Tạo thương hiệu cá nhân là giải pháp tối ưu để bản thân mỗi người sống một cuộc đời giá trị và đầy ý nghĩa.

Nếu có ai đặt nghi vấn về tầm quan trọng của việc tạo thương hiệu cá nhân, còn bạn muốn chứng minh cho họ thấy bằng cách sử dụng một bài học sâu sắc có ngay ngoài đời thật. Vậy thì hãy nhắc lại bài phát biểu của Steve Jobs – cố CEO Apple vào năm 2005 tại Đại học Stanford với hai câu nói nổi tiếng như sau:

Cái chết là phát minh vĩ đại nhất của cuộc sống. Luôn nhớ rằng ngày nào đó mình sẽ chết chính là cách để tôi sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Câu nói không chỉ thể hiện rõ nét một nhân cách và một thế giới quan khác biệt so với phần còn lại, nó còn tô điểm thêm cho câu chuyện về “một cuộc đời đáng sống” của huyền thoại nhà Táo Khuyết. Không ai dám khẳng định Steve Jobs từng chủ động xây dựng chiến lược tạo thương hiệu cá nhân, nhưng từng lời nói và hành động cụ thể của ông trong đời sống thường ngày đều đã góp phần để lại di sản cho thế hệ kế cận. Quan trọng hơn cả, đó cũng là biểu hiện rõ ràng nhất của chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân.

Tạo thương hiệu cá nhân

Trong những bài chia sẻ về thương hiệu cá nhân, Vũ từng định nghĩa tạo thương hiệu cá nhân là tạo giải pháp để một người được những người xung quanh nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá về mình theo cách người đó muốn. Để phản biện lại quan điểm về vai trò cũng như tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân, nhiều người đặt vấn đề cho rằng có nhất thiết phải tạo dựng thương hiệu cá nhân hay không? Chỉ những chủ doanh nghiệp lớn mới cần thiết hay bất cứ ai cũng nên có thương hiệu cá nhân của riêng mình?

Đó là động lực để Vũ gửi đến tất cả các bạn bài chia sẻ lần này, với chủ đề Tạo thương hiệu cá nhân và ba yếu tố đánh giá thương hiệu cá nhân hiệu quả. Đây đều là những chia sẻ và phân tích chi tiết nhằm chạm đến “bản ngã” của khái niệm thương hiệu cá nhân. Vì sao việc truy nguyên bản chất của khái niệm này lại trở nên quan trọng? 

Bởi trong lúc nhiều người đang vô tình tạo thương hiệu cá nhân mà không hề hay biết, một số khác lại tự nhận là tấm gương thành công khi xây dựng thương hiệu cá nhân – mà chưa hoàn toàn hiểu đúng về bản chất của khái niệm. Cũng giống như thương hiệu doanh nghiệp, không ít người vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần tạo ra thiết kế logo độc quyền, viết ra một vài tính cách tốt đẹp hay thể hiện đặc tính cá nhân bằng chính tông giọng “truyền lửa”, nghĩa là đã thành công trên chặng đường xây dựng thương hiệu cá nhân.

Bài viết này của Vũ là để chứng minh sự thiếu hụt về cơ sở kiến thức, sự vội vàng trong kết luận quan điểm của một số học giả sớm tự nhận mình là “chuyên gia” trong lĩnh vực thương hiệu. Để rồi “thương mại hoá” khối lượng kiến thức có phần thiếu chiều sâu của mình, dẫn đến hậu quả tạo ra nhiều thế hệ “chuyên gia thương hiệu” khác không có quan điểm đúng đắn, thuyết phục về thương hiệu cá nhân nói riêng và thế giới thương hiệu nói chung.

vc

Có nhất thiết phải tạo thương hiệu cá nhân?

Không phải ai cũng thần tượng và muốn bản thân sớm trở thành Steve Jobs thứ hai của thế giới, nhưng để sống có ý nghĩa rồi qua đời mà vẫn được nhiều thế hệ gọi tên giống như ông thì chẳng ai muốn khước từ. Đó là lý do vì sao người đàn ông từng một tay gầy dựng nên đế chế công nghệ từ garage cũ của gia đình, bị “đá đi” phũ phàng rồi quay lại vào năm 1997 để cứu rỗi Apple từ cảnh tàu đắm, mạnh dạn tuyên bố rằng “cái chết chính là phát minh vĩ đại nhất của cuộc sống.”

