Xóa học là quy trình chắt lọc kiến thức sẵn có và bổ sung thêm kiến thức hiện đại, nhằm chuẩn bị cho bộ não một tinh thần sẵn sàng cầu thị, đổi mới và phát triển.

xoá học

Alvin Toffler (October 4, 1928 – June 27, 2016)

Alvin Toffler – tác giả nổi tiếng người Mỹ và từng có thời gian đảm nhiệm chức Phó tổng biên tập của tạp chí Fortune đã nhận định: “Những người mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc hay biết viết, mà là những người không thể học, không chịu học và không bao giờ dám học lại.” 

Ở các quốc gia phương Tây phát triển, xóa học đã không còn là một khái niệm gì đó quá mới mẻ nữa. Tinh thần xóa học ẩn sâu bên trong con người của họ, văn hoá của họ và dĩ nhiên là trong đời sống thường ngày của họ. Như tại Mỹ, con người và đất nước này luôn tôn trọng việc một ai đó không ngừng thắc mắc, liên tục đặt câu hỏi dù phần lớn trong số đó đều vô cùng ngớ ngẩn.

Xóa học

Steve Jobs (1955 – 2011)

Đổi lại, những cá nhân và tập thể có đủ kiến thức hoặc kinh nghiệm chuyên môn đều không ngừng giải đáp, chia sẻ và lan tỏa tinh thần học hỏi đến tất cả mọi người xung quanh. Chính vì nét văn hoá đó mà bản thân mỗi người đều sẽ tự tin hơn, quyết đoán hơn trong việc chắt lọc và củng cố kiến thức. Cũng giống như một câu nói nổi tiếng đến từ Steve Jobs – huyền thoại của nhà Apple: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.”

Learn, Unlearn và Relearn – ba khái niệm đã liên tục được nhắc đến tại các quốc gia phát triển trong thời gian gần đây. Khi hầu hết mọi người đều đã bắt đầu quay lại với cuộc sống bình thường mới, tập làm quen với những kỹ năng, kinh nghiệm cũng như thao tác hoàn toàn mới trong công việc. 

Có người chưa một lần đứng trước đám đông và hầu như chưa từng lên tiếng trong các buổi họp, giờ đây lại phải thuyết trình qua Zoom, Facetime hay Google Meets trước tất cả lãnh đạo và đồng nghiệp. Cũng có người chưa từng làm qua các bản kế hoạch hay báo cáo cá nhân hằng tuần, giờ đây phải bắt đầu làm quen với chúng và nhất là qua màn hình máy tính khi tất cả đều đang làm việc từ xa.

Tất cả họ đang một lần nữa được nhìn thấy tầm quan trọng của “xóa học” trong đời sống thường ngày, cũng như tính cấp bách của việc không ngừng chắt lọc và bổ sung thêm những luồng kiến thức mới. Vậy còn ở Việt Nam chúng ta thì sao. Ngay tại một đất nước luôn tự hào về truyền thống “hiếu học” thì xóa học có phải là một bài toán mới, đang cần đi tìm câu trả lời chính xác nhất hay không?

Vì sao xóa học không phổ biến tại Việt Nam

Có một sự thật rằng tuy người dân Việt Nam vẫn luôn tự hào với truyền thống hiếu học của mình, thì xóa học vẫn chưa phải là một khái niệm quen thuộc đối với hầu hết tất cả chúng ta. Từ ngần ngại chấp nhận và tiếp thu một số luồng kiến thức mới, chúng ta nâng dần lên cấp độ “từ chối xóa học” theo chiều hướng tiêu cực qua thời gian.

Thậm chí trong một số giai đoạn và trường hợp cụ thể, xóa học còn bị đánh đồng với ngược đời, nổi loạn và đi ngược lại “truyền thống.” Nếu đọc đến đây và cho rằng Vũ có đôi chút khắt khe hoặc phần nào đó là quy chụp, thì những lý do làm hạn chế năng lực xóa học tại Việt Nam bên dưới sẽ giúp các bạn có được góc nhìn cởi mở và khách quan hơn.

Cơ chế nền giáo dục khuôn khổ

Giáo dục Việt Nam từ ngày đổi mới đã dần đánh mất đi những giá trị vốn có. Triết lý nhân bản lấy giáo dục con người làm trọng tâm dần bị xóa nhoà và thay đổi, bởi những phương pháp giáo dục đầu óc một cách đơn thuần đến mức tầm thường. Sự tầm thường đó dĩ nhiên không đến từ từng cá nhân, bởi rõ ràng giáo dục nước ta vẫn đang không ngừng sản sinh ra những nhân tài mang lại niềm tự hào cho dân tộc.

