Phật Giáo hay các yếu tố tâm linh chưa vẽ nên bức tranh toàn cảnh về câu chuyện thầy Minh Tuệ bộ hành khắp Bắc Nam.

Theo số liệu từ Sở Giao Thông Vận Tải, hai đô thị lớn nhất nước là Sài Gòn và Hà Nội đang quản lý tổng số phương tiện cá nhân lần lượt là 8,7 và 7,9 triệu chiếc. Tỷ lệ tăng trưởng phương tiện cá nhân bình quân đạt 10,3% một năm, trong khi tỷ lệ tăng trưởng quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông chưa bao giờ vượt quá 1%.

Thực tế hiện nay một người nội trợ mua đồ tạp hoá cách nhà 200m vẫn sử dụng phương tiện cá nhân, một học sinh chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy đến trường hằng ngày thay vì đi bộ hay xe bus. Câu chuyện phương tiện cá nhân dần hoà mình vào đời sống chứ không còn là chủ đề thu hút, gây tò mò trên các kênh truyền thông hay báo đài được nữa.

Câu chuyện thầy Minh Tuệ qua lăng kính truyền thông

Còn nhớ giai đoạn cuối những năm 90 và đầu thập niên 2000, những chiếc Honda Future hay Yamaha Sirius vẫn có giá trị bằng mấy cây vàng, chễm chệ xuất hiện trong các buổi triển lãm ô tô xe máy hoành tráng nhất. Giờ thì quay clip một người nào đó chạy Honda Sh hoặc Toyota Camry trên đường rồi đăng lên YouTube, mạng xã hội cũng chẳng ai quan tâm.

Con người luôn phản ứng rồi bị kích thích óc tò mò bởi những điều mới mẻ, lạ thường mà không phải lúc nào cũng được chứng kiến và trải nghiệm. Đó là lý do nội dung về siêu xe hay biệt thự triệu đô luôn thu hút người xem, những cuộc thi marathon đường dài với tổng cự ly lên đến hàng chục hay hàng trăm cây số luôn có nhiều lượt đăng ký tham dự.

Gần đây nữa là câu chuyện về sư thầy Minh Tuệ – người đang có lần thứ tư bộ hành xuyên suốt chiều dài đất nước, đi đến nhiều tỉnh thành và địa phương khác nhau trong vài năm qua. Câu chuyện của thầy không chỉ đặc biệt ở việc đi bộ, hành thiền mà còn là hình ảnh đối lập rõ ràng giữa thầy Minh Tuệ – khi so sánh với không ít cư sĩ hay thành viên tăng đoàn trực thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Vậy những điểm đối lập đó là gì, câu chuyện về thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều tầng lớp trong xã hội bằng cách nào? Vì sao đã xuất gia tu tập từ năm 2015, bắt đầu bộ hành và đặt chân đến mọi miền tổ quốc từ năm 2017, nhưng đến những ngày gần đây hình ảnh và thông tin về thầy Minh Tuệ mới nổi lên như một sự kiện truyền thông đúng nghĩa?

Tất cả câu hỏi đều được Vũ phân tích, gửi đến các bạn thông qua bài chia sẻ lần này với chủ đề: Chuyện thầy Minh Tuệ qua lăng kính truyền thông.

Thầy Minh Tuệ và hành trình chân tu (ảnh: VnExpress).

Thầy Minh Tuệ và hành trình chân tu (ảnh: VnExpress).

Hành trình của thầy Minh Tuệ được biết đến như thế nào?

Nhiều người sẽ không thể biết hoặc còn khá lâu nữa mới biết đến nhà sư Minh Tuệ – vị thầy đang học tu hạnh đầu đà nếu không có những động thái đến từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Cụ thể vào ngày 16/5 vừa qua, thượng toạ Thích Đức Thiện – Tổng thư ký hội đồng trị sự Giáo Hội đã ban hành một văn bản với vài nội dung chính như sau:

Người được mạng xã hội gọi là Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ Phật Giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào thuộc Giáo Hội. Đề nghị Ban trị sự các tỉnh thành thông báo đến người dân để tránh ngộ nhận, có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Thực tế trên các mạng xã hội và nền tảng chia sẻ nội dung phổ biến như Facebook, Google hay YouTube thì thông tin về thầy Minh Tuệ đã nhen nhóm từ nhiều năm trước, rồi thật sự bùng nổ nội dung từ những ngày đầu tháng 5. Nhưng sự hiện diện của thầy vào thời điểm đó như những đốm lửa nhỏ, phần nào manh mún và mang tính thời điểm.

