Ưu nhược điểm của việc đặt tên thương hiệu địa lý là câu chuyện mà các đội ngũ xây dựng thương hiệu cần chú tâm.

Nếu thiết kế logo là đại diện cho một thương hiệu về mặt hình ảnh, vậy thì tên gọi chính là đại diện cho một thương hiệu về mặt chữ viết. Dù thiết kế logo hay tên gọi chỉ là một phần nhỏ khi đề cập đến khái niệm thương hiệu, nhưng cả hai yếu tố này đều là nền tảng để bắt đầu mọi quy trình xây dựng hình ảnh, giá trị và bản sắc thương hiệu bền vững.

Dưới góc nhìn của Vũ, tên thương hiệu không nhất thiết phải đại diện hay đề cập một cách quá rõ ràng những gì thương hiệu làm được. Ngược lại chính những việc đội ngũ thương hiệu đang làm hằng ngày, những giá trị họ mang lại cho khách hàng nói riêng và đời sống cộng đồng nói chung mới làm nên ý nghĩa của tên thương hiệu.

thuong hieu dia ly va 7 cach dat ten

Chẳng có cái tên thương hiệu nào là “tốt tuyệt đối” hay “dở tuyệt đối” cả. Ví dụ như một cái tên viết tắt chỉ có ba hay bốn chữ cái, nó đáp ứng hoàn hảo tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ và dễ đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

Nhưng ngược lại mặt hạn chế là dễ nhầm lẫn với tên của thương hiệu khác, nhất là khi tên thương hiệu chứa các chữ viết thường gặp như A, I hay N. Ngoài ra, nó có thể bị trùng với tên của các tổ chức, ban ngành có liên quan đến hoạt động Chính Phủ – một điều tối kị trong quá trình xây dựng tên thương hiệu.

Trên thực tế có đến 7 cách đặt tên thương hiệu khác nhau. Có những cách gọi tên thương hiệu phổ biến như đặt theo tên nhà sáng lập, đặt theo tên viết tắt hay đặt theo từ gợi nhớ đến lĩnh vực thương hiệu đang hoạt động.

Ngược lại một số cách đặt tên thương hiệu dù ít gặp hơn, nhưng vẫn được ứng dụng bởi nhiều thương hiệu lớn như đặt tên chơi chữ, đặt tên từ một câu chuyện có liên quan đến đội ngũ, hoặc đặt tên thương hiệu địa lý với tên địa danh gắn liền với lịch sử hay văn hoá thương hiệu. 

Trong đó đặt tên thương hiệu địa lý vốn ít được các ghi chép, tư liệu hay nguồn chia sẻ ở thị trường trong nước nhắc đến – dù đây là giải pháp đặt tên được nhiều thương hiệu cả trong lẫn ngoài nước ứng dụng thường xuyên.

Với định hướng chia sẻ kiến thức thương hiệu miễn phí đến đúng người cần, cùng quan điểm cho rằng kiến thức là để cho đi, ngày hôm nay Vũ muốn gửi đến các bạn bài chia sẻ có chủ đề: Thương hiệu địa lý ở đâu trong 7 phương án đặt tên thương hiệu.

⇒ Xem thêm: 5 điều cần biết để đặt tên thương hiệu hay.

thuong hieu dia ly 1

Thương hiệu địa lý có ưu nhược điểm nào so với 6 cách đặt tên còn lại? (ảnh: Unsplash).

Ngoài thương hiệu địa lý còn có cách đặt tên thương hiệu nào khác?

vẫn thường ví von việc xây dựng và phát triển thương hiệu cũng giống như sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ nên người. Thậm chí có phần vất vả hơn vì khác với một đứa trẻ, thương hiệu không thể (và không được phép) phát triển một cách chậm rãi, có quy trình riêng và thoả sức khám phá bản thân trong những năm tháng đầu đời.

