Xây dựng thương hiệu Nông sản là một con đường dẫn đến thành công, là chìa khóa để Việt Nam nâng cao giá trị nông sản, vươn ra thế giới.

Vùng khí hậu nhiệt đới của chúng ta như một tấm thảm khổng lồ trải dài từ Bắc chí Nam, với nền nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, tạo nên một điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển. Đây là một lợi thế cạnh tranh vô cùng to lớn, giúp Việt Nam có thể tự hào về những đặc sản nông sản phong phú và đa dạng.

Xây dựng thương hiệu nông sản là một sứ mệnh, là trách nhiệm của cả dân tộc. Chúng ta có thể làm được, bởi chúng ta đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những điều kiện thuận lợi mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Dù sở hữu nền tảng vượt trội, nhưng chúng ta vẫn còn thiếu sót ở nhiều khâu, dẫn đến chưa có nhiều thương hiệu, sản phẩm nông sản Việt Nam có thể vươn ra được thế giới. Điều này khiến Vũ vô cùng trăn trở.

Nhìn những sản phẩm nông sản Việt Nam được người nông dân Việt Nam dày công chăm bón, nhưng lại được thương hiệu ngoại quốc thu mua với giá rẻ, rồi đóng gói lại với bao bì đẹp mắt, thương hiệu chuyên nghiệp của họ rồi bán giá cao hơn gấp nhiều lần, Vũ cảm thấy vô cùng buồn và tiếc nuối.

Vũ luôn cảm thấy xót xa khi trông thấy những sản phẩm nông sản Việt Nam chất lượng cao nhưng lại không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của thương hiệu ngoại quốc. Điều này là do người nông dân Việt Nam không có thương hiệu riêng, dẫn đến giá trị sản phẩm phần lớn không thuộc về họ.

Vũ chia sẻ bài viết này với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Thương hiệu nông sản

Dù đã có những thương hiệu nông sản nổi tiếng như Gạo ST25 Sóc Trăng, Tỏi Lý Sơn, Xoài Cát Hoà Lộc, Nhãn Lồng Hưng Yên… nhưng đa phần thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu, khiến nông sản Việt Nam chưa thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Đó là nỗi trăn trở của Vũ, khi chia sẻ kiến thức và góc nhìn cá nhân trong bài viết này.

Vũ muốn cung cấp tới anh/chị đang dõi theo bài viết một góc nhìn và các thức tạo dựng thương hiệu nông sản toàn cảnh, hy vọng góp phần giúp nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới.

Chúng ta sẽ đi tìm hiểu từ cốt lõi của một thương hiệu, tới cách thức và quy trình tạo dựng một thương hiệu nông sản chuyên nghiệp. Tới đây chắc không ít anh/chị sẽ thắc mắc tại sao Vũ lại chia sẻ những kiến thức hữu ích và miễn phí này lên môi trường internet? Câu trả lời đơn giản, với Vũ, theo đuổi triết lý “Có 2 thứ trên đời cần phải cho đi đừng giữ lại đó là TRI THỨC và LÒNG TỐT”.

Sau hơn 12 năm làm việc trong lĩnh vực thương hiệu và truyền thông, Vũ xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý anh/chị đã dành thời gian quý báu để đọc bài viết này.

Với Vũ, thương hiệu nông sản là niềm tự hào của Việt Nam. Vũ mong muốn, thông qua những kiến thức và kinh nghiệm của mình, Vũ có thể góp một phần giúp các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm thế giới. Vũ tin rằng, thương hiệu nông sản mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, giúp đất nước và con người Việt Nam ngày càng phát triển và hạnh phúc.

Hãy cố gắng và tiếp tục đọc trọn vẹn bài viết này, đừng lo lắng rằng nó là nội dung, kỹ thuật cao siêu, Vũ sẽ viết và minh hoạ đơn giản bình dân lắm.

