Brand Platform không mang lại lợi ích trực tiếp cho quá trình xây dựng chiến lược như cách hiểu của nhiều người, mà bao quát hơn thế nó chính là nền tảng phát triển thương hiệu bền vững, tạo ra giá trị tích cực về lâu dài để đưa thương hiệu chạm đến những cột mốc to lớn hơn trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Hiểu được khái niệm Brand Platform cũng giống như việc bạn đang ngắm nhìn tổng thể một ngôi nhà ngay từ bên ngoài. Dựa trên hình ảnh ngôi nhà này, Vũ sẽ chia nhỏ các khái niệm liên quan đến xây dựng thương hiệu thành 3 tầng nghĩa khác nhau.
Brand DNA (Linh hồn thương hiệu): sau quy trình tổng hợp bộ dữ liệu xây dựng, Vũ sẽ xác định được Triết lý vận hành thương hiệu (Brand essence) để từ đó hình thành nên một khái niệm bao quát hơn – Brand DNA.
Brand Guidelines (Dữ liệu xây dựng thương hiệu): có thể gọi đây là một tổ hợp các chi tiết giúp làm nên kiến trúc hoàn thiện cho ngôi nhà, bao gồm tính cách thương hiệu, định vị thương hiệu, đặc tính thương hiệu,…
Brand Platform (Nền tảng thương hiệu): có độ bao phủ rộng nhất trong mọi khái niệm về xây dựng chiến lược, giúp doanh nghiệp tự kiểm soát quy trình xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Mỗi khái niệm thuộc bộ dữ liệu xây dựng thương hiệu cũng giống như những vật dụng cần thiết ở bên trong ngôi nhà. Vật dụng hay thiết bị nhà ở càng đầy đủ, hiện đại thì không gian sống lại càng thoải mái, tiện nghi hơn. Xây dựng chiến lược cho thương hiệu cũng giống như vậy. Có một bộ dữ liệu xây dựng càng đầy đủ, chi tiết thì đội ngũ phát triển càng có thêm cơ sở để sớm đưa thương hiệu đó lên vị trí hàng đầu thị trường.
Trong khi đó chúng ta lại thường nhầm lẫn giữa Brand DNA và Brand Platform. Đối với đại đa số người Việt, hai chữ “nền tảng” thường mang ngụ ý là bao quát hoặc làm nền móng cho sự phát triển của một khái niệm nào đó hoàn toàn mới. Còn ý nghĩa của “nền tảng” trong Brand Platform lại đóng một vai trò mang tầm vóc lớn lao hơn. Đó chính là cơ sở để quản trị xây dựng thương hiệu và đảm bảo chiến lược thương hiệu đang được tuân thủ tuyệt đối.
Lầm tưởng giữa Brand Platform và Brand Essence
Có một thực tế đáng buồn rằng không ít người lầm tưởng Brand Platform cũng đồng thời là Brand Essence (Triết lý vận hành thương hiệu). Tuy nhiên vai trò của triết lý thương hiệu dĩ nhiên không thể so sánh với nền tảng thương hiệu. Lấy một dẫn chứng điển hình của thương hiệu xe đến từ Thuỵ Điển Volvo.
Từng có giai đoạn mà hai chữ An toàn – Safety thường bị hiểu lầm chính là Brand Platform của Volvo. Trong khi đây chỉ là triết lý vận hành thương hiệu mà hãng xe đã theo đuổi kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. An toàn là thứ mà những kỹ sư của Volvo sẵn sàng đánh đổi với bất cứ một giá trị nào khác, để bảo vệ, phát triển và ứng dụng vào trong mỗi sản phẩm của mình.
Có thể khẳng định ngay An toàn chính là “nền móng” trong chiến lược thương hiệu của Volvo, nhưng rất khó để cho rằng đây là Brand Platform của hãng xe Thuỵ Điển.
Lầm tưởng giữa Brand Platform và Brand DNA
Nếu như Brand Essence không phải là một khái niệm mang tính bao quát, có thể dễ dàng phân biệt với Brand Platform nếu hướng sự tập trung vào cách mà hai khái niệm này đóng góp cho quá trình xây dựng chiến lược, vậy Brand DNA thì sao?
Brand DNA có cách dịch sát nghĩa tiếng Việt là vật chất di truyền của thương hiệu, nhưng ở Vũ chúng tôi định nghĩa Brand DNA dưới một góc nhìn gần gũi hơn – linh hồn thương hiệu. Bởi cũng giống như tâm hồn của một con người, linh hồn thương hiệu thể hiện ngay được tính cách, tầm nhìn, định hướng và cả những giá trị cốt lõi mà thương hiệu có thể mang lại.