Thương hiệu giống như một đứa trẻ “vừa chào đời đã tròn 18 tuổi”, nghĩa là ngay lập tức đối diện với áp lực định hướng bản thân, phát triển như thế nào, mô hình kinh doanh ra sao, tầm nhìn sứ mệnh là gì cùng rất rất nhiều câu hỏi khác cần sớm được giải đáp.

Ngay từ những hành động nhỏ nhất ở buổi đầu tạo dựng, mỗi thương hiệu đều phải đi tìm câu trả lời cho các vấn đề mình gặp phải sớm nhất có thể. Đặt tên thương hiệu cũng là một trường hợp như thế, chúng ta không thể cứ vậy mà gọi tên thương hiệu là Nguyễn Văn A, Trần Thị B mà không có lý do nào cụ thể hay xác đáng.

Tên thương hiệu ngoài việc được lồng ghép, gửi gắm vào những hy vọng về tương lai phát triển của đội ngũ thương hiệu, còn phải phần nào thể hiện được bản sắc, giá trị và văn hoá của thương hiệu đó. Sẽ vẫn ổn nếu hai người bất kỳ hoán đổi họ tên mình cho nhau, nhưng hai thương hiệu bất kỳ trao đổi tên của nhau thì không biết chừng sẽ trở thành thảm kịch.

Thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam thì không thể là Tiger Beer, mà phải là Vinamilk. Thương hiệu đào tạo Anh Ngữ dành cho người bận rộn thì không thể là Anh Văn Hội Việt Mỹ, mà phải là Wall Street English. 

Trước khi tìm đáp án của câu hỏi ở phần đầu bài viết, rồi sau đó lồng ghép hiệu quả bản sắc, nét văn hoá và chuỗi giá trị vào tên gọi thương hiệu, chúng ta phải nắm sơ lược về các phương án đặt tên thương hiệu như sau.

thuong hieu dia ly 2

Thương hiệu địa lý ở đâu trong 7 phương án đặt tên thương hiệu? (ảnh: ITD).

Đặt tên liên quan đến trải nghiệm thương hiệu

Thương hiệu là nhận thức tích cực đến từ khách hàng sau thời gian đủ lâu có cơ hội sở hữu, trải nghiệm rồi có được những đánh giá liên chủ quan về sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. 

Nhận thức tích cực được tạo thành từ nhiều yếu tố nhưng tất cả đều chia thành hai nhóm: nhóm yếu tố cảm tính và nhóm yếu tố lý tính. Trong đó yếu tố cảm tính giúp xây dựng nhận biết thương hiệu ban đầu, tạo nền tảng để nhóm yếu tố lý tính xây dựng hành vi tiêu dùng tích cực trong tương lai. 

Trải nghiệm thương hiệu là một yếu tố nằm trong nhóm lý tính. Ở đó khách hàng mục tiêu không cần trực tiếp xem xét, cầm nắm mới có đủ cơ sở để đánh giá về năng lực xây dựng nhận thức tích cực của đội ngũ thương hiệu. 

Đôi khi chỉ cần một câu nói, một đoạn nhạc hay thậm chí chút “gợi ý ban đầu” ngay từ tên gọi thương hiệu, cũng là quá đủ để thể hiện trải nghiệm thương hiệu mà đội ngũ bạn sắp mang đến cho khách hàng.

Một số ví dụ đặt tên thương hiệu theo trải nghiệm có thể kể đến như:

  • Dove
  • amazon
  • Nike
  • Patagonia
  • Uber
thuong hieu dia ly 3

Thương hiệu địa lý và thương hiệu đặt theo trải nghiệm khác nhau ra sao? (ảnh: IIT Patna).

Đặt tên liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh

Đây là phương pháp đặt tên thương hiệu phổ biến nhất, thường gặp ở các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, hoặc các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ.

Đặt tên liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh đúng như mô tả, là phương án đặt tên kèm ngành nghề hay sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp và tham gia vào. Ưu điểm của giải pháp đặt tên thương hiệu này chỉ có một – thể hiện rõ sản phẩm, dịch vụ và chuỗi giá trị mà một thương hiệu có thể cung cấp.