I. Thương hiệu nông sản bao gồm những gì?

Trước khi đi vào hướng dẫn từng bước và quy trình tạo dựng thành công một nhãn hiệu nông sản, Vũ muốn chia sẻ mô hình “Hạt nhân thương hiệu” dưới đây để anh chị hiểu rõ ba lớp tạo nên một thương hiệu. Vũ tin rằng, nắm bắt được ba lớp này là chìa khóa để xây dựng một thương hiệu nông sản mạnh mẽ.

Thương hiệu nông sản

Hạt nhân của một thương hiệu được tạo thành bởi 3 giá trị:

  • Lớp lõi (Giá trị trực tiếp)

Giá trị trực tiếp mà sản phẩm tác động tới cơ thể của người sử dụng.

Ví dụ: Hạt gạo có giá trị trực tiếp cung cấp tới người sử dụng là ngon miệng và có năng lượng.

  • Lớp giữa (Giá trị cảm xúc)

Giá trị gián tiếp tác động tới cảm xúc, quyết định mua hàng.

Ví dụ: Bao bì, logo của bao gạo, tác động tới cảm giác, quyết định của người sử dụng hạt gạo bên trong.

  • Lớp ngoài (Giá trị niềm tin)

Là giá trị cảm tính, triết lý và có trách nhiệm với cộng đồng

Ví dụ: thương hiệu gạo cam kết hỗ trợ bà con nông dân nguồn vốn để trồng trọt, chăm sóc và thu mua. Mỗi 1kg gạo bán tra thị trường cam kết trích 10.000 vnd để quay về hỗ trợ phát triển địa phương.

Khi đã xác định được ba giá trị này, tôi muốn các anh chị lấy giấy và bút làm một bài tập ngay lập tức, hãy giúp tôi xác định 3 giá trị này mà anh chị đã hoặc chưa sở hữu.

Câu hỏi 1: Giá trị trực tiếp mà anh/ chị cung cấp cho khách hàng là gì?

Câu hỏi 2: Anh/ chị đã tạo ra những giá trị cảm xúc cho khách hàng chưa? nếu có nó bao gồm những gì?

Câu hỏi 3: Những giá trị cộng đồng mà anh/chị tạo ra? hãy liệt kê chúng.

Một ví dụ khác để anh/chị hiểu rõ về 3 giá trị này như sau:

Thương hiệu A cung cấp rất nhiều sản phẩm nước ngọt, nhưng giá trị cốt lõi của sản phẩm này không hề tốt cho sức khỏe. Do đó, thương hiệu này phải sử dụng nhiều tiền và truyền thông để xây dựng giá trị cảm xúc cho sản phẩm, nhằm thoả mãn nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng. Từ đó, họ có thể thúc đẩy người tiêu dùng bỏ qua giá trị trực tiếp của sản phẩm để chi trả và sử dụng.

Nhưng tới một ngày nào đó, thương hiệu này muốn xây dựng giá trị cộng đồng, thì họ sẽ rất khó và không thành công.

Nền tảng và giá trị trực tiếp không tốt cho sức khỏe của thương hiệu A khiến cho thương hiệu này không thể thành công trong việc truyền tải các giá trị cộng đồng. Trong khi đó, ông chủ thương hiệu cà phê danh tiếng đang tạo dựng một “đạo lý” cho thương hiệu của mình để thương hiệu và danh tiếng của ông ta có thể trường tồn.

Bảng ví dụ hướng dẫn xác định các giá trị.

Giá trị trực tiếp Giá trị cảm xúc bao gồm Giá trị niềm tin bao gồm
  • Canh các hữu cơ
  • Thuận tự nhiên
  • Không hoá chất
  • Không chất bảo quản
  • Không độc tố
  • Ngon
  • Thơm
  • Tốt cho sức khỏe…..
  • Logo
  • Bao bì
  • Website
  • Màu sắc
  • Mạng xã hội
  • Dịch vụ
  • Chính sách
  • Hậu mãi
  • Các thiết kế đồ hoạ khác.

