Logo Barca không có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng đằng sau đó là những câu chuyện ý nghĩa của một đội bóng giàu truyền thống.

Những ngày tháng 8 thế giới bóng đá không khỏi ngao ngán khi cứ sau mỗi buổi tập của Barcelona, hàng trăm cổ động viên của đội bóng sẵn sàng tập trung trước cửa sân tập. Họ vây quanh xe riêng của Frenkie de Jong – người mà mới mùa giải trước đó thôi còn được xem như công thần của đội, giờ đây phải chịu sự chất vấn và lăng mạ của cổ động viên chỉ vì không chịu rời đi. Đồng thời cũng không đồng ý giảm lương để Barca tiến hành đăng ký các cầu thủ tân binh.

Đó là câu chuyện giữa Frenkie de Jong với các cổ động viên, còn vấn đề đằng sau giữa cầu thủ người Hà Lan với ban lãnh đạo Barca còn căng thẳng hơn thế. Thượng tầng đội chủ sân Camp Nou được cho là đã “lật mặt” trắng trợn, sau khi đề nghị De Jong muộn lương của hai mùa trước với số tiền 18 triệu Euro và nhận được cái gật đầu của tiền vệ sinh năm 1997. Ban lãnh đạo Barca tiếp tục ép anh phải lựa chọn ở mùa này, hoặc tiếp tục giảm lương hoặc ra đi để giảm gánh nặng cho đội.

Hành trình từ công thần trở thành vật tế thần của De Jong là quá ngắn ngủi (ảnh: BeSoccer).

Hành trình từ công thần trở thành vật tế thần của De Jong là quá ngắn ngủi (ảnh: BeSoccer).

Vấn đề nằm ở chỗ, bản thân ban lãnh đạo Barca vẫn chưa hoàn trả số tiền còn nợ là 18 triệu Euro cho De Jong. Thậm chí họ còn đăng đàn tuyên bố rằng, bản hợp đồng được ký dưới thời của chủ tịch cũ Bartomeu là hoàn toàn bất hợp pháp. Chống lại những tuyên bố trên, Chủ tịch Hiệp hội các cầu thủ Hà Lan Evgeniy Levchenko khẳng định rằng, đây là một vụ tống tiền không hơn không kém.

Câu chuyện với De Jong không phải lần đầu tiên mà ban lãnh đạo Barca vấy bẩn hình ảnh, văn hoá và truyền thống của câu lạc bộ trước truyền thông. Từ lần đặt điều và thậm chí lừa gạt để khiến một trong những huyền thoại là Lionel Messi phải rời đội, những người đứng đầu Barca hết lần này đến lần khác xâm phạm nghiêm trọng vào truyền thống cũng như lịch sử đáng tự hào của câu lạc bộ. 

Trước khi trở thành “vua kiện tụng” với số lần gây ấn tượng trước toà án Châu Âu nhiều hơn trên sân cỏ, Barcelona từng nổi tiếng là một đội bóng có bề dày lịch sử của Lục địa già. Nhân dịp này, hãy cùng Vũ nhìn lại lịch sử và hành trình thay đổi logo của đội chủ sân Camp Nou. Bởi dù không có nhiều thay đổi về mặt thiết kế, nhưng đằng sau đó là những câu chuyện ý nghĩa của một đội bóng có giàu truyền thống.

Logo Barca không có nhiều thay đổi về thiết kế

Vào cuối thế kỷ thứ 19, chàng trai trẻ làm nghề kế toán Joan Gamper đang mang trong mình niềm đam mê bóng đá mãnh liệt. Sau nhiều lần nộp đơn xin gia nhập các đội bóng bán chuyên nhưng đều bị từ chối, anh chàng người Thuỵ Sĩ đã quyết định tự mình thành lập một đội bóng. Năm 1899 với sự tham gia của nhiều cầu thủ nghiệp dư đến từ Anh, Đức và Thuỵ Sĩ, một câu lạc bộ bóng đá đã được ra đời và là tiền thân của Barcelona ngày nay.

Logo Barca vốn không có nhiều thay đổi về thiết kế (ảnh: AliExpress).

Logo Barca vốn không có nhiều thay đổi về thiết kế (ảnh: AliExpress).

Cũng kể từ năm 1899, đội bóng này đã sử dụng 8 phiên bản logo khác nhau nhưng nhìn chung, logo Barca không có quá nhiều thay đổi về mặt thiết kế trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đó có một số chi tiết được xem như những di tích bất hủ, đi cùng năm tháng và thể hiện mạnh mẽ truyền thống của câu lạc bộ. Chẳng hạn như dải màu sọc đỏ trắng bên phía góc trái, lá cờ sọc vàng đỏ ở bên phía góc phải, hay quả bóng da cổ điển ở trên nền sọc sẫm màu vốn đã trở nên rất quen thuộc.

