Thương hiệu cà phê dù mới thành lập hay tuổi đời đã lâu cũng phải chạy đua nhau trong một thị trường đầy tính cạnh tranh.

Nếu 70% cơ thể con người là nước thì cơ thể người dân đô thị Việt Nam phải có đến 10 hay thậm chí 20% là cà phê. Nói vui như vậy là bởi bên cạnh nước suối, nước lọc hay các loại nước nấu chín nói chung, cà phê chính là thức uống phổ biến thứ hai trong văn hoá và thói quen sinh hoạt của nhiều người dân đô thị.

Cũng giống như thói quen “mỗi ngày một ly trà sữa” của các bạn học sinh GenZ, hoặc nông dân ra đồng không thể thiếu bát nước chè vừa giải nhiệt vừa giải khát giữa trưa. Cà phê không chỉ là thức uống có thể sử dụng mỗi ngày, mà còn phù hợp với nhiều người hay mục đích sử dụng khác nhau.

Có nên mở thương hiệu cà phê trong năm 2024?

Có lẽ vì vậy doanh thu của các quán và nhà sản xuất cà phê đã cải thiện rõ rệt, mong muốn mở quán hoặc thậm chí là một thương hiệu cà phê cũng xuất hiện nhiều hơn trước. 

Điều này làm cho tính cạnh tranh của thị trường cà phê ngày một nâng cao, người làm khởi nghiệp dù kinh doanh hàng quán hay sản xuất, cung cấp cà phê cũng gặp nhiều khó khăn. Có nên mở thương hiệu cà phê mới không là một câu hỏi muôn thuở, từ năm này qua năm khác và trở thành bài toán hóc búa với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm.

Không tự nhận mình là một chuyên gia hay có giàu kinh nghiệm, nhưng với trải nghiệm thực tế sau nhiều lần hợp tác, hỗ trợ xây dựng thành công nhiều thương hiệu cà phê. Hôm nay Vũ muốn đem những trải nghiệm quý báu đó để kể lại, kèm theo các phân tích khách quan để cùng bạn đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Có nên mở thương hiệu cà phê trong năm 2024?”

⇒ Xem thêm: Dự án From Caudat nâng tầm cà phê Việt của Vũ nhận giải đồng từ A’Design Award & Competition.

Thương hiệu cà phê còn nhiều tiềm năng không?

Quay về thời điểm những năm 2013-2014, xu hướng khởi nghiệp mở quán và kinh doanh thương hiệu cà phê bắt đầu nở rộ ở Việt Nam. 

Dù đã có kinh nghiệm ở trong lĩnh vực này hay chưa, thậm chí mới là những bạn sinh viên sắp bước vào năm cuối của giảng đường, bất cứ ai cũng mong muốn có một thương hiệu cà phê của riêng mình.

Xu hướng này bắt đầu từ việc mô hình kinh doanh cà phê được đa dạng hoá. Hàng loạt hình thức kinh doanh quán mới nổi như cà phê sân vườn, cà phê boardgame, cà phê thú cưng, cà phê kết hợp working place (không gian làm việc),… được ra đời.

Các bạn trẻ bắt đầu tìm đến và đòi hỏi “nhiều hơn một ly cà phê” từ các quán cà phê. Cũng trong những lần ghé vào quán tâm sự với bạn bè, gặp gỡ người quen hoặc ngồi một mình “lướt face” và chơi game, ở trong mỗi người trẻ cũng dần hình thành suy nghĩ cho rằng “mở quán cà phê là cách làm giàu nhanh mà không cần có nhiều vốn.”

Ngày nay mọi người đòi hỏi nhiều hơn một ly cà phê ở các quán cà phê (ảnh: Unsplash).

Ngày nay mọi người đòi hỏi nhiều hơn một ly cà phê ở các quán cà phê (ảnh: Unsplash).

Mà đúng là kinh doanh thương hiệu cà phê thì làm giàu nhanh thật, bản chất cà phê là thức uống tiêu thụ ngay lập tức. Nó giúp nhà kinh doanh nhanh chóng thu lời và chủ động hơn trong quản lý dòng tiền của mình.

Hơn nữa kinh doanh quán cà phê là loại hình kinh doanh mở ra cơ hội up sale lớn. Người bán có thể tích hợp thêm nhiều giá trị bổ sung như bán kèm nước ngọt, bánh ngọt cùng nhiều món ăn khác. 

