Kỷ nguyên AI đang mở ra nhiều hướng đi mới cho các doanh nghiệp trên con đường xây dựng thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính nhất quán cùng nhận thức đúng đắn của đội ngũ doanh nghiệp về vai trò của thương hiệu. Thương hiệu không đơn giản là một thiết kế logo, một tên gọi cụ thể hay thông tin được in trên bao bì sản phẩm (hoặc các nền tảng dịch vụ và truyền thông quảng cáo).
Thương hiệu là nhận thức tích cực từ phía khách hàng – sau thời gian có cơ hội trải nghiệm, sở hữu và sử dụng sản phẩm do một doanh nghiệp cung cấp. Nhận thức tích cực có thể đến từ nhiều yếu tố, nền tảng và điểm chạm thương hiệu khác nhau, đi từ cảm xúc đến lý trí của mỗi khách hàng mục tiêu.
Có người phải tự mình cầm nắm, trải nghiệm sản phẩm hoặc tương tác trực tiếp với đội ngũ thương hiệu thì mới hình thành nhận thức tích cực. Nhưng cũng có người chỉ cần nghe kể, được khuyên hoặc vô tình nhìn thấy một vài thông điệp truyền thông của thương hiệu – phù hợp với tính cách và hệ giá trị của bản thân thì ngay lập tức bị thuyết phục. Hành trình chinh phục rồi xây dựng trải nghiệm khách hàng của mỗi thương hiệu không giống nhau, làm nên sự đặc sắc và tính chất muôn màu muôn vẻ của thế giới thương hiệu.
Ví dụ khách hàng mua xe Volvo vì ưu tiên tính an toàn. Họ sẵn sàng nhìn thấu một vài viễn cảnh mà hiếm người mua xe nào nghĩ đến, và chẳng có ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh như vậy – đó là những vụ tai nạn giao thông. Có thể gọi họ là những người bị overthinking (suy nghĩ nhiều) cũng được, miễn bản thân họ cùng với gia đình – thậm chí là những người cùng tham gia lưu thông an toàn là được. Một số khách hàng khác chọn mua xe vì thích thiết kế hiện đại, ưu tiên nhiều chỗ ngồi, hoặc đơn giản là sau này bán lại vẫn được giá.
Lý do sở hữu và sử dụng sản phẩm chỉ mới là một trong nhiều yếu tố tạo nên giá trị, tài sản và nhận thức tích cực của mỗi thương hiệu. Đáng buồn là trong khi nhiều thương hiệu và đội ngũ doanh nghiệp còn chưa làm ra sản phẩm tốt, thì đã vội nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu hay lan toả các giá trị, thông điệp ý nghĩa của mình một cách chóng vánh.
Họ nôn nóng, lo lắng vì thương hiệu cạnh tranh liên tục hoạt động trên các nền tảng truyền thông – từ truyền hình và báo đài chính thống cho đến các trang mạng xã hội. Họ dễ dàng hoảng loạn chỉ vì thương hiệu cạnh đã cập nhật những công nghệ mới, đổ thêm tiền vào các chiến dịch truyền thông hay kịp thời “bắt trend” nào đó đang nóng. Từ đây, các đội ngũ thương hiệu dễ quên đi tầm nhìn cùng với hệ giá trị sẵn có, để chạy theo các xu hướng xây dựng và phát triển thương hiệu mới nổi – chẳng hạn như việc sử dụng và không ngừng lạm dụng AI.
Vậy kỷ nguyên AI đang tác động như thế nào đến thế giới thương hiệu, liệu AI có thể và có nên thay thế cho con người trên hành trình xây dựng thương hiệu hay không? Đây là những câu hỏi mà Vũ sẽ phân tích, giải đáp đến tất cả các bạn thông qua bài chia sẻ lần này.
