Trực giác và lý trí thường bị đánh giá quá cao hoặc quá thấp so với vai trò của chúng trong quá trình xây dựng thương hiệu mạnh.
Bạn có từng cảm thấy “không phục” khi sếp chọn phương án của người khác thay vì của bạn, bằng lời giải thích mông lung kiểu “trực giác anh mách bảo như thế” và sau cùng kết quả đúng là thế thật hay không? Hay có khi nào bạn thất vọng vì đã vận dụng toàn bộ kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm của mình mà kết quả của công việc vẫn giậm chân tại chỗ?
Nếu đã từng trải qua một trong hai (hay cả hai tình huống đó) thì rất có thể, vấn đề của bạn là đã đánh giá quá cao hoặc quá thấp vai trò của trực giác và lý trí – trong quá trình hành động rồi xử lý vấn đề nào đó có liên quan đến công việc, sinh hoạt hay cuộc sống cá nhân của mình.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà bi quan và tự nhủ rằng bản thân mình thật kém cỏi, bồng bột hoặc có một số vấn đề tâm lý. Bởi ngay cả những CEO hàng đầu thế giới, quân đội Hoa Kỳ và tiến sĩ nổi tiếng về tâm lý học cũng đã mất rất nhiều thời gian, công sức để hiểu ra vai trò thật sự của trực giác và lý trí – trong quá trình phát triển sự nghiệp cũng như chất lượng đội ngũ.
Câu chuyện từ họ sẽ được Vũ đề cập trong phần một của bài viết này, với chủ đề Trực giác và lý trí để xây dựng thương hiệu mạnh. Bài viết có những nội dung chính như sau:
- Trực giác và lý trí trong đời sống thường ngày
- Trực giác và lý trí giúp bạn xây dựng thương hiệu mạnh như thế nào?
- Nên ưu tiên hay chọn dung hoà giữa trực giác và lý trí của mình?
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Trực giác và lý trí trong đời sống thường ngày
Nhiều người trong số chúng ta thường có ấn tượng xấu, phản hồi tiêu cực trước những ý kiến cho rằng “trực giác đóng vai trò lớn trong nhiều quyết định quan trọng.” Nhất là những cá nhân sở hữu bộ óc và tính cách đậm chất lý trí, luôn tìm cách giải thích vấn đề theo hướng khoa học. Đi tìm căn nguyên hữu hình của mọi sự việc thay vì đặt niềm tin vào thế giới vô hình, siêu nhiên.
Các bác sĩ và chuyên gia thần kinh học của Quân đội Hoa Kỳ cũng từng như vậy, cho đến lúc nghe kể những câu chuyện trong chiến đấu từ những binh lính, thành viên quân đội khi họ có cơ hội chứng thực vai trò của trực giác và lý trí trong quá trình tác chiến.
Từ năm 1972, CIA và Bộ Quốc Phòng Mỹ đã thông qua nhiều nghiên cứu để kết luận rằng, khả năng linh cảm hay sử dụng trực giác hiệu quả có thể yếu với nhóm người này, mạnh với nhóm người kia và trở nên vượt trội với một nhóm thiểu số khác. Kết luận này được xác thực bởi ông Joseph McMoneagle – sĩ quan về hưu của Quân đội Hoa Kỳ, hiện đang công tác tại Tình báo quân đội và Viện nghiên cứu Stanford.
Ông kể rằng trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, bản thân đã sử dụng khả năng linh cảm để tránh giẫm trúng những bãi mìn, bị lọt xuống hố hoặc rơi vào trận địa phục kích.
Khả năng này của ông được đồng đội truyền tai nhau và liên tục làm theo, tất nhiên hiệu quả ứng dụng trực giác của từng người không hề giống nhau. Nhưng tất cả họ đều công nhận một thực tế là, chiến trường thường không có chỗ cho sự đa nghi và cẩn trọng – nhiều lúc trực giác có thể cứu bạn khỏi hiểm nguy đang chực chờ.
Đến năm 2014, quân đội Hoa Kỳ muốn tìm hiểu vì sao một số binh lính có thể thông qua trực giác, để xác định nghi ngờ liên quan đến thiết bị nổ, lính bắn tỉa cùng nhiều mối đe doạ khác trong quá trình tác chiến. Họ quyết định đầu tư hơn 3,8 tỷ USD cho nghiên cứu được thực hiện với binh lính thuỷ quân lục chiến.
