Brand Voice là yếu tố thể hiện toàn bộ tính cách và hệ giá trị của một thương hiệu trên các phương tiện truyền thông.

Một cuộc khảo sát với hơn 13 ngàn người tham gia tại 14 nước, trong đó có nhiều thị trường quan trọng của kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, UAE,… đã chỉ ra sự thật: 62% khách hàng nghĩ rằng nếu một thương hiệu không có các hoạt động giao tiếp, truyền thông mạnh mẽ thì rất có thể là họ chẳng làm được gì cả, hoặc đang giấu giếm một điều gì đó tiêu cực.

Truyền thông thương hiệu nói riêng và các hoạt động giao tiếp, quảng bá hình ảnh thương hiệu nói chung đang trở thành xu thế tất yếu của thị trường hàng hoá. Các thương hiệu ngày nay không còn dễ sinh tồn và phát triển năng lực cạnh tranh như trước, nếu chỉ mù quáng tin tưởng vào năng lực sản xuất hay phân phối sản phẩm của mình.

Brand Voice

Thế giới thương hiệu vốn đã nhắc đến các phạm trù mang tính bản sắc như tính cách thương hiệu, giá trị cốt lõi hay văn hoá thương hiệu với tần suất dày đặc. Nhưng nên nhớ khi ngày càng nhiều thương hiệu xuất hiện trên thị trường, phạm vi cạnh tranh ngày càng chật chội hơn thì khả năng các yếu tố bản sắc như tính cách thương hiệu, văn hoá thương hiệu hay hệ giá trị thương hiệu bị trùng lặp cũng cao hơn.

Lúc này tiếng nói của một thương hiệu (brand voice) sẽ trở thành giải pháp chủ động, nhanh chóng để giúp đội ngũ thương hiệu truyền tải những nội dung cần thiết – đến đúng người cần nghe hoặc được tiếp cận thông qua nhiều nền tảng truyền thông. Brand Voice nói cho khách hàng mục tiêu của bạn biết rằng bạn là ai, bạn khác biệt như thế nào khi so sánh với các thương hiệu cạnh tranh, sản phẩm của bạn giải quyết chính xác vấn đề nào của họ,…

Vậy brand voice đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình xây dựng bản sắc, củng cố nhận thức thương hiệu tích cực từ phía khách hàng mục tiêu? Đây sẽ là câu hỏi mà chúng ta cùng nhau đi tìm lời giải phù hợp – thông qua bài chia sẻ lần này có chủ đề: Vai trò của Brand Voice trong bản sắc thương hiệu. Bài chia sẻ với những nội dung chính như sau:

  • Vì sao các đội ngũ thương hiệu cần xây dựng Brand Voice?
  • Brand Voice và Tone of Voice giống nhau hay khác nhau?
  • Vai trò quan trọng của Brand Voice trong quá trình xây dựng nhận thức.

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

cach tao dung thuong hieu noi bat 1

Vì sao chúng ta cần xây dựng Brand Voice?

Khoan đi sâu vào thế giới thương hiệu, vấn đề phong cách và tông giọng giao tiếp trong đời sống làm Vũ nhớ ngay đến câu chuyện về Mạnh Tử. Ông vốn là một Nhà Nho ưu tú sống ở thời Chiến Quốc – giai đoạn mà Trung Hoa nở rộ nhiều tư tưởng và trường phái triết học đáng lưu tâm. Bản thân Mạnh Tử cũng là người nổi tiếng trong phong trào phát triển tư tưởng Khổng Tử – lấy quan điểm Nhân chi sơ, tính bản thiện làm gốc.

Mẹ của Mạnh Tử là bà Chương Thị – sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Lúc Mạnh Tử còn nhỏ, bà nổi tiếng qua câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con môi trường sống lành mạnh. Lần đầu khi chuyển đến sống gần một bãi tha ma, Mạnh Tử thường chơi đùa với đám trẻ con và làm theo những cảnh ông bắt gặp ngoài khu nghĩa địa. Nhận thấy đây không phải môi trường sống phù hợp, bà Chương Thị cùng con chuyển nhà đến gần một khu chợ.

Tại đây, Mạnh Tử sớm tiếp xúc với những thương nhân và con buôn địa phương. Ông dần trở nên khôn lanh, giỏi tính toán nhưng cùng với đó cũng bị tiêm nhiễm bản tính ham hơn thua, lắm mưu nhiều kế và thích khoe khoang đời sống vật chất của những người kinh doanh nhỏ lẻ. Thế là bà Chương Thị quyết tâm chuyển nhà lần nữa, cùng con trai đến sống ở gần một trường học.