Từ đó rút ra kết luận, Brand DNA chính là kết quả của sự kết hợp giữa bộ dữ liệu xây dựng thương hiệu và triết lý vận hành thương hiệu. Nhờ có linh hồn thương hiệu mà đội ngũ phát triển thương hiệu sẽ có được góc nhìn chính xác nhất về tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng hoạt động của mô hình kinh doanh trong tương lai. Trong khi đó Brand Platform lại đóng vai trò quản trị nhiều hơn, giúp mang đến tính thông suốt và nhất quán trong xây dựng chiến lược thương hiệu.
Từng bước xây dựng nên Brand Platform của thương hiệu
Hãy nhớ lại hình ảnh mà chúng ta đã cùng nhau nhắc đến ở phía đầu bài. “Hiểu được khái niệm Brand Platform cũng giống như việc bạn đang ngắm nhìn tổng thể một ngôi nhà ngay từ bên ngoài.”
Thật vậy, nếu như bộ dữ liệu thương hiệu giống như vật liệu xây dựng hay những món đồ cần thiết sử dụng trong gia đình. Trong khi linh hồn thương hiệu dễ làm chúng ta liên tưởng đến phong cách thiết kế nội thất của ngôi nhà. Thì nền tảng thương hiệu chính là lúc mà bạn đang ngắm nhìn không gian sống của mình trong tương lai, với góc nhìn tổng quát nhất trước khi bắt đầu quá trình nghiệm thu và bàn giao.
Chính vì thế Brand Platform đúng nghĩa phải giúp bạn có cơ hội quản lý, kiểm soát và vận hành được những yếu tố như sau:
Target Audience: truyền thông thương hiệu chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và thương hiệu với khách hàng tiềm năng, xác định đối tượng mục tiêu để biết rằng chiến lược thương hiệu mà mình đang xây dựng sẽ dành cho ai, hướng đến ai chính là bước đi quan trọng khi đề cập đến Brand Platform.
Brand Personality: sử dụng một mệnh đề ngắn gọn hoặc những tính từ dễ dàng chạm đến trái tim của người nghe. Trước là để thuyết phục người tiêu dùng tin rằng đây chính là thương hiệu mà họ nên trải nghiệm và gắn bó. Sau để tự thuyết phục chính đội ngũ của mình về những giá trị tốt đẹp mà sản phẩm hoặc dịch vụ sẵn có đang mang đến.
Tone of Voice: một sai lầm dễ thấy khi xây dựng chiến lược thương hiệu đó là sử dụng quá nhiều tông giọng khác nhau, đối với từng chiến dịch hay nội dung truyền thông khác nhau. Trong khi đây lại là phương tiện hữu ích để truyền thông thương hiệu và làm nổi bật lên những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn chia sẻ. Tông giọng giúp cho khách hàng có thể ngay lập tức biết đến thương hiệu, dù chưa cần nhìn thấy logo hay màu sắc biểu trưng của doanh nghiệp.
Brand Direction: nói đến Brand Direction là đang đề cập đến sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu. Tuy một mà hai, trong khi tầm nhìn thương hiệu giúp tạo nên định hướng phát triển của thương hiệu trong tương lai, thì sứ mệnh thương hiệu chính là những hành động cụ thể trong hiện tại để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Hai khái niệm luôn song hành cùng nhau và trở thành bộ đôi không thể thiếu trong quản trị thương hiệu.
Brand Essence: tại Vũ chúng tôi “Việt hoá” khái niệm này bằng một cụm từ vô cùng gần gũi – triết lý vận hành thương hiệu. Nhưng hãy hiểu Brand Essence theo cách đơn giản nhất, đó chính là điều mà doanh nghiệp và thương hiệu sẵn sàng đánh đổi với tất thảy mọi thứ để theo đuổi đến cùng. Đó có thể là tính tiện nghi, sự an toàn hay tính ứng dụng cao của sản phẩm trong thực tiễn.
Brand Extension: doanh nghiệp thường làm gì để chiếm lĩnh thêm thị phần? Câu trả lời nằm ở Brand Extension – Mở rộng thương hiệu. Tận dụng tài nguyên sẵn có là thương hiệu vốn đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường, doanh nghiệp có thể lấy đó làm nền tảng để phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới. Thông qua đó làm nên sự vững chắc của kiến trúc thương hiệu, giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Case Study – VOLVO (Brand Platform)
Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm một giải pháp xây dựng chiến lược và Brand Platform, vậy thì hãy thử tham khảo trường hợp đến từ hãng xe Thuỵ Điển Volvo. Đội ngũ xây dựng thương hiệu của Volvo luôn định hướng rằng, hãy tập trung vào những khái niệm đơn giản nhất và phát triển nó theo cách ít ai ngờ tới nhất, doanh nghiệp sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đồng thời tối ưu chi phí Marketing.
Target Audience
Volvo ngay từ đầu đã định hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi, mong muốn sở hữu một chiếc xe sang với ngập tràn những công nghệ hiện đại nhất. Nhưng đó phải là mẫu xe khác biệt hoàn toàn so với những chiếc Audi Q5 hay BMW X5 xuất hiện nhan nhản trên phố, nhằm phục vụ mục đích làm nên sự khác biệt và thể hiện cái tôi của nhóm đối tượng này. Đó là lý do vì sao mà những chiếc XC60 hay XC90 lần lượt ra đời và trở thành “cần câu vàng” của Volvo trên phạm vi toàn cầu.
Brand Personality
Sản phẩm của Volvo luôn gắn liền với những tính năng an toàn mới mẻ và hiện đại nhất, nhưng đó không phải là tính cách thương hiệu mà Volvo đang xây dựng hoặc muốn khách hàng của mình tập trung vào.
Thay vào đó, Volvo muốn hình ảnh thương hiệu của họ được ví von như một người đàn ông chân thành và đáng tin cậy. Hãng xe Thuỵ Điển không hề thốt lên những câu quảng bá viễn vông, càng không ba hoa về những tính năng hay công nghệ vốn không quá cần thiết trong trải nghiệm cầm lái hằng ngày. Volvo hiểu khách hàng của họ cần gì và hãng luôn quyết tâm để trở thành thương hiệu đáp ứng nhu cầu đó một cách tốt nhất.
Brand Essence
Có nhiều giá trị mà hãng xe Thuỵ Điển trong suốt chiều dài lịch sử gần một thế kỷ của mình đã luôn không ngừng theo đuổi, nhưng chỉ có An Toàn – Safety mới chính là thứ duy nhất mà đội ngũ của Volvo sẵn sàng đánh đổi với bất cứ điều gì. Không chỉ dừng lại ở dây đai an toàn ba điểm hay hệ thống hỗ trợ giữ làn và phanh tự động, Volvo theo đuổi tính an toàn trong mọi sản phẩm hay công nghệ của hãng, đến từng chi tiết nhỏ nhất và đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Năm 2015 Volvo mạnh dạn đưa công nghệ ghế trẻ em 360 lên vị trí ghế phụ – thay vì bố trí ở một trong hai vị trí hàng ghế phía sau theo truyền thống. Ghế trẻ em có tiện ích xoay 360 độ về phía hàng ghế thứ hai, tích hợp hộc chứa đồ dung tích cực lớn cùng với khả năng “đánh đu” để trở thành chiếc nôi tự động đúng nghĩa.
Công nghệ giúp cho các bậc phụ huynh hoàn toàn quên đi nỗi ám ảnh tự mình cầm lái chiếc xe yêu thích, trong khi con trẻ ngồi một mình phía sau mà không hề có người hay công cụ hỗ trợ trong những tình huống nguy cấp. Theo thống kê chỉ trong năm 2017 đã có 325 đứa trẻ tại Mỹ được cứu sống nhờ những sản phẩm ghế trẻ em hiện đại và đạt chuẩn, ở chiều ngược lại 37% các vụ tai nạn ô tô liên quan đến trẻ em có nguyên do cũng đến từ những công nghệ lỗi thời hoặc không trang bị các tiện ích bảo vệ hữu ích.
Lời kết
Brand Platform chỉ thật sự phát huy được tác dụng của nó một khi thương hiệu và doanh nghiệp đã thật sự hiểu đúng về khái niệm này. Sản phẩm có thể thay đổi theo từng ngày, thị hiếu khách hàng thậm chí còn có thể thay đổi theo từng giây, nhưng nền tảng thương hiệu thì không vì đó chính là cơ sở để xây dựng chiến lược thương hiệu đường dài.
Những câu hỏi thường gặp về Brand platform
Brand Platform là gì?
Brand platform là nền tảng phát triển thương hiệu bền vững, tạo ra giá trị tích cực về lâu dài để đưa thương hiệu chạm đến những cột mốc to lớn hơn trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Những bước xây dựng Brand platform?
1. Target Audience
2. Brand Personality
3. Tone of Voice
4. Brand Direction
5. Brand Essence
6. Brand Extension
Tại sao cần xây dựng Brand platform?
Brand Platform (Nền tảng thương hiệu): có độ bao phủ rộng nhất trong mọi khái niệm về xây dựng chiến lược, giúp doanh nghiệp tự kiểm soát quy trình xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Lầm tưởng giữa Brand Platform và Brand Essence?
Brand Essence chỉ là một thành phần trong Brand DNA, và Brand DNA là mô hình hỗ trợ Brand Platform.
Làm thế nào để xây dựng Brand platform?
Trước khi xây dựng Brand platform thương hiệu cần hiểu và xây dựng
- Brand DNA
- Brand Direction
- Brand Guidelines