  • Câu chuyện thương hiệu
  • Tầm nhìn
  • Sứ mệnh
  • Triết lý vận hành
  • Trách nhiệm với cộng đồng.

Đến giai đoạn này, các anh/chị đã xác định được giá trị trực tiếp của sản phẩm mình cung cấp. Hãy luôn ghi nhớ và kiểm soát giá trị này, vì đây là giá trị nền tảng, giá trị quan trọng nhất, quyết định sự thành công của thương hiệu.

Không có sản phẩm tốt thì không có thương hiệu

Bước tiếp theo việc xây dựng thương hiệu nông sản đó là tạo dựng thành công giá trị cảm xúc và giá trị niềm tin.

II. Bắt đầu xây dựng thương hiệu nông sản

Sau khi đã thấu hiểu cách vận hành, cách tiếp xúc và những giá trị mà thương hiệu tạo ra, Vũ rất vui mừng được chia sẻ với anh/chị từng bước tạo dựng thương hiệu, tạo dựng các giá trị cảm xúc, thúc đẩy hành vi mua hàng và trung thành với thương hiệu.

Thương hiệu nông sản

Bước 1. Xác định chính xác người sẽ chi trả để mua sản phẩm nông sản

Khi đọc tới đây, hãy dành 5 phút, nhắm mắt và suy nghĩ về người sẽ mua sản phẩm của anh chị. Hãy ghi lại những đặc điểm của họ, chẳng hạn như độ tuổi, giới tính, sở thích, nhu cầu,…

  • Bà nội trợ 50 tuổi?
  • Cô thiếu nữ xinh đẹp 23?
  • Hay anh chồng thương yêu vợ con hết mực?
  • Hay tất cả mọi người?

Khi xác định được khách hàng chính xác sẽ chi trả cho sản phẩm, chúng ta sẽ tạo dựng được những cách thức và kênh tiếp cận với họ.

Ví dụ: Bà nội trợ 50 tuổi yêu thích đi chợ hơn đi siêu thị, vậy kênh bán hàng tốt nhất của anh chị là ở chợ. Cô thiếu nữ 23 tuổi dành thời gian online facebook nhiều nên nền tảng trực tuyến và các mạng xã hội sẽ phù hợp hơn.

Vì thế chạy quảng cáo facebook để bán hàng cho bà nội trợ 50 tuổi sẽ không hiệu quả bằng việc mang trực tiếp ra chợ để bán. Bán cho cô thiếu nữ ở ngoài trợ thì không tốt bằng bán trên mạng xã hội…

Bước 2: Xác định cách thức phân phối (bán hàng) sản phẩm nông sản ra thị trường

Sau khi xác định được người chi trả để mua sản phẩm, chúng ta cần xác định cách thức phân phối sản phẩm ra thị trường, tới tay người mua hàng.

Thương hiệu nông sản

Các cách thức tự phân phối sản phẩm bao gồm:

  1. Bán hàng trực tuyến
  2. Mở cửa hàng
  3. Phân phối cho nhà bán lẻ

Ba cách thức phân phối, với cách thức phân phối bán hàng trực tuyến và mà cửa hàng, đó gọi là bán lẻ trực tiếp.

Riêng với việc phân phối cho nhà bán lẻ (3) , chúng ta tìm hiểu về ba chiến lược phân phối cho nhà bán lẻ bao gồm.

Phân phối phủ rộng.

Hình thức phân phối sản phẩm dịch vụ đa kênh đến người tiêu dùng càng nhiều càng tốt. Chiến lược này phù hợp với anh/chị mới lần đầu đưa sản phẩm nông sản của mình ra thị trường.

Phân phối độc quyền

Chọn lọc một nhà phân phối uy tín và phù hợp nhất để phân phối độc quyền trên một khu vực nhất định nhằm kiểm soát quy trình và sản phẩm một cách chặt chẽ để đảm bảo hình ảnh thương hiệu. Chiến lược này phù hợp với anh/chị đã có thương hiệu nông sản cao cấp, đòi hỏi kỹ thuật cao về cách thức chế biến, dịch vụ chăm sóc và hậu mãi.

