Thiết kế đồ họa là quá trình truyền tải thông tin bằng thị giác đến người xem. Trong bài viết này, Vũ sẽ chia sẻ đến bạn đọc chủ đề Graphic Design là gì.
Giao tiếp là một nhu cầu thiết yếu của con người. Chúng ta truyền đạt nhu cầu, cảm nhận của mình đến người khác và ngược lại, chúng ta cũng nhận thông tin từ họ. Giao tiếp giúp mọi người hiểu được nhau, từ đó hợp tác và xây dựng cộng đồng.
Từ thời xa xưa, tổ tiên loài người đã biết cách trò chuyện với nhau bằng những ngôn ngữ do họ tự tạo ra. Một trong những cách thức sáng tạo và đột phá nhất chính là giao tiếp thông qua chữ viết và hình ảnh. Chữ viết và hình ảnh giúp cụ thể hóa suy nghĩ, lưu trữ lâu dài và giúp hàng ngàn người khác hiểu được chúng trong thời gian rất ngắn.
Hãy liên tưởng đến ví dụ của những cộng đồng người ngày xưa. Làm sao để những nhà lãnh đạo khi đó ổn định văn hóa, cuộc sống của hàng ngàn người? Làm sao để người dân cùng lắng nghe, cùng tin, cùng hiểu và cùng thuộc về một bộ tộc duy nhất?
Một giải pháp hữu hiệu chính là tận dụng câu chuyện về các vị thần. Thần tạo ra mưa giúp mùa màng tươi tốt, thần bảo vệ làng khỏi những yếu tố ma quỷ, thần thưởng cho người tốt và trừng trị kẻ ác. Nhiều học giả đã công nhận rằng yếu tố tín ngưỡng là thứ tạo nên các tổ chức loài người. Nhưng đến đây lại dẫn đến một câu hỏi khác: làm sao để truyền đạt câu chuyện về vị thần cho một ngàn người dân kia?
Đương nhiên, một vị trưởng làng sẽ không phải cất công đi đến từng nhà để kể câu chuyện tâm linh trên và yêu cầu mọi gia đình phải tôn thờ vị thần chung của làng. Ông có thể làm một cách đơn giản hơn là thuê người vẽ lại hình ảnh vị thần (theo trí tưởng tượng của mình) ở ngay cổng làng, nơi người dân qua lại nhiều nhất, đồng thời viết thêm một vài dòng về sự hiện diện của thần linh và hình phạt mà hội đồng làng sẽ áp dụng nếu có ai dám xúc phạm đến đấng bề trên.
Người trong làng mỗi ngày đi qua đều sẽ nhìn thấy tác phẩm đó, và cứ thế cho đến khi họ thật sự tin tưởng rằng có một vị thần đang ngày đêm bảo vệ mình. Trưởng làng không phải mất công quá nhiều mà vẫn đạt được mục tiêu ổn định và giữ gìn trật tự cho làng. Ông chỉ cần nghĩ ra một thông điệp đủ mạnh, chữ và hình sẽ tự làm công việc của mình.
Ví dụ trên giúp chúng ta hiểu được khả năng truyền đạt thông tin của chữ viết và hình ảnh. Chúng đã tồn tại gần như cùng lúc với sự xuất hiện của loài người (hình vẽ xuất hiện sớm hơn), từ đó mang lại những tác động to lớn đến cách chúng ta sống và làm việc.
Trở về với thời hiện đại, những mối liên kết thông qua giao tiếp vẫn tiếp tục được hình thành. Ngoài giao tiếp trực tiếp giữa người với người, chúng ta có thêm sự xuất hiện của các tổ chức, bao gồm chính phủ, các tập đoàn kinh doanh,… Trong đó, sự kết nối giữa thương hiệu và người dùng là điều Vũ muốn nhấn mạnh.
Mối quan hệ giữa thương hiệu và người dùng là mối quan hệ hai chiều. Người dùng truyền đạt mong muốn của mình thông qua hành vi của họ. Bạn muốn mua điện thoại? Điều cần làm đầu tiên là lên Google và kiểm tra thông tin về dòng sản phẩm mình muốn mua. Bạn đói bụng hay khát nước? Những ứng dụng với hàng chục mã giảm giá là lựa chọn hàng đầu.
Từ những nhu cầu đó, các thương hiệu bắt đầu tìm cách để truyền đạt thông tin của mình đến khách hàng để thu hút và thuyết phục họ gắn bó với thương hiệu. Có nhiều cách để làm điều này. Nhưng phương thức hiệu quả nhất để làm điều đó có lẽ là thông qua hình ảnh. Và đến đây chúng ta có khái niệm Graphic Design.
