La bàn đạo đức là khả năng đánh giá đúng-sai trong cuộc sống, để đưa ra những quyết định dẫn đến các hành động phù hợp của mỗi người và thương hiệu.

Vũ đã chia sẻ trong bài viết về thương hiệu có trách nhiệm, đạo đức là tầng thứ hai trong việc định hình một thương hiệu có trách nhiệm. Trong bài viết này, Vũ sẽ tập trung vào khái niệm đạo đức, đó là: la bàn đạo đức.

⇒ Xem thêm: Làm sao để trở thành một thương hiệu có trách nhiệm?

La bàn đạo đức là gì?

La bàn đạo đức là tập hợp các nguyên tắc mà một người hay một tổ chức tin tưởng, hướng tới. Các nguyên tắc trong la bàn đạo đức được gọi là hệ giá trị.

Từ hệ giá trị, thương hiệu sẽ xây dựng các chuẩn mực đạo đức, giúp xác định các quyết định hằng ngày trong quá trình phát triển thương hiệu.

La bàn đạo đức

La bàn đạo đức (ảnh: vudigital.co)

Về bản chất, la bàn đạo đức cung cấp cho chúng ta các tiêu chuẩn khách quan đã được xác lập từ trước, giúp chúng ta đưa ra các quyết định đúng đắn và có đạo đức.

La bàn đạo đức giúp thương hiệu phân rõ đúng-sai, la bàn đạo đức giúp thương hiệu tạo ra các giá trị phổ quát hơn (thường là vì cộng đồng, hướng tới số đông, lợi ích chung) cho dù các hành động đó có thể không tạo ra nhiều giá trị cho thương hiệu trong ngắn hạn.

Nhưng về dài hạn la bàn đạo đức sẽ giúp thương hiệu xây dựng lòng tin và sự trung thành của mọi người, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc tốt đẹp hơn cho nhân viên.

Năm 1982, Chủ tịch & CEO của thương hiệu Johnson & Johnson, Jim Burke đã đưa ra một quyết định nổi tiếng về đạo đức cho tới tận ngày hôm nay, quyết định đó là thu hồi toàn bộ sản phẩm Tylenol trên khắp nước Mỹ, vì có một tên khủng bố đã trộn chất độc Xyanua vào một số sản phẩm Tylenol. Quyết định này mặc dù rất tốn kém về chi phí, nhưng đã giúp uy tín của thương hiệu Johnson & Johnson lên rất cao.

Jim Burke đã từng chia sẻ về la bàn đạo đức rằng 

Nếu không có những chuẩn mực đạo đức, bạn sẽ rơi vào hỗn loạn.

Điều gì tạo dựng lên la bàn đạo đức của thương hiệu?

La bàn đạo đức của thương hiệu được tạo dựng từ chính người hoặc một nhóm người khai sinh ra thương hiệu đó. 

La bàn đạo đức của thương hiệu được sao chép từ la bàn đạo đức của người sáng lập ra thương hiệu đó.

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Todd Hall, bất kỳ ai sinh ra đều đã có một la bàn đạo đức, rằng con người được sinh ra cùng với đạo đức. Chúng ta đều có những ý thức bẩm sinh về điều nào là đúng-sai. Sự khác biệt sẽ xảy ra khi chúng ta trưởng thành, những ý thức bản năng đó có thể phát triển hoặc phai mờ, hoặc chúng cũng có thể trở nên méo mó và xấu đi.

La bàn đạo đức của mỗi người không cố định, nó có thể thay đổi tùy thuộc vào môi trường và hoàn cảnh sống.

La bàn đạo là nội tâm của mỗi con người, mỗi thương hiệu. Tại nơi mà tâm trí của chúng ta quyết định điều gì đúng-sai, nó không và không nên chịu sự ảnh hưởng bởi sự tác động bên ngoài, cụ thể hơn nó không và không nên bị ảnh hưởng bởi sự ép buộc hoặc các quy định của người khác. 

⇒ Xem thêm: Hệ giá trị thương hiệu chứng tỏ nhiều người đã sai về giá trị cốt lõi

Làm thế nào để tạo dựng la bàn đạo đức cho thương hiệu?

Hệ giá trị là một yếu tố quan trọng trong Brand DNA (ảnh: vudigital.co)

Hệ giá trị là một yếu tố quan trọng trong Brand DNA (ảnh: vudigital.co)

La bàn đạo đức của thương hiệu xuất phát từ người sáng lập hoặc lãnh đạo thương hiệu, vì thế để tạo dựng được la bàn đạo đức cho thương hiệu, thì hệ giá trị của nhà sáng lập chính là nguyên liệu quan trọng để tạo thành.

Xây dựng la bàn đạo đức của nhà sáng lập/ lãnh đạo thương hiệu chính là xây dựng la bàn đạo đức cho thương hiệu.

Cách xây dựng la bàn đạo đức cho thương hiệu?

  1. Để xây dựng được la bàn đạo đức cho thương hiệu, nhà sáng lập/ lãnh đạo thương hiệu có thể sử dụng bài tập thực hành về các giá trị và nguyên tắc hoạt động dưới đây.
  2. Hãy tự liệt kê các giá trị quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp lãnh đạo của bạn, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới.
  3. Hãy nhớ lại một trường hợp mâu thuẫn các giá trị của bạn liệt kê phía trên. Bạn đã xử lý mâu thuẫn đó như thế nào? kết quả có làm bạn hài lòng không?

    – Dưới áp lực đó, bạn có thỏa hiệp hay không? nếu có bạn đã thoả hiệp tới mức nào?
    – Điều gì làm cơ sở để bạn xử lý mâu thuẫn đó
    – Nếu có cơ hội xử lý lại mâu thuẫn đó, bạn sẽ làm gì?

  4. Viết lại một trường hợp mà hệ giá trị của bạn bị áp lực bên ngoài tác động, thử thách.
  5. Liệt kê các nguyên tắc, tiêu chuẩn bạn sử dụng để lãnh đạo thương hiệu, sau đó hãy phân loại các nguyên tắc này theo thứ tự từ trên xuống dưới.
  6. Liệt kê những chuẩn mực, ranh giới đạo đức bạn sẽ không bao giờ phá vỡ.
  7. Liệt kê những giá trị bạn sẽ theo đuổi đến cùng?

Ví dụ về la bàn đạo đức

Liên đoàn Quảng cáo Hoa Kỳ đã quy định 9 nguyên tắc đạo đức cho quảng cáo, quan hệ công chúng và tất cả các chuyên gia truyền thông tiếp thị như sau:

Ảnh chụp màn hình trang web Liên đoàn quảng cáo Hoa Kỳ.

Ảnh chụp màn hình trang web Liên đoàn quảng cáo Hoa Kỳ.

Nguyên tắc và thực hành

Sự xuất hiện của những thử thách mới, những phương tiện truyền thông mới vừa mang đến những rủi ro lớn hơn, vừa tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Những nguyên tắc nhất quán, không thay đổi bên dưới sẽ giúp bạn cải thiện năng lực ứng xử, kinh doanh và tạo ra niềm tin nơi khách hàng về sự công bằng, thẳng thắn và trung thực.

#1 Tiếp thị, quảng cáo, truyền thông, tin tức và quan hệ công chúng đều có hai mục tiêu chung là lan toả sự thật, đề ra các tiêu chuẩn đạo đức trong quá trình phục vụ đại chúng.

#2 Trong đó tiếp thị, truyền thông và quan hệ công chúng là những ngành nghề có nghĩa vụ chạm đến mức độ đạo đức cao nhất khi truyền đạt, chia sẻ thông tin đến mọi người.

#3 Các nhà quảng cáo cần phân biệt rõ giữa thông tin quảng cáo, truyền thông trong nội bộ công ty với các nội dung, chương trình mang tính giải trí bên ngoài – cả trực tuyến và ngoại tuyến.

#4 Nhà quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến tài chính hay vật chất, chẳng hạn như cách thức thanh toán, chương trình tặng kèm, các tác động đến xã hội cùng với danh tính khách hàng mục tiêu, tất cả vì lợi ích của tính đầy đủ và minh bạch thông tin.

#5 Nhà quảng cáo phải cư xử công bằng với tất cả người tiêu dùng, dựa trên bản chất của đối tượng quảng cáo hướng đến và bản chất của sản phẩm, dịch vụ được mang ra quảng cáo.

#6 Nhà quảng cáo không được xâm phạm vào giới hạn riêng tư của người tiêu dùng, trong việc lựa chọn có cung cấp thông tin cá nhân của họ hay không. Trường hợp có cung cấp thì nhà quảng cáo cũng phải tạo điều kiện để quá trình này diễn ra thuận tiện, nhanh chóng và minh bạch.

#7 Nhà quảng cáo nên tuân theo luật quảng cáo từ địa phương, tiểu bang cho đến liên bang, đồng thời tuân thủ các bộ luật tự quản của ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh.

#8 Nhà quảng cáo cùng với các Agency, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông cần trao đổi thẳng thắn về mặt lợi ích và đạo đức của tất cả các bên, khuyến khích bày tỏ đầy đủ các lo ngại tiềm ẩn nếu có về mặt đạo đức.

#9 Niềm tin giữa các đối tác quảng cáo và với quan hệ khách hàng, đại lý hay nhà cung cấp phải được xây dựng trên sự minh bạch, tiết lộ đầy đủ và chính xác về thù lao, quyền sở hữu cũng như các ưu đãi khác nếu có.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Kết

Đức hạnh, hay sự vẹn toàn về đạo đức là điều duy nhất thực sự tốt. Đúng vậy, chúng ta chỉ đạt được hạnh phúc khi và chỉ khi lương tâm của chúng ta thoả mãn với hệ giá trị của chính chúng ta.

Vì lẽ đó, để có một cuộc sống bình thản, hạnh phúc mỗi nhà lãnh đạo phải xác lập cho mình một la bàn đạo đức rõ ràng và chi tiết, sau đó sống đúng với hệ giá trị này..

Chỉ khi có la bàn đạo đức, thương hiệu mới có thể tránh những sự kiện tiêu cực, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Như Vũ đã chia sẻ con người chúng ta đã có đạo đức bẩm sinh, nó có thể tốt lên hoặc xấu đi tuỳ vào những quyết định của chúng ta. Vũ hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể xây dựng la bàn đạo đức của riêng mình.

Xin chân thành cảm ơn,