Gần đây còn xuất hiện thêm mô hình quán cà phê kết hợp làm việc, chủ quán lấy doanh thu từ việc cho thuê không gian ngồi học tập, làm việc còn món ăn hay thức uống đã được kèm vào giá cho thuê.

Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước, thời gian gần đây mô hình kinh doanh cà phê nói chung và quán cà phê nói riêng đang có dấu hiệu chững lại. Cùng với những rủi ro nhìn thấy được trong giai đoạn đại dịch vừa qua, không ít người đặt câu hỏi rằng việc thành lập và kinh doanh một thương hiệu cà phê có còn tiềm năng hay không?

Thương hiệu cà phê nguyên liệu, cà phê chế biến

Trước khi đi vào thị trường rộng lớn của hơn 500 ngàn quán cà phê tại Việt Nam (tính đến cuối năm 2021), Vũ muốn nhìn lại và phân tích sâu hơn một thị trường khác không kém phần quan trọng – đó là các thương hiệu cà phê nguyên liệu và cà phê chế biến.

Phần lớn người Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới – chỉ sau Brazil. Thậm chí nếu chỉ tính riêng hạt cà phê Robusta thì Việt Nam đã nhiều năm “ngồi vững” trên vị trí số một. 

Mọi chuyện còn trở nên lạc quan hơn khi từ năm 2020, Hiệp định Thương mại EVFTA được ký giúp thuế nhập khẩu cà phê chế biến vào EU xuống còn 0%.

Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể lạc quan trên lý thuyết, trong thực tế cà phê chế biến nói chung và cà phê rang xay/hoà tan nói riêng không phải thế mạnh của thị trường Việt Nam.

Thương hiệu cà phê Việt Nam không mạnh về sản phẩm chế biến (ảnh: GreenBiz).

Thương hiệu cà phê Việt Nam không mạnh về sản phẩm chế biến (ảnh: GreenBiz).

Thế mạnh của Việt Nam vốn là cà phê nhân, đặc biệt là cà phê Robusta với đặc tính ưa thích khí hậu nhiệt đới và vùng trồng khu vực Trung Nguyên. Đó là lý do vì sao chỉ 4 tỉnh thành Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng thôi đã chiếm đến hơn 90% diện tích vùng trồng Robusta cả nước.

Chỉ thúc đẩy thế mạnh của cà phê nhân thôi là chưa đủ để gồng gánh cả một nền công nghiệp, thậm chí theo thời gian còn làm suy giảm năng lượng và giá trị kinh tế ngành. Người kinh doanh thương hiệu cà phê cần đầu tư hơn nữa về nguồn lực, hệ thống và cơ sở vật chất cho các hoạt động chế biến.

Điều lạc quan khi một lĩnh vực hay ngành hàng bất kì vẫn còn tồn đọng các vấn đề, đó cũng chính là cơ hội và tiềm năng phát triển cho các thương hiệu mới nổi. Thị trường cà phê nguyên liệu cũng như thế, gia tăng và cải thiện năng lực chế biến chính là con đường đúng đắn mà nhiều thương hiệu cà phê khởi nghiệp cần nghiêm túc theo đuổi.

Thương hiệu cà phê F&B

Người Việt Nam chúng ta không uống cà phê như người Mỹ hay người Hàn Quốc, nghĩa là uống vội ly cà phê trên đường đi làm hoặc vào đến công ty rồi mới dùng cà phê. 

Người Việt Nam thích ngồi nhâm nhi tách cà phê ngoài hàng quán, thậm chí đến hàng giờ đồng hồ cũng không sao vì nhiều người có thể kết hợp với học tập và làm việc từ xa. Các bác “lão niên” lại càng quen với việc ngồi nhiều giờ ngoài quán cà phê. Họ có thể đọc báo, đánh cờ hay đơn giản là ngắm nhìn dòng xe cộ qua lại đông đúc.

Kinh doanh quán cà phê mà cảm thấy khó chịu với việc khách hàng ngồi lâu, ngồi mấy tiếng đồng hồ nhưng chỉ gọi một ly nước thì không ổn. Ngồi cà phê từ lâu đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, một số thương hiệu cà phê take away trong quá trình phát triển cũng phải tập thích nghi với nét văn hoá đặc biệt này.