Dĩ nhiên ở chiều ngược lại, có nhiều hạn chế và rủi ro đang chờ nếu bạn chọn đặt tên thương hiệu bằng cách này. Rủi ro lớn nhất là tên thương hiệu bị trùng, hoặc tương đối giống với tên của một thương hiệu cạnh tranh khác. Nhất là khi bạn tham gia vào một lĩnh vực phổ biến, cung cấp sản phẩm hay dịch vụ mang tính thiết yếu, có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, đặt tên thương hiệu theo lĩnh vực hay ngành nghề sẽ làm hạn chế tiềm năng, cơ hội mở rộng thương hiệu trong tương lai. 

Chẳng hạn như bạn bán cà phê và có từ “cà phê” ở trong tên thương hiệu, câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nếu sau này bạn bán thêm bánh ngọt, nước ngọt có gas hay mở rộng hẳn sang ngành hàng khác. Một số ví dụ đặt tên thương hiệu theo lĩnh vực mà người Việt thường gặp như sau: Cơm tấm Phúc Lộc Thọ, Gờ Cà Phê, The Pizza Company Vietnam,…

Một số ví dụ đặt tên thương hiệu theo sản phẩm, lĩnh vực ở nước ngoài như:

  • Hotels.com 
  • Bank of America
  • Elevance Health
  • General Motors
  • Burger King
thuong hieu dia ly 4

Burger King là tên thương hiệu đặt theo lĩnh vực kinh doanh (ảnh: Bluewin).

Đặt tên thương hiệu bằng từ ngữ biến thể

Trong quá trình xây dựng tên thương hiệu sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, đôi khi vấn đề xảy ra lớn đến mức bạn phải thay đổi suy nghĩ, định hướng của cả đội ngũ trong quá trình đặt tên thương hiệu.

Một số vấn đề thường gặp như tên thương hiệu bị trùng, tên thương hiệu không trùng nhưng đã được công ty khác bảo hộ nhãn hiệu, tên thương hiệu chứa các từ khoá bị cấm, tên thương hiệu có ý nghĩa nhưng khó đọc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau,…

Trong đa số trường hợp đội ngũ thương hiệu sẽ chọn giải pháp linh hoạt, tối ưu để tìm ra biến thể phù hợp nhất của tên thương hiệu gốc. Tất nhiên nó không làm thay đổi ý tưởng ban đầu khi đặt tên thương hiệu, cũng không khiến đội ngũ gặp khó khăn trong quá trình giải thích, truyền đạt lại câu chuyện có liên quan đến tên gọi của mình.

Một số ví dụ đặt tên thương hiệu bằng từ ngữ biến thể như sau:

  • Flickr
  • Kodak
  • Google
  • adidas
  • Tumblr
thuong hieu dia ly 5

Thương hiệu địa lý và thương hiệu tên biến thể có gì khác nhau? (ảnh: TechCrunch).

Đặt tên thương hiệu bằng từ viết tắt

Tên thương hiệu tạo nên từ chữ viết tắt không còn quá hiếm gặp nữa, nhiều thập kỷ qua thế giới thương hiệu đã chứng kiến hàng trăm cái tên nổi tiếng khác nhau, tạo được sức ảnh hưởng lên phân khúc và thị trường của mình bằng chính những chữ cái viết tắt.

Có một thước đo thành công thú vị của việc đặt tên thương hiệu bằng chữ viết tắt. Đó là nếu thương hiệu thật sự lớn mạnh và xây dựng nhận thức tích cực trên phạm vi toàn cầu, để lại nhiều di sản tích cực và lan toả chúng đến cộng đồng người dân thì chẳng mấy ai nhớ, hay có thể biết được ý nghĩa đằng sau những chữ cái viết tắt là gì.

