Chiến lược nhân sự là một tài liệu kế hoạch tổng thể, mục tiêu của chiến lược nhân sự là đảm bảo đủ và đúng nhân sự, hỗ trợ hiện thực hoá chiến lược kinh doanh và đạt được sự hài lòng của đội ngũ nhân sự.

Nhân sự là điều kiện tiên quyết của mọi doanh nghiệp, xây dựng chiến lược nhân sự giúp doanh nghiệp định hướng các hoạt động tuyển dụng, đánh giá hiệu suất làm việc, đào tạo và lương thưởng, phúc lợi thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.

Chiến lược nhân sự là một chiến lược trong khung chiến lược kinh doanh, được tạo ra nhằm hỗ trợ và quản lý hiệu quả người lao động trong tổ chức, chiến lược nhân sự hiệu quả sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh khó bắt chước.

Vì vậy, chiến lược nhân sự là một kế hoạch mang tính dài hạn quy định các hoạt động liên quan tới tài nguyên con người trong toàn bộ tổ chức.

Chiến lược nhân sự = đủ nhân sự + sự hài lòng của nhân sự

Lược sử về khái niệm nhân sự

Chiến lược nhân sự

Robert Owen (trái) và Charles Babbage, nguồn ảnh: wiki

Khái niệm nhân sự được bắt đầu hình thành tại Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 19. Được đưa ra lần đầu bởi Robert Owen (1771-1858) và Charles Babbage (1791-1871) trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp của loài người. Robert và Charles đã đưa ra kết luận rằng nhân sự là yếu tố quan trọng với sự thành công của một tổ chức.

Robert và Charles cũng cho rằng hạnh phúc của đội ngũ nhân sự dẫn đến kết quả công việc tốt, nếu không có đội ngũ nhân sự khoẻ mạnh, tổ chức sẽ không thể tồn tại.

Chiến lược nhân sự

Bác sĩ tâm lý CS Myers, nguồn ảnh: wiki

Ảnh hưởng bởi sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn, bác sĩ tâm lý CS Myers (1873-1946) là người đặt những viên gạch đầu tiên cho “Phong trào các mối quan hệ con người (Human relations movement)”, lấy con người làm trung tâm, xem người lao động là những cá nhân riêng biệt, trân trọng những cảm xúc của họ chứ không phải là một mắt xích trong các dây chuyền sản xuất vô cảm.

Từ những năm 1900 các hoạt động nghiên cứu về “các mối quan hệ con người” đã được triển khai. Nhiều tổ chức nhận thấy rằng vật chất (tiền,thực phẩm…) không phải là động lực duy nhất giúp tăng sản lượng sản xuất.

Nhà tâm lý học Elton Mayo (1880-1949) được nhìn nhận là cha đẻ của phong trào “quan hệ con người”, ông đã chỉ ra rằng hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân sự bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, cách tương tác, văn hoá của con người với con người trong tổ chức.

Điểm qua lược sử về khái niệm nền tảng nhân sự cho chúng ta bài học rằng, hầu hết những nhà phát minh, xây dựng ra khái niệm nhân sự đều là những nhà tâm lý học, dựa trên các giá trị phổ quát về quyền con người, mà cụ thể là người lao động, chú trọng đến cảm xúc và giá trị tinh thần của người lao động.

5 giải pháp tạo dựng chiến lược nhân sự

Một trong những thành quả mà chiến lược nhân sự mang lại là tạo sự liên kết giữa mục tiêu kinh doanh và con người, có rất nhiều giải pháp xây dựng chiến lược nhân sự toàn cầu, trong khuôn khổ bài viết này, Vũ muốn chia sẻ 5 giải pháp tạo dựng chiến lược nhân sự 5 bước.

1. Đảm bảo có một chiến lược kinh doanh

Như đã chia sẻ từ đầu bài viết, chiến lược nhân sự là một nhân tố trong khung chiến lược kinh doanh, chiến lược nhân sự không thể xuất hiện nếu không có chiến lược kinh doanh. Chiến lược nhân sự được tạo dựng để hỗ trợ và hiện thực hoá chiến lược kinh doanh.

Điều này có nghĩa chiến lược nhân sự cần một đề bài từ chiến lược kinh doanh.