Phân phối chọn lọc

Là chiến lược lựa chọn kỹ lưỡng trong danh sách các nhà phân phối tiềm năng. Chiến lược này phù hợp với anh/chị sở hữu thương hiệu nông sản đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Lựa chọn kênh phân phối như thế nào?

Có một vấn đề cần xác định rõ là anh/chị sẽ bán sỉ hay bán lẻ? bắt buộc phải lựa chọn chiến lược này ngay từ ban đầu, không nên kết hợp cùng lúc những cách thức bán hàng với  mô hình bên dưới để tránh xung động và dễ dàng phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ, nhất quán.

A. Sản xuất và bán lẻ trực tiếp B. Sản xuất và bán sỉ
Bán hàng trực tuyến

Mở cửa hàng

Phân phối cho nhà bán lẻ.

Ở hai mô hình này, anh/chị vùng lòng chỉ lựa chọn 1 trong 2, không áp dụng 2 mô hình 1 lúc. Khi anh/chị sử dụng mô hình bán lẻ trực tiếp và tiếp tục phân phối cho nhà bán lẻ, khi đó anh chị đang trực tiếp cạnh tranh với đối tác của mình, điều này gây xói mòn văn hoá nội bộ cũng như niềm tin của đối tác, làm rối loạn việc kiểm soát giá và quy trình cung ứng.

Bước 3: Khởi tạo thương hiệu. –  Tạo giá trị cảm xúc

1. Xác định tên Công ty và tên thương hiệu (sản phẩm)

Thương hiệu nông sản

Trước khi khởi tạo mới hoặc làm lại thương hiệu, anh/chị cần xác định rõ hai hạng mục đơn giản sau.

  • Doanh nghiệp: là pháp nhân công ty, có thể sở hữu nhiều nhãn hiệu nông sản
  • Nhãn hiệu nông sản: là thương hiệu mà công ty sở hữu cung cấp ra thị trường.

Ví dụ: Công ty TNHH A sở hữu các nhãn hiệu Bưởi B, Gạo C… nhưng các nhãn hiệu đó không phải là pháp nhân công ty.

Ở mô hình này, chúng ta hãy cố gắng đặt tên cho mỗi sản phẩm một tên riêng, khác biệt nhưng gần gũi với thị trường.

Khi chưa sở hữu Công ty, anh/chị hãy thành lập một Công ty và đừng suy nghĩ quá nhiều về tên Công ty, anh chị có thể đặt một cái tên từ chính anh/ chị, gần gũi, mộc mạc và thân thương, việc sáng tạo tên sẽ được đầu tư trong tên sản phẩm.

2. Đặt tên thương hiệu cho sản phẩm nông sản

Thương hiệu nông sản

Điều quan trọng khi đặt tên thương hiệu cho sản phẩm nông sản là đừng cố gắng dùng những từ chung hoặc có chỉ dẫn địa lý vào tên thương hiệu sản phẩm mà anh chị cung cấp. Việc chỉ dẫn địa lý đó có thể làm nổi bật ở các cách thức khác trên bao bì, tờ rơi…

Đặt tên thương hiệu hãy cố gắng đặt tên thương hiệu đáp ứng được những yêu cầu sau.

  1. Khác biệt
  2. Ngắn gọn, dễ nhớ
  3. Thân thiện 
  4. Dễ phát âm.

Ví dụ:  Gạo, anh chị có thể đặt tên bằng cách ghép từ Agao hoặc GaoA (Gạo hạng A)

Khi đó chúng ta sẽ có GaoA – Gạo đặc sản Sóc Trăng.