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 3

Hình ảnh các em học sinh trong buổi lễ khai giảng đầu năm. Ảnh: shutterstock

Sự tầm thường ở đây đến từ tư duy phản biện và năng lực xóa học của mỗi người. Học sinh đến trường với mục đích cơ bản nhất là để tiếp nhận kiến thức, nhưng đáng tiếc đó chỉ là luồng kiến thức có phần một chiều đến từ giáo viên, sách vở và những trang giáo án khô khốc. Vũ tất nhiên không đòi hỏi thế hệ học sinh phải được trao quyền hay thật sự có khả năng, giúp làm thay đổi những giá trị và kiến thức sẵn có của một nền giáo dục.

Tuy nhiên các bạn cần được hình thành tư duy cũng như năng lực phản biện, để không chỉ được quyền đặt câu hỏi và kiểm chứng lại lần nữa luồng kiến thức mà mình sắp tiếp nhận. Mà qua đó còn là cơ hội để rèn luyện thái độ và năng lực xóa học ở trong mỗi cá nhân khi trưởng thành. Để phản biện hay xóa học không còn bị đánh đồng với thái độ bất hợp tác, thiếu kỷ luật của các bạn học sinh sinh viên ở trên ghế nhà trường.

Cũng như suốt chiều dài lịch sử, con người tìm ra cách “thuần phục” ngọn lửa nhằm phục vụ cho những bữa ăn nấu chín của mình – thay vì tốn hàng giờ đồng hồ để sử dụng thịt sống như nhiều loài động vật khác. Răng hàm nhai ngắn lại và bằng phẳng hơn, đường ruột cũng được rút ngắn đáng kể và phần nào đó giúp chúng ta tập trung nhiều hơn vào năng lực khối óc – thứ vũ khí quan trọng làm nên vị thế của chủng người thời hiện đại.

Nhìn vào hình ảnh này, Vũ lo ngại rằng đến một thời điểm nào đó khi đã quá quen thuộc với cơ chế giáo dục khuôn khổ, thiếu tôn trọng sự sáng tạo và tư duy khác biệt. Thế hệ tương lai của đất nước sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Khi năng lực phản biện bị rút ngắn và “mai một” dần như những chiếc răng hàm nhai năm xưa, thì mưu cầu xóa học để cải thiện bản thân tốt hơn qua từng ngày cũng sớm bị phai nhoà theo năm tháng.

Hiểu sai về tầm quan trọng của địa vị, chức danh xã hội

Cơ chế giáo dục khuôn khổ lấy kiến thức phổ thông làm trọng tâm phát triển con người, không chỉ đẩy các bạn học sinh sinh viên đến bên bờ vực thẳm của mưu cầu xóa học, mà còn tạo ra nhiều hệ luỵ lên các thế hệ đi trước. 

Ở đó khi triết lý nhân bản trong giáo dục gần như bằng không, năng lực tiếp thu một chiều cộng với bằng cấp trở thành thước đo mới cho giá trị của một con người. Không quá khó hiểu khi chúng ta đang dần đi sai hướng, trong xác định tầm quan trọng của địa vị và các chức danh khác nhau trong xã hội. Con người không còn nhận thức rằng vị thế mà bản thân mình có được luôn gắn liền với vai trò, trách nhiệm của mỗi chúng ta với cộng đồng.

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 4

Hình ảnh khoá học “làm giàu” tại Việt Nam. nguồn ảnh: Báo pháp luật

Có một sự thật rằng khi năng lực của bạn càng tốt, địa vị ở trong xã hội của bạn càng cao, thì trách nhiệm của bản thân trong việc chia sẻ kiến thức và lan tỏa nguồn cảm hứng tích cực đến mọi người càng lớn. Trong trường hợp bất cứ ai trong số chúng ta đều mang trong mình kiểu nhận thức đó, dĩ nhiên xóa học chính là con đường độc đạo mà tất cả mọi người đều cần theo đuổi.

Cũng như đội ngũ của Vũ trên chặng đường chia sẻ đến cộng đồng khối kiến thức rộng lớn, về thiết kế hình ảnh thương hiệu nói riêng và xây dựng sức mạnh thương hiệu nói chung. Chúng tôi luôn không ngừng tiếp nhận, học hỏi và cập nhật liên tục những luồng kiến thức uy tín mới nhất. Không bao giờ hài lòng với những gì mình đã có được, cũng không bao giờ tự nhận là chuyên gia để rồi tự hạn chế năng lực cải thiện của bản thân. 