Tại nơi ở mới, Mạnh Tử học được cách đối nhân xử thế theo khuôn phép chuẩn chỉnh, cùng tinh thần hiếu học khó tìm thấy nơi những người trẻ trong giai đoạn đó. Bà Chương Thị lúc này mới thở phào vì biết đã tìm được môi trường sống thích hợp, hoàn thiện cho con trai mình. Câu chuyện Mạnh Mẫu chuyển nhà 3 lần vì cuộc sống của con trai đã chứng minh, bản thân con người dễ bị tác động và ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.

Tiếng nói thương hiệu cũng giống như tiếng nói, tác động ngoại cảnh trong đời sống (ảnh: Sweaty as a Mother).

Tiếng nói thương hiệu cũng giống như tiếng nói, tác động ngoại cảnh trong đời sống (ảnh: Sweaty as a Mother).

Mỗi sự việc, hiện tượng hay con người xung quanh đều có thể tác động đến hành động, lời nói và cả tính cách của tất cả chúng ta. Trong thế giới thương hiệu thì ngược lại: tính cách, văn hoá và hệ giá trị của các thương hiệu có thể giống nhau, nhưng tiếng nói thương hiệu (brand voice) sẽ giúp mỗi thương hiệu trở nên khác biệt và nổi bật so với phần còn lại.

Một nghiên cứu đăng tải trên Harvard Business Review cho thấy, khách hàng kiểu “fully connected – hoàn toàn kết nối tốt” có thể mang lại lợi ích cao hơn 52% so với khách hàng kiểu “highly satisfied – có mức độ hài lòng cao.” 

Trong đó, khách hàng “fully connected” là những người vừa hài lòng với sản phẩm của thương hiệu, vừa có nhận thức tích cực với những thông điệp và nội dung thương hiệu truyền tải. Còn khách hàng “highly satisfied” tuy cũng hài lòng với sản phẩm của thương hiệu, nhưng họ chỉ có nhận thức mập mờ hoặc hoàn toàn không có nhận thức với những nội dung mà thương hiệu đang truyền thông.

Ví dụ như một khách hàng có thể sử dụng điện thoại iPhone, uống nước ngọt Pepsi và với tay chọn dầu gội Head&Shoulders ngoài siêu thị. Nhưng chẳng có gì đảm bảo người này nhận thức tốt với nội dung hay thông điệp mà Apple, Pepsico và tập đoàn P&G đang truyền thông hằng ngày.

Không có một thương hiệu nào đủ sức ép buộc, chuyển đổi tất cả khách hàng kiểu “có mức độ hài lòng cao” trở thành khách hàng “hoàn toàn kết nối tốt.” Tuy nhiên, việc xây dựng brand voice hiệu quả sẽ giúp thương hiệu gia tăng lượng khách hàng “hoàn toàn kết nối tốt” này. Theo khảo sát của CIRP, thương hiệu Apple đã chạm đến mốc 90% khách hàng trung thành vào 3 năm trước, và vẫn đang duy trì tỉ lệ ổn định đó trong thời gian qua. Chưa phải 100%, nhưng không hề tồi chút nào.

brand voice 2

Brand voice tương đồng với tính cách và tông giọng của thương hiệu đó (ảnh: Bloomberg).

Như vậy, chúng ta không xây dựng Brand Voice với mục tiêu chinh phục khách hàng bằng mọi giác quan hay ở mọi điểm chạm thương hiệu, thuyết phục 100% khách hàng gắn bó trung thành với mình lại càng không. Brand Voice cần được nhìn nhận là cơ sở giúp đội ngũ thương hiệu làm khác đi, trở nên nổi bật hơn trong các hoạt động truyền thông thương hiệu, giao tiếp với khách hàng khi so sánh với tiêu chuẩn hay quy trình của các thương hiệu cạnh tranh.

Một chi tiết cần lưu ý là những thương hiệu có tính cách giống nhau, văn hoá và hệ giá trị giống nhau thì có thể xảy ra tình huống Brand Voice của họ cũng giống nhau – tuy vậy thường rơi vào trường hợp các thương hiệu không cạnh tranh trực tiếp, không cùng lúc tham gia vào một thị trường hay lĩnh vực nhất định.