Logo, danh thiếp, giao diện website, cho đến đồng phục của nhân viên, menu cửa hàng,… Graphic Design xuất hiện hầu hết ở mọi điểm chạm giữa thương hiệu và khách hàng. Tuy nhiên, ý nghĩa và vai trò của thiết kế đồ họa vẫn chưa được hiểu đúng và đủ.
Nhiều người vẫn coi nhẹ công việc thiết kế, chỉ xem chúng đơn giản là thành phần phụ khi xây dựng thương hiệu. Họ không biết chính nhận thức này là thứ về lâu dài sẽ khiến khách hàng ngày càng rời xa thương hiệu.
Vậy Graphic Design là gì? Những yếu tố cơ bản của Graphic Design là gì và tầm quan trọng đối với thương hiệu của Graphic Design là gì? Vũ sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên qua bài chia sẻ này.
Graphic Design là gì?
Graphic Design là gì? Là chỉnh sửa ảnh, vẽ trên máy tính, sắp xếp bố cục? Hay Graphic Design là thiết kế poster, banner, bảng quảng cáo trên đường? Nếu đây là những câu trả lời khi bạn được ai đó hỏi Graphic Design là gì, thì xin chúc mừng, bạn đã chọn đúng bài viết để đọc.
Những đáp án trên không hẳn là sai, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nói đúng hơn, đó là công việc mà người khác sẽ nhìn thấy một Designer làm hằng ngày, chứ về mặt bản chất thì Graphic Design là gì bao hàm nhiều ý nghĩa hơn thế.
Theo quan điểm của đội ngũ Vũ Digital, Graphic Design là quá trình truyền thông bằng hình ảnh của một cá nhân hoặc tổ chức, nhằm truyền đạt thông điệp cụ thể đến người xem mục tiêu.
Graphic Design tạo ra trật tự, cấu trúc và phong cách cho nội dung, nhằm giúp quá trình tiếp nhận thông điệp của người xem mục tiêu trở nên dễ dàng và hấp dẫn. Cụ thể, một nhà thiết kế đồ họa (Graphic Designer) sẽ tổng hợp các ý tưởng, khái niệm, văn bản, hình ảnh sau đó trình bày chúng dưới thông qua hình thức phù hợp (in ấn, kỹ thuật số,…).
“Người xem mục tiêu” ở đây là những người mà thông điệp của thiết kế muốn hướng đến. Đây không phải là những khán giả đơn thuần, họ phải thực sự là những người Graphic Designer muốn gửi gắm thông điệp trong tác phẩm.
Graphic Design là quá trình truyền thông bằng hình ảnh của một cá nhân hoặc tổ chức, nhằm truyền đạt thông điệp cụ thể đến người xem mục tiêu.
Ví dụ, một ấn phẩm thiết kế của một trung tâm dạy tiếng Anh sẽ nhắm tới nhóm khách hàng là những bạn sinh viên, hoặc người đi làm có nhu cầu nâng cấp trình độ ngoại ngữ. Do vậy, thiết kế phải thể hiện được sự trẻ trung, hiện đại,…
Ngược lại, một thương hiệu y học sẽ định hướng thiết kế của mình đến nhóm người cao tuổi – những người thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe. Với nhóm khách hàng này, việc thể hiện rõ ràng thông điệp là điều quan trọng hơn những chi tiết khác như màu sắc, kiểu chữ,…
Hai trường hợp này sẽ tạo ra hai phong cách thiết kế hoàn toàn khác nhau, với những mục tiêu khác nhau. Nhiệm vụ của Graphic Designer là hiểu người xem của mình là ai và hiểu họ cần gì, từ đó mang đến những giải pháp phù hợp thông qua những công cụ thị giác.
Việc hiểu được định nghĩa Graphic Design là gì sẽ mang đến cho bạn góc nhìn mới về lĩnh vực này. Không chỉ là công cụ chỉnh sửa ảnh, thiết kế đồ họa là một hình thức giao tiếp.
Graphic Design là gì: Nghệ thuật và thiết kế đồ họa
Nghệ thuật và thiết kế đồ họa khác nhau như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều người thắc mắc khi tìm hiểu Graphic Design là gì. Câu hỏi này cũng dẫn đến những cuộc tranh luận không hồi kết giữa nhiều người trong nghề.
Lằn ranh giữa nghệ thuật và thiết kế đồ họa có khi rất rõ ràng nhưng cũng có lúc bị làm mờ đi. Tuy nhiên, theo đội ngũ Vũ Digital, hai khái niệm này có sự tương đồng và khác biệt riêng.