Tin tưởng và luôn nhớ rằng một ngày nào đó mình sẽ phải dừng lại mãi mãi, chính là động lực để bản thân không ngừng tốt hơn ở thì hiện tại. Lý tưởng này không chỉ xuất hiện trong quá trình tạo thương hiệu cá nhân, nó còn tác động và đóng vai trò quan trọng trên chặng đường xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Sau cùng thì sự khác nhau cơ bản giữa một thương hiệu lớn với một thương hiệu luôn dẫn đầu thị trường, đó là năng lực và tham vọng để lại di sản cho các thế hệ kế cận.

Không phải thương hiệu lớn nào cũng có đủ tham vọng và năng lực để lại di sản, xây dựng hay lan toả nhiều giá trị tích cực đến với cộng đồng người dân. Không thiếu doanh nghiệp vẫn chỉ luôn tập trung vào các con số báo cáo kết quả kinh doanh, dồn toàn lực nuôi sống đội ngũ bất chấp các giá trị tốt đẹp ban đầu đang ngày càng mai một. Sau cùng là làm giàu hơn nữa những túi tiền không đáy của đội ngũ lãnh đạo, quên mất trách nhiệm cần có là góp phần phát triển nền kinh tế đất nước của mỗi doanh nghiệp.

Nhìn lại đời thực nơi chúng ta đang tồn tại và phát triển, nếu như ví mỗi người trong số chúng ta là một “doanh nghiệp” thì cũng phải có đến hàng nghìn mô hình kinh doanh khác biệt, hàng vạn hình thức và “lĩnh vực kinh doanh” khác nhau. Tuy nhiên khác với doanh nghiệp đúng nghĩa khi họ có thể chọn phát triển thương hiệu hay không, mà vẫn có thể sống tốt trên thị trường. Mỗi con người đều cần tạo thương hiệu cá nhân và không ngừng phát triển hình ảnh cá nhân đó để sống khoẻ ngoài đời thực.

Steve Jobs không hoang đường khi cho rằng cái chết là phát minh tuyệt vời nhất của sự sống (ảnh: Forbes).

Steve Jobs không hoang đường khi cho rằng cái chết là phát minh tuyệt vời nhất của sự sống (ảnh: Forbes).

Trừ trường hợp bạn đang xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân mà không hề hay biết, lúc đó bạn sẽ đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ cần thiết của thương hiệu cá nhân đối với mỗi người. Còn trong phần lớn các trường hợp còn lại, những người chịu đầu tư công sức, thời gian và cả tiền bạc vào quá trình tạo thương hiệu cá nhân đều nhận thức được rằng, thương hiệu cá nhân đóng vai trò quan trọng không kém gì các thương hiệu doanh nghiệp.

Một người có thể không biết gì về lịch sử, vai trò trên thị trường hay lợi thế cạnh tranh của một thương hiệu doanh nghiệp. Nhưng họ có đầy đủ thông tin và cũng có thừa sự hiểu biết về người sáng lập nên doanh nghiệp đó. Ví dụ như bạn chưa từng dùng đến mạng xã hội Twitter, nhưng thương vụ tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter thì bạn có biết đến và thậm chí liên tục cập nhật. Chỉ vì niềm ngưỡng mộ hay yêu thích cái cách mà Elon Musk đã tạo thương hiệu cá nhân, xây dựng hình ảnh bản thân trong suốt nhiều năm qua.

Mà tỷ phú Elon Musk cũng không phải trường hợp duy nhất, bằng chứng là trong thế giới thương hiệu đang phát triển theo cấp số nhân cả về số lượng lẫn chất lượng. Đôi khi thương hiệu cá nhân của nhà sáng lập, của ban lãnh đạo lại nổi bật và được nhiều người biết đến hơn cả. Dù trong số họ không phải ai cũng đều biết đến thương hiệu doanh nghiệp tương ứng, gắn bó và trung thành ủng hộ các sản phẩm đến từ thương hiệu doanh nghiệp.