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 5

Hình ảnh báo Người lao động về thực trạng làm bằng giả tại Việt Nam, nguồn: Người Lao Động.

Trái với nhận thức hướng đến sự sẻ chia đó, thực tế hiện nay phần lớn mọi người đều đang định hướng sai lệch về vai trò của vị thế con người ở trong xã hội. Nền giáo dục hướng đến mục tiêu sau cùng là bằng cấp, đã tạo ra những cá nhân xem địa vị của bản thân là con đường ngắn nhất để thu lại nhiều lợi ích cá nhân – cả về giá trị tiền của lẫn giá trị hình ảnh.

Từ những giáo viên mầm non liên tục bị tố cáo về hành vi sử dụng vũ lực với trẻ em, cho đến những vị lãnh đạo doanh nghiệp không ngừng sa chân vào những đại án nghìn tỷ. Tiền bạc và danh vọng trở thành cái ngọn của địa vị, trong khi ở chiều ngược lại địa vị và chức danh xã hội không đủ sức trở thành gốc rễ nhằm định hình tư cách đạo đức con người.

Khi đó, xóa học tất nhiên không bao giờ có cơ hội chen chân vào nhận thức của những cá nhân như thế. Vì sẻ chia và cùng nhau gánh vác trách nhiệm cộng đồng đã không còn là mục tiêu sau cùng, thì ý nghĩa của củng cố và không ngừng cập nhật kiến thức mới đối với họ mà nói, chỉ là những con số không tròn trĩnh.

Con người ngày càng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình

Sự phát triển như vũ bão của các công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội mới, cũng đã ảnh hưởng một phần không nhỏ đến năng lực và mưu cầu xóa học trong cộng đồng người dân. Nhiều người giờ đây không còn muốn đầu tư vào những sản phẩm thông tin, nội dung hay tư liệu đời sống chất lượng nữa. Mà thay vào đó, họ ưu tiên hướng đến chỉ tiêu về số lượng và tốc độ nhiều hơn.

Trường hợp của các kênh “Youtube nhảm” hay blogger đánh giá thiếu uy tín, hoặc gần đây nhất là sự việc một nhà báo có thâm niên trong nghề. Khi chia sẻ luồng tin thiếu căn cứ khoa học về một bác sĩ “hi sinh” máy thở của cha mẹ, để nhường cho một sản phụ đang trong tình thế cấp bách vì phải mang song thai. Tất cả đều chỉ là một phần tử nhỏ, để hiện thân cho cả một thế hệ chỉ biết chạy theo sự ủng hộ thiển cận đến từ số đông.

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 8

Trước thực trạng nhiều kênh youtube với nội dung độc xuất hiện, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phải lên tiếng. Nguồn bài viết: baotnvn.vn

Nhìn rộng hơn, hàng tỷ đồng tiền phạt đã được ghi nhận về những trường hợp chia sẻ thông tin sai lệch về đại dịch Covid 19. Hoặc nhìn vào những bài viết thể thao trên các trang báo mạng, không khó để tìm ra một hoặc vô số ứng viên sáng giá ngồi vào chiếc ghế “huấn luyện viên online.” Người ta dường như đang ngày một dễ dãi hơn, chiều chuộng hơn việc bản thân đưa ra những nhận định vô căn cứ ở trên các phương tiện truyền thông.

Khi con người ngày càng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình, luôn tìm cách để đưa ra những nhận định cá nhân hay kiến thức “chuyên ngành” với tốc độ lớn nhất, thì dĩ nhiên độ chính xác trong từng câu chữ cũng tỉ lệ nghịch theo. Bởi những gì mà họ phát ngôn hay chia sẻ rộng khắp chẳng những thiếu căn cứ, mà còn chưa được hoặc nói đúng hơn là chưa kịp kiểm chứng, trước khi xuất hiện một cách dày đặc ở trên cộng đồng mạng.

Và cũng giống như cơ chế giáo dục khuôn khổ, tạo ra những cá thể đang ngày càng bị mai một về năng lực phản biện hay mưu cầu xóa học. Thói quen chia sẻ thông tin sai lệch với tốc độ và tần suất ngày càng cao, cũng sẽ dần khiến cho khái niệm xóa học bị phai mờ trong nhịp sống thường ngày – bởi thiếu đi sự hiện diện của tinh thần cầu thị, cùng với mong muốn liên tục kiểm tra lại năng lực tiếp nhận và phân tích kiến thức của bản thân.