Bạn có thể ngay lập tức nhớ ra HP, IBM, P&G hay BMW là viết tắt của cụm từ nào mà chẳng cần tra Google hay không? 

Ngoài ra các thương hiệu đặt tên bằng chữ viết tắt cũng thường sử dụng luôn những chữ cái đó, vào trong các thiết kế logo thương hiệu của họ. Không phải vì họ muốn tiết kiệm, tối ưu thời gian hay chi phí thiết kế, mà bản thân các chữ cái viết tắt đã là quá đủ để khẳng định lần nữa về sức mạnh thương hiệu.

Hạn chế của giải pháp đặt tên này chỉ xuất hiện với các thương hiệu nhỏ, mới nổi và hầu như chưa có động thái nào để thâm nhập thị trường thế giới. Khi chọn đặt tên thương hiệu bằng chữ viết tắt, khả năng bị trùng lặp với các tổ chức, tập thể hay thậm chí các thương hiệu cạnh tranh đi trước sẽ cao hơn nhiều.

Một số ví dụ về đặt tên thương hiệu bằng chữ viết tắt như sau:

  • BMW
  • IBM
  • H&M
  • BBC
  • UPS
thuong hieu dia ly 6

Ít ai biết rằng BMW là viết tắt của Bayerische Motoren Werke (ảnh: Autorevue).

Đặt tên thương hiệu bằng tên của nhà sáng lập

Quay về quá khứ của thế giới thương hiệu trong giai đoạn thế kỷ 18 và thế kỷ 19, khi đó không có nhiều thương hiệu lớn cùng tồn tại và phát triển trong một lĩnh vực. Hầu hết doanh nghiệp được thành lập và điều hành từ quy mô hộ gia đình – nơi những người chồng, người cha đóng vai trò trụ cột kinh tế hoặc anh em một nhà hợp lại thành lập công ty.

Từ đó hình thành thói quen đặt tên thương hiệu theo tên của nhà sáng lập, có thể chỉ lấy phần họ hoặc cũng có thể lấy nguyên tên đầy đủ của người thành lập công ty. Trong giai đoạn này người ta chưa có nhiều nhận thức quan trọng về thương hiệu nói chung, cũng như việc truyền tải đủ bản sắc hay giá trị qua tên gọi thương hiệu nói riêng.

Bởi khác với 6 cách đặt tên còn lại bao gồm cả đặt tên thương hiệu địa lý, việc đặt tên thương hiệu theo tên của nhà sáng lập gần như không có một ưu điểm nào cụ thể.

Trong khi hạn chế cùng những rủi ro của phương án đặt tên này thì vô cùng khó lường. Kết hợp thương hiệu cá nhân với thương hiệu doanh nghiệp chưa bao giờ là ý tưởng tốt – đặc biệt khi tên thương hiệu có liên quan hoặc lấy nguyên tên gốc của nhà sáng lập. 

Chỉ cần một chút “drama” không đáng có ảnh hưởng trực tiếp đến người sáng lập, hình ảnh và uy tín của thương hiệu cùng tên cũng bị liên luỵ theo. Ngược lại, phát triển thành công một thương hiệu đặt theo tên của nhà sáng lập chính là con đường độc đạo, là lựa chọn duy nhất mà người sáng lập cùng các cộng sự của mình có thể theo đuổi.

Chẳng may thương hiệu không thành công, không sớm chiếm lĩnh một vị thế vững chắc của mình trên thương trường, bản thân nhà sáng lập khó có cơ hội làm lại từ đầu hay phát triển mô hình kinh doanh nào khác. 

thuong hieu dia ly 6 1

Đặt tên thương hiệu theo tên nhà sáng lập là một quyết định dũng cảm (ảnh: Autofrau).

Bởi lúc này uy tín và đánh giá năng lực của họ đã nối gót thương hiệu doanh nghiệp chìm vào quên lãng. Dùng chính thương hiệu cá nhân sẵn có để vực dậy thương hiệu doanh nghiệp là vô cùng gian nan, mong muốn tạo lập và phát triển một thương hiệu doanh nghiệp mới thậm chí càng viễn vông hơn nhiều.

