Sự kiên định và nhất quán của đội ngũ thương hiệu xe Volvo trên hành trình theo đuổi tính an toàn làm cả thế giới khâm phục.

Trong vụ việc chiếc xe tải gặp sự cố về phanh trên cầu Phú Mỹ – Quận 7, có hai điều khiến dư luận và cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm. Một là tình người, sự nhanh trí và can đảm lao vào hiện trường để cứu anh tài xế gặp nạn của những người đi đường. Hai là sự bền bỉ, chắc chắn như một “bức tường thành kiên cố” của chiếc Volvo XC90 – chiếc xe bị thiệt hại nặng nhất trong vụ tai nạn.

Mặc dù bị đâm trực diện từ phía sau, dồn thêm nhiều chiếc xe 5 chỗ, 7 chỗ khác trước khi bị kẹp giữa hai chiếc xe tải với trọng lượng hàng chục tấn – nhưng anh tài xế ngồi phía trong khoang lái của Volvo XC 90 vẫn bình an vô sự. Được những người tốt bụng đi ngang kịp thời giải thoát ra ngoài, trước khi chiếc xe phát hoả rồi cháy trơ khung.

Vì sao xe Volvo gắn liền với sự an toàn? (ảnh: Logo Design Love).

Vì sao xe Volvo gắn liền với sự an toàn? (ảnh: Logo Design Love).

Đây không phải lần đầu tiên một chiếc Volvo được đảm bảo, minh chứng độ an toàn trong thực tế mà không cần trải qua bài kiểm tra nào dàn dựng trước. Hồi năm 2022 trên một con đường nhỏ thuộc quận Long Biên, Hà Nội, camera hành trình đã ghi lại hình ảnh chiếc Volvo XC 60 tự đánh lái khi một bé trai đi xe đạp điện bất ngờ ngã xuống – ngay phía trước đầu xe Volvo. 

Trên thế giới cũng không thiếu “câu chuyện ly kỳ” chứng minh sự an toàn, chắc chắn của những chiếc xe Volvo. Gần 4 năm trước một chiếc XC90 sau khi bị tông trực diện bởi chiếc xe tải hiệu DAF ở Lithuania, phần đầu xe gần như bị phá huỷ hoàn toàn nhưng cũng như vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ – tài xế ngồi bên trong vẫn an toàn, không gặp phải chấn thương nào quá nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, cụm từ “xe Volvo an toàn” như đã hằn sâu trong tâm trí và nhận thức của những người yêu xe, hoặc có thời gian tìm hiểu về các thương hiệu xe nổi tiếng trên thế giới. Nhưng đội ngũ thương hiệu xe Volvo đã làm như thế nào, theo đuổi những giá trị gì để nhất quán với tinh thần tạo ra thương hiệu xe nổi tiếng về độ an toàn, thì lại là câu chuyện dài với nhiều yếu tố cần được phân tích.

Một chiếc xe Volvo trong thử nghiệm an toàn (ảnh: IIHS).

Một chiếc xe Volvo trong thử nghiệm an toàn (ảnh: IIHS).

Đó cũng là câu chuyện Vũ muốn gửi đến các bạn ngày hôm nay, thông qua bài chia sẻ có chủ đề Xe Volvo an toàn như thế nào? Bài chia sẻ với những nội dung chính như sau:

  • Vì sao thương hiệu xe Volvo = thương hiệu xe An toàn?
  • Volvo không phải thương hiệu duy nhất chú trọng tính an toàn, nhưng vì sao vẫn nổi tiếng?
  • Các thương hiệu cạnh tranh học được gì từ câu chuyện của Volvo?

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

Blog Volvo

Xe Volvo gắn liền với cụm từ Xe an toàn

Trong các tài liệu và nội dung truyền thông có liên quan đến tài sản thương hiệu mình, đội ngũ Volvo luôn trang trọng, cẩn thận dành hẳn một trang hoặc thư mục để đề cập đến các di sản an toàn. 

Chúng ta đã quen với nhiều công nghệ an toàn trên xe ô tô từ đầu những năm 2000, chẳng hạn như cảnh báo điểm mù, cân bằng thân xe điện tử, phanh tự động tránh chướng ngại vật và người đi đường,… nhưng sự thật là từ nhiều thập kỷ trước đó, đội ngũ thương hiệu xe Volvo đã bắt đầu hành trình trở thành thương hiệu xe an toàn hàng đầu thế giới.

Hai sự kiện khởi đầu và có lẽ cũng là quan trọng nhất – mở ra kỷ nguyên an toàn của thương hiệu Volvo là việc họ sáng chế ra dây an toàn 3 điểm, sau đó là đề xuất “xoay ghế trẻ em” ra phía sau thay vì ngồi cùng phía với người lớn.

Trước tiên vào năm 1959, chủ tịch Volvo lúc bấy giờ là Gunnar Engellau muốn đội ngũ của mình tìm ra giải pháp “hiệu quả hơn” dây an toàn 2 điểm – thứ gián tiếp cướp đi sinh mạng người họ hàng của ông sau một vụ tai nạn. Kỹ sư an toàn Nils Bohlin đã ngay lập tức chỉ ra hạn chế của dây an toàn 2 điểm, vốn có thiết kế giống dây an toàn trên máy bay hiện nay.

Chủ tịch thương hiệu xe Volvo trong một sự kiện (ảnh: IMS Vintage Photos).

Chủ tịch thương hiệu xe Volvo trong một sự kiện (ảnh: IMS Vintage Photos).

Một là, dây an toàn 2 điểm khiến cho vùng cơ – xương chậu của người sử dụng trở thành một bản lề cố định. Theo quán tính khi va chạm xảy ra, nhiều vùng trọng yếu trên cơ thể người như đầu, cổ hay đôi chân chuyển động tịnh tiến về phía trước – trong khi toàn bộ vùng bụng và cơ xương chậu bị dây đai giữ chặt vào thân ghế, dẫn đến các chấn thương nguy hiểm vì tư thế ngồi bị biến đổi đột ngột.

Bên cạnh đó, dây an toàn 2 điểm tuy đơn giản về thiết kế nhưng lại phức tạp và gây nhiều cản trở trong quá trình sử dụng. Cộng với việc dây an toàn chưa phải trang bị tiêu chuẩn trên xe ô tô ở thời điểm đó, nên hầu hết người ngồi trên xe không mặn mà với trang bị này. 

Hàng triệu USD đã được đội ngũ Volvo chi trả, hàng ngàn thí nghiệm dựa trên các vụ tai nạn từng xảy ra được Nils Bohlin cùng cộng sự của ông thực hiện. Phải mất ít nhất 6 – 7 năm kể từ những bước đi đầu tiên, cải tiến dây an toàn 3 điểm mới chính thức được giới thiệu trên thị trường.

Theo thống kê, dây an toàn 3 điểm đã cứu sống hàng trăm ngàn người, giảm thiểu rủi ro và mức độ chấn thương do tai nạn giao thông cho hơn 1 triệu người. Công bố khoa học vào năm 1967 chỉ ra rằng, ở khung vận tốc nào cũng ghi nhận nhiều trường hợp thương tích vì không thắt dây an toàn (thống kê sau 28 ngàn vụ tai nạn ô tô). Đáng nói hơn cả, không có ai trong số những nạn nhân này tử vong nếu đã thắt dây an toàn 3 điểm – trừ số ít trường hợp đạt vận tốc trên 60 dặm/giờ.

Sáng chế dây an toàn 3 điểm trên xe Volvo (ảnh: Scandasia).

Sáng chế dây an toàn 3 điểm trên xe Volvo (ảnh: Scandasia).

Thương hiệu xe Volvo có thể cải thiện doanh thu nhờ hoạt động cấp phép cho những thương hiệu cạnh tranh, để họ sử dụng thiết kế dây an toàn 3 điểm, hoặc cũng có thể độc quyền sáng chế nhằm thu hút nhiều khách hàng chọn mua xe. Nhưng họ đã không làm vậy, ngược lại còn để mở sáng chế giúp cho tất cả thương hiệu xe khác đều được sử dụng, nâng cấp tiêu chuẩn an toàn trên sản phẩm của mình.

