Thương hiệu mạnh là sở hữu nhận thức mạnh mẽ, nó minh chứng thành công của hoạt động doanh nghiệp, được công nhận bởi phản ứng tích cực từ phía cộng đồng và cả khách hàng trung thành. Một thương hiệu mạnh là một thương hiệu dẫn đầu trong tâm trí khách hàng.
Nếu thương hiệu tốt giới thiệu đến thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, thì doanh nghiệp có chất lượng trong hoạt động kinh doanh cao sẽ tạo ra được một hoặc nhiều thương hiệu mạnh. Thương hiệu mạnh không phải một sự vật hữu hình, nó được hình thành từ sâu trong nhận thức của những ai từng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm và đánh giá những sản phẩm hay giá trị mà thương hiệu mang lại.
Cũng giống như một câu nói đang tạo thành trend đối với các bạn trẻ, ngày nay có rất nhiều chuyên gia xây dựng thương hiệu khẳng định rằng, muốn tạo ra một thương hiệu mạnh thì phải đưa thương hiệu lên vị thế hàng đầu thị trường. Nhưng làm thế nào để nâng tầm thương hiệu, trở thành một tên tuổi hàng đầu thị trường thì các chuyên gia chưa nói.
>> Xem thêm: Thương hiệu là gì? Các định nghĩa cơ bản về thương hiệu bạn cần biết
Sau nhiều năm làm việc và cung cấp dịch vụ xây dựng chiến lược, hình ảnh thương hiệu cho rất nhiều đối tác doanh nghiệp, Vũ nhận thấy rằng không phải tất cả mọi mô hình kinh doanh đều đang hiểu đúng về khái niệm thương hiệu mạnh. Tuy chưa một lần tự nhận mình là chuyên gia, càng không muốn phô trương về năng lực doanh nghiệp và nguồn lực mà bản thân đang sở hữu.
Nhưng bằng vốn kiến thức được liên tục cập nhật dựa trên nền tảng kinh nghiệm làm việc sẵn có, Vũ hoàn toàn tự tin rằng mình đã có đủ thấu hiểu và nhận định về khái niệm thương hiệu mạnh. Từ đó hệ thống lại mối dây liên kết giữa thương hiệu mạnh với hàng loạt khái niệm về thương hiệu khác, tổng hợp trong một bài viết và chia sẻ kiến thức này đến rộng rãi tất cả mọi người.
Thương hiệu mạnh đến từ đâu?
Nếu ai đó hỏi rằng mấu chốt của thành công trong hoạt động kinh doanh là gì, thì đáp án chắc chắn sẽ là xây dựng chiến lược và hình ảnh thương hiệu. Mục tiêu trọng tâm của xây dựng thương hiệu là làm nên bản sắc của thương hiệu đó, giúp thương hiệu tỏa sáng giữa một thị trường “đông đúc” bằng những giá trị vượt bậc.
Thương hiệu mạnh phát triển từ nền tảng vững chắc của một chiến lược xây dựng thương hiệu đủ tốt. Cũng như một con người muốn xây dựng hình ảnh cá nhân trong mắt những người xung quanh, thương hiệu muốn trở nên mạnh mẽ cũng cần trải qua một trình tự tiêu chuẩn. Bắt đầu bằng nhận biết thương hiệu, chuyển đổi thành nhận diện thương hiệu, cải thiện khả năng nhận diện và kết thúc bằng việc có được vị thế hàng đầu trên thị trường.
Tất nhiên không có quy trình nào là hoàn hảo đến mức có thể ngay lập tức đưa vào ứng dụng, phát triển một cách khuôn khổ. Nhưng vẫn sẽ có những bước cơ bản sau đây, trong quy trình xây dựng thương hiệu từ con số không, hoặc từ nhận biết đến chiếm lĩnh vị thế.
>> Xem ngay: Chiến lược thương hiệu là gì? Làm thế nào để thực hiện một chiến lược phù hợp?