Cụ thể thì các binh lính được huấn luyện, đào tạo nhiều giải pháp nhận định và lên phương án xử lý tình huống – khi đối mặt với những rủi ro chiến trận bằng trực giác cùng năng lực tiên đoán của bản thân. Trước đó ở giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ cũng ghi nhận trường hợp một trung sĩ với năng lực tiên đoán ở mức độ “siêu nhiên”, có thể sử dụng trực giác để đưa đồng đội vượt qua nhiều rủi ro vũ trang.
Còn theo nhà khoa học thần kinh Valerie van Mulukom – cộng tác viên nghiên cứu khoa thần kinh tại Đại học Coventry, trực giác không phải loại “cảm xúc vớ vẩn” mà ta nên phớt lờ hay xem nhẹ ở trong mọi quyết định của mình. Thậm chí khi đi sâu vào phân tích, có thể khẳng định rằng trực giác cũng là một giải pháp phân tích tình huống mang tính khoa học.
Ông có nhắc đến một khái niệm rất hay trong nghiên cứu của mình, đó là “predictive processing framework – khung xử lý các dự đoán.” Cụ thể hơn, bộ não con người liên tục so sánh trải nghiệm hiện tại với kiến thức và ký ức được lưu trữ về những trải nghiệm trước kia, đồng thời đưa ra dự đoán cho những điều sẽ xảy đến kế tiếp.
Cơ chế này của não bộ dẫn đến tình huống cấp trên tự tin khẳng định với bạn là, anh ấy hoặc chị ấy quyết định như vậy vì “trực giác mách bảo thế”, rồi sau cùng kết quả diễn ra như thế thật.
Thật ra cấp trên của bạn không vô tri hay hão huyền đến mức quyết định mọi việc bằng cảm xúc, đó là kết quả của hành trình tôi luyện năng lực, kinh nghiệm cũng như khả năng tiên đoán của bản thân – từ nguồn vốn là những trải nghiệm tích cực (hoặc tiêu cực) mà họ từng có trong quá khứ. Vì vậy Vũ muốn khẳng định rằng, trực giác của chúng ta có liên kết chặt chẽ với năng lực và kinh nghiệm chuyên môn.
Người nào càng có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế ở trong một lĩnh vực, thì hiệu quả khi họ quyết định dùng trực giác để xử lý vấn đề của lĩnh vực đó càng cao. Tất nhiên ở chiều ngược lại, người càng có ít kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế ở trong một lĩnh vực, thì không nên quá tin tưởng vào trực giác của bản thân. Thay vào đó, hãy sử dụng lý trí nhiều hơn. Vậy lý trí khác với trực giác như thế nào?
Khác với suy nghĩ của nhiều người cho rằng, trực giác và lý trí hoàn toàn không có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế trực giác và lý trí là hai hướng tư duy luôn tồn tại song song, bổ sung hiệu quả cho nhau để đảm bảo hiệu suất và chất lượng công việc, hoặc bất cứ mục đích nào trong cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ như một nhà khoa học cần có trực giác để giải phóng năng lượng sáng tạo, cho ra đời các giả thuyết hay phạm trù khoa học mà bản thân họ hoặc đội ngũ của họ tin là đúng. Lúc này, lý trí cần được sử dụng để kiểm tra lại và bảo vệ cho giả thuyết ban đầu đó – thông qua các hoạt động khảo sát, nghiên cứu hay mô phỏng giả thuyết ngoài môi trường thực tế.
Nhà khoa học thì không giống như cấp trên của bạn, họ hiểu rằng mỗi giả thuyết hay nhận định khoa học đều mang tính chủ quan, đều là lần đầu tiên họ có cơ hội trải nghiệm và vì vậy, không nên quá tin tưởng vào trực giác của bản thân.
Nhìn sang một số ngành nghề khác: nhân viên bơm xăng có thể biết mức xăng 100 ngàn đồng thì mất mấy giây để “nhấn cò”, nhân viên ngân hàng có thể ước lượng một xấp tiền bất kì tương ứng giá trị bao nhiêu, nhân viên pha chế có thể không cần dùng đến dụng cụ đo mà vẫn bám sát công thức món uống.
Tuy nhiên, vẫn cần có sự tồn tại của bộ đếm trên trụ xăng, máy đếm tiền ở quầy giao dịch hay bản báo cáo nguyên liệu khi quán cà phê đổi ca – làm hiện thân cho “lý trí” trong từng ngành nghề tương ứng. Khác với trực giác, lý trí được nhiều người cùng tham gia vào lĩnh vực, ngành nghề hay một hành động ứng dụng để làm cơ sở đánh giá tính phù hợp và đúng đắn.