Có thể thấy rõ tiềm năng để kinh doanh thương hiệu cà phê F&B tại Việt Nam. Thói quen ngồi quán trong thời gian dài của khách hàng chính là tiềm năng để các nhà sáng lập, cùng với đội ngũ thương hiệu khai thác tối đa tiềm năng lợi nhuận của mình – từ đó liên tục cải thiện thu nhập ròng cho cả đội ngũ. 

Thương hiệu cà phê F&B vẫn là bài toán khó tại Việt Nam (ảnh: Saigoneer).

Thương hiệu cà phê F&B vẫn là bài toán khó tại Việt Nam (ảnh: Saigoneer).

Đáng tiếc là phần lớn những nhà kinh doanh, đặc biệt là các bạn khởi nghiệp trẻ tuổi vẫn đang đầu tư hay phát triển thương hiệu cà phê một cách manh mún, thiếu kiểm soát và tính nhất quán còn chưa được cao.

Thay vì xây dựng bản sắc và chiến lược rõ ràng, cụ thể từ những ngày đầu thành lập thương hiệu cà phê rồi trung thành theo đuổi định hướng đó.

Nhiều doanh nhân khởi nghiệp hiện nay có xu hướng yêu thích, bị thuyết phục rồi không ngừng chạy theo những giá trị mới lạ. Thậm chí đó có thể là lợi thế của chính các thương hiệu cạnh tranh.

Sự đa dạng hoá về mô hình, hệ thống và quy trình cung cấp dịch vụ cũng là một con dao hai lưỡi. Nó liên tục mở ra cơ hội cho những nhà khởi nghiệp có đủ sức mạnh, tư duy và niềm tin nơi nguồn lực đội ngũ. Nhưng đồng thời cũng trở thành “cái bẫy tăng trưởng” một khi nhà khởi nghiệp thiếu niềm tin, dễ thay đổi và không nhất quán với định hướng của mình.

Có thể nhìn thấy trường hợp một số hàng quán vừa có yếu tố giải trí (boardgame, hồ cá Koi,…) lại vừa có yếu tố thư giãn (nhạc nhẹ, sân vườn, hòn non bộ,…). Thậm chí còn kết hợp vào đó nhu cầu học tập hay làm việc của các bạn học sinh, sinh viên và freelancer.

Không có bản sắc hoặc không nhất quán theo đuổi, gìn giữ bản sắc thương hiệu cà phê là hành động mang tính rủi ro cao khi bước chân vào thị trường F&B. Nhìn sang một số thương hiệu cà phê F&B có tên tuổi trong nước như Gờ Cafe, Phúc Long, Katinat,… tất cả đều sở hữu những giá trị, đặc tính rất riêng và nhất quán theo đuổi bản sắc thương hiệu vốn có.

Thế mạnh của Phúc Long là sở hữu và khai thác cùng lúc nhiều đồi chè ở Thái Nguyên, cùng vốn liếng hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực trà và cà phê Việt Nam. 

Người ta thường không nhắc đến Phúc Long là một điểm bán cà phê pha sẵn như Highland, GUTA hay Passio. Phúc Long trước giờ vẫn nổi tiếng bởi những ly trà matcha, trà trái cây uống liền với chất lượng cao và mang đến cảm giác “khó ngủ” theo đúng nghĩa đen.

Thương hiệu cà phê Katinat được ra đời vào năm 2016 (ảnh: MISA).

Thương hiệu cà phê Katinat được ra đời vào năm 2016 (ảnh: MISA).

Trong khi đó Gờ Cafe xác định và theo đuổi sứ mệnh “giữ cho cà phê luôn là món uống giá rẻ, chất lượng cao mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể sử dụng hằng ngày.”

Đội ngũ Gờ Cafe luôn ưu tiên sử dụng cà phê nguyên liệu chất lượng cao, sau đó tối ưu giá thành sản phẩm bằng cách ổn định chi phí vật tư, trang thiết bị và vị trí mặt bằng. 

Thương hiệu này thường không xuất hiện ở những cung đường lớn, thay vào đó Gờ Cafe chọn len lỏi vào những đường hẻm có lưu lượng xe đông, hay nhiều khu dân cư tầm trung bình khá có lượng cư dân sinh sống sầm uất.