1/ Khách hàng tiềm năng quyết định sức mạnh thương hiệu
Để đảm bảo việc trở thành một thương hiệu mạnh chỉ còn là vấn đề thời gian, đội ngũ xây dựng chiến lược cần theo sát và hoàn thành tốt tầm nhìn cũng như sứ mệnh thương hiệu. Nhưng trước tiên, định vị đối tượng khách hàng tiềm năng mới là bước đầu để chắc rằng, định hướng xây dựng giá trị sản phẩm và văn hoá thương hiệu là hoàn toàn phù hợp.
Trừ khi định hướng trở thành một thương hiệu mang tính đại chúng, đáp ứng hoàn hảo gần như mọi nhu cầu đến từ người tiêu dùng giống với những nhà bán lẻ danh tiếng.
Trong các trường hợp còn lại, bất cứ một thương hiệu nào cũng phải cẩn trọng khi định vị khách hàng tiềm năng. Nó ảnh hưởng đến tầm nhìn và sứ mệnh, tác động đến hiệu quả của các chiến dịch bán hàng và trên tất cả, quyết định tốc độ chiếm lĩnh vị thế của thương hiệu trên thị trường – điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công một thương hiệu mạnh.
2/ Thương hiệu mạnh luôn có những đối thủ xứng tầm
Không ai can đảm khẳng định rằng, Apple sẽ có được vị thế của ông lớn công nghệ toàn cầu như hiện nay, nếu không có sự hiện diện của một đối thủ mang đến nhiều bài học quý báu như HP, một đối thủ mang đến cho họ quan điểm đúng đắn về giá trị thương hiệu như IBM, hoặc một đối thủ mang lại những cuộc chiến không hồi kết như Microsoft để nhận ra chân lý rằng, một thương hiệu mạnh sẽ luôn có nhiều đối thủ xứng tầm ở xung quanh.
Chìa khoá cho một chiến lược hoàn hảo để xây dựng thương hiệu mạnh, đó chính là tập trung nghiên cứu cả những ưu điểm vượt trội lẫn nhược điểm còn hạn chế của đối thủ.
Một danh sách bao gồm kế hoạch truyền thông và quảng bá thương hiệu của đối thủ, cách họ tiếp cận khách hàng mới và định giá sản phẩm, định hướng xây dựng chuỗi giá trị, tầm nhìn và sứ mệnh có thật sự phù hợp,…Tất cả đều là những gợi ý quan trọng và tác động không nhỏ đến kế hoạch xây dựng thương hiệu mạnh của doanh nghiệp.
3/ Tagline và slogan cũng thể hiện được sức mạnh thương hiệu
Cũng như một nhân vật có tầm ảnh hưởng muốn chiếm được chỗ đứng vững chắc trong lòng mọi người, thì điều kiện tiên quyết chính là lời nói của người đó phải có sức nặng. Xây dựng một thương hiệu mạnh cũng vậy, mọi tuyên ngôn đến từ thương hiệu bao gồm cả tagline hay slogan đều phải là những ngôn từ có trọng lượng.
Vậy thì như thế nào là tagline và slogan có trọng lượng? Đương nhiên không phải là những lời nói quá cầu kì, hoa mỹ hay phóng đại về những giá trị mà thương hiệu đủ sức mang đến. Cũng không phải những câu nói quá ngắn gọn, súc tích nhưng không thể hiện được tinh thần thương hiệu hay mô tả cách mà thương hiệu sẽ thay khách hàng giải quyết vấn đề.
Nếu mỗi câu slogan hay tagline là một câu chuyện kể, thì tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu sẽ là nguyên liệu chính giúp viết nên câu chuyện đó. Slogan và tagline có trọng lượng để làm nên sức mạnh thương hiệu, bên cạnh độ ấn tượng để khắc ghi vào tâm trí khách hàng thì cần cả tính thuyết phục cao – nhờ giải pháp khắc phục vấn đề mà khách hàng gặp phải vốn được gửi gắm khéo léo vào trong từng câu chữ.
4/ Chọn kênh truyền thông thương hiệu và xác định tone of voice
Bên cạnh việc định vị thành công nhóm khách hàng tiềm năng, chọn lựa kênh truyền thông và xác định tone of voice cũng cho thấy vai trò quan trọng không hề thua kém – trong quá trình xây dựng thương hiệu đúng chuẩn trước khi hướng đến mục tiêu trở thành một thương hiệu mạnh.