Nhiều người vẫn vào đổ xăng mà không nhìn lên trụ xăng, đi giao dịch nộp tiền mà không nhìn vào máy đếm, ghé quán nước mà không quan tâm công thức món uống mình thưởng thức như thế nào. Vì đã có những hiện thân của lý trí, chúng ta thường trông cậy hết vào nhân viên trạm xăng, ngân hàng, quán nước vì tin rằng trực giác và lý trí của họ không mâu thuẫn nhau dù chỉ là một chút.
Trực giác và lý trí khi xây dựng thương hiệu mạnh
Sau khi đưa ra một quyết định quan trọng, chúng ta thường cảm thấy nhẹ nhõm và bình an đến lạ, dù trước đó rất mệt mỏi hay đắn đo để lựa chọn giữa nhiều phương án. Thật ra “nỗi sợ khi phải quyết định” đến từ quá trình bộ não hoạt động hết công sức để rà soát, kiểm tra lại hàng loạt trải nghiệm trong quá khứ bạn từng trải qua.
Nếu chưa từng trải qua tình huống nào tương tự, bộ não phải tiếp tục hoạt động để cập nhật những trải nghiệm hoàn toàn mới. Sự căng thẳng đó chỉ kết thúc khi quyết định đã được đưa ra, cho phép bộ não quay về trạng thái hoạt động bình thường mà nó vốn dĩ.
Khi theo đuổi mục tiêu và lên chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh, trực giác hỗ trợ chúng ta trong quá trình nhận định rồi nắm bắt cơ hội trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, lý trí giúp chúng ta rà soát và đánh giá tính khả thi nếu quyết định nắm bắt cơ hội, chuyển ý tưởng từ bộ não lên những trang giấy, bản thuyết trình và nội dung hướng dẫn xây dựng chiến lược.
Cần phân biệt rõ ràng giữa trực giác với lý trí, giữa các nghiên cứu thống kê với những mô phỏng và thí nghiệm mang tính hiện thực cao. Không ít người nhầm lẫn các yếu tố thống kê như nghiên cứu nhân khẩu học, khảo sát ý kiến chính là lý trí. Nhưng không, tất cả chúng vẫn mang thiên hướng trực giác và nhìn ở một phạm trù nhất định, thì không hiệu quả để triển khai các hành động xây dựng thương hiệu mạnh.
Ví dụ từ những năm 500 TCN, hai nhà khoa học của Hy Lạp là Plato và Pythagoras đã đưa ra giả thuyết Trái đất hình cầu – thay vì là hình đĩa hay một mặt phẳng. Tuy nhiên, họ không thể đi hỏi những người xung quanh rằng “bạn có tin Trái Đất hình cầu như tôi không?” rồi đưa ra kết luận sau cùng. Kết luận đó thậm chí còn thiếu vững chắc hơn, nếu Plato hay Pythagoras chỉ đi khảo sát trong gia đình mình và người dân địa phương.
Phải đến năm 350 TCN khi triết gia Aristotle đề cập trong một cuốn sách của mình, rằng bóng của Trái Đất trên Mặt Trăng trong các kỳ nguyệt thực luôn là đường tròn (nếu Trái Đất hình đĩa thì bóng phản chiếu phải có đường elip). Kể từ thời điểm đó, giả thuyết Trái đất hình cầu mới bắt đầu được người dân châu Âu tin tưởng.
Nếu giả thuyết Trái Đất hình cầu được xem như một “thương hiệu” của Aristotle, thì ông đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu mạnh cho riêng mình – thông qua những cơ sở lý luận và chứng thực cụ thể dựa trên năng lực cá nhân. Thậm chí sau đó Aristotle còn tự mình củng cố lý thuyết này, bằng dẫn chứng cho thấy “vị trí của mỗi ngôi sao sẽ khác nhau, khi chúng ta đứng nhìn ở các địa điểm khác nhau.”
Như vậy, Trái Đất phải là một khối hình cầu để dẫn đến thực tế là mỗi hình ảnh đều không giống nhau – tuỳ thuộc vào vị trí quan sát mà chúng ta chọn đứng. Sau này khi nhà thám hiểm Ferdinand Magellan đưa con thuyền của ông đi vòng quanh thế giới, hay phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng, rồi xác nhận Trái Đất là một khối cầu khổng lồ từ khoảng cách gần 400 ngàn km. Khi đó, giả thuyết “trái đất hình cầu” năm xưa của Aristotle mới chuyển thành một chân lý đáng để tin tưởng, ứng dụng sâu rộng.