Chiến lược nhân sự

Hãy yêu cầu ban lãnh đạo chia sẻ chiến lược kinh doanh trước khi bạn xây dựng chiến lược nhân sự.

Ví dụ: nhằm tăng mục tiêu doanh số là XX, doanh nghiệp quyết định sẽ đầu tư vào dịch vụ chăm sóc khách hàng tại điểm bán, làm tăng chỉ số hài lòng của khách hàng, qua đó tăng tỷ lệ mua hàng lặp lại. 

Từ đây doanh nghiệp cần đào tạo, xây dựng một đội ngũ tư vấn, chăm sóc khách hàng tốt hơn tại điểm bá. Doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào việc tạo cảm xúc thoải mái, hạnh phúc cho khách hàng nhằm đạt được sự an tâm và tin tưởng cho những lần quay lại mua hàng sau.

Chiến lược nhân sự phải liên quan đến tất cả các bộ phận của doanh nghiệp. Được bắt đầu bằng việc thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, trên những dữ kiện đó, chiến lược nhân sự thiết lập các hệ thống, quy trình nội bộ và kế hoạch truyền thông có tác động tích cực và hỗ trợ các mục tiêu ngắn, dài hạn của doanh nghiệp.

Chỉ khi thực hiện như vậy, chiến lược nhân sự mới tạo ra những giá trị thúc đẩy nhân sự và doanh nghiệp thành công

– Shana Roy – 

2. Đặt mục tiêu

Chiến lược nhân sự

Chiến lược nhân sự cần có mục tiêu, mục tiêu đúng với thực tại và phù hợp với nguồn lực sẽ đảm bảo chiến lược thành công.

Trong bất kỳ chiến lược nào cũng vậy, bạn sẽ không thể tới đích nếu không biết cột mốc đó như thế nào. Vì vậy chiến lược nhân sự cần tạo ra mục tiêu

Thông qua các câu hỏi “thành công của chiến lược sẽ như thế nào?”, “những cột mốc, con số nào thể hiện được thành công?”.

Mục tiêu của chiến lược nhân sự dựa trên bốn nhân tố sau:

  • Văn hoá: chiến lược nhân sự sẽ giúp cải thiện, khắc phục, thay đổi hay lan toả những chuẩn mực đạo đức nào trong tập thể?
  • Bộ máy tổ chức: chiến lược nhân sự có tối ưu hoá các cấu trúc phân cấp trong tổ chức hay không? nếu có nó sẽ tối ưu hoá như thế nào? bản mô tả công việc, vai trò của những nhân sự cho từng vị trí mới sẽ ra sao?
  • Con người: chiến lược nhân sự sẽ được tạo ra để hỗ trợ, đào tạo, phát triển, giúp các thành viên trong tổ chức thành công và hạnh phúc như thế nào?
  • Hệ thống: chiến lược nhân sự sẽ quy chuẩn hoá các quy trình nhằm mục tiêu quản lý nhân tài như thế nào? từ tuyển dụng, đào tạo, lương thưởng và các phúc lợi khác?

Khi đã trả lời và liệt kê rõ các mục tiêu trong 4 nhân tố chính của một chiến lược nhân sự, đây là thời điểm bạn tạo ra những con số (KPI) có thể định lượng và đo lường được. 

Hãy cố gắng tạo một mục tiêu lớn (năm) và chia nhỏ những mục tiêu này thành những cột mốc (quý, tháng, tuần) để tiện cho việc theo dõi, đánh giá và hiệu chỉnh khi cần thiết.

3. Thảo luận với các bộ phận và yêu cầu hỗ trợ

Chiến lược nhân sự

Tìm kiếm sự hỗ trợ bằng việc gặp gỡ.

Chiến lược nhân sự cần sự hỗ trợ của toàn bộ tổ chức, chiến lược nhân sự là đòn bẩy tăng trưởng, thông qua việc hỗ trợ mọi bộ phận trong tổ chức.

Vậy nên chiến lược nhân sự sẽ không thành công nếu nó không giải quyết đúng nhu cầu và vấn đề của từng bộ phận. 

Đây là thời điểm nhà hoạch định chiến lược nhân sự làm việc với các bộ phận để thấu hiểu và đưa ra được KPI phù hợp với nhu cầu của từng bộ phận.