Định hướng và chọn lựa sai lầm khiến thương hiệu tự loại mình khỏi cuộc chơi, dâng miếng bánh thị phần đến tay đối thủ khi tính cạnh tranh vốn đã vô cùng khốc liệt. Không chỉ những người đang trông chờ vào thành công của chiến lược thương hiệu, mà ngay cả đội ngũ phụ trách các chiến dịch bán hàng cũng sẽ rất biết ơn khi bạn khéo léo và đầy nhạy bén – trong quá trình xây dựng tông giọng thương hiệu và phát triển kênh quảng bá.
Đừng đầu tư quá nhiều vào một kênh quảng bá truyền thống nếu đối tượng tiềm năng cần hướng đến là giới trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ Gen Z không ngừng cập nhật và theo đuổi những xu hướng mới nhất.
Cũng như vậy, đừng kỳ vọng quá nhiều vào các kênh truyền thông đòi hỏi kiến thức sử dụng tốt thiết bị công nghệ. Nếu đối tượng thương hiệu đang hướng đến là những người có tuổi, gặp hạn chế trong việc tiếp cận những biến đổi mới nhất của thời cuộc.
5/ Lồng ghép giá trị vào trong nội dung truyền thông
Trước khi nghĩ đến việc chiếm lĩnh vị thế hàng đầu để trở thành một thương hiệu mạnh, mọi thương hiệu đều cần phải chiếm lĩnh cảm xúc tích cực từ phía người tiêu dùng trước tiên. Bởi giá trị thương hiệu luôn song hành với chuỗi giá trị trong nội dung truyền thông. Khi giá trị thương hiệu ngày một được nâng cao, thì cũng là lúc thương hiệu đang gần về đến đích trên chặng đường xây dựng một thương hiệu mạnh.
Nội dung truyền thông có giá trị tất nhiên phải chú trọng vào chất lượng nội dung truyền tải, hơn là số lượng nội dung hay những chỉ số có phần cứng nhắc. Sau đây là ba giải pháp “nâng cấp” giá trị nội dung truyền thông, giúp thương hiệu giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn với chuỗi giá trị mà mình muốn truyền đạt.
Hiểu tính cách của khách hàng:
Không dừng lại ở sở thích hay thói quen mua sắm thường ngày, muốn tạo ra thương hiệu mạnh trước tiên cần phải có được lòng tin của người mua hàng. Bằng cách đi sâu vào tìm hiểu tính cách, hành vi tiêu dùng và các vấn đề mà khách hàng trông đợi rằng sản phẩm của bạn đủ sức giải quyết chúng triệt để.
Tập trung vào câu chuyện của người mua:
Một yếu tố khác làm nên nội dung truyền thông có chất lượng, đó là khi khách hàng nhìn thấy được câu chuyện của chính họ trong đó. Sẽ rất khó thuyết phục khách hàng tin tưởng vào sản phẩm của bạn, khi họ không nhìn thấy tình huống, nguyện vọng và tâm tư của mình trong nội dung truyền thông. Trong khi đó, nhiều thương hiệu đang đi ngược lại khi chỉ tập trung vào phô trương khả năng, nguồn lực và giá trị của riêng mình.
Ngôn từ đơn giản nhưng phù hợp:
Thể hiện nội dung truyền thông bằng ngôn từ ngắn gọn, đơn giản giúp làm nổi bật lên những ưu điểm to lớn của thương hiệu về giá trị, tầm nhìn, văn hoá và chất lượng sản phẩm. Một thương hiệu mạnh phải sở hữu một chiến lược truyền thông với ngôn từ đơn giản, nói đủ những gì cần nói và biết chính xác đối tượng người nghe mình phải hướng đến.