Còn với thế giới của các thương hiệu – đặc biệt là trong quá trình xây dựng thương hiệu mạnh, cần nhớ rằng mọi hoạt động thương hiệu luôn được xây dựng trên nền tảng suy nghĩ và hành động của khách hàng. Nên không có gì bất ngờ nếu tư duy cảm tính luôn có chỗ ở bên cạnh tư duy lý tính, đồng hành với nhau giúp đội ngũ thương hiệu tìm ra con đường của riêng mình.
Tư duy dựa trên cảm xúc và tư duy dựa trên lý trí luôn bổ sung cho nhau, nhờ việc ưu điểm của tư duy này cũng đồng thời là thiếu sót của tư duy kia. Ưu điểm của cảm xúc là nhanh chóng, kịp thời và thường có sẵn dữ liệu để đối chứng trước khi ra quyết định. Trong khi đó, ưu điểm của lý trí là chậm rãi nhưng chắc chắn, luôn đi tìm cơ sở để bảo vệ cho quan điểm của mình chứ không hành động một cách bồng bột, mù quáng.
Vũ nhìn thấy thực tế là không ít các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo hay đội ngũ thương hiệu đang quá nghiêng về một phía trên hành trình của mình – hoặc quá tin vào trực giác, hoặc không để lý trí buông tha cho suy nghĩ và hành động dù chỉ một giây.
Một số thương hiệu tạo ra những sản phẩm mà ban lãnh đạo thích, đội ngũ nhân sự thừa sức làm còn thị trường thì không thể cấm cản lưu hành những sản phẩm đó – dù sự thật là người tiêu dùng không hề cần đến, cũng chẳng biết mua về sẽ sử dụng vào mục đích gì. Đó là một trong những biểu hiện khi thương hiệu quá tin vào trực giác.
Một số thương hiệu khác thì sa đà vào các cuộc nghiên cứu, thống kê về thói quen hay hành vi của người tiêu dùng. Họ tham vọng tạo ra những sản phẩm hợp mục đích, đúng nhu cầu của khách hàng mục tiêu, nhưng ngược lại quá xa rời thực tế và nằm ngoài năng lực của ban lãnh đạo hay đội ngũ nhân sự. Cá biệt hơn nữa, nhiều sản phẩm được làm ra không vì mục đích kinh doanh đơn thuần, mà mục đích thật sự là để đáp ứng những “nguyện vọng cá nhân” của nhà lãnh đạo.
Chúng ta đã nhìn thấy Google hay Apple làm ra những “chiếc kính thông minh” nhưng từ thiết kế, cho đến trải nghiệm sử dụng hằng ngày đều không thông minh cho lắm. Google Glass thì không làm bạn trở nên hiện đại hay thông minh hơn, mà lại trông giống một kẻ ưa quay lén suốt ngày chỉ biết săm soi, ghi hình những người xung quanh.
Apple Vision Pro thì còn đáng thất vọng hơn, khi người dùng phải đánh đổi những rủi ro liên quan đến sức khoẻ đôi mắt, hệ thống xương khớp hay thậm chí ngoại hình của bản thân (tóc, da mặt, dáng đi đứng,…) chỉ để sử dụng một sản phẩm sẽ cạn sạch pin sau chưa đầy 3 tiếng đồng hồ. Chưa hết, người dùng có quyền thắc mắc rằng giá trị Apple Vision Pro mang đến là gì – trong khi iPad, Macbook hay Apple TV vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của chúng.
Vấn đề lúc này cần đi tìm câu trả lời đó là, nên ưu tiên hay chọn dung hoà giữa trực giác và lý trí để xây dựng thương hiệu mạnh? Muốn xây dựng thương hiệu mạnh thành công, lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự cần theo đuổi tư duy dựa trên cảm xúc hay lý tính?
Dung hoà giữa trực giác và lý trí
Trước khi quyết định chọn dung hoà hay ưu tiên nghiêng hẳn về trực giác (hoặc lý trí) thì cần biết rằng, khả năng chọn lựa hoặc cân bằng giữa cảm xúc với lý tính là đặc quyền mà không phải ai cũng có được. Năm 1994, có một thí nghiệm mang tên Iowa Gambling Task – Nhiệm vụ đánh bạc Iowa đã được thực hiện để chứng minh năng lực của vùng vỏ não trước.
Người tham gia sẽ chơi bài với lần lượt bốn bộ bài khác nhau là A, B, C và D. Với sự can thiệp của nhóm thí nghiệm, kết quả của bộ bài A và B có thể mang lại phần thưởng lớn hơn – nhưng đi kèm rủi ro cao hơn. Trong khi kết quả của bộ bài C và D thu về phần thưởng thấp hơn – nhưng rủi ro cũng là nhỏ hơn nhiều, tức là “an toàn” hơn so với hai bộ bài A và B.