Một tên thương hiệu không dấu, ngắn gọn và dễ dàng đọc, với một câu slogan khẳng định “Gạo đặc sản Sóc Trăng” một cách thức đặt tên và xây dựng thương hiệu tuyệt vời. Vũ sẽ sử dụng ví dụ này để tiếp tục minh hoạ trong bài viết này, tên thương hiệu này thuộc sở hữu của Vũ, anh/chị vui lòng không sử dụng đặt tên thương hiệu cho mình.

3. Xác định những điểm đặc biệt, nổi trội của sản phẩm nông sản mà duy nhất anh/chị sở hữu

Việc xác định những điểm đặc biệt này là nội dung để thực hiện truyền thông và quảng bá sản phẩm, trong ví dụ tiếp theo Vũ sẽ cung cấp cách thức để xác định những điểm đặc biệt của nông sản như sau:

  1. Câu chuyện tạo ra sản phẩm.
  2. Chỉ dẫn địa lý
  3. Quy trình canh tác
  4. Công nghệ áp dụng
  5. Những điểm khác biệt
  6. Giải thưởng (nếu có)
  7. Tại sao chọn sản phẩm GaoA?
  8. Giá trị cộng đồng mà anh/chị tạo ra?

Hãy cố gắng viết ra tất cả những nội dung này và sử dụng chúng trong mọi thiết kế của thương hiệu.

4. Thiết kế thương hiệu.

Thiết kế logothiết kế thương hiệu tại giai đoạn này là rất cần thiết, để kiểm soát và tạo dựng được một logo chuyên nghiệp, dễ dàng nhận diện sẽ rút ngắn quá trình đi đến thành công. Một logo tốt cần bao gồm các yếu tố sau đây:

  • Không quá 3 màu sắc
  • Thân thiện 
  • Đơn giản
  • Khác biệt
  • Tránh dùng các màu nóng (đỏ-vàng-cam…)

5. Đăng ký bảo hộ thương hiệu

Thương hiệu nông sản

Một đơn bảo hộ do Vũ thực hiện.

Sau khi đã hoàn thành việc đặt tên thương hiệu và thiết kế logo doanh nghiệp/ sản phẩm, anh/chị cần bảo hộ ngay càng sớm càng tốt tại Cục sở hữu trí tuệ:

http://www.noip.gov.vn/vi_VN/web/guest/nhan-hieu

6. Đăng ký mã vạch

Đăng ký mã vạch sản phẩm là giai đoạn giúp anh/chị sở hữu mã vạch để quản lý và phân biệt sản phẩm trên thị trường, đăng ký mã vạch tại trung tâm Gs1: http://gs1.org.vn/thu-tuc-dang-ky/

7. Thiết kế bao bì sản phẩm

Thương hiệu nông sản

Dự án thiết kế bao bì Nông sản Việt Nam – Cacao Tiền Giang Alluvia do Vũ Digital thực hiện mang đậm chất Việt Nam, văn hoá và lịch sử.

Trước khi làm việc với đơn vị thiết kế sản phẩm, anh chị cần tìm hiểu về thông tư số 05/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ với các yêu cầu bắt buộc ghi trên bao bì sản phẩm bao gồm:

– Tên hàng hóa;

– Thành phần;

– Xuất xứ hàng hóa;

– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

– Ngày sản xuất, hạn sử dụng

– Định lượng (khối lượng tịnh)

– Cách bảo quản;

– Chỉ tiêu chất lượng

– Hướng dẫn sử dụng

– Cảnh báo 

8. Thiết kế vật dụng quảng bá sản phẩm

  • Một số vận dụng cơ bản để quảng bá sản phẩm bao gồm:
  • Tờ rơi giới thiệu sản phẩm
  • Poster giới thiệu sản phẩm
  • Danh thiếp nhân viên.
  • Áo thun.

9. Thiết kế website

Website là một người kể chuyện và bán hàng thầm lặng, anh/chị cần thiết kế 1 website về doanh nghiệp, xin lưu ý website về doanh nghiệp chứa nhiều nhãn hiệu sản phẩm trong đó.

