạo của người Mỹ.

Với định hướng tạo ra sự khác biệt và không ngừng làm mới những khái niệm đã cũ, Vũ không muốn nhắc lại một khái niệm hay câu nói nào đó trong quá nhiều bài viết của mình. Tuy nhiên với chủ đề là triết lý quản trị của người Đức, Vũ muốn trích dẫn lại câu nói mà mình từng viết trong bài chia sẻ về Chiến lược thương hiệu BMW:

Không ai có thể chạm đến sự hoàn hảo, nhưng cầm lái một chiếc BMW là đang đến gần với sự hoàn hảo hơn bao giờ hết.

Câu nói này không chỉ đúng với bản sắc và chiến lược phát triển của thương hiệu BMW, mà nó còn thể hiện tinh thần công nghiệp, nỗi ám ảnh với sự hoàn hảo của người Đức trong lao động và sản xuất. Những nhà quản trị người Đức cũng không phải ngoại lệ, cầu toàn chính là từ chính xác nhất khi muốn mô tả về thái độ và phong cách quản trị của họ.

Baiviet trietlyquantri

Dĩ nhiên mỗi người đều sinh ra dựa trên cơ chế sinh học thông thường ta đã được biết, nhưng tính cách con người lại được quyết định và vun đắp phần lớn bởi môi trường sống, môi trường giáo dục cũng như văn hoá đặc trưng của từng địa phương hoặc quốc gia. Phong cách quản trị nói chung và triết lý quản trị của người Đức nói riêng cũng vậy, được xây dựng rồi phần nào thay đổi theo thời gian bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Sau một thời gian nhìn nhận, cập nhật kiến thức thương hiệu và đặc biệt là nghiên cứu về triết lý quản trị của nhiều nhà lãnh đạo nước Đức, kết hợp với định hướng của Vũ rằng luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức miễn phí đến đúng người cần. Ngày hôm nay Vũ sẽ gửi đến các bạn bài viết có chủ đề Triết lý quản trị của người Đức, từ đó nhìn thấy điểm khác nhau so với nhiều phong cách quản trị đến từ các quốc gia khác.

Kết quả của bài viết này không nhằm mục đích ca ngợi hoặc hạ thấp bất cứ triết lý quản trị nào, dù chúng đến từ nhiều quốc gia và nền văn hoá vô cùng khác biệt. Bài viết có sử dụng một số nhận định đến từ các chuyên gia quản trị học hàng đầu châu Âu, trong đó có cả những nhà quản trị đang sinh sống và làm việc tại Đức. Nhằm củng cố tính xác thực, minh bạch và có cơ sở cho các lập luận của đội ngũ tại Vũ.

⇒ Xem thêm: Quản trị là gì, 3 yếu tố để trở thành nhà quản trị đúng nghĩa.

Khởi đầu cho triết lý quản trị của người Đức

Rất nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao từ một quốc gia chỉ còn lại đống đổ nát sau Thế chiến thứ hai, với sản lượng lương thực chỉ còn một nửa trong khi năng suất công nghiệp chỉ bằng một phần ba so với trước chiến tranh. Nước Đức chỉ sau vài thập kỷ đã vươn mình để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. 

Theo thống kê Đức chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để hiện tại là nước có nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Họ cũng là nước xuất khẩu lớn thứ ba toàn cầu và là nền kinh tế hưng thịnh nhất châu Âu, dù tác động từ đại dịch Covid 19 lên người dân cũng như nền công nghiệp của quốc gia này là không hề nhỏ. Câu trả lời đều nằm ở triết lý quản trị và quan điểm điều hành kinh tế của những nhà quản trị người Đức.

bmw

BMW là một biểu tượng cho triết lý quản trị của người Đức (ảnh: Top Gear).

Có một xu hướng tâm lý thường gặp là những người thoát khổ, vươn lên thành đạt từ một quá khứ nghèo khó đầy thử thách, họ thường chi tiêu và quản lý tài chính rất cẩn trọng dù đã trở nên dư dả hơn trước. Nói một cách ví von là những người này bị ám ảnh bởi cái nghèo, sợ một ngày phải quay lại quá khứ nghèo khó nên việc họ cẩn trọng hơn, thậm chí có phần khắt khe hơn trong chuyện quản lý tiền bạc cũng là điều dễ hiểu.

Người Đức nói chung và nhà quản trị nước Đức nói riêng cũng là một trường hợp tương tự. Chiến tranh trong quá khứ không chỉ chứng kiến những toà nhà, những công trình kiến trúc đương đại của nước Đức bị dội bom theo đúng nghĩa đen. Người Đức còn phải chứng kiến nền kinh tế lấy công nghiệp làm trọng điểm bị “dội bom” nghĩa bóng thời hậu chiến. 

Vì vậy trái ngược với Mỹ, Anh hay nhiều cường quốc khác có sẵn ưu thế công nghiệp, triết lý quản trị của người Đức tiến chậm mà chắc. Không quá sôi nổi, không quá linh hoạt và thậm chí tốc độ phát triển nền kinh tế nói chung chậm đến mức, nhiều người sớm bị “đóng đinh” một quan điểm cho rằng nước Đức ngại thay đổi để tiến lên ở trên thương trường.

Người Đức và triết lý quản trị của họ sẵn sàng hi sinh thời gian cùng cái nhìn tiêu cực từ nhiều quốc gia khác, để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro kinh tế có thể xảy đến. Cho đến đầu thập niên 80, quản trị vẫn chưa được công nhận là một môn khoa học tại đất nước nằm trong nhóm 20 quốc gia có đông dân số nhất. 

Giai đoạn này nếu bạn bắt gặp một nhà quản trị đúng nghĩa trên đường phố Berlin, thì chắc chắn rằng người đó đã du học và có cơ hội tu nghiệp tại một đất nước khác. Mãi đến sau năm 1985, dưới sức ép của thay đổi kinh tế toàn cầu cùng nhu cầu có thật của tầng lớp trẻ tham vọng theo đuổi lĩnh vực quản trị, nhiều học viện và trường đại học tại Đức mới bắt đầu đưa vào giảng dạy bộ môn quản trị. Mở ra một thời kỳ mới nơi triết lý quản trị giúp phản ánh chính xác tinh thần và nền văn hoá nước Đức.

Triết lý quản trị của người Đức và mối quan hệ với cấp dưới

Hầu hết nhà quản trị người Đức thời kỳ đầu đều xuất phát từ dân kỹ thuật, thực tế này thậm chí đã bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19. Như trường hợp của ông Gottlieb Daimler – kỹ sư người Đức nổi tiếng đã góp công sáng lập nên thương hiệu Mercedes Benz, hay ông Franz Josef Popp – kỹ sư máy bay thời kỳ Thế chiến đã tạo dựng nên thương hiệu BMW về sau này.

gottlieb daimler

Gottlieb Daimler – hình mẫu triết lý quản trị và mối quan hệ với cấp dưới của người Đức (ảnh: Hall of Fame).

Thực tế này dẫn đến một đặc tính mà bạn chỉ có thể nhìn thấy tại các doanh nghiệp Đức, đó là nhân viên dưới quyền thường không đánh giá cấp trên bằng năng lực lãnh đạo của họ. Thay vào đó, nhà quản trị trước tiên phải là người vững vàng về kiến thức và năng lực kỹ thuật. Chỉ cần bạn trở thành nhà lãnh đạo với đầy đủ chuyên môn kỹ thuật, nhân viên cấp dưới người Đức sẵn sàng lắng nghe và tuân theo mọi chỉ thị của bạn.

Ngược lại nếu một nhà lãnh đạo vừa không phải là người Đức, vừa không có đủ kiến thức và năng lực kỹ thuật thì chắc chắn rằng, người đó sẽ chịu đựng hàng ngàn ánh mắt nghi ngờ cùng sự bất tuân mệnh lệnh bằng cách này hay cách khác. Lâu dần khiến cho mối quan hệ của nhà quản trị và nhân viên cấp dưới rơi vào trầm kha, hoàn toàn bế tắc.