Mối quan hệ giữa AI với xây dựng thương hiệu
Để nhận thức đúng vai trò của AI cũng như mối quan hệ giữa AI với xây dựng thương hiệu, cần hiểu rằng vai trò và sức mạnh của AI so với công nghệ là hoàn toàn khác nhau. Nếu công nghệ xuất hiện và không ngừng phát triển để cuộc sống của con người dễ dàng hơn, diễn ra nhanh hơn thì sự xuất hiện của AI đã mở ra chương mới trong lịch sử nhân loại.
AI không chỉ “công nghệ hoá” hàng loạt thao tác có chủ đích của con người, nó còn tham gia vào quá trình xây dựng, đóng góp hay phát triển ý tưởng cùng với những khối óc tiên tiến nhất. Một trong những khả năng vượt trội của con người so với muôn loài vạn vật, chính là năng lực sáng tạo. Con vật không thể hiểu vì sao hai màu trắng đen hoặc những đường nét góc cạnh luôn làm nên sự sang trọng, chắc chắn và đáng tin cậy. Trong khi màu sắc sặc sỡ hay những đường nét bo tròn lại mang đến cảm giác dễ gần, tươi trẻ và giàu sức sống.
Con người chúng ta là những cá thể duy nhất sở hữu năng lực đó, đặc biệt là các nhà sáng tạo và thiết kế đồ hoạ – cho đến khi AI xuất hiện rồi dần chứng tỏ vai trò quan trọng trong thế giới thương hiệu. AI không chỉ xây dựng và đề xuất ý tưởng sáng tạo một cách độc lập, mà còn góp phần củng cố và bồi đắp năng lực sáng tạo của chính nhà thiết kế. So sánh với con người khi làm việc một mình, thậm chí là đang làm việc theo nhóm thì bản thân AI cũng sở hữu một vài khả năng ưu tú hơn.
Chẳng hạn như AI có thể làm việc đa nhiệm mà không ảnh hưởng đến hiệu suất của mỗi nhiệm vụ cụ thể – còn con người thì không. AI có thể rút ngắn thời gian chỉnh sửa thiết kế theo phản hồi, thay vì mất thời gian chỉnh sửa trên nhiều công cụ khác nhau như con người đang làm.
AI cũng “thiết kế sáng suốt và lý trí hơn” nhờ năng lực tổng hợp, ứng dụng dữ liệu người dùng để biết rằng yếu tố nào cần đưa vào, chi tiết nào nên hạn chế sử dụng – trong khi các nhà thiết kế thường để cho cảm xúc và chuyên môn của mình chi phối. Dẫn đến khả năng cao là thiết kế đầu tiên không được khách hàng yêu thích và “chốt đơn” ngay, mà phải trải qua thêm các bước phối hợp hiệu chỉnh. Như Vũ từng nhiều lần chia sẻ, tác phẩm thiết kế đã trải qua phản hồi và hiệu chỉnh thường mất đi tính chân phương, khác biệt mà nó vốn có.
Mối quan hệ của xây dựng, thiết kế thương hiệu với các công cụ và phần mềm AI thiết kế được cho là bắt đầu từ những năm 90 – thời điểm AI được sử dụng trong một số tác vụ cơ bản như thiết kế logo, pattern mà yêu cầu về chuyên môn không quá cao. Đến đầu những năm 2000, thuật toán học sâu Deep Learning – một phương pháp xây dựng lấy cảm hứng từ khoa học não bộ xuất hiện và giúp các phần mềm AI thiết kế chuyển mình. Một số công cụ phổ biến như Photoshop hay Illustrator dần xây dựng các tính năng, tiện ích mới trên nền tảng AI.
Sau khi AI giành chiến thắng trước con người khi chơi cờ vào thập niên 50, giải bài toán nhanh hơn con người vào thập niên 60, giai đoạn từ thập niên 70 cho đến cuối thế kỷ 20 không chứng kiến thêm bất cứ thành tựu AI nào nổi bật. Đến nỗi nhiều nhà văn và chuyên gia khoa học đã mô tả thời kỳ này bằng khái niệm “mùa đông AI.” Những gì xảy ra từ năm 2000 trở đi làm thay đổi hoàn toàn giai đoạn u ám trước đó.