Chưa dừng lại ở đó, đặt tên thương hiệu theo tên nhà sáng lập cũng đồng nghĩa rằng, bạn đã chọn lấy chặng đường xây dựng hình ảnh và truyền thông thương hiệu khó nhằn hơn. 

Phải tốn nhiều thời gian hơn, nhiều chi phí đầu tư hơn và khắt khe hơn nữa với đội ngũ nhân sự của mình – vì truyền thông, quảng cáo một cái tên chẳng có chút liên quan nào đến ngành nghề, đặc tính hay vị trí địa lý là chuyện không hề đơn giản.

Hầu hết những thương hiệu được đặt theo tên của nhà sáng lập đều là những tên tuổi lâu đời, sớm chiếm lĩnh vị thế trong quá khứ nhờ năng lực sản xuất, đáp ứng một hay nhiều nhu cầu còn quá mới mẻ đến từ người tiêu dùng. 

Càng về sau khi số lượng thương hiệu cùng tham gia trong một lĩnh vực nhiều hơn, mức độ cạnh tranh của các thương hiệu trong cùng một phân khúc cũng dày lên, việc đặt tên thương hiệu theo tên của nhà sáng lập đã không còn được khuyến khích. Một số ví dụ đặt tên thương hiệu theo tên nhà sáng lập bên dưới sẽ chứng tỏ luận điểm này của Vũ:

  • Ford (Henry Ford)
  • Mercedes Benz (Karl Benz)
  • Colgate (William Colgate)
  • Dior (Christian Dior)
  • Kellogg’s (Will Kay Kellogg)
thuong hieu dia ly 7

Nhà sáng lập Karl Benz và chiếc xe đầu tiên của thương hiệu nước Đức (ảnh: Mercedes Benz).

Chơi chữ để đặt tên thương hiệu

Không ít người có cùng thắc mắc cho rằng, việc chơi chữ để đặt tên thương hiệu thì khác gì với đặt tên thương hiệu bằng từ ngữ biến thể?

Trên thực tế đặt tên thương hiệu bằng từ biến thể xuất phát từ tâm thế bị động của nhà sáng lập, đội ngũ thương hiệu cùng các cộng sự của mình. Như đã nói mỗi thay đổi nhỏ so với tên thương hiệu dự tính ban đầu đều là kết quả của một câu chuyện, một vấn đề phát sinh mà đội ngũ thương hiệu gặp phải trong quá trình xây dựng tên gọi.

Trường hợp nổi tiếng nhất chính là của Google, ban đầu Larry Page cùng các cộng sự của ông rất yêu thích tên gọi “googol” – vốn là nguyên lý toán học được tạo ra bởi Milton Sirotta vào năm 1920. 

Nguyên lý này bắt đầu bằng một số 1 và hàng dài những con số 0 phía sau, nó trùng khớp với ý tưởng của nhà sáng lập ở thời điểm đó – tạo ra một nền tảng lưu trữ, truy xuất và tìm kiếm dữ liệu với số lượng thông tin nhiều đến vô tận.

Nhưng trong lúc xác minh tính phù hợp của tên miền, chàng nghiên cứu sinh Sean Anderson đã đánh vần và gõ nhầm “googol” thành “google.” Sai lầm này chỉ được phát hiện khi mọi chuyện đã rồi, tạo nên câu chuyện thú vị về biến thể tên gọi nhưng sau cùng thương hiệu và doanh nghiệp vẫn thành công đến mức khó tin.

thuong hieu dia ly 8

Google đáng lẽ ra phải là Googol (ảnh: TRT Haber).

Vậy việc chơi chữ để đặt tên thương hiệu thì sao? Có một số trường hợp chơi chữ với cùng mục đích khi làm biến thể tên thương hiệu, giúp tạo ra một từ ngữ tượng thanh, làm không khí và cảm nhận về thương hiệu trở nên vui nhộn hơn. Dĩ nhiên không phải trong tất cả trường hợp.