Chẳng hạn như Apple và Slack: cả hai thương hiệu đều có brand voice định hướng hiện đại, ngắn gọn và dễ hiểu dành cho bất cứ ai. Nhưng Apple thì kinh doanh dịch vụ và thiết bị công nghệ hướng đến số đông, còn Slack là công cụ quản lý hiệu suất làm việc trực tuyến hướng đến khách hàng doanh nghiệp.

Trong trường hợp giống nhau từ các yếu tố bản sắc cho đến brand voice, mà đồng thời cũng kinh doanh và tham gia cùng lĩnh vực thì nhiều khả năng có sự sao chép, đánh cắp ý tưởng của một thương hiệu này từ thương hiệu kia. Kết quả là các thương hiệu đi sao chép, đánh cắp ý tưởng thường bị gán cho cái tên kiểu Audi Châu Á, Google Châu Âu hay Apple Của Phương Đông,… tất nhiên là với ý nghĩa tiêu cực theo công thức: tên thương hiệu gốc + địa danh nơi thương hiệu sao chép ý tưởng làm việc, đẩy mạnh hoạt động của họ.

Cá biệt hơn nữa là câu chuyện sao chép, đánh cắp ý tưởng Brand Voice một cách chộp giật và manh mún – khi chỉ sao chép một tín hiệu nhận diện nào đó mà cá nhân hay đội ngũ thương hiệu gốc dùng để truyền thông. Chẳng hạn mặc áo cổ lọ màu đen như Steve Jobs, chuẩn bị sự kiện giới thiệu sản phẩm với hai màu trắng đen như Apple, thích “tạo drama” trên sân khấu giới thiệu xe mới như Elon Musk của Tesla,…

Nhưng tại sao là Brand Voice, nhưng Vũ lại nói đến quần áo, phong cách thuyết trình hay hình ảnh sự kiện của các nhà sáng lập và đội ngũ thương hiệu lớn? Câu trả lời nằm ở sự khác nhau giữa Brand Voice với Tone of Voice, được chia sẻ chi tiết hơn ở phần sau của bài viết này.

Ranh giới giữa học hỏi và sao chép Brand voice là rất mong manh (ảnh: RTHK).

Ranh giới giữa học hỏi và sao chép Brand voice là rất mong manh (ảnh: RTHK).

Brand voice và Tone of voice giống nhau hay khác nhau?

So với Brand Voice thì Tone of voice là khái niệm phổ biến hơn, thường gặp và thường được sử dụng để giao tiếp trong thế giới thương hiệu. Khi nói đến việc xây dựng, xác định tone of voice thì tất cả chúng ta đều ngầm hiểu với nhau rằng mình cần phải làm gì. Tuy nhiên vẫn không tránh được nhiều tình huống nhầm lẫn, sử dụng nhập nhằng giữa hai khái niệm brand voice và tone of voice.

Tone of voice là một phạm trù độc lập ý chỉ phong cách hành văn nếu là nội dung chữ viết, hoặc tông giọng giao tiếp nếu là nội dung văn nói. Từ “voice” trong Tone of voice vì vậy được hiểu theo đúng nghĩa đen, giúp xây dựng định hướng và phong cách truyền đạt nội dụng của đội ngũ thương hiệu trên các nền tảng truyền thông.

Để xây dựng tone of voice riêng biệt và nổi bật cho một thương hiệu, những người xây dựng bản sắc thương hiệu cần viết ra đôi dòng phân tích, chia sẻ về phong cách truyền đạt nội dung bằng cả chữ viết và lời nói. Hoặc ít nhất cần liệt kê ra một số tính từ nhất định để mô tả, định hình phong cách truyền thông thương hiệu dưới nhiều hình thức khác nhau.

Không giống như Tone of voice, Brand voice là một phạm trù phổ quát hơn và có thể bao hàm cả tone of voice. Không chỉ dừng lại ở các tính từ hay mô tả đơn thuần, brand voice còn là cách một thương hiệu suy nghĩ, thái độ của đội ngũ thương hiệu đó hay thậm chí là nguyên nhân dẫn đến lời nói, cách đội ngũ thương hiệu xây dựng nội dung trên các phương tiện truyền thông.