Trong phạm vi của một bài chia sẻ kiến thức thương hiệu, chúng ta sẽ không đi quá sâu vào tính chất và cơ chế hoạt động của Deep Learning. Chỉ cần biết rằng hầu hết tiến bộ của AI hiện nay như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhận diện gương mặt và giọng nói đều đến từ sự đóng góp của thuật toán học sâu.
Đối với thiết kế hình ảnh, sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu hoàn chỉnh, sự tiến bộ của các phần mềm AI đang giúp cho quá trình làm việc được thu ngắn về mặt thời gian, tối ưu về mặt chất lượng và hạn chế phát sinh chi phí cơ hội cho một đội ngũ sáng tạo – vì không chọn nhầm các giải pháp làm hao tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc, mà vẫn không hiệu quả.
Nói như vậy cũng là cách để Vũ ngầm khẳng định, AI khó có thể thay thế con người ở lĩnh vực xây dựng thương hiệu – ít nhất là trong một tương lai đủ dài để chúng ta có thể nhìn thấy và kiểm soát tốt. Luận điểm này được Vũ chứng minh ở phần kế tiếp của bài chia sẻ.
Vì sao AI không thể thay con người xây dựng thương hiệu?
Không chỉ trong quá trình xây dựng thương hiệu, tiềm năng của AI trong nhiều lĩnh vực đời sống khác là không thể phủ nhận – nhưng cũng chính từ đó mà các cuộc tranh luận, phân bua về sức mạnh và khả năng lấn lướt của AI so với con người được mang ra mổ xẻ. Dĩ nhiên là trong hầu hết các trường hợp, phần thắng đã nghiêng về phía con người.
Trong lĩnh vực hàng không, câu chuyện cơ trưởng Sully quyết định hạ cánh xuống dòng sông để cứu nguy cho 155 người khác – bao gồm hành khách và cả phi hành đoàn vẫn được lưu truyền mạnh mẽ cho đến tận bây giờ. Tháng 1/2009, chuyến bay US Airways có số hiệu 1549 được điều khiển bởi cơ trưởng Sully Sullenberger, cơ phó Jeff Skiles khởi hành từ New York bay đến Bắc Carolina.
Chuyến bay dự kiến kéo dài trong 2 giờ đồng hồ, nhưng chỉ sau 15 phút cất cánh, chiếc máy bay Airbus đã va chạm với một đàn chim khiến cả hai động cơ hỏng hóc nghiêm trọng. Không kịp trở về sân bay nơi vừa mới cất cánh, máy bay được đài kiểm soát không lưu yêu cầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Teterboro gần đó. Nhưng với 40 năm kinh nghiệm cùng hơn 20 ngàn giờ bay, cơ trưởng Sully cam đoan rằng việc hạ cánh khẩn cấp với cả hai động cơ đã hỏng là hết sức rủi ro.
Khước từ lời đề nghị của đài kiểm soát không lưu, cơ trưởng người Mỹ đã quyết định hạ cánh xuống dòng sông Hudson ở ngay phía trước – với ý tưởng cho rằng các đội thuyền du lịch tập kết ở gần đó sẽ nhanh chóng tiếp cận và giải cứu toàn bộ hành khách, trước khi máy bay chìm hẳn xuống lòng sông.
Mọi việc sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, có điều cơ trưởng Sully từ chỗ là người hùng đã nhanh chóng trở thành bị can – đối diện với các cáo buộc khi đã làm trái với quy tắc an toàn bay, không hành động theo yêu cầu từ đội kiểm soát không lưu và đặt hành khách vào tình thế nguy cấp. Hơn 20 mô phỏng bay đã được thực hiện bằng máy tính, trong đó quá một nửa tình huống cơ trưởng có thể hạ cánh an toàn ở sân bay gần nhất – với tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn thay vì chìm xuống sông.