Ngoài ra anh/chị cần tạo dựng các trang website dành riêng cho sản phẩm đó, thường được gọi là website sản phẩm với tiếng anh là Landing-page, ở website sản phẩm này chỉ thể hiện toàn bộ thông tin về sản phẩm như chúng ta đã xác định ở mục số 3 (3. Xác định những điểm đặc biệt, nổi trội của sản phẩm nông sản mà duy nhất anh/chị sở hữu.)

Website doanh nghiệp để chứng minh năng lực và tầm nhìn, thông tin doanh nghiệp.

Website sản phẩm này là tài liệu tuyệt vời để anh/chị giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

10. Tạo các trang mạng xã hội

Có rất nhiều cách thức tạo dựng thương hiệu trên nền tảng trực tuyến, tuy nhiên anh/chị hãy thực hiện tạo dựng trang facebook của sản phẩm, ở đó anh/chị hãy cứ chia sẻ chân thành những trải nghiệm, thông tin về quá trình thực hiện, cũng như cảm xúc của anh/chị muốn mọi người cảm nhận và trải nghiệm, Vũ tin với chiếc điện thoại thông minh, anh/chị hoàn toàn có thể tự thực hiện.

11. Cung cấp sản phẩm ra thị trường và kiểm soát chất lượng

Điều cuối cùng mà Vũ mong muốn anh chị thực hiện đó chính là cung cấp sản phẩm ra thị trường bằng các kênh phân phối và kiểm soát chất lượng để tránh ảnh hướng tới người tiêu dùng và thương hiệu của các anh/chị. Xây dựng một thương hiệu thành công là một quá trình khó khăn và đầy thử thách, nhưng việc duy trì và đảm bảo chất lượng, gìn giữ các giá trị mà anh/chị tin tưởng và theo đuổi còn là một hành trình gian nan hơn

Hãy cố gắng kiểm soát chất lượng sản phẩm/ dịch vụ, cố gắng, kiên nhẫn duy trì những điều mình tin tưởng và thực hiện một cách có chiến lược và chuyên nghiệp. Xây dựng thành công thương hiệu là quá trình kiên nhẫn và chịu nhiều áp lực.

Vũ hi vọng bất kỳ khi nào anh/chị cảm thấy áp lực, hãy quay trở lại đọc bài chia sẻ này và hồi tưởng lại quảng thời gian đầy nhiệt huyết khi bắt đầu. Hãy lan toả nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho mọi người quanh anh/chị.

Xin cảm ơn.

​​​

Những câu hỏi thường gặp

Tại sao phải xây dựng thương hiệu nông sản?

Xây dựng thương hiệu Nông sản là một chiến lược thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, bởi chúng ta là một đất nước nông nghiệp. Chúng ta sở hữu vùng khí hậu nhiệt đới với nền nhiệt độ trung bình cao, độ ẩm lớn, điều kiện tuyệt vời cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Đây là một lợi thế cạnh tranh lớn, giúp hầu hết các vùng miền của chúng ta đều sở hữu những đặc sản về nông sản.

Thương hiệu nông sản bao gồm những gì?

Thương hiệu nông sản bao gồm 3 giá trị: giá trị trực tiếp, giá trị cảm xúc, giá trị cộng đồng

Điều gì quan trọng khi xây dựng thương hiệu nông sản?

Xây dựng một thương hiệu thành công là một quá trình khó khăn và đầy thử thách, nhưng việc duy trì và đảm bảo chất lượng, gìn giữ các giá trị mà anh/chị tin tưởng và theo đuổi còn là một hành trình gian nan hơn

Xây dựng thương hiệu nông sản bắt đầu từ đâu?

Xây dựng thương hiệu nông sản bắt đầu từ một sản phẩm tốt và ổn định.

Những điều cần lưu ý khi xây dựng thương hiệu nông sản?

Khi xây dựng thương hiệu nông sản cần đặt ra mục tiêu và chiến lược khác biệt, nhưng cũng phải đảm bảo chiến lược đó dược duy trì liên tục một cách nhất quán.