Hiểu đơn giản là chỉ cần gặp gỡ và hỏi rằng liệu qua năm bộ phận của anh/ chị có cần thêm nhân sự, để đáp ứng mục tiêu kinh doanh của tổ chức không? Hãy thể hiện mình là một người lắng nghe và chu đáo, bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ và khích lệ.

Bạn cũng nên phỏng vấn để tìm kiếm lý do và nhận danh sách những nhân sự tương lai sẽ cần có kỹ năng, kinh nghiệm như thế nào, hoặc yêu cầu các bộ phận xây dựng bản mô tả công việc chi tiết cùng danh sách yêu cầu dự kiến.

4. Tăng sự giao tiếp

Chiến lược nhân sự

Hãy cố gắng tạo nhiều buổi thảo luận để phát hiện vấn đề và nắm bắt đúng nhu cầu nhân sự.

Những nội dung trên cho thấy rằng một chiến lược nhân sự cần nhận được sự hỗ trợ và đồng lòng tại tất cả các bộ phận, tuy nhiên chiến lược nhân sự cần nhận được sự hỗ trợ thực sự mạnh mẽ

Nếu không được đặt trọng tâm và nhận được những sự hỗ trợ tích cực, chiến lược nhân sự có thể sẽ không hiệu quả nó không nắm bắt đúng nhu cầu về tuyển dụng trong tổ chức.

Người hoạch định chiến lược nhân sự tất nhiên là có khả năng xây dựng và tìm kiếm những ứng viên tuyệt vời, nhưng thực sự phải nhìn nhận rằng những cá nhân, bộ phận làm việc mỗi ngày sẽ có những yêu cầu, nội dung sát với thực tế hơn cả.

Để tận dụng tốt yếu tố thực tế vị trí của từng nhân sự, người hoạch định chiến lược nhân sự phải liên tục tạo ra các phương thức giao tiếp nhằm nhận được nhiều thông tin và xác định đúng nhu cầu.

Những phương pháp tăng sự giao tiếp tốt giữa người hoạch định chiến lược nhân sự và các bộ phận có thể kể đến như trò chuyện trực tiếp, phỏng vấn, bảng khảo sát hoặc tổ chức các buổi thảo luận nhóm.

5. Đo lường và hiệu chỉnh

Chiến lược nhân sự

Hãy cố gắng đảm bảo những dữ liệu của bạn được tập trung bằng cách chỉ theo dõi và tập trung vào những chỉ số quan trọng nhất.

Mọi chiến lược đều có những biến số, khi triển khai chiến lược nhân sự bạn cần theo dõi và liên tục cập nhật các chỉ số KPI nhằm quản lý tiến độ và mức độ thành công của chiến lược.

>> Xem thêm: Chiến lược là gì? tìm hiểu về 2 thành phần tạo nên một chiến lược

Việc theo dõi cũng cung cấp những vấn đề đề, thông tin mới giúp bạn nhanh chóng đưa ra những phương pháp xử lý, hiệu chỉnh chiến lược nhằm tăng hiệu suất.

Chiến lược nhân sự 5 giai đoạn

1. Xác định nhu cầu nhân sự trong tương lai

Xác định nhu cầu nhân sự của tổ chức trong tương lai thông qua việc trả lời những câu hỏi sau:

  • Chiến lược kinh doanh là gì?
  • Công ty sẽ cần bao nhiêu nhân sự để hiện thực chiến lược đó?
  • Những hoạt động chính của công ty là gì?
  • Loại hình văn hoá nào sẽ cải tiến công việc?
  • Những kỹ năng quan trọng với mô hình kinh doanh của công ty?
  • Những kỹ năng đó đang ở bộ phận nào? tổ chức đã khai thác chúng ra sao?
  • Công ty cần những hệ thống, quy trình mới nào không?
  • Quy mô của công ty?
  • Điều gì đảm bảo những nhân sự mới sẽ phù hợp với nhu cầu công ty?
  • Rủi ro có thể xảy ra? 

2. Xem xét khả năng nhân sự hiện tại

Hãy xem xét thực tế nhân sự hiện tại của công ty bằng cách đặt những câu hỏi sau:

  • Danh sách nhân sự trong cơ cấu tổ chức như thế nào?
  • Điểm mạnh, điểm yếu của nhân sự hiện tại là gì?
  • Điểm mạnh, điểm yếu của công ty?
  • Vấn đề nhân sự hiện tại nằm ở đâu?
  • Đâu là bộ phận hoạt động chính của công ty?
  • Văn hoá thương hiệu hiện tại như thế nào?
  • Suy nghĩ của số đông nhân sự về công ty là gì?
  • Mọi người có thực sự hiểu tầm nhìn và định hướng của công ty?