Hơn một năm trời tham gia nhiều cuộc điều tra, lấy lời khai và phiên điều trần khác nhau, cơ trưởng Sully cùng các cộng sự đã được minh oan với lập luận cho rằng: “Không một ai được đào tạo và chuẩn bị trước cho một tình huống như vậy cả. Con người chính là sự khác biệt lớn nhất giữa tình huống thực tế với hàng chục mô phỏng máy tính khác nhau.”
Một câu chuyện khác trong lĩnh vực bóng đá thì mới vừa xảy ra hồi năm ngoái. Trong một trận đấu thuộc giải vô địch C1 Châu Âu, đội bóng Paris Saint Germain (PSG) được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Luis Enrique đã chơi kém cỏi sau 45 phút đầu tiên. Bước vào phòng thay đồ trong giờ giải lao, huấn luyện viên năm nay 54 tuổi đã trút hết giận dữ và sự thất vọng của mình lên các cầu thủ – tất nhiên là bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ mẹ đẻ của ông.
Điều đáng nói là trong đội hình PSG chủ yếu là các cầu thủ người Pháp, Ý hoặc Bồ Đào Nha – số lượng cầu thủ đồng hương với ông Enrique thì chỉ đếm ở trên đầu ngón tay. Nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, các học trò của ông thầy người Tây Ban Nha vẫn hiểu ông thất vọng ra sao, kỳ vọng như thế nào vào phần còn lại của trận đấu. Kết quả là họ trở lại sân thi đấu với tinh thần và nguồn năng lượng hoàn toàn trái ngược, để giành phần thắng sau cùng khi 90 phút chính thức khép lại.
Có người nói vì cảm xúc mà ông Enrique thể hiện lúc đó là hết sức mãnh liệt, đến mức thay thế cho mọi ngôn từ và lời nói để xoay chuyển thái độ thi đấu của các cầu thủ. Cũng có người cho rằng vì bóng đá luôn có ngôn ngữ của riêng mình, những thành viên trong đội bóng có thể không đến từ một quốc gia, sử dụng chung một ngôn ngữ mà vẫn có thể hiểu được ý đồ, mong muốn hay thậm chí suy nghĩ của nhau.
Nhiều năm qua công nghệ và ứng dụng AI trong bóng đã đã phát triển rất nhanh chóng. Hàng loạt công ty đang nắm trong tay một cơ sở dữ liệu khổng lồ về thể trạng, thói quen hay hành vi của mỗi cầu thủ chuyên nghiệp – ở cả trên sân lẫn trong đời sống hằng ngày của họ. Nhờ vào sức mạnh của AI, các huấn luyện viên có thể biết khi nào một cầu thủ đã chạm đến giới hạn về thể lực, để kịp thời cho anh ấy ra nghỉ và thay vào một cầu thủ sung sức hơn.
Các thủ môn có nhiều hơn 50% cơ hội cản phá phạt đền thành công, bởi có thể dựa vào thống kê về thói quen và hành vi của cầu thủ đối phương khi bước lên chấm đá 11m. Nhưng nếu ai đó thắc mắc vì sao AI vẫn chưa thể thay thế các huấn luyện viên, các chiến lược gia đẳng cấp trong lĩnh vực bóng đá thì câu chuyện của ông Luis Enrique chính là câu trả lời.
Các phần mềm AI có thể trao đổi và tự phiên dịch với cầu thủ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng chắc chắn không thể “thét ra lửa” bằng tiếng Tây Ban Nha như ông Enrique đã làm. Công nghệ AI có thể phân tích và chỉ ra những hạn chế, sai sót của từng cầu thủ sau 45 phút thi đấu đầu tiên, nhưng chắc chắn không thể (hoặc không được chỉ dẫn) để gạt phăng mấy chai nước trên bàn về phía các cầu thủ. Cảm xúc cùng với khả năng thể hiện suy nghĩ bằng tông giọng và hành động cụ thể, chính là những hạn chế lớn nhất của AI so với con người.