Chơi chữ để đặt tên thương hiệu vốn xuất phát từ sự chủ động của nhà sáng lập, các cộng sự cùng với đội ngũ xây dựng thương hiệu. Việc chơi chữ như đã nói giúp tạo ra một từ ngữ mới, mang tính tượng thanh và xây dựng không khí vui tươi, cảm giác gần gũi hơn đến với khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp tên thương hiệu sử dụng biện pháp chơi chữ trong lĩnh vực tiêu dùng, thức ăn nhanh hoặc các nhãn hàng dành cho nhiều nhóm tuổi khách hàng khác nhau.

Khác với phần lớn thương hiệu chạy theo mô hình B2B, khi tên thương hiệu của họ gồm toàn những từ ngữ mà bạn có thể tìm kiếm trong từ điển. 

Các thương hiệu đặt tên bằng biện pháp chơi chữ chắc chắn sẽ theo đuổi mô hình B2C, bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ đến trực tiếp người dùng cuối. Vì thế mong muốn tạo ra một tên gọi thương hiệu vui nhộn, tươi trẻ và cảm giác gần gũi là hoàn toàn có cơ sở.

Một số ví dụ chơi chữ để đặt tên thương hiệu có thể kể đến như sau:

  • Netflix (Internet và Flicks – những bộ phim trên nền tảng internet) 
  • PayPal (Pay là thanh toán và Pal là kết bạn, những người bạn)
  • Twitter (chơi chữ, ám chỉ người dùng “tweet” trên nền tảng này)
  • Zipcar (nền tảng cho thuê xe định hướng tinh gọn, tập trung)
  • Zoom (âm thanh liên tưởng đến chiếc xe lao nhanh, thể hiện tốc độ trải nghiệm trên ứng dụng).
thuong hieu dia ly 9

PayPal xuất phát là nền tảng chuyển tiền quốc tế giữa người quen và bạn bè với nhau (ảnh: Bloomberg).

Đặt tên thương hiệu địa lý

Đặt tên thương hiệu địa lý không nhất thiết phải gán sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp với một địa danh nào đó cụ thể. 

Chẳng hạn như ở Việt Nam, chúng ta có thể liên tưởng đến Bến Tre khi ai đó gọi tên Xứ dừa, liên tưởng đến Đà Lạt khi nghe ai nhắc đến cụm từ Thành phố mờ sương.

Trong hầu hết trường hợp khi thương hiệu địa lý gắn với một địa danh cụ thể, nhiều người lo ngại rằng hành động này làm tiềm năng phát triển của thương hiệu bị giới hạn, khoanh vùng nhỏ lại. Thậm chí gây nhiều thách thức cho ban lãnh đạo, cùng với đội ngũ nhân sự trong trường hợp có ý định mở rộng thương hiệu về sau.

Nhưng như Vũ đã từng đề cập, chia sẻ trong các bài viết trước về chủ đề đặt tên thương hiệu. Một logo ý nghĩa hay một tên gọi thương hiệu có ý nghĩa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ngược lại chính những hành động và giá trị mà đội ngũ thương hiệu tạo ra, tích cực lan toả mỗi ngày mới làm nên ý nghĩa thật sự của logo hay tên gọi thương hiệu.

Lấy ví dụ về trường hợp của American Airlines – thương hiệu hàng không cùng chia sẻ vị trí dẫn đầu thị trường Bắc Mỹ cùng với United Airlines. 

Với vị thế sẵn có của mình, American Airlines không gặp nhiều khó khăn trong việc vươn ra ngoài biên giới Hoa Kỳ, trở thành một thương hiệu hàng không toàn cầu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Sau hai năm đại dịch Covid hoành hành, tình hình kinh doanh của American Airlines đã khởi sắc trở lại trong các năm 2022 và 2023. Nhiều quý liên tiếp hãng bay này báo cáo thiết lập kỷ lục doanh thu mới, giữa thời điểm giá nhiên liệu vẫn đang tăng cao trên phạm vi toàn cầu.

thuong hieu dia ly 9

American Airlines là thương hiệu địa lý hàng đầu thế giới (ảnh: CNN).