Điểm giống nhau đầu tiên giữa một họa sĩ và một Graphic Designer là cả hai đều cùng hướng đến tính thẩm mỹ trong tác phẩm của mình. Con người có xu hướng thích thưởng thức những thứ thu hút và bắt mắt. Chúng ta yêu cái đẹp. Một bức tranh hoặc một thiết kế phải thật sự hấp dẫn thị giác thì người xem mới chú ý. Chẳng có ai quan tâm hoặc có cảm tình với các thiết kế kém thu hút cả.
Điểm tương đồng tiếp theo chính là việc sử dụng những nguyên liệu giống nhau. Họa sĩ vẽ tranh bằng màu sắc, hình dạng, bố cục, đôi khi là cả chữ. Vậy còn designer? Cũng từ màu sắc, hình dạng, bố cục và chữ, họ sẽ tạo ra tác phẩm thiết kế của mình.
Từ những nguyên liệu đầu vào này, cả họa sĩ và Graphic Designer cho ra những sản phẩm mang phong cách riêng và phục vụ những mục đích riêng của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những đặc điểm này mà bạn đã vội đánh đồng nghệ thuật và thiết kế là như nhau thì không, chúng không phải là một.
Có một điểm khác biệt rất lớn giữa thiết kế đồ họa và nghệ thuật truyền thống mà bạn cần phải hiểu rõ. Nghệ thuật thị giác, ví dụ như vẽ tranh, là sự thể hiện cái tôi sáng tạo của tác giả, nhằm bày tỏ quan điểm, thế giới quan, phong cách sống của tác giả đó.
Những bức tranh được vẽ ra trước hết là đáp ứng thôi thúc sáng tạo của người họa sĩ, còn việc người xem có hiểu hoặc yêu thích tác phẩm đó hay không là câu chuyện… để sau hẳn tính.
Một ví dụ nổi tiếng là danh họa Pablo Picasso. Picasso yêu việc vẽ tranh và ông vẽ thông qua lăng kính sáng tạo của mình. Ông không mấy quan tâm đến việc người xem có hiểu được ngụ ý trong tranh hay không. 100 người xem tranh Picasso sẽ có đến 99 cách diễn giải khác nhau, không ai giống ai. Tất nhiên, Picasso vẫn cần bán được tranh của mình để kiếm sống, nhưng ý kiến và cách hiểu của người xem không phải mối bận tâm hàng đầu khi ông vẽ.
Với người nghệ sĩ, sự thỏa mãn cái tôi là thứ thôi thúc họ sáng tạo.
Nhưng với những Graphic Designer, câu chuyện không màu hồng như thế.
Khi Designer bắt tay vào thiết kế một tác phẩm, họ luôn có một điểm xuất phát nhất định, một câu chuyện để kể, một thông điệp để thể hiện.
Như Vũ đã chia sẻ khi định nghĩa Graphic Design là gì, đây là truyền tải thông điệp đến người xem mục tiêu bằng những công cụ thị giác. Và người xem của thương hiệu thì vô cảm hơn những người thưởng thức nghệ thuật rất nhiều. Thậm chí dù cùng là một người, suy nghĩ khi họ ngắm tranh ở bảo tàng sẽ khác với suy nghĩ khi họ lướt qua một tấm bảng quảng cáo.
Bạn thích thiết kế theo ý của mình và không quan tâm đến chuyện người xem có hiểu thông điệp hay không ư? Tốt thôi. Họ sẽ bỏ qua nó ngay lập tức và tìm đến đối thủ của bạn. 100 người không hiểu thông điệp mà bạn muốn truyền đạt đồng nghĩa với việc bạn sắp mất đi 100 khách hàng.
Với nhà thiết kế đồ họa, việc giải quyết được vấn đề là yêu cầu quan trọng nhất.
Mặt khác, để một họa sĩ trở nên thành công thì người đó cần đến tài năng – thứ không phải ai cũng sở hữu. Dĩ nhiên, kỹ năng cũng rất cần thiết để tạo nên một bức tranh, nhưng giá trị của tác phẩm sẽ đến từ tố chất bên trong của người nghệ sĩ nhiều hơn.
Ngược lại, để trở thành một Graphic Designer, tài năng không phải yếu tố ảnh hưởng nhất. Tài năng chắc chắn sẽ giúp bạn vượt trội hơn. Nhưng nếu tài năng quan trọng như vậy thì ngành này hẳn đã không “hot” như bây giờ. Bạn không cần khả năng thiết kế thiên phú để trở thành một designer thành công. Điều quan trọng, như Vũ đã chia sẻ, là bạn có khả năng giải quyết được vấn đề của một thiết kế.
Những kiến thức về bố cục, typography, màu sắc,… bạn hoàn toàn có thể học được mà không cần đến tố chất bẩm sinh nào. Có những designer nổi tiếng còn không dùng quá nhiều màu sắc, texture,… vào tác phẩm nhưng vẫn truyền đạt rất tốt thông điệp của mình.