Tất nhiên, một nhóm các YouTuber hay TikToker chưa bao giờ đủ sức đại diện cho cả một xã hội, cộng đồng người dân. Những thông tin từ các nhà sáng tạo nội dung “bán chuyên” dù là tích cực hay tiêu cực, đều chỉ tồn tại trong lòng công chúng một thời gian ngắn và hầu như không có tác động bền vững. Nhưng cũng không thể vì vậy mà đánh giá thấp vai trò của họ, đặc biệt khi nhìn dưới góc độ truyền thông.

Trong thời khắc thế giới bước sang thiên niên kỷ kế tiếp, tác giả Malcolm Gladwell đã cho ra đời một trong những cuốn sách thành công nhất sự nghiệp – The Tipping Point (Điểm Bùng Phát). Với lời tựa hấp dẫn “những điều nhỏ bé có thể tạo ra khác biệt lớn như thế nào”, Điểm Bùng Phát đã vượt ra khỏi giới hạn của một tác phẩm – để trở thành lý thuyết được ứng dụng phổ biến hàng đầu trong kinh tế cùng nhiều lĩnh vực đời sống.

Lý thuyết của Điểm Bùng Phát cũng được Vũ sử dụng để lập luận, giải thích cho câu chuyện về thầy Minh Tuệ qua lăng kính truyền thông. 

The Tipping Point (Điểm Bùng Phát) và tác giả Malcolm Gladwell (ảnh: internet)

The Tipping Point (Điểm Bùng Phát) và tác giả Malcolm Gladwell (ảnh: internet)

Cụ thể theo lý thuyết của Malcolm Gladwell, có 3 yếu tố để dẫn đến điểm bùng phát bao gồm: người truyền bá thông tin, yếu tố kết dính và sau cùng là sức mạnh của hoàn cảnh. Ở yếu tố đầu tiên là người truyền bá thông tin, Malcolm Gladwell đã sử dụng quy luật thiểu số để chia làm 3 nhóm nhân tố chính: các chuyên gia, các kết nối viên và những người truyền cảm hứng.

Quy luật thiểu số trong lý thuyết Điểm Bùng Phát

Các chuyên gia được định nghĩa là những người có đủ kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, có nhiều năm trực tiếp tham gia vào lĩnh vực tương ứng và có đủ sự ngưỡng mộ, niềm tin to lớn từ nhiều người dành cho họ ở lĩnh vực đó. Vì vậy khi một câu chuyện hay sự kiện truyền thông diễn ra, thu hút nhiều sự quan tâm thì mọi người thường có xu hướng tìm kiếm ý kiến, quan điểm từ những chuyên gia này.

Trong câu chuyện về thầy Minh Tuệ, một số tên tuổi nổi bật có thể xếp vào nhóm chuyên gia như Tác giả sách Thái Hạo – người lên tiếng cho rằng các bình luận tấn công thầy Minh Tuệ chỉ đang thể hiện sự kém hiểu biết, hay Tiến sĩ Vũ Thế Dũng – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, người chỉ ra không ít điểm vô lý trong văn bản nhằm vào hành trình của thầy Minh Tuệ – đến từ chính giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một ví dụ điển hình khác là trường hợp của thầy Thích Minh Đạo – Trụ trì Tu viện Minh Đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Thầy Minh Đạo sau khi lên tiếng tán dương đức hạnh của thầy Minh Tuệ, đã bị yêu cầu kiểm điểm và sám hối bởi đại diện giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù vậy, hành động này tạo ra “phản ứng ngược” khi mọi người bắt đầu tò mò hơn, muốn tìm kiếm thông tin về cả hai vị thầy nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng và chuỗi sản phẩm truyền thông có liên quan (ảnh: YouTube Vũ Thế Dũng).

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng và chuỗi sản phẩm truyền thông có liên quan (ảnh: YouTube Vũ Thế Dũng).