Vậy nên ở bài chia sẻ lần này, Vũ muốn đi sâu vào tìm hiểu và chia sẻ những câu chuyện thú vị đằng sau thiết kế logo Barca. Thay vì kể lại quá trình hình thành và phát triển thiết kế logo Barca theo từng giai đoạn vốn không có nhiều thay đổi. 

Ba chữ cái FCB trên thiết kế logo Barca

Ngoại trừ thiết kế logo đầu tiên được giới thiệu hồi năm 1899, tất cả những phiên bản logo Barca sau này đều có chi tiết ba chữ FCB. Đây đơn giản là những chữ cái viết tắt của tên gọi đầy đủ Football Club Barcelona – một cái tên đã được quốc tế hoá bởi thành viên của đội đến từ nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. 

Đáng chú ý ở trong những năm 1940-1960, thứ tự viết tắt các chữ cái trên logo Barca đã đổi thành CFB. Lý do bởi vì đây là giai đoạn chứng kiến ách thống trị mạnh mẽ của nhà độc tài Franco. Chế độ của ông chọn ủng hộ và hậu thuẫn liên tục cho một đội bóng khác là Real Madrid, mượn bóng đá để làm bức bình phong cho những kế hoạch cụ thể của bản thân. 

Trong chương 3 của The Role of Football in Spain, tác giả cuốn sách đã thuật lại rằng: “Khi nội chiến kết thúc vào năm 1939, người dân Tây Ban Nha đã chuyển niềm đam mê của họ từ đấu bò sang bóng đá. Các nhà hoạt động chính trị trong đó nổi bật nhất là chế độ của Franco đã xem bóng đá như một liệu pháp tâm lý, nhằm xoa dịu người dân và trấn an họ trước những biến động của thời cuộc.”

Tổng hợp 8 lần thay đổi thiết kế logo Barca (ảnh: Barcelona).

Tổng hợp 8 lần thay đổi thiết kế logo Barca (ảnh: Barcelona).

Dưới sự che chở và hậu thuẫn của nhà cầm quyền Franco, đại diện đội chủ sân Bernabeu từng mạnh mẽ tuyên bố như sau: “Chúng tôi đang mang đến những giá trị để giúp người dân Tây Ban Nha đạt đến hạnh phúc thật sự, thông qua bóng đá và những hoạt động tích cực của môn thể thao này, chúng tôi hy vọng rằng nhiều vấn đề xã hội sẽ được xoa dịu.”

Nhiều ý kiến cho rằng với sự đối nghịch giữa hai đội bóng Barcelona và Real Madrid, nhà lãnh đạo Franco sẽ làm đủ mọi cách để hạ bệ thanh danh lẫn uy tín của câu lạc bộ xứ Catalan. Không có các bằng chứng cụ thể chứng minh quan điểm này, nhưng rõ ràng trong giai đoạn nhà Franco tiến cử một người thân cận ngồi vào ghế lãnh đạo đội bóng, nhiều giá trị văn hoá và truyền thống của Barcelona đã bị xâm phạm. 

Một trong số đó là đổi tên câu lạc bộ thành Club de Fútbol Barcelona theo đúng tiếng Tây Ban Nha. Những chữ cái viết tắt trên logo Barca vì thế cũng được đổi thành CFB. Đến năm 1975 khi chế độ độc tài nhà Franco chính thức sụp đổ, thiết kế logo Barca với ba chữ viết tắt FCB mới quay trở lại và hiện diện cho đến ngày nay.

Dải màu đỏ trắng trên logo Barca

Chi tiết thánh giá màu đỏ với nền màu trắng từ lâu đã xuất hiện trên logo Barca. Đây chính là biểu tượng năm xưa của những cuộc Thập Tự Chinh – diễn ra ở nhiều quốc gia Công Giáo trong giai đoạn từ thế kỷ 11 cho đến cuối thế kỷ 13. Các cuộc Thập Tự Chinh của nhiều nước châu Âu trong đó nổi lên có vùng đất Catalan thuộc Barcelona, nhằm giành lại sự kiểm soát của đạo Công Giáo trước sự bành trướng của nhiều quốc gia Hồi Giáo.