Trên đây là một vài điểm giống và khác nhau giữa nghệ thuật và thiết kế đồ họa. Sai lầm trong việc phân biệt hai khái niệm này sẽ dẫn đến việc Designer tạo ra những thiết kế quá bay bổng mà không đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất của thiết kế đồ họa: truyền tải thông điệp để người xem hiểu được nó (tốt hơn nữa là thích thông điệp đó).
Graphic Design là gì? Những thành phần cơ bản của Graphic Design
Khi tìm hiểu chi tiết Graphic Design là gì, chúng ta cần phải biết những thành phần cơ bản của một thiết kế. Một ấn phẩm thiết kế sẽ được tạo nên từ hai thành phần chính: yếu tố đồ họa và những nguyên lý thị giác để sắp xếp yếu tố đồ họa đó.
Về nguyên lý thị giác, đội ngũ Vũ Digital đã chia sẻ về chủ đề này trong một bài viết trước, bạn đọc có thể xem thêm tại đây.
Theo quan điểm của Vũ, nguyên lý thị giác ảnh hưởng rất nhiều đến Graphic Design, vì nếu không ứng dụng những nguyên tắc này, designer khó có thể tạo ra một thiết kế hiệu quả và truyền tải được thông điệp đến người xem.
Designer khi vừa bắt đầu học thiết kế thường mắc phải sai lầm phổ biến là học công cụ trước. Đúng, những phần mềm như Photoshop hay Illustrator là công cụ để chúng ta tạo ra những tác phẩm thiết kế. Nhưng để vận dụng thành công những công cụ này, chúng ta phải biết những nguyên tắc cơ bản trước.
Giống như khi vẽ, họa sĩ sẽ phải bắt đầu với hình khối, bố cục, giải phẫu… dù cho có thích những học phần này hay không. Chúng là nền tảng để họa sĩ xây dựng những kỹ năng khác.
Trong Graphic Design cũng như thế, nguyên lý thị giác là bước đệm để designer tạo ra những thiết kế có sức sống, đẹp mắt và đảm bảo tính hiệu quả. Lời khuyên của Vũ là hãy học về kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu những việc cao siêu khác.
Còn nếu bạn đã hiểu nguyên lý thị giác là gì, vậy thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các yếu tố chính trong thiết kế đồ họa.
Điểm (Point)
Điểm đánh dấu một vị trí trong không gian thiết kế. Theo thuật ngữ hình học, một điểm là nút giao của một cặp tọa độ x, y (tức dọc và ngang) và điểm không có khối lượng. Tuy nhiên, trong Graphic Design, điểm hiển thị như một dấu chấm và có thể nhìn thấy được.
Điểm có thể là yếu tố đồ họa không đáng kể hoặc đóng vai trò như điểm tụ tùy thuộc vào cách sử dụng của Graphic Designer. Điểm cũng là thành phần tạo nên những yếu tố đồ họa khác. Một loạt các điểm sẽ tạo thành đường. Một tập hợp vô hạn điểm sẽ tạo ra hình khối, texture hoặc mặt phẳng. Trong typography, điểm được hiểu như dấu chấm – đánh dấu sự kết thúc của một đoạn văn hoặc một câu.
Đường (Line)
Một đường là một chuỗi vô hạn các điểm. Trong thiết kế, các đường tồn tại ở nhiều dạng trọng lượng khác nhau (weight). Việc designer thay đổi trọng lượng hoặc texture sẽ tạo nên sự khác biệt trực quan của đường. Ví dụ, một đường 10 point sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn một đường 30 point.
Đường có thể được tạo ra bằng bút mực, bút chì, cọ vẽ, chuột hoặc các đoạn mã kỹ thuật số. Chúng có thể thẳng hoặc cong, liên tục hoặc đứt khúc, một lần nữa, tùy thuộc vào mục đích của designer. Khi một đường đạt đến độ dày nhất định, nó sẽ trở thành một mặt phẳng.
Trong typography và layout, đường xuất hiện trực tiếp hoặc sẽ “vô hình” khi thiết kế. Dễ thấy nhất là khi chúng ta soạn thảo văn bản, các ký tự luôn nằm trên những đường baseline. Hoặc khi căn lề đoạn văn, Designer cũng cần đến những đường gióng để căn chỉnh tác phẩm của mình. Ngoài ra, một đường kẻ khi nối hai đầu lại với nhau sẽ tạo nên yếu tố đồ họa tiếp theo: hình khối.
Hình khối (Shape)
Trong Graphic Design, hình khối được hiểu là các không gian, hình dạng được tạo ra bởi một ranh giới hoặc đường kẻ khép kín. Nếu sử dụng các ứng dụng vector như Illustrator, bạn sẽ nhận ra hình khối là một một không gian nằm trong một đường được nối hai đầu.
Có hai loại hình khối mà designer cần tìm hiểu: hình học và tự nhiên (Geometric Shapes & Organic Shapes).
Geometric shapes là các hình khối hai chiều hoặc ba chiều, bao gồm những dạng cơ bản như: hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác, hình tròn. Chúng được tạo nên bởi sự lặp lại và đối xứng của các đường thẳng; hoặc từ các góc cạnh khép kín.
Cấu trúc này mang lại cho Geometric tính tổ chức và hiệu quả cao. Chính vì tính “chuẩn mực” của mình, Geometric được sử dụng thường xuyên và xuất hiện trong hầu hết các thiết kế.
Ngược lại, organic shapes là các hình khối được vẽ ra từ hình dạng thật của vật thể. Không giống với geometric, hình khối tự nhiên bất quy tắc, không có tính lặp lại hay đối xứng; không đồng đều và có nhiều đường cong hơn. Chúng có thể đại diện cho các hình dạng của vật thể trong tự nhiên như đám mây, lá cây,…
Mỗi kiểu hình khối sẽ mang lại một cảm nhận khác nhau cho người xem. Ví dụ, hình tròn hoặc cạnh tròn sẽ có xu hướng tạo ra sự tích cực, tình yêu hoặc hòa hợp. Hình vuông và hình chữ nhật gợi ý sự cân bằng, tin cậy, chắc chắn. Còn hình tam giác thường được cho là biểu tượng của văn hóa, tôn giáo, và lịch sử.
Vì những ý nghĩa đó, designer cần lựa chọn hình dáng phù hợp với thiết kế và người xem mục tiêu của mình.
Texture
Texture là cảm giác bề mặt của một thiết kế, ví dụ như mịn, thô, mềm, dính hoặc bóng… Graphic Designer thường sử dụng texture nhằm gợi ý tác phẩm của họ sẽ cảm giác như thế nào nếu người xem có thể chạm vào nó. Texture là một công cụ hiệu quả giúp thiết kế thu hút và truyền tải thông điệp tốt hơn.
Texture thường được hiểu như chất liệu được sử dụng để in ấn các sản phẩm đồ họa. Một ví dụ phổ biến là giấy. Giấy có thể thô hoặc mịn, sần sùi hoặc mượt mà, tùy vào mục đích sử dụng của designer. Một tấm danh thiếp giấy cứng, nhám sẽ khác hoàn toàn với một tấm danh thiếp sử dụng giấy mỏng.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến cảm giác của một sản phẩm khi người dùng cầm sản phẩm trên tay, texture cũng ảnh hưởng đến cách thể hiện thị giác của nó. Ví dụ, một bề mặt nhẵn bóng sẽ phản chiếu ánh sáng khác với bề mặt nhám.
Ngoài ra, texture cũng có thể được áp dụng trong hình ảnh kỹ thuật số. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra texture khi thiết kế. Designer có thể sử dụng hình ảnh, biểu tượng, typography hoặc các hiệu ứng có sẵn.
Màu sắc (Color)
Graphic Designer sử dụng màu sắc như một công cụ chính để truyền đạt thông điệp của thiết kế. Màu sắc có thể truyền tải tâm trạng, mô tả sự vật hoặc hệ thống hóa thông tin. Mỗi tính từ như “ảm đạm”, “xám xịt” và “lấp lánh” đều khiến chúng ta gợi nhớ đến một màu nào đó.
Graphic Design đã từng được xem là một lĩnh vực về cơ bản chỉ gồm hai màu là đen và trắng. Điều này không còn đúng nữa trong bối cảnh hiện tại. Màu sắc đã trở thành một phần không thể thiếu của quá trình thiết kế. In màu, từng là một thứ xa xỉ, nay cũng đã trở thành thông lệ.
Để tìm hiểu về màu sắc chúng ta sẽ cần đến một bài viết riêng, vì lĩnh vực màu sắc bao hàm rất nhiều kiến thức. Trong phạm vi bài chia sẻ này, Vũ sẽ chia sẻ những kiến thức sau: Color Wheel – những nhóm màu chính – các cách phối màu cơ bản.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu về thuật ngữ cơ bản trong thế giới màu sắc: Color Wheel (tạm dịch: bánh xe màu sắc)
Vào năm 1665, nhà vật lý Isaac Newton đã phát hiện ra rằng một lăng kính giúp phân tách ánh sáng thành các dải màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Newton đã sắp xếp các màu sắc xung quanh một bánh xe, tạo nên một công cụ tham chiếu màu sắc được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế ngày nay.
Từ nền tảng trên, màu sắc sẽ được chia thành ba nhóm chính được hiển thị trên bánh xe màu sắc:
- Màu cơ bản (đỏ, vàng và xanh lam): được định nghĩa là ba màu mà nếu chúng ta trộn lẫn với nhau tùy tỷ lệ thì sẽ tạo ra tất cả những màu khác. Mặt khác, không có cách pha màu nào khác để có được màu đỏ, vàng hoặc xanh lam.
- Màu thứ cấp (tím, xanh lá cây và da cam): đây là kết quả của việc trộn hai trong ba màu cơ bản với nhau. Cụ thể, đỏ và vàng tạo nên màu da cam; xanh lam và đỏ tạo nên màu tím; và màu vàng và xanh lam tạo nên màu xanh lá cây.
- Màu bậc ba (đỏ-cam, vàng-cam, vàng-lục, lam-lục, lam-tím và đỏ-tím): 6 màu này là kết quả của việc trộn một màu chính và một màu phụ.
Sự hài hòa màu sắc (Color Harmony) được tạo ra khi phối hai hoặc nhiều màu được chọn từ vị trí của chúng trên bánh xe màu với nhau. Bạn có thể tìm hiểu và áp dụng những cách phối màu cơ bản sau đây:
- Complementary colors (màu bổ sung): Các màu bổ sung nằm đối diện nhau trên bánh xe màu. Những cặp màu này có độ tương phản cao và thể hiện sự sống động, năng lượng. Ngược lại chúng cũng có thể gây khó chịu cho người xem. Kết quả tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Ví dụ, đỏ và xanh lá cây là hai màu bổ sung cho nhau.
- Analogous colors (màu tương đồng): đây là cách phối màu sử dụng những màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. Chúng tạo ra sự dễ chịu về mặt thị giác và mang lại cảm giác hài hòa trong thiết kế. Tuy nhiên, cách phối màu này cũng có thể tạo ra cảm giác buồn tẻ nếu được sử dụng không đúng cách hoặc nếu chúng không có các yếu tố tương phản khác.
- Triad colors (bộ ba màu): đây là cách phối màu sử dụng những màu cách đều nhau xung quanh bánh xe màu. Kiểu phối này tạo cảm giác sống động và đòi hỏi sự cân bằng để làm hài lòng thị giác.
- Split-complementary colors (màu tách biệt): sử dụng một màu cơ bản và hai màu liền kề với màu bổ sung của nó. Đây là cách phối màu nhằm tạo ra độ tương phản hình ảnh mà không gây khó chịu cho người xem.
- Tetradic colors (bộ bốn màu): còn gọi là phối màu hình chữ nhật. Kiểu phối màu này sử dụng bốn màu cách đều nhau trên bánh xe màu sắc. Tuy nhiên, designer không nên dùng cả bốn màu với cùng một mức độ. Càng có nhiều màu sắc trong bảng màu của mình thì càng khó cân bằng.
Chữ (Typography)
Thiết kế không thể thiếu typography, vì trong hầu hết trường hợp, typography giúp cụ thể hóa thông điệp của thiết kế thành văn bản và chúng ta tiếp nhận thông tin phần lớn là bằng văn bản.
Việc đọc một poster, một cuốn sách hay tờ rơi đều là quá trình con người thu nhận thông tin qua ngôn ngữ viết. Vũ đã chia sẻ chi tiết về khái niệm typography trong một bài viết. Bạn đọc có thể xem qua tại đây.
Một lưu ý khi thiết kế là dù designer sử dụng phông chữ của người khác hay tự tạo bộ chữ riêng cho mình, thì điều quan trọng nhất chính là tính dễ đọc. Nếu nội dung khó đọc, người xem sẽ tự động bỏ qua thiết kế vì họ không có quá nhiều thời gian để suy luận xem designer đang cố nói gì với mình.
Typography cũng ảnh hưởng đến cảm nhận chung của thiết kế. Do đó cần lựa chọn kiểu chữ phù hợp với tổng thể. Ví dụ, một phông chữ có những nét dày, đậm sẽ được dùng để nhấn mạnh những thông tin quan trọng, còn những phông chữ mỏng sẽ phù hợp với các thiết kế sang trọng, kiểu cách.
Việc dùng chữ sao cho hợp lý và đẹp mắt là một nghệ thuật. Những kỹ thuật như kerning, leading,… hoặc phân biệt những kiểu chữ là những thứ mà designer cần nắm vững khi thiết kế.
Không gian (Space)
Không gian là khoảng trắng giữa các thành phần trên một không gian thiết kế. Điều chỉnh không gian hiệu quả sẽ mang lại khoảng không phù hợp giúp những yếu tố đồ họa không bị nằm quá sát nhau hoặc quá xa nhau.
Không gian liên kết hoặc phân tách nội dung. Những thành phần nằm gần nhau sẽ giúp người người xem hiểu được chúng có liên quan đến nhau. Ngược lại, khoảng cách rộng hơn sẽ ngắt mạch liên kết giữa chúng.
Đôi khi, các designers sẽ tận dụng không gian một cách sáng tạo để tạo ra các hình dạng đặc biệt hoặc làm nổi bật các thành phần quan trọng của layout. Trong thiết kế đồ họa, không gian âm thường được chia thành hai dạng chính:
- Active Space: Đây là không gian mà designers thiết lập một cách có chủ ý để tạo điểm nhấn cho layout. Active Space thường được chủ động bỏ qua để thu hút sự chú ý vào nội dung và để phân biệt giữa các yếu tố với nhau
- Passive Space: Đây là khoảng trắng tự nhiên giữa các yếu tố đồ họa. Chẳng hạn như khoảng trắng giữa các từ trong đoạn văn bản hoặc khoảng không xung quanh logo và các thành phần đồ họa khác.
Hình ảnh (Image)
Cùng với typography, hình ảnh là yếu tố chủ yếu tạo nên một tác phẩm thiết kế. Hình ảnh là thứ đầu tiên mà người xem sẽ chú ý đến khi nhìn vào một ấn phẩm đồ họa bất kỳ. Hình ảnh cũng có tác dụng công cụ nhằm thể hiện thông điệp.
Những thương hiệu nổi tiếng hiểu rõ tầm quan trọng của hình ảnh và họ đầu tư rất nhiều cho hạng mục này. Từ các thương hiệu thời trang như Gucci, Dior,… cho đến công nghệ như Apple, Samsung,… tất cả đều rất chú trọng đến mặt hình ảnh của thương hiệu.
Khi sử dụng hình ảnh, điểm mấu chốt là lựa chọn đúng bức ảnh để thể hiện cảm xúc của thiết kế và tối đa hóa khả năng thu hút của chúng. Designer có thể lựa chọn một hình ảnh với độ tương phản cao hoặc sở hữu nhiều texture để người xem chú ý.
Hình ảnh có lẽ là công cụ giao tiếp trực quan có tác động mạnh mẽ nhất. Nếu designer tận dụng khả năng của hình ảnh để làm lợi thế cho mình, thiết kế sẽ truyền tải được thông điệp theo cách mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Graphic Design là gì: Tầm quan trọng của Graphic Design với thương hiệu
Chúng ta đã hiểu Graphic Design là gì và những yếu tố cơ bản của Graphic Design là gì. Vậy tầm quan trọng và tác động của nó đến thế giới thương hiệu là như thế nào? Theo quan điểm của Vũ, có ba lý do chính làm nên ảnh hưởng của Graphic Design.
Graphic Design góp phần tạo nên thương hiệu
Theo quan điểm của Vũ, bản chất thương hiệu chính là nhận thức tích cực của người dùng dành cho thương hiệu. Chúng bao gồm nhận thức lý tính và nhận thức cảm tính. Để xây dựng và phát triển một thương hiệu, nhà lãnh đạo cần tác động đến cả hai nhóm nhận thức này.
Có 5 yếu tố cơ bản làm nên một thương hiệu: tên thương hiệu – bản sắc thương hiệu – logo thương hiệu – bộ nhận diện thương hiệu – kiến trúc thương hiệu. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cần chú ý đến hai yếu tố: logo và bộ nhận diện thương hiệu. Đây là nơi mà thiết kế đồ họa đóng vai trò quyết định.
Thương hiệu không tự nhiên xuất hiện trong tâm trí khách hàng. Họ sẽ nhớ đến thương hiệu nhiều nhất thông qua bộ nhận diện của thương hiệu đó. Nhắc đến Nike, chúng ta nghĩ ngay đến biểu tượng swoosh huyền thoại. Nghĩ đến McDonald’s, chữ “M” và màu đỏ của hãng lập tức hiện ra lúc nào không hay.
Chính những yếu tố này mới tạo nên sự hiện diện của thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Thương hiệu không có bộ nhận diện sẽ chỉ là những câu chuyện vô hình, nằm trên giấy hoặc tệ hơn là chỉ những nhà sáng lập mới biết đến. Bộ nhận diện là bước khởi đầu để những nhà phát triển thương hiệu xây dựng nên chiến lược truyền thông sau đó.
Graphic Design giúp làm nên bộ nhận diện thương hiệu, thứ đại diện cho thương hiệu một cách trực quan nhất. Nếu không có bộ nhận diện, thương hiệu rất khó để tồn tại hay cạnh tranh trong một môi trường khắc nghiệt như hiện nay.
Graphic Design giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh
Về lâu dài, Graphic Design là công cụ quan trọng để thương hiệu tạo nên sự nhất quán trong thiết kế và xây dựng lợi thế cạnh tranh. Thống kê từ trang tin Desgin Wanted cho biết sự trình bày thống nhất trong thiết kế của thương hiệu có thể tăng doanh số bán hàng lên đến 33%.
Gặp gỡ một người có vẻ ngoài tươm tất chắc chắn sẽ tạo cảm giác thoải mái, tin tưởng hơn so với một người lôi thôi. Điều tương tự cũng áp dụng trong lĩnh vực thương hiệu, một trang web có giao diện hiện đại, rõ ràng chắc chắn sẽ tạo cảm giác đáng tin cậy hơn một website lỗi font, trải nghiệm kém. Một fanpage nhất quán trong phong cách thiết kế sẽ thu hút hơn là một fanpage mỗi bài một kiểu.
Hãy thử dạo một vòng nền tảng mạng xã hội của những thương hiệu lớn, bạn sẽ nhận ra rằng họ sở hữu một phong cách riêng và luôn thống nhất trong thiết kế của mình. Graphic Design có thể không mang lại kết quả tức thì về mặt doanh thu, nhưng nếu được thực hiện đúng đắn, nó sẽ trở thành một công cụ hiệu quả giúp thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.
Graphic Design giúp truyền đạt thông điệp hiệu quả
Một ưu điểm khác của thiết kế đồ họa là chúng giúp truyền tải thông điệp của thương hiệu rất hiệu quả, nếu không muốn nói là hiệu quả nhất.
Như Vũ đã chia sẻ, Graphic Design là quá trình truyền thông bằng hình ảnh, nhằm truyền đạt một thông điệp cụ thể đến người xem mục tiêu. Thương hiệu của bạn có thu hút được khách hàng và thuyết phục họ lựa chọn thương hiệu được hay không phụ thuộc nhiều vào Graphic Design.
Chúng ta tiếp nhận thông tin hầu hết thông qua đôi mắt. Một thông điệp dù hay đến mức nào mà không có cách thức truyền đạt thị giác phù hợp thì cũng không thể nào tác động đến khách hàng.
Tóm lại, Graphic Design có vai trò rất lớn đối với quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Nhà lãnh đạo cần nhận thức được vai trò của thiết kế và những lợi ích nó mang lại để có chiến lược phù hợp.
Lời kết
Đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đã hiểu được Graphic Design là gì, những yếu tố của Graphic Design là gì và tầm quan trọng của Graphic Design đối với thương hiệu.
Việc hiểu được graphic design là gì sẽ giúp nhà lãnh đạo xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả hơn. Mặt khác, những designer cũng cần tìm hiểu bản chất của thiết kế đồ họa để hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm.
Như Vũ đã chia sẻ, Graphic Design có một chiều dài lịch sử gần như đồng thời điểm với sự xuất hiện của loài người. Graphic Design xuất phát từ những hình khắc trên các hang động cho đến những banner quảng cáo chúng ta lướt qua trên điện thoại ngày nay. Do đó, việc tìm hiểu lịch sử của lĩnh vực này cần một quá trình nghiên cứu bài bản, nhưng cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị. Vũ mong rằng qua bài viết này bạn sẽ có thêm động lực để học hỏi thêm nhiều kiến thức thiết kế khác trên hành trình của mình.
Xin chân thành cảm ơn
Để hiểu hơn về thế giới thương hiệu và củng cố kiến thức xây dựng thương hiệu và thiết kế thương hiệu của bản thân, mọi người có thể ngay lập tức kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:
- Website: https://vudigital.co/
- Fanpage: https://www.facebook.com/vudigital.co
- Instagram: https://www.instagram.com/vu.digital/
- Podcast: Podcast Quyền Vũ
- Behance: https://www.behance.net/vu-digital
- LinkedIn: https://vn.linkedin.com/in/vudigital
Những câu hỏi thường gặp
Graphic Design là gì?
Graphic Design là quá trình một cá nhân hoặc tổ chức truyền thông bằng hình ảnh, nhằm truyền đạt một thông điệp cụ thể đến người xem mục tiêu.
Những yếu tố đồ họa cơ bản của Graphic Design
Có 8 yếu tố đồ họa chính: điểm - đường - hình khối - texture - màu sắc - typography - không gian - hình ảnh
Có bao nhiêu nhóm màu trên bánh xe màu sắc?
Có ba nhóm màu chính trên bánh xe màu sắc: màu cơ bản - màu thứ cấp - màu bậc ba
Tầm quan trọng của Graphic Design với thương hiệu
Graphic Design góp phần tạo nên thương hiệu, xây dựng lợi thế cạnh tranh và truyền đạt thông điệp hiệu quả