Ví dụ như một thương hiệu có tone of voice trẻ trung, hiện đại và khách hàng mục tiêu là những người trong độ tuổi 20 – 35. Nhưng khi xây dựng nội dung bằng chữ viết, hình ảnh hay video trên nền tảng Instagram – mạng xã hội được sử dụng nhiều bởi các bạn trẻ 18 – 24 tuổi, lúc này hướng dẫn về “brand voice” có thể gợi ý đội ngũ thương hiệu sử dụng từ ngữ gần gũi hơn với gen Z.

Brand voice tác động đến nội dung chữ viết và hình ảnh trên các kênh truyền thông (ảnh: Tiki).

Brand voice tác động đến nội dung chữ viết và hình ảnh trên các kênh truyền thông (ảnh: Tiki).

Ngoài ra, nhân vật xuất hiện trong video nên là người trẻ “đồng trang lứa”, nội dung hình ảnh thì có thể chụp lại một vật dụng, địa điểm quen thuộc với người trẻ trong độ tuổi này. Càng có nhiều yếu tố đồng điệu, phù hợp và biết cách nuông chiều tâm lý, người xem càng có thêm kết nối cảm xúc với nội dung truyền thông của thương hiệu. Từ đó xây dựng và củng cố niềm tin dành cho thương hiệu này, thậm chí chưa cần tiếp xúc hay trải nghiệm sản phẩm mà thương hiệu cung cấp.

Điều này cũng giải thích cho quan điểm ở phần trên của Vũ, rằng brand voice cũng có thể là bộ trang phục của nhà sáng lập, hay phong cách thuyết trình của vị CEO trong các buổi giới thiệu sản phẩm. Chúng ta thường nhầm lẫn rằng khi xây dựng tone of voice cho một thương hiệu, thì cần căn cứ vào tính cách hay văn hoá của thương hiệu đó. Trong thực tế, tone of voice của thương hiệu được quyết định đến hơn 80% bởi brand voice.

Giờ hãy tưởng tượng nếu Apple xây dựng tone of voice gần gũi, ngắn gọn và dễ hiểu đối với bất cứ ai, nhưng CEO Tim Cook của họ suốt ngày mặc vest, mang giày da, đeo đồng hồ Rolex và đi đi lại lại giữa chốn đông người. Nói một cách thẳng thắn, phong cách của người đứng đầu Apple và tone of voice của thương hiệu chẳng liên quan gì đến nhau. Vì bộ trang phục đó không hề gần gũi với đại đa số, cũng không đơn giản và “ngắn gọn” như tính chất của tone of voice.

Cả ba khái niệm brand voice, tone of voice và tính cách thương hiệu đều có sự liên kết mật thiết với nhau. Khi được xây dựng rồi củng cố đồng bộ, những phạm trù này đóng vai trò cung cấp và thông báo những giá trị hữu ích mà khách hàng được thụ hưởng, những văn hoá tích cực của thương hiệu mà khách hàng cảm nhận được sự gắn bó.

So với tone of voice và tính cách thương hiệu, brand voice không thường xuyên được đề cập trong các văn bản, tài liệu giới thiệu bản sắc của thương hiệu đó. Brand voice có thể không xuất hiện dưới dạng chữ viết, hình ảnh mô tả một cách cụ thể, mà được đội ngũ xây dựng thương hiệu truyền đạt đến bản thân nhà sáng lập, ban lãnh đạo và có thể là cả đội ngũ nhân sự – trong suốt quá trình đồng hành, hợp tác phát triển chiến lược thương hiệu.

Brand voice đồng hành với đội ngũ thương hiệu trên hành trình dài (ảnh: Vanity Fair).

Brand voice đồng hành với đội ngũ thương hiệu trên hành trình dài (ảnh: Vanity Fair).

Nếu như tone of voice chỉ kiểm soát nội dung bằng chữ viết, lời nói hoặc hình ảnh trên các phương tiện truyền thông thương hiệu, thì brand voice đi sâu hơn nữa vào các hoạt động truyền thông và phát triển chiến lược thương hiệu đó. Mỗi văn bản, câu từ hay hình ảnh có thể được sáng tạo chỉ trong thời gian ngắn – nhưng vẫn trong phạm vi cho phép của tone of voice. Còn từng hành động và lời nói của nhà sáng lập, ban lãnh đạo cùng đội ngũ nhân sự thì nhờ có brand voice đã được xây dựng, truyền đạt từ trước nên “như thấm vào máu” rồi.