Điểm sáng của đặc tính này đó là những nhà quản trị người Đức sẽ dễ dàng thống nhất, xây dựng nên công thức trao quyền nhất quán hơn bất cứ ai. Thay vì phải truyền đạt định hướng và rèn luyện năng lực cho cả một dây chuyền hoặc nhóm sản xuất, lãnh đạo người Đức chỉ chọn ra một hoặc một vài cá nhân có giàu năng lực kỹ thuật nhất trong tập thể. Sau đó truyền đạt ý tưởng để những “tinh hoa” này về làm việc lại với nhóm của mình.

Những nhân viên ưu tú nhất vì thế sẽ cảm nhận được sự tôn trọng, cùng với niềm tin tuyệt đối mà nhà lãnh đạo dành cho. Đội nhóm trong các dây chuyền sản xuất, vận hành bộ máy cũng được làm việc thoải mái hơn, không phải chịu đựng sự giám sát đến mức cực đoan của nhà quản trị.

Khi áp dụng triết lý quản trị nhất quán này, nhà lãnh đạo cũng không cần e ngại rủi ro bị nhân viên dưới quyền soi xét. Ông Keith Warburton – sáng lập công ty tư vấn về nhận thức và văn hoá kinh doanh toàn cầu từng nhận định:

Việc một người chia sẻ kiến thức họ biết đến người khác ở Đức không bị xem là khiếm nhã. Ngược lại, hành động này còn giúp nhà lãnh đạo nhận được sự vị nể, tôn trọng từ tất cả nhân viên cấp dưới của mình.

Thời gian quan trọng ra sao trong triết lý quản trị của người Đức?

Thời gian trong suy nghĩ và thế giới quan của người Đức đáng quý chẳng kém gì vàng ngọc, thậm chí trong một số trường hợp thời gian còn được họ dùng làm thước đo để bình phẩm, suy xét về tư cách đạo đức của mỗi con người. 

Một nhân viên có thể còn nhiều yếu điểm trong thái độ hay kỹ năng làm việc của mình, nhưng chắc chắn sẽ được cấp trên đánh giá cao chỉ cần người đó luôn đến công ty đúng giờ. Chất lượng sản phẩm của một đội ngũ hay dây chuyền sản xuất có những lúc không được như ý, nhưng thời gian hoàn thiện sản phẩm vẫn luôn là yếu tố quan trọng được mang ra đánh giá hàng đầu.

factory

Bên trong một nhà máy mang đậm dấu ấn triết lý quản trị của người Đức (ảnh: Reuters).

Bạn còn nhớ bài báo viết về tâm sự của một công dân Đức từng được mang ra bàn luận, phân tích sôi nổi hay không? Anh chàng này thắc mắc rằng tại sao nhiều nhân viên văn phòng người Việt, có thể đến công ty trễ giờ và thậm chí còn “sử dụng giờ công” để đi ăn sáng, uống cà phê cùng với đồng nghiệp. Rõ ràng là phong cách và triết lý quản trị của người Đức sẽ không cho phép điều tương tự xảy ra.

Nếu cấp dưới người Đức không đánh giá cao nhà lãnh đạo bằng năng lực quản trị của họ, thì triết lý quản trị của lãnh đạo cũng không đánh giá cao nhân viên “thường ở lại làm thêm giờ.” Trong quan điểm của nhà quản trị, người phải ở lại làm thêm giờ là những người không có năng lực quản lý thời gian. Lãnh đạo người Đức luôn kỳ vọng nhân viên của mình làm việc với hiệu suất cao trong ít giờ, thay vì làm việc trong nhiều giờ với hiệu suất thấp.

Triết lý quản trị của người Đức luôn nhắc nhở và khẳng định mạnh mẽ rằng, thời gian chính là tiền bạc, là nguồn lực của công ty và phải được mọi người trân trọng trong suốt quá trình làm việc.

Triết lý quản trị của người Đức khi đàm phán, thương thảo?

Triết lý quản trị ở Đức luôn đánh giá cao những buổi làm việc trực tiếp, những cuộc thương thảo “ba mặt một lời” hơn là những cuộc họp trực tuyến sơ sài. Vì vậy nên ưu tiên việc gặp gỡ trực tiếp cho dù đội ngũ của bạn có phải ngồi xe suốt một ngày, hoặc bay trên bầu trời trong nhiều giờ liền để kịp đến điểm hẹn với đối tác người Đức.

Khi gặp gỡ và tổ chức thương thảo, dù người Đức luôn học và có khả năng sử dụng tiếng Anh rất tốt, nhưng hãy luôn chuẩn bị một bản tiếng Đức cho tất cả hồ sơ hay tài liệu thuyết trình quan trọng. Đặc biệt khi lập luận của bạn được bảo chứng bằng những con số, thống kê hay nhận định từ một chuyên gia, hãy cẩn trọng và chắc chắn rằng bạn sử dụng tiếng Đức cho những nội dung đó.

applewatch 1

Triết lý quản trị của Đức rất xem trọng thời gian (ảnh: EFTM).

Nếu như bạn không phải là người cẩn trọng, cầu toàn và luôn chú ý đến từng tiểu tiết, vậy thì rủi ro bạn bị người Đức “chỉ điểm” là rất cao. Lãnh đạo người Đức rất bộc trực, thẳng thắn và chỉ ra ngay cái sai của người đối diện gần như ngay lập tức. 

Khác với văn hoá Á Đông thường sẽ suy nghĩ, cân nhắc trước khi góp ý hay phê bình một ai. Người Đức nghĩ rằng thẳng thắn chỉ ra sai sót của đối phương chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để đôi bên sớm đi đến mọi thoả thuận hiệu quả. Triết lý quản trị của người Đức chú trọng các con số cụ thể, từng con chữ nhỏ nhất và cả những sai sót dù lớn hay nhỏ thì họ cũng nhận ra ngay. Vậy người Đức có hoàn toàn khó tính và khắt khe hay không?

Câu trả lời là không, ngược lại theo đánh giá của một số cố vấn và học giả từng được dịp trao đổi, thương thảo với đối tác người Đức thì họ còn là những người khá dễ tính. 

Trong cuốn sách Một đời thương thuyết, tác giả Phan Văn Trường – Cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Pháp, người từng bay khắp trời Âu để làm việc và thương thảo với hàng trăm đối tác khác nhau đã chia sẻ:

Người Đức chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu về văn hoá hay đặc trưng của họ thì sẽ có cảm tình ngay, chẳng hạn như nói rằng tôi rất vui vì đã được uống bia ở Munchen trong một lễ hội mùa hè, không có loại bia nào tôi từng uống ngon hơn bia lần đó cả.

Người Đức sẽ rất vui và xen lẫn niềm tự hào khi nghe bạn nói như vậy, họ thậm chí sẵn sàng tặng bạn vé máy bay quay lại Munchen chỉ để cùng nhau uống bia. Tuy nhiên bạn đừng hỏi han quá nhiều về gia đình hay cuộc sống của họ trong vài lần gặp đầu tiên. Khác với người Ý hay người Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo người Đức thường không thoải mái khi phải chia sẻ chi tiết câu chuyện đời tư của mình.

Triết lý quản trị giữa thị trường cạnh tranh?

Người Đức luôn tin rằng sản phẩm tốt chính là nền tảng của một thương hiệu mạnh, định nghĩa sản phẩm tốt không chỉ đến từ chất lượng mà còn phải bao gồm quy trình tạo ra sản phẩm, cùng với năng lực đáp ứng các nhu cầu có thật từ phía khách hàng.

Nhiều nhà quản trị người Đức tỏ ra khó hiểu khi nhìn sang những nhà lãnh đạo đồng cấp ở Mỹ, họ không hiểu tại sao người Mỹ có thể hài lòng với chuyện ngồi rung đùi đếm tiền trong phòng lạnh, bỏ mặc mọi quy trình sản xuất và phục vụ khách hàng đang xảy ra ở phía ngoài cánh cửa. 

Triết lý quản trị của người Đức luôn buộc mỗi nhà quản trị phải thường xuyên ghé thăm, trao đổi trực tiếp ngay tại dây chuyền sản xuất và tạo ra tần suất đối thoại tích cực giữa nhân viên với nhà quản lý. Nhà quản trị người Đức luôn muốn tự mình đảm bảo rằng, đội ngũ của họ không ngừng dấn thân và luôn tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất trên thị trường.

Nói về tính cạnh tranh thì mỗi thương hiệu nước Đức đều có thể cạnh tranh sòng phẳng, công bằng với nhau trên thị trường. Nhưng triết lý quản trị của người Đức lại đề cao năng lực chiếm lĩnh thị phần mục tiêu, hơn là trở thành một tên tuổi vượt trội hay sở hữu tầm vóc vĩ đại ở trong nước. Vì vậy, mỗi thương hiệu sẽ tham vọng thể hiện năng lực và tạo ra sự khác biệt của riêng mình ở từng thị trường ngách khác nhau.

IMG 1577

Cuốn sách Một đời thương thuyết của tác gia Phan Văn Trường.

Các công ty của Đức rất coi thường sự cạnh tranh về giá – điều xảy ra như một lẽ thường tình ở nhiều công ty Á Đông. Người Đức luôn đề cao một khái niệm gọi là Leistungswettbewerb – nghĩa là cạnh tranh công bằng dựa trên thế mạnh mà mỗi thương hiệu là người giỏi nhất. Chẳng hạn như trong khi Mercedes Benz bán trải nghiệm đẳng cấp và hình ảnh sang trọng cho chủ nhân chiếc xe, thì BMW lại đầu tư công nghệ để theo đuổi việc trở thành hãng xe nổi tiếng với trải nghiệm cầm lái.

Triết lý quản trị của người Đức cũng không quá mặn mà với chuyện kiện tụng. Một phần vì mỗi công ty đều có những định hướng riêng biệt như đã đề cập ở trên, phần khác vì đặc thù văn hoá người Đức luôn săm soi, phán xét người đi kiện hơn những người bị kiện. Nghe có vẻ kì lạ và quái gở nhưng đó cũng là một thực tế có phần tích cực của nhiều công ty Đức.

Đặc tính này giúp nhiều doanh nghiệp trút bỏ gánh nặng phải đầu tư tiền bạc, nguồn lực cho đội ngũ hành pháp của riêng mình. Lấy số liệu thống kê trực quan nhất là khi so sánh với Mỹ. Nước Đức có dân số bằng một phần ba so với Mỹ, GDP cũng bằng một phần ba nước Mỹ nhưng tổng số luật sư hành nghề chính thức chỉ bằng 1/20 so với chính quyền Washington.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp Đức với chính phủ

Triết lý quản trị của người Đức xem trọng sản phẩm thứ nhất, chất lượng dịch vụ thứ hai thì thứ ba chắc chắn phải là mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ. Bạn có thể không quan tâm những gì người khác nói về mình, nhưng nhiều doanh nghiệp Đức rất quan tâm những gì chính phủ nói về họ. 

Nếu bạn muốn làm việc và hợp tác tích cực với người Đức, vậy thì trước tiên hãy tập cách tôn trọng và phối hợp thật tốt với chính phủ nước họ. Đặc biệt quan tâm đến những chính sách, quy định và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mà chính phủ Đức đã ban hành. Chẳng hạn như DIN (Deutsche Industrie Normen) – Bộ tiêu chuẩn đánh giá nền công nghiệp nước Đức được xây dựng bởi nhóm cố vấn chính phủ.

quantriduc

Triết lý quản trị của người Đức còn được thể hiện qua mối quan hệ với chính phủ (ảnh: Flickr).