Ngược lại với Gờ Cafe là câu chuyện của nhà Katinat, thương hiệu cà phê ra đời năm 2016 này hướng đến sứ mệnh “mang những phong vị mới nhất trên thế giới về Việt Nam.”

Mỗi búp trà, từng hạt cà phê nguyên liệu đều phải đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của đội ngũ Katinat – trên hành trình liên tục sáng tạo, khai phá và giới thiệu đến khách hàng trung thành những hương vị mới từ khắp năm châu.

Dù là một thương hiệu cà phê sinh sau đẻ muộn, Katinat lại không chọn tấn công vào phân khúc giá rẻ để mở rộng thị phần bằng mọi giá, cũng không theo con đường trở thành “ngôi sao truyền thông” bằng cách chi đậm vào các chiến dịch quảng cáo.

Điều giống nhau duy nhất của họ so với Phúc Long, Gờ Cafe hay nhiều thương hiệu cà phê trong nước khác, chính là xác định rồi phát triển nhất quán bản sắc của mình một cách hiệu quả.

Vị trí hay giá thành không còn là lợi thế cạnh tranh của một thương hiệu cà phê F&B (ảnh: Saigon).

Vị trí hay giá thành không còn là lợi thế cạnh tranh của một thương hiệu cà phê F&B (ảnh: Saigon).

Câu chuyện xây dựng thương hiệu cà phê F&B của Phúc Long, Katinat hay Gờ Cafe là ba câu chuyện rất khác nhau. Mỗi câu chuyện là một bài học về chú trọng sự nhất quán, kiên trì với bản sắc của mình trong quá trình phát triển một thương hiệu cà phê.

Đây đồng thời là chỉ dấu cho thấy rằng, tiềm năng phát triển thương hiệu cà phê F&B vẫn còn rất lớn, dư địa thị trường vẫn còn chỗ cho các nhà khởi nghiệp có đủ sự tự tin, kiên trì và xây dựng tốt các đặc tính cạnh tranh của bản thân. Từ đó đặt niềm tin vào chính đội ngũ nhân sự cùng hệ giá trị mà mình vẫn luôn theo đuổi.

>> Xem thêm: Chiến lược cạnh tranh là gì, tìm hiểu 3 chiến lược cạnh tranh phổ quát

3 yếu tố nhất quán khi xây dựng thương hiệu cà phê

Chúng ta đã nói quá nhiều về sự nhất quán, bởi nhất quán là yêu cầu bắt buộc trên chặng đường xây dựng và phát triển thương hiệu. 

Mỗi sản phẩm bạn bán ra hay mỗi dịch vụ bạn đang cung cấp, làm sao khách hàng có thể tin tưởng chọn mua và gắn bó lâu dài khi bản thân thương hiệu còn không rõ bản sắc của mình là gì, liên tục thay đổi và chạy theo xu thế thị trường một cách vô tội vạ?

Vậy đâu là những yếu tố đòi hỏi sự nhất quán nhằm xây dựng thương hiệu cà phê hiệu quả? Các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi cần làm gì để tồn tại, phát triển và khẳng định vị thế giữa một thị trường đầy rẫy sự cạnh tranh?

Nhất quán với giá trị thương hiệu cà phê mang lại

Giờ thì giá thành hay vị trí đẹp cũng chưa chắc mang đến thành công cho thương hiệu cà phê. Đã qua rồi cái thời chỉ cần chọn thuê một mặt bằng đẹp, một ngôi nhà ở vị trí trung tâm rồi kết hợp chương trình giảm giá nhân dịp khai trương thì sẽ “auto hút khách.”

Khách hàng đang có quá nhiều lựa chọn cho một thương hiệu cà phê (ảnh: Starbucks Stories).

Khách hàng đang có quá nhiều lựa chọn cho một thương hiệu cà phê (ảnh: Starbucks Stories).

Khách hàng và người thưởng thức cà phê giờ đã có nhiều sự lựa chọn hơn, chưa kể đến hình thức phục vụ hay thanh toán cũng đa dạng và phong phú hơn. Một thương hiệu cà phê không có các đặc tính cạnh tranh vượt trội, cũng không mang lại giá trị nào cụ thể thì chính khách hàng cũng không biết trao gửi niềm tin vào đâu.

Có thể chia giá trị thương hiệu ra thành hai nhóm. Một là giá trị thương hiệu cà phê trực tiếp mang lại, hai là giá trị của bản thân khách hàng mục tiêu.