Nhìn vào nội dung truyền thông của loạt thương hiệu lớn, chúng ta nhận ra rằng họ chưa bao giờ nói quá nhiều. Như cái cách Huawei dõng dạc khẳng định, những chiếc smartphone của họ là sản phẩm tuyệt vời nhất trong cùng một phân khúc giá. Hoặc CEO Tim Cook của Apple từng tuyên bố trong sự kiện ra mắt, rằng iPhone X là chiếc smartphone mở ra kỷ nguyên cho thế giới di động trong ít nhất một thập kỷ kế tiếp.
Đơn giản nhưng hoàn toàn phù hợp, không quá xa vời với định hướng doanh nghiệp hay năng lực của đội ngũ nhân viên. Đó là đặc điểm quan trọng trong nội dung truyền thông đến từ các thương hiệu mạnh ở trên toàn thế giới.
Rèn luyện và không ngừng hoàn thiện để xây dựng thương hiệu mạnh
Sức mạnh của thương hiệu cũng giống như giá trị của tiền tệ trên thế giới, quốc gia và khu vực càng có vị thế tốt trên bình diện toàn cầu thì đồng tiền đến từ đó càng có giá trị cao. Thương hiệu cũng vậy, càng sớm chiếm lĩnh vị thế hàng đầu thị trường thì đó là cơ sở vững chắc nhất, để khẳng định rằng đây là một thương hiệu mạnh và có sức ảnh hưởng đang ngày một lan toả rộng khắp.
Dĩ nhiên thương hiệu mạnh không tự dưng sinh ra mà như đã nói, mọi doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát khi nhận biết thương hiệu chỉ là con số không tròn trĩnh.
Trải qua quá trình xây dựng giá trị, văn hoá và bản sắc để phát triển cả về nhận biết lẫn nhận thức thương hiệu, giúp thương hiệu trở nên nổi bật giữa một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trên chặng đường đó, có ba điều mà bất cứ một đội ngũ xây dựng thương hiệu nào cũng phải nằm lòng, ứng dụng để không ngừng cải thiện sức mạnh thương hiệu.
1/ Nền tảng đến từ sự nhất quán
Hãy làm một phép thử nhỏ bằng cách đề nghị người thân trong gia đình, nhân viên có thâm niên của công ty và một nhóm những khách hàng thân thiết mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận, viết hoặc nói ra những suy nghĩ và đánh giá của họ về thương hiệu của bạn. Nếu tất cả họ đều đưa ra cùng những lời nhận xét giống nhau thì xin chúc mừng, bạn đang có những bước đi vô cùng đúng đắn trên hành trình xây dựng một thương hiệu mạnh.
Nhưng nếu điều ngược lại xảy ra thì sao, thậm chí không loại trừ khả năng những người tham gia bài test sẽ có các nhận định và đánh giá hoàn toàn sai lệch – so với định hướng và bản sắc thương hiệu mà bạn đã dày công xây dựng ngay từ đầu. Chứng tỏ rằng, thương hiệu của bạn đang lạc lối và không còn giữ được tính nhất quán.
Vậy thì giờ chính là lúc để thương hiệu tự khắc phục và điều chỉnh lại những phương hướng hoạt động đã cũ. Trước khi nghiêm túc lên kế hoạch các bước tiếp theo để sớm tạo dựng được một thương hiệu mạnh.
2/ Kết nối thương hiệu với khách hàng
Tưởng chừng là một nhiệm vụ vô cùng đơn giản, nhưng trên thực tế có đến ít nhất 85% thương hiệu lớn nhỏ trên thị trường đang làm điều ngược lại. Chúng ta mãi mê chạy theo các phương thức tiếp cận khách hàng truyền thống, như luôn cố gắng “thao thao bất tuyệt” về sản phẩm hay dịch vụ mà không hề biết rằng, đó chẳng phải là điều mà khách hàng tiềm năng của mình muốn được nghe.
Trong khi đó, một số ít các thương hiệu mạnh đã bắt đầu muốn lắng nghe khách hàng của họ nhiều hơn, xây dựng giá trị sản phẩm và văn hoá thương hiệu dựa trên nền tảng nuông chiều cảm xúc của người dùng cuối. Họ chấp nhận rơi vào thế bị động một cách chủ động, dễ dàng xây dựng niềm tin ban đầu nơi khách hàng trước khi nghĩ lớn hơn bằng việc tạo dựng lòng trung thành thương hiệu.