Trong trường hợp nhà sáng lập, ban lãnh đạo và đội ngũ nhân sự làm đúng với brand voice, áp lực dành cho đội ngũ truyền thông thương hiệu sẽ giảm đi đáng kể. Bởi khi đó, họ không còn cần thiết phải đi theo, bám sát và “nhắc khéo” cấp trên hay đồng nghiệp của mình những gì nên làm, nên nói còn những gì thì không.

Rủi ro xảy ra một biến cố truyền thông cũng giảm đến mức tối đa, vì bản thân mỗi người trong đội ngũ doanh nghiệp đã biết những điều mình không nên thực hiện. Thực tế này phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Vũ về chiến lược thương hiệu, rằng xây dựng chiến lược là xác định những điều không nên làm.

Vai trò của Brand Voice trong xây dựng nhận thức thương hiệu

Thương hiệu không chỉ bao gồm hay có liên kết với nhận thức con người, mà bản thân thương hiệu chính là nhận thức. Nhờ có nhận thức rõ ràng, sâu đậm mà chúng ta có thể phân biệt được hương vị của Coca-Cola với Fanta, phân biệt mùi hương của Chanel No.5 với Gucci Bloom EDP, hoặc ghi nhớ rằng Steve Jobs thích mặc áo thun cổ lọ màu đen, còn Mark Zuckerberg thì thích mặc áo thun ngắn tay màu xám.

Có một câu nói nổi tiếng là “khách hàng không mua sản phẩm, họ mua câu chuyện thương hiệu tạo ra sản phẩm như thế nào.” Bên cạnh việc khách hàng luôn thích nghe kể chuyện – hơn là những thông tin và lời quảng cáo có phần vô hồn về công dụng sản phẩm, câu chuyện tạo ra sản phẩm/ xây dựng thương hiệu còn có ưu điểm khác là chứa nhiều liên kết cảm xúc mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy sự đồng điệu.

Sự thật là chúng ta ấn tượng và cảm thấy gắn bó với khoảnh khắc đoàn viên, sum vầy bên mâm cơm mà thương hiệu Coca-Cola thường đưa vào quảng cáo của họ – hơn là quan tâm đến hương vị Coca-Cola ngon dở ra sao.

Tiếng nói thương hiệu là thế mạnh của Coca-Cola (ảnh: Navy Pier).

Tiếng nói thương hiệu là thế mạnh của Coca-Cola (ảnh: Navy Pier).

Cũng như vậy, đôi khi chúng ta ấn tượng với những hành động “chơi ngông” của Elon Musk, cách thuyết trình cuốn hút của Tim Cook, chất giọng giàu nội lực của huấn luyện viên lão làng Jurgen Klopp – hơn là xe Tesla Cyber Truck cứng cáp đến đâu, hệ điều hành iOS 17 có gì thú vị hay câu lạc bộ Liverpool sẽ làm gì để đứng dậy sau một trận thua.  

Nếu khách hàng chỉ sử dụng lý trí thay vì kết hợp với cảm xúc trong quá trình chọn lựa, họ đương nhiên chỉ chọn mua sản phẩm có sẵn và mức giá thấp nhất có thể. Nhìn rộng ra, mỗi người sẽ ủng hộ thương hiệu khi bản thân họ được thoả mãn nhiều hơn một lợi ích cá nhân – ví dụ như mua hàng thì phải kèm theo khuyến mãi, ủng hộ một đội bóng với điều kiện họ phải liên tục gặt hái danh hiệu, hoặc giảm giá vé vào sân theo yêu cầu của hội cổ động viên.

Điều này làm hạn chế năng lực cạnh tranh và nghị lực vươn lên của các thương hiệu, nói cách khác, chúng ta sẽ cùng nhau quay về thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp – khi người tiêu dùng chỉ chọn mua sản phẩm sẵn có trên kệ hàng, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ trong đời sống thường ngày.

Ngược lại nhờ có các liên kết cảm xúc tồn tại trong mỗi quyết định tiêu dùng, đội ngũ thương hiệu có thể tự tin xây dựng chiến lược giá cao, lồng ghép các điểm nhấn cảm xúc vào sản phẩm truyền thông, tạo ra sự khan hiếm hàng hoá để mời gọi, kích thích hơn nữa mong muốn sở hữu sản phẩm của khách hàng mục tiêu.