Giá trị thương hiệu mang lại phải phù hợp với bản sắc thương hiệu theo đuổi. Chẳng hạn Gờ Cafe không thể bán ra sản phẩm có giá bình quân vài chục ngàn đồng, trong khi mặt bằng nằm ở trục đường lớn hay bật máy lạnh suốt 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Katinat sẽ “mang phong vị thế giới về Việt Nam” kiểu gì nếu ly cà phê của họ giá chẳng cao hơn “cà phê bệt” là bao?

Về phương diện giá trị của khách hàng, nó hoàn toàn trái ngược với giá trị thương hiệu mang lại. Giá trị của khách hàng bao gồm cả cách bản thân vị khách nhìn nhận và đánh giá chính mình, cũng như cách những người xung quanh nhận xét và đánh giá họ.

Các thương hiệu nước Mỹ là bậc thầy trong việc xác định giá trị khách hàng mục tiêu. Lấy ví dụ của thương hiệu cà phê Starbucks, họ hiểu rằng khách hàng mục tiêu của mình không phải là những người xuề xoà hay thiếu chỉnh tề trong phong cách, quan điểm sống cũng như cách hành xử.

Khách hàng mục tiêu của Starbucks là những người hiểu đúng về giá trị bản thân, đồng thời mong muốn được những người xung quanh ghi nhận giá trị của mình theo hướng tích cực. 

Có thể nhìn thấy đội ngũ thương hiệu cà phê Starbucks thấu hiểu điều này ra sao, khi nhìn vào phong cách phục vụ của nhân viên order, cách các bạn ghi tên và lời chúc dành cho khách hàng trên ly hay giao tiếp với từng vị khách tìm đến như một người bạn đúng nghĩa.

Thương hiệu cà phê Starbucks là bài học về tính nhất quán (ảnh: Delish).

Thương hiệu cà phê Starbucks là bài học về tính nhất quán (ảnh: Delish).

Với các thương hiệu cà phê trong nước, thật khó để làm hài lòng mọi người và chinh phục hàng trăm triệu khách hàng Việt Nam. Thương hiệu cà phê của bạn cũng không thể cùng lúc sở hữu hay lan toả quá nhiều giá trị tích cực. Hãy chọn xây dựng và theo đuổi nhất quán một chuỗi các giá trị nhất định, phù hợp với cả định hướng và nguồn lực đội ngũ của mình.

Nhất quán với tông giọng thương hiệu cà phê của mình

Cách đây mấy hôm Vũ có đọc được câu chuyện như thế này: “Một bạn nữ đợt dịch Covid đã quyết định từ bỏ công việc văn phòng lương tháng ngàn đô, để về nhà ở Đà Lạt và mở quán cà phê của riêng mình. Thời gian đầu khó khăn chỉ nằm ở việc thu nhập và môi trường làm việc bị thay đổi chóng mặt, cả hai vợ chồng đều chưa thể thích nghi ngay với môi trường sống và làm việc hoàn toàn mới.”

“Nhưng lâu dần càng nhiều vấn đề phát sinh hơn, nguồn lực có hạn cũng làm ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Có hôm bạn nữ chưa kịp gội đầu xong đã phải chạy ra quầy pha nước cho khách, có hôm anh chồng phải xin nghỉ hẳn ở nhà vì khách đông mà chưa tìm được người phụ.”

Đây là câu chuyện riêng của một gia đình trẻ, một cá nhân khởi nghiệp nhưng không phải câu chuyện hiếm trong quá trình xây dựng các thương hiệu cà phê trong nước.

Ngoài vấn đề về bản sắc thương hiệu, không ít nhà khởi nghiệp trong nước còn thiếu nhất quán với cả tông giọng thương hiệu cà phê của mình. Thậm chí xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê mà không có tông giọng thương hiệu nào nhất định.

Cũng như câu nói nổi tiếng “cuốn sách sẽ thể hiện tâm hồn của người đọc”, tông giọng cũng sẽ là công cụ để thể hiện tâm hồn của một thương hiệu doanh nghiệp.

Tông giọng thương hiệu là điều khó tìm thấy ở thị trường trong nước (ảnh: Perfect Brew).

Tông giọng thương hiệu là điều khó tìm thấy ở thị trường trong nước (ảnh: Perfect Brew).