3/ Thương hiệu mạnh là thương hiệu mang đến lợi ích lâu dài
Thương hiệu mạnh mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp cả về hiệu suất lao động, kết quả kinh doanh lẫn mức độ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp. Vậy sẽ rất ích kỷ khi một doanh nghiệp hoặc đội ngũ xây dựng chiến lược muốn nâng tầm thương hiệu, trở thành một thương hiệu mạnh mà lại bỏ qua khả năng cũng như trách nhiệm của mình, trong việc mang đến lợi ích lâu dài cho đội ngũ nhân viên, khách hàng và cả cộng đồng.
Năm 2009, Coca-cola quyết định cắt giảm hơn 30% khối lượng nhựa PET được dùng làm vỏ chai Dasani, kết hợp với công nghệ vặn xoắn để đóng nắp mới giúp tiết kiệm thêm 24% khối lượng nhựa cho quy trình này. Tổng cộng chỉ tính riêng dòng sản phẩm Dasani, Coca-cola đã giúp thế giới cắt giảm hơn 600 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Hay như đối với trường hợp của Apple, ông lớn công nghệ thế giới vốn nổi tiếng là một thương hiệu luôn không ngừng làm việc, nghiên cứu và cải tiến để bảo vệ môi trường thông qua chính các sản phẩm của họ. Năm 2020 bên cạnh việc tiếp tục sử dụng nguyên liệu tái chế trên những thiết bị Macbook mới, Apple đã giới thiệu về dự án hướng đến trở thành một doanh nghiệp nói không với khí thải carbon vào năm 2030.
Bắn phát súng đầu tiên cho kế hoạch này, Táo Khuyết đã làm việc với nhà cung cấp để đưa vào ứng dụng một quy trình nấu chảy nhôm mới. Nhằm cắt giảm khối lượng tài nguyên nhôm sử dụng cho vỏ máy và quy trình này cũng hoàn toàn không sinh ra khí thải carbon.
Apple hay Coca-cola chỉ là hai trong số hàng trăm hàng nghìn case study khác nhau, về ứng dụng công nghệ và nguồn lực của các thương hiệu mạnh để mang đến lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
Dĩ nhiên khi nhìn ở góc độ nào đó, những dự án này phần nào mang đến lợi ích truyền thông và đánh bóng hình ảnh cho chính các doanh nghiệp và thương hiệu. Nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, lợi ích thương hiệu và lợi ích cộng đồng luôn phải song hành và không được tách rời nhau, khi một thương hiệu đơn thuần muốn chuyển mình lột xác để trở thành một thương hiệu mạnh.
Doanh nghiệp được gì khi xây dựng thành công thương hiệu mạnh
Xây dựng thương hiệu đã khó, tạo dựng nên một thương hiệu mạnh và duy trì vị thế của nó còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, những lợi ích doanh nghiệp mà một thương hiệu mạnh mang lại thì chẳng có một thương hiệu nào khác dễ bề so sánh. Vậy những lợi ích đáng quý đó bao gồm những gì?
1/ Tăng tỉ lệ chuyển đổi và xây dựng lòng trung thành thương hiệu
Theo nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Robert Cialdini, khách hàng được chia làm hai loại: Người khởi xướng và người làm theo. Số người khởi xướng chỉ chiếm 5%, họ không bị ảnh hưởng bởi những người khác. 95% còn lại mua theo, bắt chước những gì người chung quanh họ mua. Vậy 95% là một con số lớn hơn, nếu bạn có một thương hiệu mạnh, bạn dễ dàng tạo hiệu ứng với nhóm khách hàng lớn này.
Cũng theo một cuộc khảo sát dựa trên 1500 người tiêu dùng trung lập trên thị trường, có đến hơn 70% lượng người tham gia cho biết mình sẵn sàng bỏ qua sai sót của những thương hiệu mạnh – ở đây ý nói đến các tên tuổi hàng đầu trong phân khúc của họ như Apple, Samsung, Mercedes Benz, hay Audi chẳng hạn.