Vấn đề không phải là Apple, Toyota hay Mercedes Benz “chỉ toàn bán logo” và không bán hàng với đúng giá trị thực, vấn đề nằm ở chỗ giữa hằng hà sa số các thương hiệu lớn nhỏ trên thị trường – bao nhiêu thương hiệu làm được như thế? Thậm chí nhiều thương hiệu cố tình định giá cao rồi mãi loay hoay, không biết thuyết phục khách hàng chi tiền thế nào ngoài việc đính kèm quà tặng, đưa ra chiết khấu hấp dẫn hay thậm chí hạ bệ thương hiệu cạnh tranh bằng những chiêu trò kém duyên.

Vậy những thương hiệu lớn như Apple, Facebook, Mercedes Benz hay Coca-Cola đã làm như thế nào – để tự tin bán hàng và cung cấp dịch vụ với mức giá “cao hơn giá trị thực”, hoặc nhìn xa hơn là để củng cố nhận thức tích cực nơi khách hàng mục tiêu, khiến họ sẵn sàng ủng hộ thương hiệu dù biết rằng còn nhiều lựa chọn khác với giá tốt hơn? Câu trả lời nằm ở Brand Voice.

Brand voice giúp tạo nên một hệ thống các lời nói, hành động và tín hiệu nhận diện phù hợp với văn hoá cũng như hệ giá trị mà thương hiệu đang theo đuổi. Đồng thời cũng phù hợp với tính cách, suy nghĩ và thói quen tiêu dùng của phần lớn khách hàng mục tiêu.

Phong cách của Mark Zuckerberg dần thay đổi trong thời gian qua (ảnh: Prestige).

Phong cách của Mark Zuckerberg dần thay đổi trong thời gian qua (ảnh: Prestige).

Chẳng hạn trường hợp của Facebook, giai đoạn đầu những năm 2010 khi mạng xã hội này đang bước vào thời đỉnh cao, ông chủ của nó là Mark Zuckerberg chọn cho mình phong cách thời trang tối giản, trẻ trung nhưng cũng không kém phần chỉn chu. Trả lời câu hỏi vì sao chỉ thích mặc áo thun xám với quần jean xanh, Mark cho biết mình không muốn tốn nhiều thời gian cho các quyết định trong đời, ngoại trừ việc thức dậy mỗi buổi sáng và sẵn sàng phục vụ hơn 1 tỷ người dùng.

Phong cách thời trang này cũng giúp hình ảnh Mark trở nên thân thiện, dễ gần hơn trong mắt đại chúng – điều mà chắc chắn ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh không thể bỏ lỡ. Thời gian sau này khi Facebook chuyển hướng, phát triển thành công ty mẹ META với tham vọng thoát khỏi hình bóng xưa cũ của một mạng xã hội, Mark Zuckerberg cũng dần thoát mình khỏi hình ảnh tối giản, có phần một màu của quá khứ để khoác lên mình những bộ cánh thời trang hơn. 

Chẳng hạn trong đám cưới của gia tộc giàu nhất Ấn Độ Ambani, Mark Zuckerberg đã sánh vai cùng vợ trong bộ suit từ nhà mốt Alexander McQueen – giá tham khảo lên đến 7000 USD với hoạ tiết chuồn chuồn bắt mắt. Hay mới đây nhất trong tiệc sinh nhật 40 tuổi, Mark đã diện chiếc áo sơ mi in chữ và quần jean ống suông, tô điểm bằng sợi dây chuyền và toàn bộ đều do ông tự tay thiết kế.

Chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những động thái tương tự ở Tim Cook và Jeff Bezos – những nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng hàng đầu thế giới. Vài năm gần đây khi xu hướng những nhà lãnh đạo trẻ tuổi, có sức khoẻ tốt được ưu tiên đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng, hai người đàn ông đứng đầu Apple và amazon cũng bắt đầu thay đổi thói quen tập luyện thể thao.

Tim Cook cũng dần thay đổi phong cách và hình ảnh cá nhân (ảnh: Getty Images).

Tim Cook cũng dần thay đổi phong cách và hình ảnh cá nhân (ảnh: Getty Images).

Có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt khi cả hai đều trở nên vạm vỡ, cơ bắp và sở hữu vóc dáng khoẻ khoắn hơn xưa. Không chỉ giúp ích cho chính cuộc sống và thời lượng công việc thường ngày, hình ảnh của Tim Cook hay Jeff Bezos trong mắt công chúng cũng trở nên “ưa nhìn” hơn, như muốn nói rằng chúng tôi sẵn sàng cống hiến cho thương hiệu của mình thêm nhiều năm nữa.

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal