Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi Portfolio là gì? Và vai trò của Portfolio là gì đối với một nhà thiết kế đồ họa? Nếu bạn chưa hiểu rõ về khái niệm Portfolio, hãy cùng Vũ tìm hiểu trong bài viết này.
Portfolio là một thuật ngữ không hề xa lạ với cộng đồng thiết kế. Đặc biệt với những sinh viên ngành đồ họa, Portfolio gần như là thứ duy nhất giúp họ thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và có được một công việc ưng ý.
Mặt khác, Portfolio còn giúp designers thu hút những khách hàng tiềm năng nếu họ muốn làm việc tự do và từ đó, xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho bản thân.
Nhà thiết kế Mustak Cobanli – giám khảo cuộc thi A’ Design Award, trong một lần được hỏi về cách để những người mới “chập chững” vào ngành có thể tìm được việc, đã nói:
Bí quyết để có được công việc thiết kế chính là một Portfolio tốt.
Vậy chính xác Portfolio là gì, tác dụng của Portfolio là gì và làm cách nào để xây dựng một Portfolio hoàn chỉnh? Trong bài viết lần này, Vũ sẽ chia sẻ đến các bạn những kiến thức về thuật ngữ Portfolio. Bắt đầu vẫn bằng câu hỏi cơ bản nhất: Portfolio là gì?
Portfolio là gì: Định nghĩa
Portfolio là tập hợp những dự án mà một cá nhân hoặc tổ chức đã thực hiện. Portfolio có tác dụng như một hồ sơ năng lực, thể hiện khả năng của người sáng tạo.
Trong lĩnh vực thiết kế, Portfolio mang đến cho người xem (thường là nhà tuyển dụng hoặc khách hàng) cái nhìn tổng quan về phong cách thiết kế, chất lượng công việc và những điểm mạnh của designer.
Thuật ngữ “Portfolio” có nguồn gốc từ chữ “portafoglio” trong tiếng Ý. “Portafoglio” là từ để chỉ những chiếc túi, hay ví với rất nhiều giấy tờ bên trong. Và đây cũng là nghĩa đầu tiên của câu hỏi “Portfolio là gì” trong tiếng Anh: một thứ để đựng các giấy tờ, bản in, bản vẽ, tiền, và những thứ tương tự.
Sau đó, Portfolio bắt đầu được áp dụng để ám chỉ tập hợp danh mục đầu tư của một người (đến nay vẫn mang nghĩa này), và được dùng cả trong những lĩnh vực khác như thiết kế.
Portfolio được sử dụng trong các hoạt động, ngành nghề có sự tập trung vào các dự án, hoặc một tập hợp nhiều sản phẩm. Đó có thể là điện ảnh, nhiếp ảnh, thiết kế, hay thậm chí là bất động sản, nhà hàng, khách sạn,… Chúng ta có thể tạo ra các Portfolio dạng in ấn hoặc kỹ thuật số (website, pdf,…), tùy thuộc vào sở thích cá nhân và yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng.
Như Vũ đã viết, Portfolio là công cụ thiết yếu giúp các sinh viên thiết kế, designer hoặc freelancer tìm được công việc và khách hàng, vì nhà tuyển dụng thường sẽ không có nhiều thời gian để sàng lọc kỹ lưỡng số lượng hồ sơ lên đến hàng trăm. Họ chủ yếu sẽ dựa trên Portfolio và đưa ra đánh giá, cảm nhận của mình. Vậy vai trò cụ thể của Portfolio là gì?
Portfolio là gì: Tầm quan trọng của Portfolio
Sau khi biết được Portfolio là gì, chúng ta cần phải hiểu về tầm quan trọng của chúng. Không chỉ giúp bạn có được công việc đầu tiên, Portfolio còn mang đến nhiều lợi ích khác cho sự nghiệp lâu dài của bạn.
a. Portfolio giúp bạn có được một công việc
Thiết kế đồ hoạ là một lĩnh vực ngày càng phổ biến. Rất nhiều bạn trẻ muốn thử sức mình trong lĩnh vực đầy sáng tạo và thú vị này, cùng với đó là sự chú trọng về mặt hình ảnh, truyền thông của các thương hiệu, điều này dẫn đến việc số lượng “cung” và “cầu” về nhân lực ngày càng tăng.
Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Thực tế là hiện nay có nhiều designers cảm thấy rất khó khăn để tìm được một công việc ưng ý. Cạnh tranh gay gắt, công ty thậm chí còn không phản hồi email, muốn làm freelancer thì không có khách hàng… Vậy giả sử bạn đang là sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa, bạn cần làm gì để cuộc sống vài tháng tới bớt khó khăn đi một chút?
Giải pháp khả dĩ nhất chính là đầu tư nghiêm túc cho bản thân một Portfolio.
Một Portfolio tốt sẽ là công cụ giúp bạn cạnh tranh với đứa bạn ngồi cùng bàn nếu cả hai cùng ứng tuyển cho một công việc. Cơ hội thành công của bạn khi tìm việc mà không có Portfolio gần như bằng 0. Điều này cũng tương tự như việc bạn ra sân bay nhưng lại quên mang theo hộ chiếu vậy. Bạn không thể “cất cánh” nếu không có Portfolio.
Nhà tuyển dụng thường không có quá nhiều thời gian để xem xét kỹ từng ứng viên. Họ không thể nào gọi điện phỏng vấn một lúc hàng trăm người được. Vì vậy để tiết kiệm thời gian hơn, nhà tuyển dụng sẽ xem qua portfolio của bạn.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá được các yếu tố sau:
- Chuyên môn: nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn có phù hợp với yêu cầu chuyên môn mà họ tìm kiếm hay không. Có thể họ đang cần một người chuyên về thiết kế sự kiện, nhưng bạn lại có chuyên môn về thiết kế thương hiệu. Vậy là hai bên “không thuộc về nhau” rồi.
- Phong cách thiết kế: Portfolio là nơi hoàn hảo để bạn thể hiện phong cách thiết kế cá nhân của mình. Những dự án mà bạn đã thực hiện sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung được phong cách, cá tính của bạn và đánh giá xem liệu bạn có phù hợp với nhu cầu, văn hóa của họ hay không.
- Đánh giá chi tiết: bản thân Portfolio cũng là một “tác phẩm” được sáng tạo ra bởi designer. Vì thế nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể dựa vào đó để nhận xét kỹ càng về ứng viên của mình. Những kỹ năng thiết kế layout, phát triển concept, màu sắc, typography… sẽ được nhà tuyển dụng xem xét và đánh giá.
Tóm lại, một portfolio đủ tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc tìm kiếm một công việc, dù bạn là một sinh viên hay đã đi làm nhiều năm.
b. Portfolio giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân
Tính về lâu dài, Portfolio còn giúp bạn trong việc xây dựng được thương hiệu cá nhân. Điều này là vô cùng cần thiết với những ai muốn tìm kiếm những công việc tự do (freelance).
Hiện nay, việc cạnh tranh giữa các freelancer với nhau cũng không kém gì cạnh tranh cho một việc làm ưng ý. Một bài viết tuyển dụng freelancer thu hút được hàng chục bình luận “ứng tuyển” là điều bình thường trên các diễn đàn.
Trong trường hợp này, Portfolio đóng vai trò như một công cụ quảng cáo cho những kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Và khách hàng có thể liên hệ đến bạn thông qua Portfolio.
Đừng xem thường công việc freelance. Nếu bạn là một “tân binh” trong lĩnh vực thiết kế thương hiệu, việc nhận những công việc thiết kế logo cho các thương hiệu nhỏ là một cách để bạn góp nhặt kinh nghiệm cho mình. Làm việc với những khách hàng này thường không yêu cầu quá nhiều về mặt kỹ năng, nhưng sẽ mang lại cho designer những bài học quý báu như thương lượng giá, đàm phán,…
Đối với những người đã có công việc ổn định, freelance không chỉ mang lại nguồn thu nhập khác cho bản thân, chúng cũng giúp bạn bổ sung thêm kiến thức ngoài công việc thường ngày. Bạn sẽ nhận ra việc thực hiện các dự án freelance mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ, những thứ có thể áp dụng vào công việc chính của bạn.
Portfolio là gì: Những lưu ý khi thiết kế Portfolio
Chúng ta đã biết Portfolio là gì và vai trò của Portfolio là gì. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Portfolio, designers thường mắc phải những sai sót đáng tiếc, dù chúng ta hoàn toàn có thể tránh được.
Điều này có thể xảy đến khi các bạn lần đầu làm Portfolio hoặc chưa có ai giúp chỉ ra những điểm yếu này. Chúng rất dễ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng hoặc khách hàng, và khiến cơ hội vụt khỏi tầm tay bạn.
Trong phần tiếp theo, Vũ sẽ chia sẻ đến bạn đọc những lưu ý khi thiết kế Portfolio là gì, nhằm giúp các bạn tránh được trong tương lai.
Số lượng dự án
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi xây dựng Portfolio thiết kế là số lượng dự án. Có người chỉ đưa vào một hoặc hai dự án, nhưng cũng có người lại “nhét” vào tận mười dự án.
Quá ít dự án sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không đủ kinh nghiệm, trong khi quá nhiều dự án sẽ biến designer thành một người “tham lam”, không biết chọn lọc.
Số lượng dự án hợp lý trong Portfolio sẽ là từ 4 – 6. Tất nhiên, tùy thuộc vào mục đích và cảm nhận của mỗi người, con số này sẽ thay đổi, nhưng không nên chênh lệch quá nhiều.
Đối với những sinh viên vừa ra trường, những dự án trong quá trình học hoặc dự án cá nhân là một nguồn tài nguyên hợp lý để bạn đưa vào Portfolio, khi mà kinh nghiệm của bạn là chưa nhiều. Mặt khác, chúng ta cũng dễ bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải thể hiện thật nhiều công việc thì nhà tuyển dụng mới đánh giá cao chúng ta so với những ứng viên khác. Tuy nhiên thực tế lại chỉ ra điều ngược lại.
Hãy suy nghĩ về công việc mà bạn đang ứng tuyển và chọn ra những dự án phù hợp nhất. Nếu công ty đó là một doanh nghiệp thiết kế website, hãy chỉ chọn ra những dự án liên quan đến UI/UX mà bạn đã làm. Nếu công ty đó chuyên về lĩnh vực thiết kế thương hiệu, những dự án thiết kế logo, bao bì,… sẽ là lựa chọn sáng suốt nhất để đưa vào Portfolio.
Phong cách cá nhân
Hiện nay cũng có rất nhiều trang web cung cấp sẵn những template portfolio cho người dùng, và chúng ta cũng hay sử dụng chúng như một cách để tiết kiệm thời gian. Theo quan điểm của Vũ, bạn không nên làm vậy.
Bởi vì đơn giản, làm như vậy rất nhàm chán. Một template đẹp mắt có thể được sử dụng bởi hàng trăm người. Trong trường hợp đó, làm sao bạn thể hiện được phong cách thiết kế của mình? Mặt khác, những template này cũng thường được thiết kế đơn giản, do cần tạo ra số lượng lớn để thu hút người dùng. Suy ra tính độc đáo của những portfolio dạng này gần như không có.
Nếu bạn là một designer, hãy xây dựng portfolio bằng chính sự sáng tạo của mình. Hãy tạo ra một concept chung tổng thể để dẫn dắt cảm xúc của người xem. Concept là thứ cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực sáng tạo. Những người yêu vẽ minh họa có thể xây dựng một concept truyện tranh cho Portfolio của mình. Những người thích Marvel có thể tạo dựng những hiệu ứng đồ họa để ghi dấu ấn.
Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ hứng thú hơn khi nhìn vào một Portfolio được thiết kế riêng, chứ không phải những mẫu có sẵn trên Internet.
Quy trình của dự án
Dự án là mục quan trọng nhất trong Portfolio. Nhà tuyển dụng và khách sẽ dựa vào đó để đánh giá năng lực của bạn, vì vậy hãy chuẩn bị kỹ càng cho mục này.
Nhưng không phải cứ cho hết tất cả hình ảnh liên quan vào là “kỹ”. Bạn cần có những thông tin cơ bản của dự án để các giám đốc sáng tạo hiểu được tổng thể chung và đóng góp mà bạn đã thực hiện.
Thông tin cần có cho một dự án bao gồm
- Tên khách hàng hoặc công ty
- Mục tiêu dự án
- Quá trình phát triển dự án
- Giải pháp
- Vai trò của bạn trong dự án
- Những điều rút ra được của bạn sau dự án
Những thông tin này giúp người xem hiểu được cách bạn tìm ra giải pháp cho những vấn đề thiết kế.
Đặc biệt, vai trò của bạn trong dự án là rất quan trọng. Hãy lựa chọn những công việc mà bạn có vai trò chính, bởi vì một nhà tuyển dụng nhìn thấy một dự án trong Portfolio, họ sẽ gần như mặc định rằng bạn đã tham gia nhiều vào quá trình xây dựng dự án.
Nếu bạn chỉ phụ một vài việc lặt vặt, chắc chắn bạn sẽ không thể trả lời khi họ đặt những câu hỏi mang tính chuyên sâu về dự án. Ngược lại, khi bạn đã thật sự hiểu về công việc mình đã làm, bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều khi đối diện với những giám đốc sáng tạo đang ngồi trước mặt.
Đừng chỉ chèn mỗi tên và vài chục tấm hình. Những đoạn mô tả dự án cũng sẽ là một cách để nhà tuyển dụng hoặc khách hàng có thêm động lực để khám phá Portfolio của bạn.
Chú ý những chi tiết cơ bản
Có những thứ rất đơn giản đến nổi chúng ta không thể nghĩ là bản thân có thể mắc phải những sai sót đơn giản như thế. Những sai lầm kiểu này bao gồm: chính tả, thông tin cá nhân, lỗi font,…
Lời khuyên của Vũ dành cho các bạn sinh viên chính là hãy chú ý thật kỹ những chi tiết nhỏ này. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có khả năng loại bỏ hồ sơ của bạn chỉ vì một lỗi chính tả. Nó thể hiện bạn là một người thiếu chỉn chu và thiếu cẩn thận khi làm việc.
Ngoài ra, việc thiếu những thông tin liên lạc cần thiết cũng là một sai sót cần tránh, đặc biệt là với các Portfolio dạng web hoặc hồ sơ online. Bạn nên đảm bảo rằng có một mục liên lạc riêng để khách hàng hoặc nhà tuyển dụng có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Trên đây là những lưu ý mà Vũ tin rằng sẽ giúp ích được rất nhiều cho bạn đọc trong quá trình xây dựng Portfolio. Các bạn có thể tham khảo thêm những trang web Portfolio online như Behance, Dribble,… Đây cũng là một cách tiện lợi nếu bạn không có nhiều thời gian để tự thiết kế Portfolio cho mình.
Lời kết
Qua bài viết này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã hiểu khái niệm Portfolio là gì cũng như những lưu ý khi xây dựng Portfolio là gì, đặc biệt là các bạn sinh viên mong muốn theo đuổi con đường thiết kế đồ họa.
Portfolio là một công cụ hiệu quả để chúng ta hệ thống lại các dự án, thể hiện phong cách cá nhân và bắt đầu sự nghiệp. Hãy đầu tư nghiêm túc cho Portfolio ngay từ bây giờ, đừng đợi đến khi ra trường rồi mới chuẩn bị. Vũ chúc các bạn thành công.
Xin chân thành cảm ơn,
Để hiểu hơn về thế giới thương hiệu và củng cố kiến thức xây dựng thương hiệu của bản thân, mọi người có thể ngay lập tức kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:
- Website: https://vudigital.co/
- Fanpage: https://www.facebook.com/vudigital.co
- Instagram: https://www.instagram.com/vu.digital/
- Podcast: Podcast Quyền Vũ
- Behance: https://www.behance.net/vu-digital
- LinkedIn: https://vn.linkedin.com/in/vudigital
Những câu hỏi thường gặp
Portfolio là gì?
Portfolio là tập hợp những dự án mà một cá nhân hoặc tổ chức đã thực hiện. Portfolio có tác dụng như một hồ sơ năng lực, thể hiện khả năng của người sáng tạo.
Tầm quan trọng của Portfolio?
Portfolio giúp bạn có được một công việc và xây dựng thương hiệu cá nhân cho sự nghiệp sau này
Những lưu ý khi thiết kế Portfolio?
Cần lưu ý về số lượng dự án, phong cách cá nhân, quy trình của dự án và các chi tiết cơ bản khi thiết kế Portfolio
Thông tin cần có khi mô tả dự án
Thông tin cần có cho một dự án bao gồm: Tên khách hàng hoặc công ty, mục tiêu dự án, quá trình phát triển dự án, giải pháp và vai trò của bạn trong dự án, những điều rút ra được của bạn sau dự án