Thay vì tiếp xúc với thương hiệu doanh nghiệp với vị thế đơn thuần của người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu của nhiều thương hiệu đang có xu thế muốn được tiếp xúc bằng mối quan hệ “giữa người với người” nhiều hơn. Các thương hiệu doanh nghiệp không ngừng xây dựng tính cách khác biệt cho riêng mình, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng bắt đầu chú trọng đến quy trình tạo thương hiệu cá nhân. Để từ đó, tương tác với khách hàng mục tiêu bằng chính những cảm xúc có thật của một con người.

Công thức để tạo thương hiệu cá nhân là gì?

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp theo đuổi việc xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ thể hiện một mặt của xu hướng, chứ không thể khẳng định rằng chỉ có lãnh đạo các doanh nghiệp mới cần tạo thương hiệu cá nhân hoặc phát triển hình ảnh của bản thân. 

Nếu như thương hiệu doanh nghiệp được định nghĩa là nhận thức tích cực của người tiêu dùng, sau thời gian đủ lâu có cơ hội sở hữu và trải nghiệm các sản phẩm đến từ doanh nghiệp. Vậy thì thương hiệu cá nhân cũng không bị giới hạn bởi một quy chuẩn, công thức hay một danh sách dài các yếu tố mà nhiều “chuyên gia” vẫn hay gọi là giá trị cốt lõi của thương hiệu.

Thương hiệu cá nhân chính là nhận thức từ những người xung quanh về một hay nhiều đặc tính khác biệt của một con người. Khi nhớ đến Steve Jobs, không phải ai cũng nhớ đến chức vụ hay vai trò quan trọng của ông đối với nhà Apple. Nhiều người vẫn nhớ đến Steve là một người đàn ông luôn mặc áo cổ lọ màu đen, quần jeans xanh nhạt cùng với đôi giày New Balance nhuốm màu thời gian. Đi qua đi lại trên bục thuyết trình và chia sẻ về những sản phẩm “thần thánh” của mình một cách đầy tự hào.

Ôm bồn rửa vào trụ sở công ty không phải hành động điên rồ duy nhất của Elon Musk khi tạo thương hiệu cá nhân (ảnh: 24 Noticias).

Ôm bồn rửa vào trụ sở công ty không phải hành động điên rồ duy nhất của Elon Musk khi tạo thương hiệu cá nhân (ảnh: 24 Noticias).

Hay như một câu chuyện mà Vũ đã nghe kể lại, thông qua lời của một giảng viên đại học. Ngày còn đứng trên giảng đường, ông tiếp xúc và chia sẻ với hàng nghìn sinh viên mỗi tuần, hàng vạn học viên trong suốt sự nghiệp nhà giáo của bản thân. Nhưng chỉ có duy nhất một người sinh viên khiến ông bị ấn tượng. Cô sinh viên này không hề lầm lì ít nói, trái lại sự “nhiệt tình” và năng nổ của cô còn khiến ông đôi lúc cảm thấy khó chịu.

Đó là vì cô liên tục đặt câu hỏi với ông, mà theo lời ông nói thì những câu hỏi này “chẳng thông minh một chút nào.” Chúng là kiểu câu hỏi luôn đưa người nghe vào tình huống khó xử, hoặc thầm nghĩ trong bụng rằng người hỏi liệu đã tìm kiếm thông tin trước khi đặt câu hỏi một cách vô tội vạ hay chưa. Vậy nhưng, sự khó chịu và bức xúc trong lòng ông cũng đi kèm với sự ấn tượng về cô sinh viên nổi bật trong lớp của mình – dù theo hướng không mấy tích cực.

Sau này khi trở thành nhân sự cấp cao cho một doanh nghiệp tư nhân, được toàn quyền tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài về đội ngũ của mình. Vị giảng viên đó nghĩ đi nghĩ lại mà chẳng thấy ấn tượng với ai, ngoại trừ cô sinh viên nhiệt tình và “năng nổ” năm nào. Ông quyết định trao cơ hội cho cô và cũng từ đây, cô liên tục hoàn thành tốt vai trò và “làm đẹp hơn” cho CV của mình chỉ trong vài năm. Trước khi chuyển sang nhiều doanh nghiệp khác với vị thế tốt hơn, đãi ngộ cao hơn và gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp cá nhân.