Điều này chứng tỏ khi bạn sở hữu một thương hiệu mạnh, nghĩa là cơ hội chuyển đổi từ người tiêu dùng sang khách hàng thật của bạn luôn lớn hơn – so với các đối thủ cạnh tranh còn lại. Bên cạnh đó, lòng trung thành thương hiệu cũng từ đó mà được tạo dựng, thông qua chính tâm lý có phần vị tha của người dùng cuối – một khi họ đã có nhận thức tốt về thương hiệu và trải nghiệm hoàn hảo với sản phẩm mà thương hiệu đó cung cấp.
2/ Xây dựng văn hoá để thu hút nhân tài
Mặc dù thường xuyên bị nhận xét là một người lãnh đạo cộc cằn, thô lỗ và ít quan tâm đến cảm xúc của đội ngũ nhân viên trong suốt những năm tháng nắm quyền điều hành. Nhưng Steve Jobs trong giai đoạn hoàng kim nhất của bản thân tại Apple cả về sự nghiệp lẫn sức khoẻ, luôn giữ vững một quan điểm bất di bất dịch rằng, mọi sản phẩm tuyệt vời nhất đều phải được tạo ra bởi một tập thể tuyệt vời.
Xây dựng văn hoá để thu hút nhân tài vì thế đã trở thành một tôn chỉ không chỉ đối với Apple, mà chắc chắn là rất nhiều thương hiệu mạnh khác trên thế giới vẫn ngày đêm theo đuổi. Bỏ qua mọi khía cạnh về áp lực cuộc sống, gánh nặng thu nhập và mục tiêu tìm kiếm công việc ổn định, bạn muốn đội ngũ nhân viên của mình sẽ kể với mọi người về doanh nghiệp hay thương hiệu như thế nào?
Hãy để họ có cơ hội, hay tuyệt vời hơn nữa là để họ thật sự khao khát, được kể về thương hiệu mà bản thân đang là một phần trong đó bằng giọng điệu hãnh diện nhất. Điều này không chỉ giúp thương hiệu được đánh bóng tên tuổi và hình ảnh hoàn toàn miễn phí, mà nó còn thúc đẩy tinh thần và động lực làm việc của chính đội ngũ nhân viên.
Chiếu theo quy tắc của tháp nhu cầu Maslow, người nhân viên bên cạnh nhu cầu lương thưởng và có được một công việc ổn định, họ còn có mong muốn nhận được sự tôn trọng và được phép thể hiện bản thân nhiều hơn. Thông qua hành động ghi nhận đến từ bộ máy lãnh đạo cùng với những dự án nhân văn, những kế hoạch đóng góp cho cộng đồng mà thượng tầng doanh nghiệp đang hướng đến.
Cần nhớ rằng trong khi xây dựng văn hoá thương hiệu để thu hút nhân tài, hay xa hơn nữa là chiếm lĩnh vị thế thương trường giúp xây dựng thành công thương hiệu mạnh, thì văn hoá thương hiệu phải đến từ những gì giản đơn nhất. Được xây dựng dựa trên tinh thần tôn trọng ý kiến, phong cách và quan điểm sống của từng cá nhân nhỏ nhất. Tuyệt đối không hà khắc, bảo thủ và áp đặt quan điểm thì văn hoá thương hiệu mới lớn mạnh và vững bền.
3/ Mang đến những bài học và động lực cải thiện vị thế
Dù hôm nay bạn có đang điều hành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới, hoặc nắm trong tay một hay nhiều thương hiệu mạnh cùng lúc, thì cũng chẳng có ai dám nói trước ngày mai sẽ xảy ra điều gì. Nhìn vào quá khứ của giới công nghệ, Motorola đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên đế chế điện thoại di động từ đầu những năm 70. Nhưng chiếc điện thoại di động thời ấy có thiết kế rất cục mịch và chỉ lưu được tối đa 30 số điện thoại.
Những người đi tiên phong trong việc phá bỏ giới hạn về ngôn ngữ thiết kế ấy, chẳng phải ai khác ngoài Nokia – doanh nghiệp khổng lồ về viễn thông không dây đến từ Phần Lan. Nokia nhanh chóng vượt qua Motorola để gần như độc chiếm thị phần di động trong suốt nhiều thập kỷ, trở thành một biểu tượng của thế giới di động mà những tưởng sẽ chẳng có thương hiệu nào đủ sức so bì.
Nhưng rồi Apple, Google hay Samsung lần lượt tấn công vào “miếng bánh béo bở” này sau đó không lâu, và phần còn lại đã thuộc về lịch sử. Thậm chí, số phận của Nokia còn có phần nghiệt ngã hơn Motorola – thương hiệu từng thất bại dưới chính tay của doanh nghiệp Phần Lan. Từ vị thế chiếm lĩnh gần 40% thị phần di động tính đến trước năm 2018, Nokia của năm 2013 chỉ còn lại chưa đến 5% thị phần và buộc phải bán mình cho Microsoft.
Nhiều người hay nói vui “Nokia chết mà không biết vì sao mình chết” nhưng cũng khó để phủ nhận, rằng Nokia hay Motorola suy thoái trầm trọng dẫn đến chết yểu vì họ không có động lực cải thiện vị thế suốt nhiều năm liền.
Từ đó cũng chứng minh một thực tế, sự xuất hiện của ngày một nhiều hơn những thương hiệu mạnh, đã củng cố bài học và động lực cải thiện vị thế cho chính họ. Để trong tương lai, Apple hay Samsung cùng nhiều thương hiệu mạnh là đối thủ khác, không phải trở thành người nối gót của Nokia hay Motorola năm xưa.
Lời kết
Thương hiệu mạnh không nhất thiết là một cái tên hằn sâu trong tiềm thức của người tiêu dùng, vì đối tượng khách hàng mục tiêu và quy mô thị trường mà mỗi thương hiệu hướng đến đều sẽ khác nhau. Không nên mặc định hay áp đặt rằng, muốn trở thành một thương hiệu mạnh thì mô hình kinh doanh cần phải có sẵn tên tuổi, nguồn lực hay mức vốn đầu tư khổng lồ. Vì điều này làm kìm hãm tư duy và động lực cạnh tranh của các mô hình kinh doanh khởi nghiệp.
Đánh giá thương hiệu mạnh có thể nhìn vào thái độ công nhận, ủng hộ và lòng trung thành mà một nhóm khách hàng nhất định dành cho doanh nghiệp hoặc chính thương hiệu đó. Ngoài ra còn là năng lực đóng góp vào lợi ích chung của đội ngũ nhân viên, khách hàng và cả cộng đồng của hoạt động doanh nghiệp.
Cuối cùng, thương hiệu mạnh là một tập hợp tổ chức mà ở đó, mọi mắt xích trong mô hình kinh doanh đều sẵn sàng đóng góp, tận hiến và hi sinh lợi ích cá nhân, để hướng đến thành công chung trong tạo dựng hình ảnh và năng lực thương hiệu.
Xin chân thành cảm ơn,
Những câu hỏi thường gặp
Thương hiệu mạnh là gì?
Thương hiệu mạnh là sở hữu nhận thức mạnh mẽ, nó minh chứng thành công của hoạt động doanh nghiệp, được công nhận bởi phản ứng tích cực từ phía cộng đồng và cả khách hàng trung thành.
Đâu là nền tảng của một thương hiệu mạnh?
Thương hiệu mạnh phát triển từ nền tảng vững chắc của một chiến lược xây dựng thương hiệu đủ tốt.
Doanh nghiệp được lợi gì khi xây dựng thương hiệu mạnh?
3 lợi ích thực tiễn nhất của một thương hiệu mạnh là thay đổi hành vi tiêu dùng để xây dựng lòng trung thành thương hiệu, thay đổi văn hoá để thu hút nhân tài, cuối cùng là thay đổi chiến lược để tạo ra động lực thay đổi và không ngừng cải thiện vị thế thương hiệu.