Thực tế ở Việt Nam đang có nhiều mô hình kinh doanh thương hiệu cà phê, nhiều ý tưởng kinh doanh thương hiệu cà phê khác nhau, nhưng tựu chung lại vấn đề thường gặp nhất thì vẫn còn bỏ ngõ – hầu hết các thương hiệu đều đang xây dựng và đi theo một tông giọng giống nhau.

Nói chính xác hơn thì phần lớn thương hiệu cà phê trong nước chưa có tông giọng nào rõ ràng, cụ thể và được công nhận chính thức bởi thị hiếu người tiêu dùng. 

Có thể nhìn thấy một quy trình chung chung trong hành trình trải nghiệm khách hàng: khách hàng bước vào quán tìm chỗ ngồi đợi nhân viên order hoặc đến order tại quầy, nhân viên order lên bill xong thì nhân viên pha chế bắt đầu làm nước, làm xong thì mang ra đến tận bàn hoặc thông báo để khách đến cuối quầy nhận nước.

Hiếm hoi lắm bạn có thể bắt gặp một số bạn nhân viên chu đáo hơn, lịch sự hơn với câu nói “chúc anh/chị ngon miệng” thường trực trên môi. Hoặc xui xẻo và gặp ngày xấu trời thì câu chuyện ngược lại sẽ xảy đến – uống ly cà phê ngon nhất thế giới nhưng trong lòng đầy rẫy những ngổn ngang, chẳng biết bản thân đã đắc tội gì với các bạn phục vụ.

Nếu khách hàng đang đòi hỏi “nhiều hơn một ly cà phê” ở các quán cà phê, thì bản thân những thương hiệu Việt lại đang cung cấp “ít hơn những gì khách hàng muốn hoặc hy vọng nhận được.”

Tông giọng và tâm hồn thương hiệu có nhiều mối liên quan mật thiết đến nhau. Tông giọng thương hiệu cà phê là đáp án cho câu hỏi tại sao khách hàng chọn quán A thay vì quán B, vì sao họ chấp nhận bỏ qua lợi ích của quán E để trung thành gắn bó với quán F?

Trong trường hợp bạn từng cảm nắng một anh chàng hay cô nàng đang giúp người già qua đường, hay thay đổi định kiến khi thấy chàng trai xăm trổ giúp đứa bé đi lạc tìm người thân. Chắc chắn bạn cũng dễ có thiện cảm với một thương hiệu cà phê có tông giọng tích cực, nhất quán và mang lại giá trị cho cộng đồng.

Không nhiều thương hiệu cà phê nhất quán với tông giọng của mình (ảnh: Gờ Cafe).

Không nhiều thương hiệu cà phê nhất quán với tông giọng của mình (ảnh: Gờ Cafe).

Tông giọng thương hiệu không chỉ là lời nói cụ thể mà đội ngũ nhân sự gửi đến khách hàng. Đó có thể là một hành động đơn giản như gợi ý khách sử dụng mã giảm giá sẵn có, chủ động hỏi khách đi cùng con nhỏ có cần ghế riêng cho trẻ hay không, hoặc luôn ưu tiên cho khách order trước dù người order sau là “khách ruột” đi chăng nữa.

Nhất quán cả thương hiệu cạnh tranh…

Nghe hơi kì lạ nhưng việc nghiên cứu, tìm hiểu về thương hiệu cạnh tranh đôi khi còn quan trọng hơn việc nghiên cứu, tìm hiểu về khách hàng mục tiêu của chính mình.

Không phải lúc nào cũng xuất phát từ mong muốn và quan điểm tiến bộ, nhiều quá trình nghiên cứu khách hàng mục tiêu được thực hiện chỉ để thoả mãn nhận định chủ quan của người lãnh đạo, hoặc “được thêm vào” cho đúng quy trình và không làm mất đi tính khoa học của chiến lược thương hiệu.

Trên thực tế có không ít cuộc khảo sát, thống kê với phần lớn người tham gia không hề đóng góp cho thành công của sản phẩm hay thương hiệu trong tương lai. Nghĩa là họ được trả tiền để tham gia góp ý, được tặng quà và sản phẩm đi kèm để sau đó gửi lại phản hồi, hoặc đơn giản chỉ là thích tham gia những buổi khảo sát ý kiến mà thôi.