Nhiều thập kỷ sau đó, dây đai an toàn 3 điểm trở thành tiêu chuẩn tối thiểu trên các mẫu xe ô tô. Về phần mình, thương hiệu xe Volvo cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 1978 rồi duy trì doanh số ổn định hằng năm. Ban lãnh đạo Volvo thì tự tin tuyên bố rằng: “Hiếm có ai cứu được nhiều người như Nils Bohlin.”

Trong cùng giai đoạn này và cụ thể là vào năm 1972, đội ngũ Volvo tiếp tục giới thiệu một sáng chế an toàn mới – ghế trẻ em hướng về phía sau. Theo nghiên cứu từ nhóm công nghệ an toàn của Volvo, chưa đến 40% ghế ngồi của trẻ em dưới 2 tuổi trên xe quay về phía sau (tính riêng tại Thuỵ Điển) – dù thực tế là trẻ em nên ngồi quay về phía sau ít nhất cho đến năm 4 tuổi.

Trẻ em dưới 4 tuổi có đặc tính là hệ thống xương sống chưa được hoàn thiện, cộng với phần đầu lớn hơn tỉ lệ hoàn hảo trong giải phẫu hình thể – dẫn đến rủi ro bị chấn thương nghiêm trọng cao hơn 1,7 lần khi ghế ngồi trên xe quay về phía trước. Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông mang tính trực diện, trẻ dưới 4 tuổi ngồi quay ghế về phía sau sẽ giảm thiểu chấn thương – nhờ lực tác động đã trải đều trên các bộ phận cơ thể.

Ý tưởng ghế trẻ em xoay ngược của thương hiệu xe Volvo (ảnh: Volvo).

Ý tưởng ghế trẻ em xoay ngược của thương hiệu xe Volvo (ảnh: Volvo).

Trước khi sản phẩm “ghế trẻ em” có thể lắp đặt hay chủ động tháo rời được sản xuất, thương hiệu xe Volvo đã sớm làm chủ công nghệ an toàn này khi lắp đặt ghế trẻ em nguyên bản, cố định trên xe được quay về phía sau. Ghế trẻ em trên nhiều mẫu xe Volvo từ năm 1972 được lắp ở vị trí ghế phụ – bên cạnh người cầm lái và ngay phía trước người ngồi đằng sau.

Cách bố trí này tạo điều kiện để người ngồi sau (bố mẹ, ông bà,…) có đủ không gian an toàn để chăm sóc trẻ, thậm chí người cầm lái ở ngay bên cạnh cũng có góc quan sát để theo dõi, quan sát đứa trẻ tốt hơn.

Từ chỗ là giải pháp được tư vấn đến khách hàng bởi các nhân viên kinh doanh của Volvo, việc quay ghế trẻ em ra phía sau dần xuất hiện trong lĩnh vực Y Tế – khi các bác sĩ Nhi khoa luôn khuyên phụ huynh của những em nhỏ dưới 4 tuổi, hãy bố trí ghế trẻ em quay ngược ra sau. Trong lĩnh vực ô tô nói chung, nhiều quốc gia phương Tây cũng đặt ra luật “không tăng giá” – khi người mua xe phát sinh nhu cầu lắp đặt ghế trẻ em quay về phía sau.

Thương hiệu xe Volvo vì vậy không chỉ theo đuổi, ứng dụng tính an toàn một cách máy móc hay chỉ đơn thuần mang thêm các tính năng lên sản phẩm của mình. Đội ngũ đến từ Thuỵ Điển đã thật sự tạo ra một thế giới xe an toàn, một cộng đồng những người yêu xe an toàn và không ngừng củng cố, thúc đẩy thói quen sử dụng xe ô tô như một giải pháp bảo vệ an nguy cho bản thân, cùng với gia đình và cả những người xung quanh.

Thiết kế ghế trẻ em an toàn được ứng dụng ngày càng phổ biến (ảnh: Today Show).

Thiết kế ghế trẻ em an toàn được ứng dụng ngày càng phổ biến (ảnh: Today Show).

Xe Volvo nổi tiếng về an toàn dù không là duy nhất

Có một thực tế là xe Volvo không phải những “chiếc xe an toàn” duy nhất trên thế giới, mà rất nhiều thương hiệu cạnh tranh khác cũng liên tục hoàn thiện, cải tiến hơn nữa những công nghệ an toàn trên sản phẩm của mình. Nhưng lý do vì sao Volvo vẫn là thương hiệu nổi tiếng nhất về sự an toàn, trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi khách hàng muốn mua một chiếc xe an toàn – nếu yếu tố tài chính không còn là rào cản.

Câu trả lời nằm ở hai nguyên nhân, bao gồm một nguyên nhân thứ yếu và một nguyên nhân quan trọng. Nguyên nhân thứ yếu đến từ việc xe Volvo sớm xây dựng vị thế trong tâm trí, nhận thức của khách hàng toàn cầu về hình ảnh một thương hiệu xe an toàn.

Cũng như Apple sớm xây dựng vị thế iPhone là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng màn hình cảm ứng đa điểm, không cần đến bút stylus, hay Coca-Cola là thương hiệu đầu tiên sử dụng công thức chiết xuất từ lá cây coca và hạt cô la (chứa hàm lượng kolatin và caffein cao).

Sau này lần lượt Samsung, Huawei hay Xiaomi cho ra đời những chiếc smartphone sử dụng màn hình cảm ứng đa điểm, rồi Pepsi, Fanta hay Mirinda cố gắng cho ra đời món uống có hương vị tương tự. Nhưng chẳng một ai đủ sức đánh bại hoặc làm lu mờ vị thế vốn có của Apple, Coca-Cola ở trên thị trường.

Steve Jobs xây dựng nhận thức cho iPhone bằng câu nói "Ai cần bút stylus chứ." (ảnh: Forbes).

Steve Jobs xây dựng nhận thức cho iPhone bằng câu nói “Ai cần bút stylus chứ.” (ảnh: Forbes).

Đối với thương hiệu xe Volvo: mặc cho nhiều thương hiệu khác không ngừng chạy đua về trải nghiệm cầm lái, sức mạnh động cơ hay thiết kế bên ngoài, bản thân Volvo vẫn luôn trung thành với định hướng trở thành thương hiệu xe an toàn đáng tin cậy, trở thành một trong những lựa chọn sáng giá khi khách hàng cân nhắc chọn mua xe an toàn. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng mà Vũ muốn đề cập: tính nhất quán trong cách xây dựng thương hiệu của Volvo.

Không ít thương hiệu xe chỉ cải thiện và phát triển công nghệ an toàn đơn giản vì chạy theo xu hướng, đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu trong quá trình sản xuất hoặc thậm chí, là vì “thương hiệu khác có thì thương hiệu mình cũng phải có.”

Không riêng gì dây an toàn 3 điểm hay ghế trẻ em quay về phía sau, rất nhiều tính năng an toàn khác trên xe chỉ được phần lớn thương hiệu cập nhật khi nó đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Chẳng hạn như túi khí cho người cầm lái, phanh ABS hay chỉ số áp suất lốp phù hợp, nhiều thương hiệu xe “chưa vội” cập nhật các trang bị này ngay từ ban đầu.

Xe Volvo thì khác, đội ngũ thương hiệu này không chỉ là những người xây dựng, phát triển hầu hết các công nghệ an toàn hiện đại trên xe ô tô, mà còn là những người đầu tiên cập nhật các công nghệ an toàn mới trên sản phẩm của mình – dù chúng có được sáng chế hay phát triển bởi chính đội ngũ Volvo hay không.

Triết lý an toàn của thương hiệu xe Volvo (ảnh: Autoweek).

Triết lý an toàn của thương hiệu xe Volvo (ảnh: Autoweek).

Một chi tiết khác chứng minh sự nhất quán “đến mức cực đoan” trong cách xây dựng thương hiệu xe Volvo, đó là họ chấp nhận bỏ qua cơ hội gia nhập hoặc trở thành những người gia nhập muộn nhất – trong các “cuộc đua” mà bản thân không có nhiều lợi thế, không phải lĩnh vực thế mạnh hoặc không phù hợp với triết lý, định hướng xây dựng thương hiệu từ ban đầu.

Lấy ví dụ cuộc chạy đua xe thuần điện của các thương hiệu nổi tiếng. Thương hiệu đến từ Thuỵ Điển là một trong những tên tuổi gia nhập muộn nhất, với quy trình chuyển giao từ xe xăng truyền thống sang xe hybrid, rồi từ đó mới chuyển sang xe thuần điện một cách có hệ thống. Chiến lược đề ra là xe Volvo sẽ bắt đầu với các dòng xe hybrid (dạng mild hybrid kết hợp giữa điện với động cơ đốt trong), kể từ năm 2022 trở đi mỗi năm chỉ giới thiệu ra thị trường một mẫu xe thuần điện.

Đến năm 2025, một nửa số xe Volvo bán ra là xe thuần điện (tương đương khoảng 1 triệu xe Volvo thuần điện đang chạy trên đường). Tầm nhìn đến năm 2030 mới hoàn thành quá trình chuyển giao sang xe thuần điện – trước 5 năm so với thời điểm Liên minh Châu Âu (EU) cấm bán xe chạy xăng, dầu kể từ 2035.

Đội ngũ thương hiệu xe Volvo còn nhất quán với tính an toàn đến mức, có thể tạo ra một số rào cản nhất định cho những cá nhân, tập thể đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác – khi họ có cơ hội hoặc buộc phải tương tác với sản phẩm xe Volvo. 

Một người dùng xe Volvo chia sẻ trên Reddit như sau: “Chú tôi làm trong đội cứu hoả và ông tin rằng việc tiếp cận vào trong khoang lái xe Volvo, để cứu hộ và kéo nạn nhân ngồi bên trong ra ngoài luôn khó khăn hơn so với những chiếc xe khác. Dù vậy nạn nhân bên trong luôn được giữ an toàn ở mức tối đa, nên người lính cứu hoả có thể thong thả hơn đến lúc hoàn thành nhiệm vụ.”

Thương hiệu Volvo sẵn sàng chậm chân trong thế giới xe thuần điện (ảnh: Volvo).

Thương hiệu Volvo sẵn sàng chậm chân trong thế giới xe thuần điện (ảnh: Volvo).

Còn dưới góc nhìn liên chủ quan của Vũ, đội ngũ thương hiệu xe Volvo đã chọn lấy “con đường chính đạo” trên hành trình xây dựng nhận thức tích cực. Tính an toàn luôn là giá trị cốt lõi của mọi chiếc xe ô tô ngay từ thuở ban sơ – khi kỹ sư người Đức Karl Benz chế tạo xe chạy bằng động cơ xăng vào năm 1885, hay Henry Ford đưa ngành công nghiệp ô tô lên dây chuyền lắp ráp vào đầu thế kỷ 20, giúp “bình dân hoá” sản phẩm này để bất cứ ai cũng có thể sở hữu.

Chẳng có ai tạo ra một chiếc ô tô nhằm mục đích đặt khách hàng vào tình thế nguy hiểm, thậm chí nếu xe chạy càng nhanh, tốc độ tối đa càng lớn thì nhà sản xuất càng muốn cải thiện mức độ an toàn của xe. Đó là lý do vì sao những chiếc xe đua NASCAR có cấu tạo khung sử dụng thép tròn, phần dày nhất bọc xung quanh ghế lái. Còn xe đua F1 từ năm 2018 đã được trang bị thêm HALO – công cụ chắn phía trước tay đua được làm bằng titanium, giúp giảm tỉ lệ tử vong đến 17% và chịu được sức nặng của cả một chiếc xe bus 2 tầng.

Ở Việt Nam khi bạn hỏi ai đó về lý do mua ô tô của họ, phần lớn câu trả lời nhận được cũng là để “che nắng che mưa.” Nghĩ rộng hơn, che nắng che mưa có nghĩa là che chở người ngồi trên ô tô khỏi nhiều hiểm hoạ, rủi ro thường trực có thể gặp trên đường. Thực tế thì ngồi trong một chiếc ô tô luôn an toàn hơn ngồi trên một chiếc xe máy, dù xe máy có chất lượng tốt và giá cao đến đâu chăng nữa.

Tin chắc rằng, nếu điều kiện tài chính không còn là vấn đề quan trọng nhất, rất nhiều người Việt Nam sẽ chọn mua một chiếc xe Volvo mà không cần đắn đo quá lâu.

Trang bị HALO an toàn trên những chiếc xe F1 (ảnh: F1).

Trang bị HALO an toàn trên những chiếc xe F1 (ảnh: F1).

Các thương hiệu xe nổi tiếng học được gì từ Volvo?

Sự thật là tầm nhìn, định hướng của một thương hiệu phải gắn liền với bản sắc và văn hoá của chính thương hiệu đó. Không ít thương hiệu lớn hiện nay, đặc biệt là các thương hiệu xe nổi tiếng vẫn đang “lạc đề” trong quá trình xây dựng nhận thức tích cực – nghĩa là tầm nhìn, định hướng xây dựng thương hiệu một đường còn bản sắc và văn hoá thương hiệu một nẻo.

Đối với thương hiệu xe Volvo, an toàn không chỉ dừng lại ở mức định hướng, tầm nhìn hay triết lý vận hành, mà đã trở thành nét văn hoá nổi bật của công ty và cả đội ngũ thương hiệu. Hai chữ an toàn đi sâu vào phong cách làm việc của đội ngũ nhân sự, xuất hiện trong các hướng dẫn về an toàn lao động tại nơi sản xuất, thậm chí có thể nhìn thấy qua tác phong điềm đạm, cẩn trọng của ban lãnh đạo công ty trước mỗi quyết định lớn nhỏ.

Trên phương diện sản phẩm và công nghệ sản xuất, thương hiệu xe Volvo không chỉ lưu tâm đến an toàn của người cầm lái, những người ngồi trên xe mà còn nghĩ đến an nguy của những người cùng tham gia lưu thông.

Không chỉ để mở nhiều sáng chế an toàn của mình như đai an toàn 3 điểm, ghế trẻ em quay về phía sau hay túi khí rèm, thương hiệu xe Volvo cũng công khai nghiên cứu mà họ mất hơn 40 năm thực hiện – dựa trên hơn 40 ngàn vụ tai nạn gây ra thương tích, thậm chí tử vong cho khoảng 70 ngàn nạn nhân. Nguồn tư liệu hữu ích và quý giá này chính là cơ sở để nhiều thương hiệu xe nổi tiếng khác, cải thiện công nghệ hay tính năng an toàn trên những chiếc xe của mình.

An toàn trở thành văn hoá của thương hiệu xe Volvo (ảnh: TheTopher).

An toàn trở thành văn hoá của thương hiệu xe Volvo (ảnh: TheTopher).

Khi nhìn vào những nghiên cứu an toàn giao thông được Volvo thực hiện, chúng ta có thể nhận ra một sự thật là: hầu hết những nỗ lực của thương hiệu xe Volvo đều xuất phát từ những sai lầm mang tính con người, trong quá trình tham gia giao thông. 

Nhóm công nghệ an toàn tiêu biểu của họ chẳng hạn như hệ thống giám sát người lái, giới hạn và kiểm soát tốc độ an toàn chủ động,… đều nhằm mục đích hạn chế tối đa những rủi ro giao thông xuất phát từ lỗi con người – ví dụ như ngủ gật, sử dụng điện thoại trong lúc lái xe hoặc lái xe trong tình trạng say xỉn. Đây là nền tảng để xây dựng một cộng đồng những người lái xe chuẩn mực, văn minh và an toàn hơn, mang lại niềm hạnh phúc cho tất cả những người tham gia lưu thông – bằng bất cứ phương tiện nào.

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal