Trở thành một thương hiệu có trách nhiệm là đích đến của những doanh nghiệp tử tế.

Thương hiệu trách nhiệm là thương hiệu thực hiện đầy đủ bốn trách nhiệm cơ bản: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm luật pháp, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm nhận đạo.

Lợi nhuận và tăng trưởng tài chính là mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp, nhưng không phải là tất cả. Doanh nghiệp cần có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc thực thi đúng luật pháp, hoạt động có đạo đức và hỗ trợ nhân đạo. Những khả năng này không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu bền vững mà còn mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.

Bốn yếu tố quan trọng này, khi được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả, sẽ tạo ra một thương hiệu có trách nhiệm thực sự. Thương hiệu đó sẽ được tất cả mọi người yêu mến và ủng hộ, từ nhân viên, đối tác, nhà đầu tư đến khách hàng.

Trong bài viết này, Vũ xin mời bạn đọc cùng nhau khám phá một chủ đề vô cùng ý nghĩa: thương hiệu có trách nhiệm. Thương hiệu có trách nhiệm là gì? Điều gì tạo nên một thương hiệu có trách nhiệm? Làm thế nào để xây dựng và vận hành một thương hiệu có trách nhiệm? Cùng Vũ tìm hiểu nhé!

Kim tự tháp trách nhiệm xã hội là gì?

Thương hiệu có trách nhiệm là một xu hướng tất yếu của thời đại, và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là nền tảng để xây dựng một thương hiệu có trách nhiệm. Trong bài viết này, Vũ xin chia sẻ với bạn đọc những kiến thức cơ bản về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, bao gồm: khái niệm, tầm quan trọng, nội dung và cách thực hiện.

thương hiệu có trách nhiệm

Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội – Nguồn Carroll (1996), thiết kế đồ hoạ Vũ Digital. (ảnh: vudigital.co)

Từ năm 1950, CSR đã được nhắc đến, nhưng phải đến khi giáo sư Archie B. Carroll, thuộc Đại học Georgia, phát triển học thuyết “Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Pyramid of Corporate Social Responsibility) vào năm 1991, CSR mới được coi là một khái niệm quan trọng trong thế giới kinh doanh.

Việc minh hoạ các trách nhiệm xã hội thông qua mô hình tháp đã giúp sinh viên, nhà kinh tế, và các lãnh đạo ấn tượng, qua đó giúp người xem dễ dàng hấp thu những kiến thức mà mô hình tháp thường đem lại.

Kim tự tháp trách nhiệm xã hội có bốn cấp độ, được minh hoạ theo sơ đồ hình tháp.

Cấp độ 1 của kim tự tháp trách nhiệm xã hội là trách nhiệm kinh tế, thể hiện qua việc doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận để duy trì hoạt động và phát triển.

Cấp độ 2 là trách nhiệm pháp lý, thể hiện qua việc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Cấp độ 3 là trách nhiệm đạo đức, thể hiện qua việc doanh nghiệp phải hành động theo đúng chuẩn mực đạo đức.

Cấp độ 4 là trách nhiệm nhân đạo, thể hiện qua việc doanh nghiệp phải giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Thương hiệu có trách nhiệm cấp độ 1: Trách nhiệm kinh tế

thương hiệu có trách nhiệm

Trách nhiệm cấp độ 1, trách nhiệm kinh tế là xương sống xuyên suốt tháp trách nhiệm xã hội. (ảnh: vudigital.co)

“Có thực mới vực được đạo” câu thành ngữ nổi tiếng nằm lòng bao lớp người Việt, và dĩ nhiên câu thành ngữ này phù hợp để thể hiện cấp độ một của một thương hiệu có trách nhiệm. 

Mặc dù cấp độ 1 – trách nhiệm kinh tế là tầng thấp nhất của kim tự tháp trách nhiệm, nhưng nó chính là trụ cột của toàn bộ kim tự tháp trách nhiệm xã hội. Thương hiệu chỉ có thể tồn tại nếu nó có thể tự tạo ra lợi nhuận để duy trì hoạt động của chính nó. 

Sơ khởi thì vật chất cần đáp ứng tốt, chúng ta mới có thể tiến xa hơn tới các tầng tiếp theo của trách nhiệm.

Đây là nền tảng cho toàn bộ các trách nhiệm khác, vì nếu doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế, dẫn đến không thể hoạt động thì các cấp độ tiếp theo sẽ không thể xuất hiện, hoặc nếu có, chúng hoàn toàn vô nghĩa.

Tại tầng này chúng ta cũng sẽ thấy rằng, thật khó có thể tin khi một thương hiệu vừa mới được đăng ký kinh doanh – một thương hiệu vừa mới công bố ra thị trường thông qua các hoạt động truyền thông, dù tuổi dương chưa tới một tháng lại truyền thông thể hiện trách nhiệm của tầng nhân đạo.

Trách nhiệm kinh tế cũng là một vấn đề còn nhiều tranh cãi, mặc dù kinh tế tốt quyết định sự sống của một thương hiệu, nhưng nếu vì mục tiêu kinh tế mà ảnh hưởng tới môi trường sống, tới con người thì thương hiệu đó cũng khó có thể tồn tại. Đó là lý do, thương hiệu phải phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng ý thức và thực hiện cấp độ thứ 2 – trách nhiệm pháp lý.

Thương hiệu có trách nhiệm cấp độ 2 – Trách nhiệm luật pháp

thương hiệu có trách nhiệm

Trách nhiệm cấp độ 2, trách nhiệm luật pháp.

Thương hiệu cần đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định quốc gia thương hiệu đang hoạt động và pháp luật quốc tế. Việc tuân thủ các hoạt động pháp lý nhằm tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng và đạo đức, trách nhiệm pháp lý tốt cho nền kinh tế và ngành mà thương hiệu đang hoạt động.

>> Xem thêm: Chiến lược cạnh tranh là gì, tìm hiểu 3 chiến lược cạnh tranh phổ quát

Một thương hiệu có trách nhiệm luật pháp tốt sẽ phát triển bền vững và tạo ra nhiều sự tín nhiệm hơn những thương hiệu phớt lờ trách nhiệm này.

Thế giới kinh doanh luôn luôn biến động và không ngừng xoay vần, vì thế đôi khi luật pháp sẽ không theo kịp những sự chuyển dịch này, đó là lúc thương hiệu cần sử dụng trách nhiệm đạo đức, để tự răn mình.

Thương hiệu có trách nhiệm cấp độ 3 – Trách nhiệm đạo đức

thương hiệu có trách nhiệm

Trách nhiệm cấp độ 3, trách nhiệm đạo đức.

Trách nhiệm này thể hiện qua sự tự nhận thức, tự soi chiếu chính mình theo các chuẩn mực đạo đức chung của nhân loại. 

Trách nhiệm đạo đức cần vượt lên trên trách nhiệm pháp lý, ngụ ý rằng, thương hiệu phải làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của chính mình cho dù điều đó có thể pháp luật chưa nghiêm cấm.

Tuy nhiên sau các cuộc khủng hoảng về kinh tế, thị trường ngày càng xa rời các giá trị đạo đức, và chúng ta cần mang chúng lại gần với nhau hơn.

Đạo đức và kinh tế thị trường vẫn là các nội dung còn nhiều tranh cãi. Một số học giả cho rằng kinh tế thị trường có thể giải quyết hầu hết các vấn đề đạo đức trên toàn cầu, nhưng một số học giả khác cho rằng cần có giới hạn, cần có các chuẩn mực đạo đức cho nền kinh tế thị trường, một số thứ có thể là hàng hoá, một số thứ thì không.

Bởi lẽ, có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, hư hỏng nếu chúng bị xem là hàng hoá và được mang ra để kinh doanh. Do đó, trách nhiệm đạo đức cần thể hiện rõ năng lực của nó, phân tách rạch ròi giữa những thứ có thể kinh doanh, và những thứ thì không.

Hệ giá trị thương hiệu là một bộ nguyên tắc quan trọng giúp thương hiệu có thể vận hành tốt ở cấp độ đạo đức. Hệ giá trị thương hiệu chỉ ra đâu là đúng – sai trong các quyết định, lựa chọn đạo đức – kinh tế của thương hiệu. 

blog he gia tri

Thương hiệu có trách nhiệm cấp độ 4 – Trách nhiệm nhân đạo

thương hiệu có trách nhiệm

Trách nhiệm cấp độ 4, trách nhiệm nhận đạo.

Đây là cấp độ mà các thương hiệu thể hiện tác động của mình tới môi trường thương hiệu đang hoạt động bằng cách tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng tích cực cho xã hội. 

Một thương hiệu hoạt động các trách nhiệm nhân đạo đem lại nhiều lợi ích nhân văn cho toàn bộ xã hội, nó cũng rất quan trọng với đội ngũ nhân sự của thương hiệu. Các hoạt động thiện nguyện giúp đội ngũ nhân sự của thương hiệu tìm thấy ý nghĩa trong công việc vượt lên trên những công việc thường ngày, giúp họ yêu mến và gắn bó với thương hiệu.

Một thương hiệu có giá trị thể hiện qua việc thương hiệu đó ảnh hưởng đối với xã hội như thế nào.

Kết luận

Bốn cấp độ trách nhiệm doanh nghiệp là một mô hình trực quan, nó thể hiện rõ vị trí và tầm quan trọng của mỗi trách nghiệm trong quá trình vận hành và phát triển một thương hiệu. Hầu hết các thương hiệu đều có ít nhiều các trách nhiệm này trong quá trình hoạt động. 

Tuy nhiên việc ý thức rõ về lợi ích của từng trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp hoạch định các chiến lược và kế hoạch của mình hiệu quả hơn. Vũ hy vọng bài viết đã cung cấp kiến thức phù hợp với tìm kiếm của bạn đọc.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Xin chân thành cảm ơn,