Những lần chơi ban đầu tất nhiên không có gì đặc biệt, nhưng sau vài chục lần lặp đi lặp lại, người tham gia bắt đầu có những “phản ứng sinh học” trước các quyết định chọn bài. Khi chuẩn bị chọn lấy hai bộ bài có tính rủi ro cao hơn là A và B, những người tham gia có hiện tượng tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều hơn – chứng tỏ rằng bộ não và cảm xúc của họ có liên kết nhất định với tính rủi ro (và an toàn) khi chọn bộ bài kế tiếp.
Các chuyên gia Y khoa và nhà khoa học não bộ gọi đó là những “tín hiệu soma” – thứ không thể xuất hiện ở các bệnh nhân bị tổn thương một phần hay toàn bộ vùng thuỳ trán (vỏ não trước). Vùng thuỳ trán là một bộ phận tối quan trọng của bộ não chúng ta, giúp định hình và chi phối tất cả suy nghĩ, hành động có tính ý thức của con người.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, mạng lưới thần kinh ở khu vực thuỳ trán phát triển mạnh nhất khi con người bước vào độ tuổi vị thành niên. Theo các học thuyết về tiến hoá, vùng thuỳ trán là cơ quan phát triển hoàn chỉnh cuối cùng trong quá trình tiến hoá. Điều này dẫn đến thực tế rằng vùng thuỳ trán rất dễ uốn nắn, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển.
Bệnh nhân bị tổn thương vùng vỏ não phía trước sẽ không bao giờ đổ mồ hôi, tim đập nhanh khi tham gia thí nghiệm chơi bài Iowa. Không có đủ khả năng phán đoán, dẫn dắt đồng đội của mình vượt qua rủi ro vũ trang như những binh lính của Quân đội Hoa Kỳ. Cũng không quyết tâm đi tìm cơ sở khoa học để bảo vệ cho những giả thuyết của mình – như cái cách mà Triết gia Aristotle đã làm khi xưa.
Con người bình thường, vẹn tròn và không có bất cứ tổn thương nào ở não bộ như chúng ta thì khác. Chúng ta có khả năng vận dụng cả trực giác và lý trí trong cùng một thời điểm mà không hề hay biết, cũng có thể sử dụng cùng lúc tư duy cảm xúc và tư duy lý tính để đưa ra quyết định bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động.
Cho nên khác với suy nghĩ thông thường cho rằng, mỗi người chỉ có thể chọn lựa rồi hành động hoặc dựa trên trực giác, hoặc dựa trên lý trí. Tất cả chúng ta đều có khả năng và được quyền cân bằng, dung hoà giữa hành động mang tính cảm xúc và hành động thiên hướng lý tính. Thậm chí, “đỉnh cao” của lý trí là khi bản thân chúng ta nhận thức được rằng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình đang (hoặc sắp bị) trực giác tác động.
Nhờ vào nhận thức rõ ràng và mạnh mẽ đó, chúng ta có thể “nguỵ trang” cho cảm xúc tiêu cực nhất thời bằng một vài hành động đậm chất lý tính. Ngược lại cũng có thể rút ngắn thời gian ra quyết định mang tính lý trí bằng những ký ức, kinh nghiệm mà trực giác bản thân mách bảo.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu mạnh, cách tốt nhất để ngăn bản thân đi đến những quyết định sai lầm vốn nghiêng về trực giác hoặc lý trí quá nhiều, đó là tự “miễn nhiễm” bản thân khỏi tham vọng không ngừng hơn thua, tranh đấu với những thương hiệu cạnh tranh.
Thương trường không phải là một trận chiến theo đúng nghĩa đen, như cái cách mà nhiều “chuyên gia thương hiệu và marketing” vẫn hay mô tả. Thương trường đúng nghĩa là nơi mọi doanh nghiệp, thương hiệu đều sở hữu những ưu điểm và khiếm khuyết rất riêng – để tự mở đường cho bản thân cơ hội tiến lên phía trước, đồng thời để lại nhiều “dư địa” giúp các thương hiệu theo sau không ngừng củng cố động lực phát triển.
Những ưu nhược điểm đó không chỉ xuất hiện trong giai đoạn khởi đầu (hoặc giai đoạn kết thúc nếu chẳng may thương hiệu suy tàn), mà liên tục xuất hiện trong suốt quá trình tồn tại và vươn lên của mọi thương hiệu. Kéo theo lời ghi nhớ để mỗi cá nhân, đội ngũ phát triển thương hiệu luôn cân bằng giữa trực giác và lý trí trên hành trình tiến về phía trước.
Xin chân thành cảm ơn,