Câu chuyện này là một dẫn chứng quan trọng để Vũ khẳng định rằng, bất cứ ai cũng nên xây dựng thương hiệu cá nhân và đầu tư nghiêm túc cho quá trình tạo thương hiệu cá nhân – chứ không riêng gì các chủ công ty hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu. Tạo thương hiệu cá nhân không nên bị giới hạn bởi bất cứ tiêu chuẩn hoặc công thức ràng buộc nào đó, càng không thể kết luận rằng người này nên xây dựng thương hiệu cá nhân còn người kia thì không.

Thương hiệu cá nhân chính là cơ sở để phân biệt giữa người này với người kia, giữa một cá nhân nổi bật so với phần còn lại của một cộng đồng và một thế giới đang sinh sống. Những đặc tính có phần nổi bật, khác thường hay thậm chí là “dị biệt” của một con người, đều là nền tảng để người đó không ngừng bồi đắp hình ảnh và thương hiệu cá nhân của mình ngày qua ngày. Khác đôi chút với thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân có thể bao gồm cả những nhận thức tiêu cực và gây “khó chịu” cho người đối diện.

Vị giảng viên trong câu chuyện vừa kể từng “không thể hiểu nổi” cô sinh viên trong lớp, nhưng ông chắc chắn không cô đơn. Quay ngược thời gian trở về nước Mỹ những năm cuối thế kỷ 19, nhiều người “không thể hiểu nổi” vì sao Nikola Tesla – nhà phát minh lỗi lạc thời ấy đã từ chối cơ hội trở thành người giàu nhất thế giới. Để trao quyền thương mại hoá dòng điện xoay chiều vào tay Westinghouse – với mong muốn sáng chế của mình được ứng dụng rộng rãi hơn và đóng góp vào bước tiến khoa học kỹ thuật của nhân loại.

Những điển hình tiêu biểu của quá trình tạo thương hiệu cá nhân (ảnh: Market for Ideas).

Những điển hình tiêu biểu của quá trình tạo thương hiệu cá nhân (ảnh: Market for Ideas).

Hay như trường hợp của nhà thiên văn học Galileo Galilei – người sống ở nước Ý trong giai đoạn cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ thứ 17. Nhiều người “không thể hiểu nổi” vì sao Galileo dám đi ngược lại mọi quy luật và quan điểm thiên văn học đương thời, để tuyên bố rằng Trái Đất có hình cầu và xoay xung quanh Mặt Trời dựa trên trục của nó. 

Tất nhiên là kết cục dành cho ông không hề tốt đẹp, bị Toà án Thiên Chúa Giáo luận tội và bắt giam khi đã bước sang tuổi 70. Mãi đến năm 1992 tức nhiều thế kỷ sau đó, Galileo mới chính thức được minh oan khi thế giới chấp nhận sự thật rằng Trái Đất không hề đứng yên, càng không phải là trung tâm của vũ trụ theo như nhiều học thuyết xưa cũ. Sau này hình ảnh của Galileo được dựng tượng ở toà thánh Vatican, bản thân ông được công nhận là người phát hiện ra Trái Đất không phải hình mặt phẳng và xoay xung quanh Mặt Trời.

Hình ảnh của Galileo Galilei hay của Nikola Tesla, đều là những đại diện rõ nét cho khái niệm thương hiệu cá nhân và đồng thời chỉ ra cách tạo thương hiệu cá nhân hiệu quả. Không cần đến một chiến lược chi tiết, cầu kì như trong quá trình tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp. Cũng không cần đến những câu tuyên bố giá trị hùng hồn, đanh thép và thể hiện rõ hệ giá trị mà bản thân không ngừng theo đuổi.

Tạo thương hiệu cá nhân là tạo ra những khác biệt đáng nhớ từ hình ảnh của bản thân, ban đầu có thể là những khác biệt đi ngược lại tiêu chuẩn đời thường, làm cho người đối diện thấy khó chịu và không thể đồng cảm được ngay. Tuy nhiên sau một thời gian đủ lâu có cơ hội trau dồi, thể hiện và chứng minh rằng con đường mình đã chọn là hoàn toàn đúng đắn, khác biệt của bản thân sẽ trở thành thế mạnh để sản sinh ra một thương hiệu cá nhân tích cực.

tao dung thuong hieu ca nhan 22 thong ke quan trong can biet

Thước đo hiệu quả khi tạo thương hiệu cá nhân

Nói đến thước đo hiệu quả thì nhiều người sẽ hình dung đến những yếu tố then chốt, hoặc những chuẩn mực tối thiểu để đánh giá thương hiệu cá nhân của một người có thành công hay không. Vũ thì lại muốn đi ngược lại lối tư duy xưa cũ đó, bằng suy nghĩ cho rằng mỗi người đều có một thương hiệu cá nhân. Điểm khác biệt ở chỗ thương hiệu cá nhân là tiêu cực hay tích cực, khả năng cải thiện thương hiệu tích cực đến đâu và tính hiệu quả của thương hiệu cá nhân có lan toả nhiều giá trị đến cộng đồng hay không.