Hạn chế của máy tính, phần mềm và ứng dụng AI trong câu chuyện của cơ trưởng Sully hay huấn luyện viên Enrique cũng là bài học cho chúng ta trong quá trình xây dựng thương hiệu. Ở đó, công nghệ và các phần mềm AI cho thấy sự yếu kém rõ ràng khi so sánh với con người – trên phương diện hình thành, bộc lộ cảm xúc cá nhân cùng với khả năng nhận định để kịp thời xử lý tình huống.
Công nghệ AI có thể tổng hợp, chọn lấy phương án tối ưu nhất giữa vô vàn biến số và hệ thống dữ liệu khác nhau, nhưng không chắc đó đã là phương án hiệu quả nhất, phù hợp với kỳ vọng của tất cả các bên – khách hàng doanh nghiệp, đội ngũ xây dựng thương hiệu và bản thân những người làm sáng tạo. Cũng giống như không ai dám chắc điều gì đã xảy ra, nếu cơ trưởng Sully cố quay về sân bay gần nhất theo yêu cầu của kiểm soát không lưu, hay huấn luyện viên Enrique trông chờ vào các chỉ số thay vì “hét ra lửa” trước mặt cầu thủ.
Nếu so sánh hành trình xây dựng thương hiệu như những khối động cơ, thì ý tưởng và hành động của con người sẽ giống như động cơ nguyên phát, còn khả năng của công nghệ AI sẽ làm việc như một động cơ thứ phát.
Nếu không có ý tưởng và thao tác mang tính chuyên môn từ người làm sáng tạo, thì năng lực làm việc của AI chắc chắn không thể tồn tại và được công nhận. Nếu không có ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia, thì AI không có tư liệu để dựng thành clip ngắn. Nếu không có ý tưởng được gõ thành dòng lệnh bởi designer, thì AI không có cơ sở để thêm vào các chi tiết phù hợp trên bản thiết kế. Công nghệ AI vẫn giống như một trợ lý, một người bạn đồng hành của người làm sáng tạo nhiều hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo.
Khảo sát từ Canva chỉ ra một sự thật, 69% các nhà lãnh đạo tin rằng AI đang thúc đẩy năng lực sáng tạo của đội ngũ – con số không quan trọng, quan trọng vẫn là cụm từ “đang thúc đẩy.” Đang thúc đẩy nghĩa là không trực tiếp tham gia, không quyết định phần lớn định hướng sáng tạo, cũng không quyết định tác phẩm thiết kế hay nội dung sáng tạo sau cùng sẽ ra sao, và “ghi điểm” với khách hàng doanh nghiệp bằng những chi tiết nào.
Sự thật là lạm dụng AI có thể khiến nhà sáng tạo trở nên buồn chán, cảm thấy tẻ nhạt và dần đánh mất đi hạnh phúc thật sự. Trong cuốn sách Flow: The Psychology of Optimal Experience năm 1990, nhà tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi đã đặt tên cho hiện tượng “làm việc đến quên ăn quên ngủ” là Flow – dòng chảy. Những nhà làm sáng tạo vẫn thường mô tả hiện tượng này như một trạng thái siêu tập trung, đến mức quên cả bản thân và những nỗi phiền muộn thường ngày.
Dưới góc nhìn liên chủ quan, Vũ luôn tin sáng tạo không phải đích đến mà là một hành trình. Trong quá trình được suy nghĩ, lên ý tưởng và biến ý tưởng trong đầu thành tác phẩm sáng tạo hay nội dung thương hiệu, mỗi cá nhân đều cảm nhận được giá trị mà mình đang mang lại, lan toả rồi đóng góp cho thành công sau cùng của thương hiệu, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt khi thành quả sáng tạo đến ngay giữa kỷ nguyên của công nghệ, của AI và các công cụ rút ngắn thời gian lao động nói chung.