Điểm chung của các thương hiệu địa lý là chúng đều bắt đầu từ mô hình kinh doanh địa phương, mở rộng hơn nữa thì cũng chỉ bắt đầu bằng định hướng quốc gia hay khu vực. 

Tuy không còn giới hạn thị phần, thị trường và nhóm khách hàng mục tiêu sau khi chuyển mình trở thành thương hiệu toàn cầu, nhưng các thương hiệu địa lý cũng không bắt buộc phải “thay tên đổi họ” của mình một cách mù quáng. 

Đặc biệt đối với các thương hiệu địa lý chuyên cung cấp dịch vụ thay vì sản phẩm, mà trường hợp của ngành hàng không và thương hiệu American Airlines là minh chứng rõ ràng nhất.

Tuy nhiên cần biết rằng Pháp luật nước ta có một số chỉ dẫn, giới hạn nhất định về quy trình đặt tên thương hiệu địa lý – sử dụng một phần hoặc toàn bộ chỉ dẫn địa lý làm yếu tố xây dựng tên gọi thương hiệu.

Cụ thể theo Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam thuộc về nhà nước. Các cá nhân, tổ chức phải được phép đăng ký chỉ dẫn địa lý để thực hiện chỉ dẫn địa lý (trong quá trình đặt tên thương hiệu địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có yếu tố chỉ dẫn địa lý).

Tuy nhiên điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng chỉ rõ, những tên gọi và chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung trong nhận thức của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ không được phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

thuong hieu dia ly 10

Thương hiệu địa lý tại thị trường Việt Nam có nhiều chỉ dẫn và giới hạn cụ thể (ảnh: Coconut Candy).

Từ hai điều luật nói trên, dễ hiểu vì sao chúng ta không thể nhìn thấy các thương hiệu địa lý cụ thể trên thị trường Việt Nam. Những cái tên thương hiệu địa lý quá cụ thể như Kẹo dừa Bến Tre, Nước mắm Phú Quốc hay Cà phê Cầu Đất sẽ không được nhà nước, pháp luật và Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ một cách hợp pháp.

Thay vào đó chúng ta có thể thử một số hướng đặt tên thương hiệu địa lý khác, thêm thắt vào các yếu tố bổ sung để tự định vị thương hiệu trở nên nổi bật. Chẳng hạn như Nước mắm Phú Quốc Chú Sáu, Cà phê Cầu Đất Farm hay Kẹo dừa Cô Ba Bến Tre,…

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Điểm chung của các thương hiệu địa lý?

Điểm chung của các thương hiệu địa lý là chúng đều bắt đầu từ mô hình kinh doanh địa phương, mở rộng hơn nữa thì cũng chỉ bắt đầu bằng định hướng quốc gia hay khu vực. 

Những lo ngại dành cho thương hiệu địa lý?

Trong hầu hết trường hợp khi thương hiệu địa lý gắn với một địa danh cụ thể, nhiều người lo ngại rằng hành động này làm tiềm năng phát triển của thương hiệu bị giới hạn, khoanh vùng nhỏ lại. Thậm chí gây nhiều thách thức cho ban lãnh đạo, cùng với đội ngũ nhân sự trong trường hợp có ý định mở rộng thương hiệu về sau.

Theo luật Sở hữu trí tuệ những tên thương hiệu địa lý nào không được bảo hộ?

Những cái tên thương hiệu địa lý quá cụ thể như Kẹo dừa Bến Tre, Nước mắm Phú Quốc hay Cà phê Cầu Đất sẽ không được nhà nước, pháp luật và Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ một cách hợp pháp.