Từ hướng tham chiếu này Vũ đúc kết thành 3 yếu tố nhận biết của thương hiệu cá nhân, giúp mỗi người nhìn ra bản chất của khái niệm và đồng thời lên chiến lược phát triển thương hiệu cho riêng mình. Từ đó tạo thương hiệu cá nhân hiệu quả, khác biệt với nền tảng là những đặc tính của bản thân trong đời sống thường ngày.

Người tạo thương hiệu cá nhân phải có ít nhất một năng lực hữu ích

Chúng ta đang sống trong một thế giới quá tải thông tin và từng ngày, từng giờ phải liên tục tiếp nhận các thông tin mới. Trong đó có không ít các thông tin độc hại, những nội dung rác không có chút giá trị thực tiễn nào nhưng vẫn mặc nhiên được chia sẻ, lan truyền trước sự thiếu kiểm soát của những người làm truyền thông. 

Một trong những dạng nội dung rác phổ biến đó là nhiều cá nhân chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như năng lực chuyên môn, nhưng vẫn tự nhận mình là “chuyên gia” ở lĩnh vực đó và chia sẻ hàng loạt thông tin sai lệch đến công chúng. Nội dung “mì ăn liền” chia sẻ đến người nghe có nhu cầu tiếp thu kiến thức “mì ăn liền”, tạo ra một thế hệ người dân “cái gì cũng biết nhưng chẳng biết cái gì.” Cụm từ này đang trở nên phổ biến hơn khi làn sóng tiền ảo, “chơi chứng khoán” hay đầu tư đất đai dần thịnh hành.

Không dễ để trở thành một chuyên gia đúng nghĩa như Galile, Elon Musk hay Nikola Tesla (ảnh: La Vanguardia).

Không dễ để trở thành một chuyên gia đúng nghĩa như Galile, Elon Musk hay Nikola Tesla (ảnh: La Vanguardia).

Mong muốn trở nên uyên bác và nắm bắt kiến thức mới nổi của đời sống là không sai, nhưng vấn đề bắt đầu nghiêm trọng hơn khi bản thân mỗi người dần quên đi khả năng, nội lực và giá trị cốt lõi của mình. Bỏ qua năng lực hữu ích của chính mình để chạy theo những nội dung hay giá trị phù phiếm, chính là con đường ngắn nhất để đánh mất bản thân và chôn vùi năng lực tạo thương hiệu cá nhân.

Vì vậy trong các yếu tố để đánh giá và tìm ra bản chất của khái niệm thương hiệu cá nhân, năng lực nội tại của mỗi con người chính là yếu tố cơ bản nhất. Không chỉ cần có năng lực, mà đó còn phải là năng lực hữu ích. Được xây dựng trên nền tảng lương thiện, với đầy đủ kiến thức và năng lượng của bản thân mà không gây tổn hại đến bất cứ ai khác.

Người tạo thương hiệu cá nhân phải dùng nó để phát triển nguồn thu trong sạch

Khi xây dựng và phát triển một thương hiệu doanh nghiệp, đội ngũ thương hiệu cần tạo ra sự khác biệt để liên tục duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi tạo thương hiệu cá nhân cũng vậy, khác biệt từ vai trò ở trong xã hội hay đặc tính của mỗi người trong đời sống thường nhật chính là điều tạo nên thương hiệu cá nhân hiệu quả. Giúp họ trở nên khác biệt và vượt trội hơn so với phần còn lại ở xung quanh mình.

Lợi thế cạnh tranh được xây dựng với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng dù mục tiêu được có là vì hình ảnh hay uy tín cá nhân, thì vai trò quan trọng không thể phủ nhận của thương hiệu cá nhân vẫn là phát triển nguồn lợi của một người. Luôn có những lời chê bai khi một người nào đó chi tiền mua sắm quần áo hiệu cho bản thân, hoặc một người luôn thường trực trên môi những câu nói tự tin đến mức khiến người nghe cảm thấy khó chịu.