Đối với những nhà “sáng tạo” lạm dụng AI và lệ thuộc vào các công cụ hỗ trợ, chặng đường sáng tạo của họ cần được đặt trong dấu ngoặc kép – giống như Vũ vừa mới trình bày. Bởi họ đã tự tay tước mất niềm hạnh phúc trong lao động và cuộc sống của bản thân, đó là niềm hạnh phúc khi được sống, làm việc, kiếm tiền và lan toả nhiều giá trị tốt đẹp bằng chính thế mạnh chuyên môn của mình.
Kết hợp AI và xây dựng thương hiệu như thế nào?
Con người và trí tuệ nhân tạo AI sẽ có những nhược điểm riêng trên hành trình xây dựng thương hiệu. Con người gặp khó khăn về tiến độ thực hiện và số lượng ý tưởng sáng tạo, càng phải làm việc trong một tiến độ mang tính hối thúc cao, số lượng ý tưởng hay biến thể thiết kế càng lớn thì chất lượng sáng tạo của con người càng suy giảm. Còn AI lại chưa có nhiều hiểu biết hoặc trải nghiệm trong thế giới thương hiệu rộng lớn, muôn màu muôn vẻ và đòi hỏi năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân/ tổ chức không hề giống nhau.
Chỉ cần một biến số rất nhỏ liên quan đến tầm nhìn, quan điểm hoặc tư duy sáng tạo của khách hàng và đối tác doanh nghiệp, thành phẩm sáng tạo đến từ quy trình làm việc của AI có thể đổ sông đổ biển. Ít nhất, trí thông minh nhân tạo AI cần nhiều thời gian hơn để tái khởi động quy trình tổng hợp, chọn lựa rồi xây dựng các phiên bản nội dung một lần nữa. Bạn thử nghĩ mà xem, làm gì có hệ thống tự động lái máy bay nào được chuẩn bị, huấn luyện trước cho viễn cảnh chim đâm trúng làm hỏng hết động cơ?
Chia sẻ trên tạp chí Forbes, Giám đốc điều hành của Infobrandz là ông Vikas Agrawal nhận định: “Con người và AI không chiến đấu với nhau để giành quyền thống trị, con người và AI đang chiến đấu với nhau để chạm đến sự hoàn hảo.” Quả đúng như vậy, công nghệ AI giống như được con người tạo ra để khoả lấp chính những nhược điểm cố hữu của mình. Nói một cách dễ hiểu, mối quan hệ giữa AI với những nhà sáng tạo mang tính bù trừ gần như tuyệt đối – ưu điểm của bên này là yếu điểm của bên kia và ngược lại.
Phần mềm AI thiết kế rút ngắn quy trình biến thể
Đối với những nhà thiết kế đồ hoạ nói chung và thiết kế hình ảnh thương hiệu nói riêng, một trong những công đoạn tẻ nhạt nhất có lẽ là tạo ra nhiều biến thể từ thiết kế ban đầu. Đó có thể chỉ là chút thay đổi về độ đậm nhạt của màu sắc, cũng có thể chỉ là thay đổi kiểu chữ ở trên thiết kế logo. Đôi ba lần thì không sao, nhưng cùng lúc phải tạo ra vài chục hoặc thậm chí hàng trăm biến thể đúng là cơn ác mộng.
Các phần mềm AI thiết kế được ra đời, phát triển để thay những nhà thiết kế đồ hoạ đảm nhận công việc này. Trong cùng một thời điểm, AI có thể cho ra hàng trăm biến thể thiết kế khác nhau. Điều đặc biệt là với năng lực tổng hợp, chọn lựa rồi phân tích cơ sở dữ liệu của mình, phần mềm AI sẽ cung cấp nhiều thay đổi nhất có thể mà vẫn tuân thủ tinh thần thương hiệu, đảm bảo tính nhất quán của bản sắc thương hiệu trong tất cả biến thể được tạo ra.
AI hỗ trợ và thúc đẩy năng lực sáng tạo của con người
Trái với lạm dụng công nghệ AI chắc chắn sẽ là sử dụng AI một cách hợp lý và hiệu quả. Năng lực sáng tạo của con người luôn có một giới hạn nhất định, chắc chắn không thể bất biến theo thời gian mà sẽ có những lúc cao trào, có những lúc gần như chạm đáy và mỗi người mỗi khác chứ chẳng ai giống nhau. Một số nhà sáng tạo tràn đầy cảm hứng làm việc vào buổi sáng, “nguội dần” về cuối ngày và đến tối thì cơ thể chỉ đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản: ăn uống, giải trí hoặc nghỉ ngơi.
Một số khác thì ngược lại, hoặc chia nhỏ năng lực sáng tạo vào từng giai đoạn cụ thể trong một ngày – thậm chí được sắp xếp theo tuần, tháng, năm,… Nhưng yêu cầu và tính chất công việc thường không cho phép các nhà sáng tạo lơ là, ngơi nghỉ hay chỉ thể hiện năng lực vào đúng thời điểm ưa thích. Lúc này, các công cụ và phần mềm AI sẽ đồng hành để bổ sung nguồn năng lượng quý giá cho mỗi nhà sáng tạo.
Dĩ nhiên chúng ta không nên phó mặc toàn bộ quy trình sáng tạo, lên ý tưởng và hiện thực hoá ý tưởng cho các phần mềm AI. Trí thông minh nhân tạo AI luôn cho thấy sức mạnh của nó trong việc tổng hợp, lựa chọn và đề xuất các ý tưởng sáng tạo nội dung độc đáo. Nhà sáng tạo nên tận dụng thế mạnh này của AI để mỗi tác phẩm trở nên trau chuốt, chỉn chu và phù hợp hơn với thị hiếu của mục tiêu truyền đạt – cụ thể là đối tác doanh nghiệp cùng với khách hàng của họ.
AI giúp loại bỏ các phỏng đoán không phù hợp
Bản chất của sáng tạo nội dung và thiết kế đồ hoạ là thử, sai rồi lại thử một phương án khác. Quy trình này lặp đi lặp lại ít hay nhiều, tất cả đều phụ thuộc vào trực giác và kinh nghiệm chuyên môn của bản thân nhà sáng tạo. Người nào càng có chuyên môn và năng lực sáng tạo sâu dày, quy trình thử nghiệm rồi loại bỏ các phỏng đoán của họ càng được rút ngắn.
Nhưng như Vũ đã chia sẻ ở trên, yêu cầu và tính chất công việc ngày nay thường không cho phép các nhà sáng tạo làm việc quá thoải mái nữa. Những người đi xây dựng thương hiệu buộc phải cân bằng giữa tinh thần, năng lượng sáng tạo với năng suất làm việc và các con số cụ thể. Khi đó, công nghệ AI đóng vai trò làm người bạn đồng hành để tối ưu thời gian, hiệu suất làm việc của nhà sáng tạo thông qua loại bỏ các phỏng đoán không phù hợp.
Không chỉ rút ngắn quy trình cung cấp một loạt các biến thể nội dung, công nghệ AI còn hỗ trợ rút ngắn quy trình ra quyết định bằng cách lược bỏ một số biến thể, đường nét không phù hợp với dữ liệu người dùng mà nó sẵn có. Các phỏng đoán đi ngược lại sở thích, thị hiếu và định hướng xây dựng thương hiệu của khách hàng doanh nghiệp sẽ bị lược bỏ, chỉ còn lại những phương án hiệu quả mà cả nhà sáng tạo lẫn AI đều công nhận là phù hợp.
Xin chân thành cảm ơn,