Bên cạnh các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan đến truyền thông, còn phải kể đến nhóm các kết nối viên trong công thức điểm bùng phát của Malcolm Gladwell. Vì nhiều lý do khác nhau nên trong cùng một thời điểm, tất cả những người cùng dành sự quan tâm cho thầy Minh Tuệ không thể tự thoả mãn nhu cầu tiếp cận thông tin của mình – chỉ bằng việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.

Lúc này nhóm hàng ngàn, hàng vạn các YouTuber và TikToker nổi tiếng bắt đầu cho thấy vai trò quan trọng của họ. Nhiều người lo ngại rằng việc tụ tập thiếu khoa học, không đảm bảo an ninh trật tự của các YouTuber hay TikToker sẽ đe doạ đến mục đích tu học của thầy Minh Tuệ – thậm chí trở thành “cái cớ xuôi tai” để hành trình của thầy bị buộc dừng lại.

Nhưng nếu nhìn xuyên suốt câu chuyện thầy Minh Tuệ bằng lăng kính truyền thông, chúng ta dễ dàng nhận ra các kết nối viên cũng đã “góp công lớn” bắt đầu câu chuyện này. 

Với nhiều ưu thế như hoạt động trên các nền tảng truyền thông gần gũi với đại chúng, sở hữu lượng người hâm mộ có sẵn mong muốn tiếp cận thông tin nóng hổi, chưa kể đến năng lực “tiếp cận hiện trường” bất kể ngày đêm mà không một chuyên gia nào đủ sức so sánh. Chính các Youtuber và TikToker đã mang đến cho phần lớn người theo dõi, quan tâm câu chuyện thầy Minh Tuệ những thông tin cụ thể và kịp thời nhất.

Nhóm "kết nối viên" trong chuỗi sự kiện truyền thông thầy Minh Tuệ (ảnh: Vũ).

Nhóm “kết nối viên” trong chuỗi sự kiện truyền thông thầy Minh Tuệ (ảnh: Vũ).

Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngày qua công chúng theo dõi hành trình của thầy Minh Tuệ cũng chỉ tiếp nhận, săn đón thông tin trên mạng xã hội hay kênh nội dung của những “kết nối viên” là chủ yếu. Các kênh tin chính thống một phần vì chậm trễ trong thu thập và đăng tải thông tin, phần khác vì khó lòng chia sẻ thông tin một cách đa chiều nên không nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của công chúng là tương đối dễ hiểu.

Ngoài các chuyên gia và kết nối viên, quy luật thiểu số còn có thêm nhân tố nữa là những người truyền cảm hứng. Tuy nhiên Vũ xin phép không chia sẻ quá nhiều về nhân tố này, bởi trong một sự kiện truyền thông mang tính thời điểm, mà sức ảnh hưởng lại lan rộng trên phạm vi cả nước thì người truyền cảm hứng chính là bản thân chúng ta – những người từng ngày cập nhật, lan toả và dành sự quan tâm đặc biệt cho hành trình của thầy Minh Tuệ.

Dù niềm cảm hứng đó đến từ thực trạng suy giảm niềm tin dành cho một bộ phận tăng đoàn, thành viên của giáo hội Phật giáo Việt Nam hay đến từ mưu cầu hạnh phúc, đi tìm định nghĩa sáng suốt nhất của hạnh phúc con người thì cũng chẳng sao. Ít nhất thì mỗi bước chân, mỗi đoạn đường mà thầy Minh Tuệ đang đi qua đều sẽ được soi sáng bởi sức mạnh của truyền thông.

Đó là sức mạnh của niềm khao khát được so sánh, phân tích và chỉ ra sự thật mà có lẽ là còn phải rất lâu nữa, công chúng mới được nhìn nhận rồi đánh giá khách quan nếu không có sự xuất hiện của câu chuyện về thầy Minh Tuệ.

Bước chân của thầy Minh Tuệ được nhiều người dõi theo (ảnh: PLO).

Bước chân của thầy Minh Tuệ được nhiều người dõi theo (ảnh: PLO).

Yếu tố kết dính

Nhìn qua lăng kính truyền thông, câu chuyện về hành trình của thầy Minh Tuệ được nhân rộng rồi lan toả chủ yếu bởi tính tò mò, mong muốn liên tục cập nhật thông tin và phần nào có cả hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out – Tâm lý sợ bỏ lỡ) của đám đông hiếu kỳ. Tuy nhiên chừng đó thì chưa đủ để mang lại ý nghĩa thật sự cho hành trình này, câu chuyện này đến mức nó nhanh chóng trở thành sự kiện truyền thông đáng nhớ.

Trong công thức Điểm Bùng Phát, Malcolm Gladwell còn nhắc đến một chi tiết quan trọng khác đó là những yếu tố kết dính. Tâm lý sợ bỏ lỡ là có thật, mong muốn liên tục cập nhật những tin tức mới nhất cũng là có thật, nhưng để công chúng thật sự có hứng thú với chuỗi tin tức nào đó thì không thể thiếu đi tính kết dính.

Yếu tố kết dính đóng vai trò làm cầu nối trong mọi sự kiện, câu chuyện và chiến dịch truyền thông. Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của sự kiện mang tính thời điểm, yếu tố kết dính luôn cần xuất hiện trong bất cứ sản phẩm truyền thông nào vì mục đích lôi cuốn, tạo ra điểm nhấn giúp người theo dõi ngay lập tức nhớ đến rồi cảm thấy ấn tượng.

Trong công thức Điểm Bùng Phát, yếu tố kết dính kết hợp với năng lực và tốc độ lan truyền thông tin của những chuyên gia, kết nối viên hay người truyền cảm hứng sẽ tạo ra sự chú ý ở mức độ cao nhất. Giống như muốn làm bùng lên ngọn lửa đẹp mắt trong chảo nóng, đầu bếp cần khéo léo rưới thêm chút rượu lên món ăn. Muốn que diêm phát sáng, chúng ta phải quẹt đầu diêm vào lớp bề mặt ma sát với thành phần chứa keo dán và phốt pho đỏ.

Thầy Minh Đạo phải tường trình chỉ vì một lời khen (ảnh: Phật Giáo BRVT).

Thầy Minh Đạo phải tường trình chỉ vì một lời khen (ảnh: Phật Giáo BRVT).

Ở câu chuyện của thầy Minh Tuệ, có hai yếu tố kết dính mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy được. Một là, thầy Minh Tuệ trong quá trình bộ hành và chia sẻ với những người theo dõi đã mang đến dấu ấn riêng. Thầy không rao giảng quá nhiều về lý thuyết Phật Học, không tuyên truyền hay đe doạ mọi người phải làm điều này, không làm điều kia để “hưởng phước.” 

Thầy Minh Tuệ đơn giản là kể lại chặng đường đã qua của mình, chia sẻ một cách chân phương nhất về 13 Hạnh Đầu Đà mà bản thân đang áp dụng. Bên cạnh đó khi chia sẻ với phóng viên của VnExpress, thầy cũng cho biết “lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người đều được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình.”

Yếu tố kết dính thứ hai đến từ các luồng ý kiến và dư luận trái chiều – đặc biệt là những ý kiến ngờ vực, phản đối hay thậm chí mang tính xúc phạm nhằm vào bản thân thầy Minh Tuệ. Ý kiến trái chiều tạo ra sự lôi cuốn và tính hấp dẫn cho bản thân thông tin, hình ảnh được truyền tải nhờ tâm lý dễ hứng thú với những thông tin tiêu cực, xấu độc của người dùng mạng xã hội.

Nếu để ý chi tiết bạn sẽ thấy rằng, chúng ta thường dễ bị lôi kéo vào nhóm các tin tức tiêu cực, độc hại nhiều hơn là những mẫu tin nhân văn và giàu ý nghĩa. Thông tin về một vụ tai nạn thương tâm hay một thầy hiệu trưởng bòn rút ngân sách cho bữa ăn của học sinh, luôn hấp dẫn hơn nhiều tin tức về những em học sinh nghèo giành được học bổng, hay các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị mới cho bệnh nhân ung thư.

Chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi nội dung xấu độc (ảnh: Facebook Chị bán cơm chay).

Chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi nội dung xấu độc (ảnh: Facebook Chị bán cơm chay).

Câu chuyện của thầy Minh Tuệ sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu tất cả người theo dõi và quan tâm thầy đều có cùng một suy nghĩ, ý kiến hay thế giới quan giống nhau. Tất nhiên trong lăng kính truyền thông thì đây là chuyện hoàn toàn bất khả thi. Chúng ta có thể không thích, có thể ngờ vực, nhưng chung quy lại vẫn phải dành lời cảm ơn cho những ý kiến trái chiều.

Chẳng hạn như chuyện một sư thầy tay đeo Rolex, Longines,… còn chân bước vào showroom xe sang chuẩn bị đặt cọc rồi lại huỷ cọc, nhưng lên YouTube thì luôn miệng chê bai và phỉ báng công đức tu tập của sư thầy khác. Hoặc chuyện một nữ diễn viên bán cơm chay nhưng quảng cáo ăn giun đất trị bệnh, trên người mặc áo lam nhưng lên mạng thì không ngừng công kích các bậc chân tu.

Nhiều người trong số chúng ta sẽ ngay lập tức phản đối, lên án hoặc như cách nói của dân gian là “chướng tai gai mắt” – khi đọc được những lời nhận xét, bình phẩm tiêu cực về thầy Minh Tuệ đến từ một số nhân vật tạm gọi thuộc về phe đối lập. 

Có lúc họ gọi thầy Minh Tuệ bằng những danh xưng không mấy thân thiện như “nó” hay “thằng ba trợn”, có lúc họ cố tình dùng tên khai sinh của thầy (Lê Anh Tú) và thậm chí còn không viết hoa – nhằm mục đích thể hiện sự thiếu tôn trọng, phủ nhận đức hạnh và công đức hành trì giới luật của một người tu.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ.

Tuy nhiên chính những ý kiến hay quan điểm trái chiều đã góp phần đẩy câu chuyện về thầy Minh Tuệ đi xa hơn. Từ đó giúp chúng ta có được cái nhìn trực quan, chân thật và sâu sắc hơn bao giờ hết về chặng đường mà thầy Minh Tuệ đi qua. 

Khi mâu thuẫn giữa những luồng ý kiến trái chiều lên đỉnh điểm, bản thân những người hiếm khi hoặc chưa từng tiếp xúc với Phật Giáo – cũng có được cái nhìn toàn cục và trực diện về các giá trị tốt đẹp mà giáo lý nhà Phật truyền tải. Như một video nhằm mục đích phản biện trên YouTube của mình, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng đã gợi ý mọi người xoay chuyển vấn đề: từ “không tiền làm sao các thầy tu” sang “có tiền các thầy có tu được không?”

Sức mạnh của hoàn cảnh

Ở thời điểm Vũ thực hiện bài viết thì chuyến bộ hành của thầy Minh Tuệ đã phải dừng lại, thầy chính thức quay lại đời sống ẩn tu và kiên định hành trì giới luật như bao năm đã qua. Không còn nữa sự bám đuổi kiên quyết của các TikToker hay Youtuber, cũng không còn tràn ngập những bài báo hay hình ảnh của thầy trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Dù vậy, những câu chuyện hay bàn luận về thầy Minh Tuệ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau một ngày dài mệt mỏi trở về nhà, nhiều người vẫn sẵn sàng tìm kiếm thông tin mới về thầy Minh Tuệ, sôi nổi bàn luận với người thân của mình bên mâm cơm. Rồi trong những cuộc hội họp sau giờ làm với đồng nghiệp cũng vậy, hành trình của thầy Minh Tuệ vẫn đang là một trong những chủ đề được bàn tán nhộn nhịp nhất.

Yếu tố kết dính trong câu chuyện về thầy Minh Tuệ (ảnh: Tâm Xì Phố YouTube).

Yếu tố kết dính trong câu chuyện về thầy Minh Tuệ (ảnh: Tâm Xì Phố YouTube).

Yếu tố kết dính hay những người lan truyền đã giúp thổi bùng lên câu chuyện của thầy Minh Tuệ, nhưng để “giữ lửa” rồi nhân rộng câu chuyện này đến hàng triệu gia đình, doanh nghiệp cùng các tổ chức trong và ngoài nước thì cần nhiều hơn thế. Điển hình như một công ty tin học ở Hà Nội, khi ban lãnh đạo quyết định huỷ văn hoá đi chùa ngày mùng Một hằng tháng, chuyển thành các hoạt động thiện nguyện như làm tự thiện, hiến máu nhân đạo,…

Bên cạnh yếu tố kết dính và những người lan truyền thông tin, còn cần đến yếu tố hoàn cảnh thực tế để giúp mỗi câu chuyện hay sự kiện truyền thông luôn được giữ lửa – nói chính xác hơn đó là sức mạnh của hoàn cảnh.

Con người là một giống loài ưa tò mò, khao khát chạm đến những thứ mà bản thân chưa thể sở hữu trong thời khắc hiện tại. Người nghèo thì mơ có tiền, có xe và sở hữu trong tay những khối bất động sản hoành tráng. Người giàu thì mơ đến những khoảnh khắc bình an, gia đình êm ấm hạnh phúc hay thậm chí chỉ cần một giờ đồng hồ để nghỉ ngơi, xa rời áp lực công việc bởi đối với họ đây mới là những điều “xa xỉ.”

Tinh thần và cảm xúc của con người cũng hiếm khi nào ổn định, không bao giờ nằm đúng ở điểm chính giữa nếu mang lên bàn cân. 

Người đau khổ và gặp nhiều tai ương thì chẳng mưu cầu gì khác ngoài hạnh phúc, người sung sướng ấm no thì thỉnh thoảng muốn được sống trong khổ sở một lần cho “biết người biết ta.” Chẳng phải xu hướng hiện nay các chuyến du lịch trải nghiệm, khám phá để đến gần với thiên nhiên có chi phí tương đối đắt đỏ hay sao?

Chúng ta và các bậc chân tu vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Chúng ta và các bậc chân tu vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Nên đừng lo lắng nếu ai cũng ngày ăn một bữa, không dùng đến tiền và dành nhiều thời gian thiền định để trung hoà cảm xúc như thầy Minh Tuệ, vì điều đó chẳng bao giờ xảy ra – nếu không muốn nói là rất hão huyền.

Sự mất cân bằng trong cảm xúc diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu ngày rồi sẽ dẫn đến những hoàn cảnh vui buồn sướng khổ khác biệt, bởi chúng ta chưa phải và còn lâu mới đạt đến cảnh giới của những bậc chân tu – những người biết định nghĩa chính xác rồi chấp nhận sự vừa đủ của từng xu hướng cảm xúc khác nhau.

Điều thú vị là trong từng hoàn cảnh cụ thể đó, con người dường như có thêm động lực để vượt lên bối cảnh và thực tế đời sống, nhằm mục đích đòi hỏi và chạm đến những quyền lợi tối thiểu nơi đời sống trần tục – tạm bỏ qua các yếu tố tôn giáo hay tâm linh xa vời. Những cuộc biểu tình hoặc trào lưu vì nhân quyền mà chúng ta vẫn đang nhìn thấy hằng ngày, chính là bằng chứng của luận điểm trên.

Năm 2012 để phản đối định hướng sử dụng động vật vì mục đích thử nghiệm hoá mỹ phẩm, nữ diễn viên người Anh Jacqueline Traide đã tham gia vào một triển lãm mô phỏng – nơi cô tái hiện hình ảnh các loài động vật bị khoá miệng, tiêm thuốc, cạo sạch lông như thế nào trong các thí nghiệm. 

Gần đây hơn là những năm 2020 và 2021, các đội bóng ở châu Âu tiến hành nghi thức “quỳ gối 1 chân” trước khi trận đấu bắt đầu. Trào lưu này nhằm lên án hành động quỳ gối, ghì cổ một nạn nhân da màu đến chết của viên cảnh sát thuộc Minnesota (Mỹ).

Cầu thủ châu Âu hưởng ứng phong trào bảo vệ nạn nhân da màu (ảnh: Independent).

Cầu thủ châu Âu hưởng ứng phong trào bảo vệ nạn nhân da màu (ảnh: Independent).

Sức mạnh hoàn cảnh dĩ nhiên cũng xuất hiện trong câu chuyện của thầy Minh Tuệ. Lùi lại vài tháng từ thời điểm chuỗi nội dung về thầy Minh Tuệ bùng nổ trên các kênh truyền thông, chúng ta sẽ thấy người dân Việt Nam đang mất niềm tin vào Phật giáo và uy danh của các tăng đoàn như thế nào.

Từ vụ “xá lợi tóc” của một ngôi chùa bề thế hàng đầu cả nước, cho đến vị thầy có hành vi không đúng mực khi tu học ở một ngôi chùa tại Đồng Nai.

Trên phương diện kinh tế, kỷ lục mới trong 6 tháng đầu năm về số doanh nghiệp giải thể, tuyên bố phá sản đã gieo rắt không biết bao nhiêu niềm hoài nghi trong cộng đồng người dân – đặc biệt là người dân lao động. Khủng hoảng việc làm chưa có dấu hiệu ngừng lại, kèm theo đó là không ít dự thảo về đãi ngộ và trợ cấp xã hội gây hoang mang cho nhiều người.

Có thể khẳng định rằng chưa bao giờ người Việt Nam cần bấu víu vào một điểm tựa tinh thần nhiều đến thế, trong tình cảnh nhiều điểm tựa về mặt vật chất và của cải dần suy yếu. Tôn giáo và đặc biệt là Phật Giáo cũng chưa bao giờ trở thành hình ảnh phổ biến, chân thực rồi lan toả sâu rộng trong đời sống người dân đến vậy.

Câu chuyện của thầy Minh Tuệ chỉ là một trong những minh chứng sống động nhất. Bên cạnh xu hướng “chữa lành tâm hồn” trong thời gian gần đây, hay thói quen của các bậc phụ huynh vào mùa hè không còn đăng ký cho trẻ tham gia học kỳ quân đội nữa. Thay vào đó là sự nổi lên của các khoá tu ngắn ngày tại chùa, được phối hợp và quản lý bởi bên thứ ba dù chưa có nhiều kinh nghiệm cả về giáo dục lẫn ứng dụng Phật học.

Người Việt Nam đang cần điểm tựa tinh thần hơn bao giờ hết (ảnh: Báo Lao Động).

Người Việt Nam đang cần điểm tựa tinh thần hơn bao giờ hết (ảnh: Báo Lao Động).

Chân bước tạm dừng, chân tu còn mãi

Để tổng kết về hành trình đã qua của thầy Minh Tuệ cùng những ai đồng hành, quan tâm và theo dõi thầy trên các phương tiện truyền thông, Vũ xin phép khẳng định là thầy Minh Tuệ đã làm được điều mà “nhiều chục” năm qua ít có cá nhân, tổ chức tín ngưỡng Phật giáo nào trên địa bàn cả nước làm được. Đó là hướng dẫn và định nghĩa chính xác khái niệm Chân tu.

Khi nhìn câu chuyện qua lăng kính truyền thông, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một vài vấn đề còn tồn đọng như đạo đức nghề nghiệp của số ít nhà sáng tạo nội dung, năng lực kiểm soát và quản lý các dạng tin tức xấu độc, vai trò của các tổ chức hoạt động và đại diện cho tín ngưỡng tôn giáo còn hạn chế,…

Tuy nhiên như đã nói, hành trình hướng dẫn và định nghĩa chính xác khái niệm Chân tu của thầy Minh Tuệ cũng để lại nhiều giá trị tích cực. Lần đầu tiên số đông công chúng có thể hiểu ra, hoặc ít nhất là đặt nghi vấn về chuyện tiền tài của cải trong đời sống tu học. 

Chúng ta giờ đây biết rằng tiền bạc hay vật chất không phải công cụ duy nhất phục vụ quá trình tu hành. Thậm chí chúng có thể hoá thành trở ngại cho những người mới bắt đầu tu hành, đã tu hành lâu năm hay thậm chí đang sở hữu các vị trí nhất định trong một tổ chức tín ngưỡng uy tín. 

Thầy Minh Tuệ chính thức khép lại hành trình chân tu (ảnh: NguoiViet).

Thầy Minh Tuệ chính thức khép lại hành trình chân tu (ảnh: NguoiViet).

Chân bước tạm dừng, chân tu còn mãi chính là lời tổng kết cho chặng đường thầy Minh Tuệ đã đi qua. Sức mạnh truyền thông có thể làm bóp méo, giữ nguyên trạng hoặc tôn vinh vị thế của bất cứ hiện tượng và sự việc nào đó. Nhưng cốt lõi trong mỗi sự kiện hay câu chuyện truyền thông luôn còn mãi. 

Trong câu chuyện về hành trình của thầy Minh Tuệ, giá trị cốt lõi đó chính là việc khai sáng cho những bộ não còn chìm đắm trong bóng tối của vật chất, tiền tài hay các giá trị phù phiếm làm che mờ đi đích đến của hạnh phúc đúng nghĩa.

Xin chân thành cảm ơn,