Trong khuôn khổ bài viết, Vũ mời bạn đọc cùng tìm hiểu về từ nguyên của hai chữ thương hiệu, và liệu ví von “cái hiệu để thương” có hợp lý hay không?
Thương hiệu là khái niệm được sử dụng rất nhiều trong quá trình kinh doanh, bởi thương hiệu – cụ thể hơn là thương hiệu doanh nghiệp đại diện cho một tổ chức.
Ngay trong đêm trước ngày làm thủ tục đăng ký kinh doanh, có lẽ hàng chục hàng trăm tên gọi thương hiệu khác nhau đã “nhảy số” trong trí óc những nhà làm doanh nghiệp…
Thời điểm sáng tạo ra tên thương hiệu, cũng là lúc thương hiệu bước ra từ trong hư không.
Tuy vậy, Vũ muốn chia sẻ một sự thật, đôi khi hơi khó hiểu và không dễ chấp nhận với nhiều người, rằng thương hiệu doanh nghiệp không hề có thật, thương hiệu đó không phải là một thực thể mà chúng ta có thể gặp mặt.
Đúng như vậy, chúng ta không thể gọi anh/chị thương hiệu, xuất hiện để gặp gỡ, trò chuyện và thuyết phục mọi người. Vì lẽ đó thương hiệu chính là nhận thức.
Ngoại trừ thương hiệu cá nhân là một cơ thể vật lý trọn vẹn, hầu hết các loại hình thương hiệu khác đều không có điểm xuất phát ở trạng thái hữu hình.
Không phải cái hiệu để thương?
Một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Anh nghĩ gì khi một số người gọi thương hiệu với cách ví von là cái hiệu để người ta thương?”.
Ôi.. đây là câu hỏi mà Vũ đã nhận được cũng nhiều lần rồi, và mỗi lần nghe thấy ai đó nói hoặc viết ví von như vậy, thật sự có một chút buồn và một chút phẫn nộ.
Tại sao ư? Tại vì những lời ví von tưởng chừng như vô hại như này, lại tiềm ẩn nguy hiểm khi nó tác động đến nhận thức của những người mới lần đầu nghe về khái niệm thương hiệu. Nó dễ dàng tạo nên độc quyền nhận thức, và điều này rất khó để thay đổi.
Nó nguy hại bởi lẽ, nó quá dễ hiểu, quá đơn giản và tất nhiên nó sẽ dễ dàng truyền miệng. Nhưng chính vì sự đơn giản, chính vì sự dễ hấp thụ đó, mà nó làm cho người nghe có thể bật ngay chế độ lười tìm kiếm, lười xác thực, lười học hỏi, mang đến hệ quả là một mức hiểu ngô nghê, hiểu khờ khạo về một khái niệm tuyệt vời như thương hiệu.
Kiến thức cũng như những món ăn, nhưng món ăn kiến thức không phải để nuôi dưỡng cơ thể, mà nó nuôi dưỡng tâm hồn, cho trí tuệ. Cũng như những thức ăn nhanh về lâu dài không tốt cho cơ thể, những kiến thức bề mặt không tốt cho tâm hồn, trí tuệ của người hấp thụ.
Vũ đã chỉ ra những kiến thức nền tảng mà được ví von một cách hời hợt, bề mặt như vậy sẽ rất nguy hại, nếu bạn đọc nào đã như vậy hãy mau thay đổi nhé.
Thương hiệu, như Vũ đã định nghĩa trong nhiều bài viết – “Thương hiệu chính là nhận thức tích cực”, nhận thức này được bồi đắp trong quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Trong định nghĩa về thương hiệu mà Vũ muốn bạn đọc nhận rõ hai chữ “tích cực”, để đạt được tích cực thì cần sự kiên nhẫn và tử tế. Đừng xây dựng thương hiệu với những thông tin tiêu cực bạn nhé.
Ý nghĩa hai chữ thương hiệu
Nếu chuyển, dịch nghĩa của chữ thương hiệu một cách chuẩn xác, Vũ xin mời bạn đọc cùng xuôi về miền quá khứ của tiếng Việt: Hán Nôm (phồn thể) – đi tìm từ nguyên thương hiệu.
Chữ thương hiệu ngày nay chúng ta sử dụng, có nguồn gốc từ Hán Nôm là “商號”, được hình thành bởi việc kết hợp giữa hai chữ (“商” – Thương) và (“號” – Hiệu)
Chữ thương “商”
Chữ thương “商” có 11 nét, bộ khẩu. “商” là sự kết hợp giữa “亠” bộ đầu, hai dấu “丷” , và chữ (“冏”- Quýnh) ghép bởi bộ quynh. Chữ (“商” – Thương) có nghĩa là buôn bán.
Chữ (“商” – Thương) được sử dụng trong hầu hết các chữ liên quan đến kinh doanh, như (“商人” – Thương nhân), (“商賣” – Thương mại); (“商港” – Thương cảng);… Thương hiệu chữ Hán Nôm là “商號”, cũng cùng một chữ “商”.
Theo Vũ, chữ (“商” – buôn bán). Ở thời điểm xa xưa, có thể tượng hình cho một khu chợ. Với bối cảnh hiện tại, chữ “商” nên được hiểu là môi trường kinh doanh.
Chữ hiệu “號”
Chữ hiệu “號” có 13 nét, bộ hô, “號” là sự kết hợp giữa “号” bộ hào, nghĩa là phù hiệu, biển hiệu, cùng với Chữ (“虎” – Hổ) ở đây tượng hình con Hổ, thể hiện cho sự mạnh mẽ, danh tiếng, uy vũ. Vậy chữ hiệu “號” có nghĩa là dấu hiệu uy tín, danh tiếng.
Xét theo từ nguyên (“商號” – Thương hiệu) như Vũ đã phân tích, Ý nghĩa của hai chữ thương hiệu là
Dấu hiệu uy tín, danh tiếng trong kinh doanh.
Định nghĩa này vẫn hay và phù hợp cho tới tận ngày hôm nay. Ý nghĩa của từ thương hiệu cũng chính là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp nên hướng tới. Ông cha ta từ xa xưa đã tạo tạo ra chữ Hán Nôm dựa trên chữ Hán, hai chữ thương hiệu cũng là một kết quả tinh tuý như Vũ đã phân tích.
Ý nghĩa này phù hợp với cách định nghĩa sâu hơn của Vũ, rằng để tạo ra được dấu hiệu uy tín, danh tiếng, doanh nghiệp phải sở hữu được “Nhận thức tích cực”. Nhận thức tích cực này sẽ tạo ra tín nhiệm từ phía những người có trải nghiệm sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu và truyền thông chính là công cụ mạnh mẽ nhất để tạo dựng sự tín nhiệm.
Trong khi đó câu ví von “Cái hiệu để người ta thương” sẽ có hai cách nghĩ.
Cách thứ nhất: chữ thương “商”, buôn bán, dịch nghĩa như vậy sẽ là cái dấu hiệu để người ta buôn bán?. Cách diễn giải như thế này là sai, là không cần thiết, bởi chữ thương hiệu “商號” như Vũ đã phân tích phía trên, nó là “dấu hiệu uy tín, danh tiếng trong kinh doanh”, không phải dấu hiệu để buôn bán.
Cách thức hai: thương yêu, yêu mến, đồng nghĩa với chữ (“愛” – Ái) có 6 nét, gồm bộ tâm (“心” – con tim) và chữ thụ (“受” – Chịu đựng), tình yêu thương chính là sự chấp nhận và tình nguyện hi sinh tượng hình cho sự quyến luyến. Dịch nghĩa thương hiệu như vậy sẽ là “một cái dấu hiệu để người ta yêu thương”, thì cũng hoàn toàn sai với từ nguyên thương hiệu như Vũ đã phân tích phía trên.
Từ những dữ liệu trên, câu nói “cái hiệu để người ta thương” là một ví von hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ.
Mục tiêu lớn nhất của một thương hiệu không phải trở thành người yêu, hoặc cần được người ta thương yêu. Mà sau cùng, thương hiệu phải trở thành tấm gương/ chuẩn mực để các thương hiệu đi sau noi theo, thông qua các hoạt động tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng và sự phát triển của loài người.
Vũ xin đi đến kết luật rằng, hãy để yên hai chữ thương hiệu như nó đã là. Xin đừng chế, ví von thêm nữa làm gì cả. Điều này chỉ làm gây thêm sự hiểu lầm không đáng có, làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt và mất đi ý nghĩa tuyệt vời của từ thương hiệu. Có những nơi mà chất xám không cần phải thể hiện.
Vậy làm sao để xây dựng một thương hiệu mà người ta yêu thương?
Đầu bài viết, Vũ đưa ra luận điểm rằng thương hiệu không có thật, nó được tạo ra từ trí tưởng tượng của chúng ta, cũng giống như tiền và các công ty trách nhiệm hữu hạn. Lý do tạo ra thương hiệu và hai ví dụ kể trên là để đảm bảo cho thị trường và xã hội có những niềm tin về nhau, từ đó tạo ra sự ổn định của nền kinh tế.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm sao để tưởng tượng ra một thương hiệu mà người ta thương yêu?
Bạn ạ, đây là lúc mà bạn cần những người có chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Bởi lẽ, họ là người có những kỹ năng tốt nhất để xây dựng một thương hiệu từ trong trí tưởng tượng.
Công việc thường ngày của Vũ và đội ngũ, đó là từ hư không, Vũ tạo tạo ra danh tính. Danh tính cho thương hiệu, để làm sao cho nó gần giống như một con người trọn vẹn, với đầy đủ hỉ nộ ái ố đơn thuần.
Một thương hiệu để người ta thương cần có những đặc tính và hệ giá trị tương đồng với những người mà thương hiệu hướng đến, đó có thể là khách hàng, đối tác và cả đội ngũ nhân viên.
Và hãy cố gắng giữ sự nhất quán, trước sau như một khi xây dựng danh tính cho thương hiệu. Chúng ta đâu có muốn kết thân hoặc yêu thương một người đa nhân cách, một người mà lời nói bất nhất với hành động, một người mà thay đổi liên tục phải không?
Lời kết cho bài chia sẻ này, Vũ muốn tóm tắt lại một số ý chính sau:
- Thương hiệu không phải cái hiệu để người ta thương, mà là một dấu hiệu uy tín trong kinh doanh, dấu hiệu này được tạo dựng trong nhận thức của khách hàng, đối tác và đội ngũ nhân viên.
- Hãy thắc mắc, nghiên cứu và phản biện lại những nội dung chưa được kiểm chứng.
- Cách để xây dựng một thương hiệu mà người ta thương yêu là tạo dựng danh tính phù hợp với những người mà thương hiệu muốn gắn kết.
- Hãy nhất quán trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Xin chân thành cảm ơn,