3. Xác định khoảng trống giữa nhu cầu tương lai và khả năng hiện tại

So sánh nhu cầu nhân sự trong tương lai và khả năng của nhân sự hiện tại và xác định ra những khoảng trống nhân sự. Xác định vùng trống bằng cách trả lời những câu hỏi:

  • Bộ phận mới đó cần bao nhiêu nhân sự?
  • Ai có thể giúp phân loại nhân sự trong các bộ phận đó?
  • Đâu là thời điểm các khoảng trống cần được lấp đầy?

4. Xây dựng chiến lược nhân sự

Mục tiêu của chiến lược nhân sự là đảm bảo không xuất hiện khoảng trống tại các vị trí nhân sự trong tổ chức, các hạng mục trong một chiến lược nhân sự có thể bao gồm:

  • Giới thiệu
  • Giải thích các khái niệm
  • Mục tiêu
  • Phương pháp luận
  • Giải pháp
  • Danh sách công việc
  • Bản mô tả các công việc
  • Chỉ tiêu đánh giá hiệu suất làm việc
  • Lương, thưởng
  • Đào tạo và phát triển
  • Văn hoá nội bộ
  • Bảo hiểm và phúc lợi
  • Những thách thức
  • Kết luận

Không phải các khoảng trống nhân sự đều có tầm quan trọng đến chiến lược như nhau, vì vậy chiến lược nhân sự cần đặt ra các ưu tiên và lộ trình để giải quyết.

5. Chia sẻ & giám sát chiến lược

Đây là thời điểm bạn chia sẻ chiến lược với ban lãnh đạo và những cá nhân có liên quan trong bộ máy nhân sự của công ty. Hãy trình bày với tâm thế tự tin nhưng cũng hãy lắng nghe mọi phản hồi.

Phòng nhân sự càng hiểu và càng ủng hệ kế hoạch thì họ càng tự tin để giúp chiến lược nhân sự thành công. 

Hãy luôn theo dõi và cập nhật chiến lược nhân sự, thông báo những thành công và những sửa đổi nếu có một cách tức thì.

Kết,

Bản chất của chiến lược nhân sự là quản lý tốt tâm lý của các thành viên trong tổ chức, sao cho đạt được sự hài lòng, hướng đến sự cống hiến của từ cá nhân, điều này sẽ đem đến kết quả kinh doanh vượt trội.

Chiến lược nhân sự xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn với việc lấy con người làm trung tâm và tôn trọng quyền của con người.

Xin cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Chiến lược nhân sự là gì?

Chiến lược nhân sự là một tài liệu kế hoạch tổng thể, mục tiêu của chiến lược nhân sự là đảm bảo đủ và đúng nhân sự, hỗ trợ hiện thực hoá chiến lược kinh doanh và đạt được sự hài lòng của đội ngũ nhân sự.

Tại sao cần chiến lược nhân sự?

Nhân sự là điều kiện tiên quyết của mọi doanh nghiệp, xây dựng chiến lược nhân sự giúp doanh nghiệp định hướng các hoạt động tuyển dụng, đánh giá hiệu suất làm việc, đào tạo và lương thưởng, phúc lợi thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.

Công thức của chiến lược nhân sự thành công?

Chiến lược nhân sự = đủ nhân sự cho công ty + sự hài lòng của đội ngũ nhân sự

5 giải pháp tạo dựng chiến lược nhân sự?

1. Đảm bảo có một chiến lược kinh doanh
/ 2. Có mục tiêu/ 3. Liên tục thảo luận / 4. Tăng sự giao tiếp /. 5. Đo lường và hiệu chỉnh

Bản chất của chiến lược thương hiệu?

Bản chất của chiến lược nhân sự là quản lý tốt tâm lý của các thành viên trong tổ chức, sao cho đạt được sự hài lòng, hướng đến sự cống hiến của từ cá nhân, điều này sẽ đem đến kết quả kinh doanh vượt trội.