DIN được tạo dựng và phát triển từ phía chính phủ, nhưng bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tính công bằng và minh bạch của bộ tiêu chuẩn này. Bởi nó vận hành và được đánh giá, cập nhật thường niên bởi một bên thứ ba, đó là Hiệp hội quản lý các sản phẩm và thương hiệu nước Đức. Sự can thiệp vừa đủ này giúp cho các công ty Đức cùng nhóm đối tác của mình, có thể triển khai bất cứ ý tưởng sáng tạo nào ở ngoài thực tế, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá được chính phủ ban hành.

Lời kết

Triết lý quản trị của người Đức có thể tổng hợp lại thành những từ ngữ như Cầu toàn, Chính trực và Thấu hiểu nguồn lực của bản thân. Triết lý quản trị bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo chính là yếu tố tiên quyết để ngày nay, các thương hiệu xe của Đức chưa một lần rời khỏi nhóm những chiếc xe sang được ưa chuộng hàng đầu, hoặc cùng với Nhật Bản những mặt hàng gia dụng của Đức vẫn đang bán rất chạy trên phạm vi toàn thế giới.

Bản thân những nhà quản trị người Đức cũng xứng đáng được gắn nhãn Premium, nếu đánh giá dựa trên chất lượng làm việc cũng như lòng trung thành với doanh nghiệp chủ quản. Triết lý quản trị của người Đức tạo ra những nhà lãnh đạo dấn thân, sẵn sàng phát triển sự nghiệp cá nhân theo khuynh hướng chậm mà chắc.

Trước khi trở thành nhân sự cấp cao ở doanh nghiệp mình đang tận hiến, họ có lúc đã là những nhân viên thực tập, những nhân sự có tác động gần như vô hình đến kết quả kinh doanh của cả công ty. Nhưng suốt phần đời còn lại, họ sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp thay vì nhảy việc để chinh phục những thử thách mới, thượng tầng doanh nghiệp cũng thể hiện rằng họ luôn công tâm, sáng suốt và khách quan trong quá trình đánh giá năng lực của đội ngũ quản trị.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Hy vọng rằng bài chia sẻ lần này với chủ đề Triết lý quản trị của người Đức, đã giúp bạn có góc nhìn trực quan về tầm quan trọng của triết lý quản trị hiệu quả, các yếu tố giúp xây dựng thành công triết lý quản trị rồi áp dụng linh hoạt vào mô hình kinh doanh của chính mình.

Để hiểu hơn về triết lý quản trị doanh nghiệp, củng cố kiến thức về xây dựng và quản trị thương hiệu, bạn đọc có thể kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Tốc độ phát triển nền kinh tế của người Đức

Người Đức và triết lý quản trị của họ sẵn sàng hi sinh thời gian cùng cái nhìn tiêu cực từ nhiều quốc gia khác, để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro kinh tế có thể xảy đến. Cho đến đầu thập niên 80, quản trị vẫn chưa được công nhận là một môn khoa học tại đất nước nằm trong nhóm 20 quốc gia có đông dân số nhất. 

Vì sao triết lý quản trị của người Đức không có chỗ cho cạnh tranh về giá

Người Đức luôn đề cao một khái niệm gọi là Leistungswettbewerb - nghĩa là cạnh tranh công bằng dựa trên thế mạnh mà mỗi thương hiệu là người giỏi nhất. Chẳng hạn như trong khi Mercedes Benz bán trải nghiệm đẳng cấp và hình ảnh sang trọng cho chủ nhân chiếc xe, thì BMW lại đầu tư công nghệ để theo đuổi việc trở thành hãng xe nổi tiếng với trải nghiệm cầm lái.

Người Đức và triết lý quản trị của họ xem trọng thời gian như thế nào

Thời gian trong suy nghĩ và thế giới quan của người Đức đáng quý chẳng kém gì vàng ngọc, thậm chí trong một số trường hợp thời gian còn được họ dùng làm thước đo để bình phẩm, suy xét về tư cách đạo đức của mỗi con người.