Tuy nhiên đó đều là những hành động mang lại giá trị đầu tư lâu dài, phục vụ trực tiếp cho quá trình củng cố và tạo thương hiệu cá nhân. Xây dựng hình ảnh bản thân trau chuốt, nổi bật là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Để từ đó gầy dựng ấn tượng và gia tăng mức độ uy tín của chính mình, ít nhất là đối với những người có cùng sở thích hay sự am hiểu về lĩnh vực tương ứng. Đây cũng là lúc nguồn lợi bản thân dần cải thiện, giá trị của thương hiệu cá nhân được nâng tầm và bản thân chúng ta gặt hái được thêm nhiều thành công.

Vậy nhưng không phải mọi nguồn lợi hay nguồn thu về mặt tài chính, của cải đều góp phần làm nên thương hiệu cá nhân hiệu quả. Bạn có thể thành công với nhiều nguồn lợi khác nhau bao gồm cả hợp pháp, lương thiện lẫn những nguồn thu không mấy trong sạch, đến từ lòng tham và tinh thần tiêu cực của chính mình. Tuy nhiên để trở thành một di sản được nhiều thế hệ tiếp nối gọi tên, bạn chỉ có thể xây dựng thương hiệu cá nhân của mình bằng chính những nguồn thu trong sạch, hợp pháp và không vụ lợi.

Nguồn thu có được từ thương hiệu cá nhân phải hợp pháp, trong sạch và không gây tổn hại đến người khác (ảnh: Patriot Software)

Nguồn thu có được từ thương hiệu cá nhân phải hợp pháp, trong sạch và không gây tổn hại đến người khác (ảnh: Patriot Software)

Cũng giống như quan điểm của Vũ về sự hiệu quả trong tất cả các dự án. Hiệu quả là khi khách hàng thành công, đội ngũ của Vũ hưởng lợi mà không làm tổn hại đến bất cứ ai khác. Để tạo thương hiệu cá nhân hiệu quả tương tự như vậy, phải được phát triển trên nền tảng của một sự nghiệp thành công, mang lại nguồn lợi trong sạch cho bản thân nhà sáng lập – những người xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân cùng với các bên liên quan.

Bởi suy cho cùng năng lực cá nhân, may mắn tìm đến hay tiền tài danh vọng mà bạn có được, tất cả đều sẽ không tồn tại mãi mãi. Thương hiệu nói chung và thương hiệu cá nhân nói riêng thì khác, tạo thương hiệu cá nhân với nền tảng là những giá trị tích cực, nguồn lợi trong sạch giúp bản thân người sở hữu thương hiệu có được niềm tin của những người xung quanh. Khi niềm tin sẵn có và không bao giờ nguội lạnh, nó sẽ được lan toả và truyền lại nhiều thế hệ đi sau mà không cần đến bất cứ một giải pháp truyền thông nào nữa.

Nhiều người không am hiểu về lĩnh vực nhưng vẫn nhớ đến mình

Con số hơn 500 triệu người theo dõi được xác lập vào thời điểm ngay trước World Cup 2022, biến Cristiano Ronaldo trở thành người có số lượt theo dõi nhiều thứ hai thế giới ở trên Instagram. Điều thú vị là tài khoản duy nhất xếp ngay trên cầu thủ người Bồ Đào Nha, lại là tài khoản chính thức của nền tảng mạng xã hội này. 

Bỏ qua lùm xùm về mâu thuẫn với đội bóng chủ quản ngay trước thềm World Cup, chẳng ai dám phủ nhận tầm ảnh hưởng của ngôi sao bóng đá vừa bước sang tuổi 37 ở trên mạng xã hội. Trong số hơn 500 triệu người bấm theo dõi Cristiano Ronaldo trên Instagram, không phải ai cũng dành niềm đam mê to lớn cho môn thể thao vua. Thậm chí khi tạo thương hiệu cá nhân CR7 từ tên gọi viết tắt và số áo mà ngôi sao này luôn nắm giữ, vẫn có nhiều người chỉ biết đến CR7 là một thương hiệu thời trang và nước hoa đơn thuần.