Từ cuộc phát động của Giáo Hoàng, bất cứ người dân phương Tây nào cũng có thể trở thành một thành viên ưu tú của cuộc Thập Tự Chinh. Chỉ với một cây thánh giá ở trên tay, lời hiệu triệu của mỗi nhà lãnh đạo đều như được tiếp thêm sức mạnh. Hình tượng thánh giá màu đỏ ở trên nền trắng còn xuất hiện ở những lá cờ, trên những tấm khiên hay thậm chí là trên bộ trang phục của những binh lính thiện chiến nhất.

Hình ảnh thánh giá màu đỏ quen thuộc trong chuỗi ngày Thập Tự Chinh (ảnh: Genk).

Hình ảnh thánh giá màu đỏ quen thuộc trong chuỗi ngày Thập Tự Chinh (ảnh: Genk).

Kết quả của cuộc Thập tự chinh xuyên suốt nhiều thế kỷ không chỉ là giành lại Jerusalem, giành lại quyền kiểm soát ở những vùng Đất Thánh theo quan niệm Tây phương – trước sự xâm lăng vô lối của nhiều quốc gia Hồi Giáo. Sâu xa hơn, đó còn là cơ hội để nhiều quốc gia châu Âu thị uy sức mạnh quân sự. Chứng minh tầm vóc của mình với các quốc gia thuộc vùng Địa Trung Hải.

Là một vùng đất có truyền thống của đạo Công Giáo, đồng thời vẫn luôn nổi tiếng vềi tinh thần bất khuất của người dân nhằm giữ lấy thanh danh và sự oai nghiêm trong khu vực. Người dân Barcelona luôn tự hào mỗi khi nhắc lại chiến tích năm xưa của cuộc Thập tự chinh, và cũng không quá bất ngờ khi biểu tượng cây thánh giá đỏ từ lâu đã xuất hiện trên thiết kế logo của câu lạc bộ Barca.

Lá cờ biểu tượng trên logo Barca

Khác với ý nghĩa mang tính biểu tượng của cây thánh giá màu đỏ, chi tiết lá cờ vàng cùng những sọc dọc màu đỏ lại gắn liền với lược sử hình thành và phát triển của Barcelona. Xứ Catalan không phải quốc gia hoặc vùng tự trị duy nhất sử dụng lá cờ với những sọc đỏ, nhưng đằng sau lá cờ của vùng tự trị này lại là một câu chuyện hào hùng và giàu ý nghĩa.

Bốn sọc màu đỏ trên lá cờ xứ Catalan là đại diện cho bốn ngón tay đẫm máu của Đức Vua Charles Bald. Tương truyền rằng vào cuối thế kỷ thứ 9, Bá tước Barcelona là Wilfred Hary đã tử nạn sau cuộc tấn công của một đội quân Hồi Giáo. Tấm khiên vàng của ông đã được Nhà Vua Charles Bald in lên bốn ngón tay đẫm máu như một lời tiễn biệt, hình ảnh này đến khoảng thế kỷ thứ 15 đã được công nhận là nguồn cảm hứng của lá cờ xứ Catalan.

Hình ảnh Bá Tước Charles Bald hi sinh anh dũng trong trận chiến cuối cùng của mình, chính là hình ảnh đại diện tổng thể cho tinh thần anh dũng, hào hiệp và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương của người dân xứ Catalan. Đối lập với hình tượng cao đẹp đó, chính là hành động gây chiến vô nghĩa chỉ để thoả mãn phần con ở bên trong đến từ đội quân phe Hồi Giáo. Tuy nhiên, sự tương phản này cũng góp phần làm tô điểm thêm nét đẹp tinh thần và truyền thống của Barcelona.

Cùng với hình ảnh cây thánh giá màu đỏ ở trên nền trắng, lá cờ màu vàng với bốn sọc đỏ đã xuất hiện ngay từ trên thiết kế logo Barca đầu tiên. Vào cuối năm 1899 cũng là thời điểm đội bóng nghiệp dư Barcelona vừa được thành lập, logo đầu tiên của câu lạc bộ cũng sớm được tạo hình và công bố. Đó là hình ảnh của 4 hình tam giác ghép lại để tạo thành một hình tứ giác đều, trong đó hai hình tam giác lấy hình ảnh thập tự giá màu đỏ, hai hình tam giác còn lại là hai nửa tách rời của lá cờ xứ Catalan.

Hình ảnh Nhà Vua Charles Bald bên cạnh Bá tước Wilfred Hary trong giờ phút cuối cùng (ảnh: Wikipedia).

Hình ảnh Nhà Vua Charles Bald bên cạnh Bá tước Wilfred Hary trong giờ phút cuối cùng (ảnh: Wikipedia).

Một ngày mùa xuân năm 1968, Chủ tịch thứ 32 của Barcelona là ông Narcis de Carreras đã chính thức ngồi vào ghế lãnh đạo đội bóng. Trong bài diễn văn ở buổi lễ nhậm chức, ông đã đưa ra một lời tuyên bố về đội bóng xứ Catalan mà cho đến mãi sau này, đây vẫn được xem như câu khẩu hiệu đi vào ngôi đền huyền thoại của Barcelona: “Més que un Club – Còn hơn cả một đội bóng.”

Còn hơn cả một đội bóng, ngụ ý rằng Barcelona không chỉ là đại diện cho thành phố về mặt thể thao. Đây còn là tập thể đại diện cho quan điểm chính trị, truyền thống giàu đẹp và lịch sử lâu đời của vùng tự trị Catalan. Vì thế không quá khó hiểu khi lá cờ đại diện cho vùng tự trị từ lâu đã xuất hiện trên thiết kế logo Barca. 

Hai màu xanh đỏ truyền thống xuất hiện trên logo Barca

Một chi tiết quen thuộc khác trên nhiều phiên bản logo Barca là hai nửa xanh đỏ phía bên dưới. Đây chính là hai màu sắc quen thuộc trên áo thi đấu của đội chủ sân Camp Nou. Vào năm 1899 khi Joan Gamper đang tìm kiếm thêm đối tác để thành lập đội bóng, ông vô tình gặp được hai anh em nhà Arthur Witty trong một buổi đấu tennis. Cả ba ban đầu muốn thành lập một đội bóng bầu dục và lấy sân cỏ của hai anh em làm sân nhà.

Nhưng mặt sân không phù hợp đã khiến kế hoạch này nhanh chóng đổ vỡ. Bộ ba nhanh chóng chuyển hướng sang thành lập câu lạc bộ bóng đá Barcelona và như một câu nói quen thuộc, phần còn lại đã thuộc về lịch sử. Ngay ở cuộc họp thứ hai sau ngày thành lập, tất cả thành viên đều đồng thuận chọn phong cách thời trang của anh em nhà Arthur Witty – những chiếc áo tay dài với hai màu xanh đỏ làm trang phục thi đấu của đội bóng, đồng thời chọn làm màu sắc truyền thống của câu lạc bộ Barca.

Anh em nhà Arthur Witty cùng với bộ trang phục thi đấu xuất phát từ phong cách thường ngày (ảnh: Graffiti on WordPress).

Anh em nhà Arthur Witty cùng với bộ trang phục thi đấu xuất phát từ phong cách thường ngày (ảnh: Graffiti on WordPress).

Từ đó đến nay, màu xanh dương và màu đỏ sẫm vẫn luôn xuất hiện trên áo thi đấu sân nhà cũng như thiết kế logo Barca. Tuỳ theo thiết kế của từng mùa giải mà trang phục thi đấu sẽ có chút khác biệt, tuy nhiên thiết kế logo Barca thì vẫn luôn nhất quán trong suốt nhiều thập kỷ đã qua. Vẫn luôn là ba sọc màu đỏ sẫm cùng với bốn sọc màu xanh dương, cùng với quả bóng da màu vàng truyền thống ở ngay bên trên.

Có một giả thuyết khác cho rằng hai màu xanh đỏ truyền thống được lấy cảm hứng từ màu áo của FC Basel – đội bóng Thuỵ Sĩ mà từng có thời gian Joan Gamper tham gia thử việc tại đây. Tuy nhiên giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ bởi cô Emma Gamper – cháu nội của Joan Gamper trong một buổi phỏng vấn. Cô cháu gái này đã khẳng định rằng, nguồn gốc màu áo truyền thống của Barcelona có xuất phát từ anh em nhà Arthur Witty là hoàn toàn chính xác. 

Logo Barca phiên bản bị cả thế giới quay lưng

Trải qua 8 lần thay đổi với nhiều phiên bản logo khác nhau, thiết kế logo Barca được giới thiệu hồi năm 2002 chính là thiết kế gần nhất được công nhận và sử dụng. Đồng thời cũng là thiết kế logo Barca quen thuộc nhất đối với giới mộ điệu và người hâm mộ túc cầu. Trên thực tế hồi năm 2018, có một thiết kế logo Barca mới đã được “nhá hàng.” Đây là phiên bản sở hữu hơi thở hiện đại, đường nét gãy gọn và tông màu cũng được làm mới lại hoàn toàn.

Phiên bản logo Barca năm 2018 đã bị từ chối sử dụng (ảnh: Underconsideration).

Phiên bản logo Barca năm 2018 đã bị từ chối sử dụng (ảnh: Underconsideration).

Đáng tiếc là dù tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn về kỹ thuật số, mang trên mình hình ảnh và phong cách vô cùng trẻ trung, nhưng cuối cùng thiết kế này đã bị từ chối sử dụng bởi chính ban lãnh đạo đội bóng. Phát triển trước truyền thông, Chủ tịch câu lạc bộ khi đó là ông Bartomeu đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi sẽ sớm loại bỏ phương án này và trình bày lại với hội đồng quản trị, để cùng nhau đưa đến giải pháp tốt hơn khi kết hợp sự trẻ trung, năng động với những giá trị truyền thống tốt đẹp.”

Thiết kế logo bị từ chối sử dụng không chỉ thay đổi tông màu và thiết kế quen thuộc, nó còn được loại bỏ ba chữ viết tắt FCB vốn làm nên hình ảnh giàu truyền thống của đội bóng. Đây là một bài học không chỉ đối với những nhà thiết kế hình ảnh thương hiệu và logo Barca, mà còn dành cho những nhà thiết kế đồ hoạ nói chung khi quyết định sẽ kết hợp tinh thần trẻ trung, năng động cùng với các giá trị truyền thống lâu đời.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Hy vọng rằng với bài chia sẻ đầy đủ và vô cùng chi tiết vừa rồi, tất cả các bạn sẽ có thêm nhiều tư liệu về thiết kế logo Barca nói riêng và một thời kỳ gian khó, thử thách nhưng cũng giàu ý nghĩa của bóng đá Tây Ban Nha nói chung. Để hiểu hơn về thế giới thương hiệu, củng cố kiến thức thiết kế thương hiệu & xây dựng hình ảnh thương hiệu hiệu quả, bạn đọc có thể kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:

Xin chân thành cảm ơn,
​​​

Những câu hỏi thường gặp

Lược sử hình thành câu lạc bộ Barcelona

Vào cuối thế kỷ thứ 19, chàng trai trẻ làm nghề kế toán Joan Gamper đang mang trong mình niềm đam mê bóng đá mãnh liệt. Sau nhiều lần nộp đơn xin gia nhập các đội bóng bán chuyên nhưng đều bị từ chối, anh chàng người Thuỵ Sĩ đã quyết định tự mình thành lập một đội bóng. Năm 1899 với sự tham gia của nhiều cầu thủ nghiệp dư đến từ Anh, Đức và Thuỵ Sĩ, một câu lạc bộ bóng đá đã được ra đời và là tiền thân của Barcelona ngày nay.

Ba chữ FCB trên logo Barca có ý nghĩa gì

Ngoại trừ thiết kế logo đầu tiên được giới thiệu hồi năm 1899, tất cả những phiên bản logo Barca sau này đều có chi tiết ba chữ FCB. Đây đơn giản là những chữ cái viết tắt của tên gọi đầy đủ Football Club Barcelona - một cái tên đã được quốc tế hoá bởi thành viên của đội đến từ nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. 

Chi tiết màu đỏ trắng trên logo Barca có ý nghĩa gì

Chi tiết thánh giá màu đỏ với nền màu trắng từ lâu đã xuất hiện trên logo Barca. Đây chính là biểu tượng năm xưa của những cuộc Thập Tự Chinh - diễn ra ở nhiều quốc gia Công Giáo trong giai đoạn từ thế kỷ 11 cho đến cuối thế kỷ 13. Các cuộc Thập Tự Chinh của nhiều nước châu Âu trong đó nổi lên có vùng đất Catalan thuộc Barcelona, nhằm giành lại sự kiểm soát của đạo Công Giáo trước sự bành trướng của nhiều quốc gia Hồi Giáo.

Đâu là nguồn cảm hứng tạo ra lá cờ của vùng tự trị Catalan

Bốn sọc màu đỏ trên lá cờ xứ Catalan là đại diện cho bốn ngón tay đẫm máu của Đức Vua Charles Bald. Tương truyền rằng vào cuối thế kỷ thứ 9, Bá tước Barcelona là Wilfred Hary đã tử nạn sau cuộc tấn công của một đội quân Hồi Giáo. Tấm khiên vàng của ông đã được Nhà Vua Charles Bald in lên bốn ngón tay đẫm máu như một lời tiễn biệt, hình ảnh này đến khoảng thế kỷ thứ 15 đã được công nhận là nguồn cảm hứng của lá cờ xứ Catalan.