Trong khi đó quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thương hiệu cạnh tranh giúp mang lại các chỉ số, thông tin mang tính khách quan cùng với độ xác thực cao hơn. Bạn sẽ biết được khách hàng tìm đến thương hiệu đó vì lý do gì, đặc tính nhân khẩu học của những người đó ra sao, họ thường tìm kiếm một “điểm hẹn cà phê” qua các kênh nào,…

Từ đó xây dựng hoặc có điều chỉnh thích hợp trong định vị thương hiệu, tông giọng thương hiệu và cải thiện tốt hơn nữa trong hành trình trải nghiệm khách hàng. 

Thế giới hiện đại hôm nay nơi chứng kiến hàng trăm thương hiệu cùng ngành đang ngày đêm cạnh tranh nhau, mỗi ngày con người chúng ta được tiếp xúc với hàng vạn thông điệp quảng cáo bằng chữ viết lẫn hình ảnh, cơ hội “xoay chuyển nhận thức” khách hàng luôn rộng mở cho bất cứ tên tuổi nào trên thị trường.

Cần nhất quán cả thương hiệu cà phê cạnh tranh (ảnh: Amavi).

Cần nhất quán cả thương hiệu cà phê cạnh tranh (ảnh: Amavi).

Khi quay lại câu chuyện của Gờ Cafe, Phúc Long và Katinat mà Vũ đề cập ở phần đầu bài viết, bạn sẽ nhận ra rằng “các thương hiệu không cùng hệ giá trị thì cũng chẳng cạnh tranh nhau làm gì.” Tuy nhiên họ luôn nhận thức tốt và nhất quán theo đuổi cuộc cạnh tranh sòng phẳng, tích cực với các thương hiệu có cùng hệ giá trị (phần nào đó là cùng tính cách và cả triết lý vận hành).

Katinat sẽ luôn so kè với Chesse Coffee, Gờ Cafe thì luôn chạy đua với Aha hay Viva Coffee . Trong khi đó dù có hơn nửa thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực trà và cà phê, nhưng Phúc Long vẫn phải dè chừng trước sự bành trướng mỗi ngày của Trung Nguyên, Cộng Cà Phê và The Coffee House.

Những cuộc chạy đua thầm lặng, sòng phẳng nhưng nhất quán và bền bỉ cũng chính là động lực, là niềm tin để mỗi thương hiệu cà phê Việt Nam tiến lên phía trước. Không chỉ vì khát vọng làm giàu cho bản thân nhà sáng lập hay đội ngũ nhân sự, mà còn vì mục tiêu lớn hơn, vĩ mô hơn là giúp hình ảnh thương hiệu cà phê trong nước vươn ra thế giới.

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Thói quen của người Việt Nam khi tìm đến thương hiệu cà phê?

Người Việt Nam thích ngồi nhâm nhi tách cà phê ngoài hàng quán, thậm chí đến hàng giờ đồng hồ cũng không sao vì nhiều người có thể kết hợp với học tập và làm việc từ xa. Các bác “lão niên” lại càng quen với việc ngồi nhiều giờ ngoài quán cà phê. Họ có thể đọc báo, đánh cờ hay đơn giản là ngắm nhìn dòng xe cộ qua lại đông đúc.

Việc đa dạng hoá mô hình kinh doanh tác động ra sao đến các thương hiệu?

Sự đa dạng hoá về mô hình, hệ thống và quy trình cung cấp dịch vụ cũng là một con dao hai lưỡi. Nó liên tục mở ra cơ hội cho những nhà khởi nghiệp có đủ sức mạnh, tư duy và niềm tin nơi nguồn lực đội ngũ. Nhưng đồng thời cũng trở thành “cái bẫy tăng trưởng” một khi nhà khởi nghiệp thiếu niềm tin, dễ thay đổi và không nhất quán với định hướng của mình.

Nhận biết tông giọng thương hiệu cà phê bất kì?

Tông giọng thương hiệu không chỉ là lời nói cụ thể mà đội ngũ nhân sự gửi đến khách hàng. Đó có thể là một hành động đơn giản như gợi ý khách sử dụng mã giảm giá sẵn có, chủ động hỏi khách đi cùng con nhỏ có cần ghế riêng cho trẻ hay không, hoặc luôn ưu tiên cho khách order trước dù người order sau là “khách ruột” đi chăng nữa.