Nhiều người không đam mê hay am hiểu chút gì về lĩnh vực mình đang tham gia, mà vẫn nhớ tên và luôn nghĩ đến mình là một người có sức ảnh hưởng to lớn trước truyền thông. Đây chính là đỉnh cao trong tạo thương hiệu cá nhân và phát triển hình ảnh bản thân, cũng là điều mà Cristiano Ronaldo hay rất nhiều người nổi tiếng khác trên thế giới đang làm.

Cristiano Ronaldo là một bài học đáng quý khi tạo thương hiệu cá nhân.

Cristiano Ronaldo là một bài học đáng quý khi tạo thương hiệu cá nhân.

Tất nhiên để làm được điều này và duy trì nó ít nhất là cho đến khi sự nghiệp kết thúc, bản thân người xây dựng thương hiệu cần có sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của cả một “đội ngũ.” Với riêng Cristiano Ronaldo, đó có thể là vị “siêu cò” Jorge Mendes, người mẹ Maria Dolores Aveiro, con trai đầu Cristiano Ronaldo Jr hay thậm chí là cô vợ chưa cưới Georgina Rodriguez. Những người này dù ít hay nhiều, đều đang gián tiếp đóng góp vào quá trình tạo dựng thương hiệu cá nhân của ngôi sao người Bồ Đào Nha. 

Họ chính là chiếc cầu nối mang hình ảnh và thương hiệu cá nhân của Cristiano Ronaldo, đến gần hơn với công chúng ở trên toàn thế giới – đặc biệt là những ai chưa một lần dành thời gian hay niềm yêu thích của mình cho bóng đá. Thế nhưng cũng chính từ đây, niềm yêu thích bóng đá của họ nói chung và đồng thời là sự cảm mến dành cho Cristiano Ronaldo nói riêng, dần được hình thành rồi không ngừng phát triển hơn nữa.’

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Lời kết

Vũ sẽ luôn giữ vững quan điểm cho rằng vượt lên trên tiền tài, danh vọng hay những cơ hội may mắn mà chúng ta có được, thương hiệu nói chung và tạo thương hiệu cá nhân nói riêng mới là thứ tồn tại cũng như song hành với sự nghiệp của mỗi con người về sau. Không có thương hiệu cá nhân nghĩa là chỉ đang tồn tại chứ chưa hề phát triển, bình lặng giữa đám đông chứ chưa một lần vượt trội hơn so với phần còn lại.

Muốn tạo thương hiệu cá nhân nổi bật để không chỉ phát triển không ngừng trong sự nghiệp, mà còn liên tục bồi đắp những giá trị cũng như năng lực đáng quý của bản thân. Mỗi người đều phải sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức hay thậm chí là tiền bạc để tạo thương hiệu cá nhân ngay từ bây giờ. Với suy nghĩ cho rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu trong thế giới thương hiệu, đội ngũ tại Vũ luôn sẵn sàng đồng hành để chia sẻ đến các bạn nguồn thông tin bổ ích về kiến thức thương hiệu.

Xin chân thành cảm ơn,

​​​​​​​​​​​​​​​

Những câu hỏi thường gặp

Tạo thương hiệu cá nhân mang đến giá trị gì

Tạo thương hiệu cá nhân là giải pháp tối ưu để bản thân mỗi người sống một cuộc đời giá trị và đầy ý nghĩa.

Vì sao tạo thương hiệu cá nhân lại quan trọng

Thay vì tiếp xúc với thương hiệu doanh nghiệp với vị thế đơn thuần của người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu của nhiều thương hiệu đang có xu thế muốn được tiếp xúc bằng mối quan hệ “giữa người với người" nhiều hơn. Các thương hiệu doanh nghiệp không ngừng xây dựng tính cách khác biệt cho riêng mình, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng bắt đầu chú trọng đến quy trình tạo thương hiệu cá nhân.

Đỉnh cao khi tạo thương hiệu cá nhân được thể hiện bằng cách nào

Nhiều người không đam mê hay am hiểu chút gì về lĩnh vực mình đang tham gia, mà vẫn nhớ tên và luôn nghĩ đến mình là một người có sức ảnh hưởng to lớn trước truyền thông. Đây chính là đỉnh cao trong tạo thương hiệu cá nhân và phát triển hình ảnh bản thân.