Giải pháp làm quen và tập xây dựng thói quen xóa học

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 7

Robert Breault, nguồn ảnh: robertbreault.com

Robert Breault – nghệ sĩ độc tấu Opera có sức ảnh hưởng hàng đầu tại Hoa Kỳ từng chia sẻ rằng: “Có một thứ cũng quan trọng không kém so với việc học tiếp những điều mới mẻ, đó chính là học lại những gì đã cũ.” Trong khuôn khổ của bài chia sẻ lần này, Vũ muốn gửi đến tất cả mọi người nhóm ba giải pháp đơn giản, thiết thực và hiệu quả nhất – để làm quen và xa hơn nữa là tập xây dựng thói quen xóa học tích cực.

Đừng sợ bản thân trở thành “trò hề” trong mắt người khác

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 9

Nguồn ảnh: theagileelephant.com

Nếu có thêm một yếu tố khác bên cạnh cơ chế giáo dục khuôn khổ, làm hạn chế năng lực sáng tạo của các bạn học sinh sinh viên, thì đó là những bài kiểm tra mà vạch đích dành cho người chiến thắng chính là điểm số. Thay vì phát hiện ra những ý tưởng độc đáo, những góc nhìn mới lạ về từng sự vật hay hiện tượng đến từ các bạn học sinh sinh viên, ám ảnh điểm số ép buộc các bạn làm quen dần với khối kiến thức nặng tính đường lối.

Nhận điểm kém trong những bài kiểm tra sẽ đi kèm với ánh mắt dè bỉu đến từ bạn bè và thầy cô, hay thậm chí việc đặt nghi vấn cho những gì đang được học tại lớp cũng khiến cá nhân trở thành “trung tâm” theo chiều hướng tiêu cực. Tất cả hình thành nên một cá thể không chỉ hoà hợp mà còn hoà tan luôn vào trong một tập thể to lớn.

Vì thế để bước đầu làm quen với khái niệm xóa học, mỗi người cần bỏ qua nỗi lo trở thành “trò hề” trong mắt người xung quanh. Đừng tự ti vì những gì mình từng được học, hay những kiến thức mà mình từng biết lại mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra ở bên ngoài cuộc sống. Ngược lại, hãy tự tin “xóa học” vì đó mới là cơ hội để bạn khai phá nốt những giá trị còn tiềm tàng nằm sâu trong bản ngã của mình.

Thành công là khi bạn không bao giờ tự đặt ra giới hạn

Marshall Goldsmith – được biết đến là một doanh nhân và nhà huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ. Ông còn nổi tiếng khi tự mình chấp bút cho quyển sách Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai (tựa tiếng Anh What got you here won’t get you there). Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, ông đã chỉ ra 20 yếu tố làm cản bước nhà lãnh đạo đi đến thành công thông qua tư duy khác biệt.

Thế kỷ 20 ghi nhận hàng triệu tên tuổi lỗi lạc về kinh doanh nói chung và lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng, nhưng rất ít người trong số họ thật sự bước lên được đẳng cấp cao nhất về quản trị doanh nghiệp. Khi nói đến những người tạo ra tác động tích cực của mình đến nhận thức của cộng đồng xung quanh, bằng cách không ngừng cải thiện kiến thức và mạnh dạn “xóa học” thì thậm chí con số còn thấp hơn như vậy gấp nhiều lần.

Sự thật là phần lớn những nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở thì hiện tại, đang đặt quá nhiều niềm tin và cả trách nhiệm vào tay đội ngũ hỗ trợ trực tiếp phía sau lưng. Kết quả là nhiều giám đốc điều hành đang dần quen với việc ẩn náu vào trong lớp vỏ bọc an toàn, không nhìn thấu rõ những vấn đề đang diễn tiến âm thầm – ở sâu thẳm trong cả nguồn nhân lực doanh nghiệp lẫn các đối tác hay đối thủ cạnh tranh của công ty.

Để thay đổi và ngay lập tức khắc phục hiện trạng này, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần mạnh dạn xóa học và bứt khỏi vùng an toàn để tiếp cận ngày một thường xuyên hơn, với những luồng kiến thức mới và thông tin hữu ích giúp tạo dựng giá trị trực tiếp cho công ty. Một số câu hỏi mà người đứng đầu doanh nghiệp cần phải đặt ra chẳng hạn như:

Những kỹ năng nào còn thiếu để bản thân tiếp tục tiến xa hơn nữa?

Có vấn đề gì trong việc tiếp cận và giao tiếp với đội ngũ nhân viên hay không?

Bản thân đã thật sự tỉnh táo và mạnh dạn trước những cơ hội lớn hay chưa?

Khách hàng mục tiêu thay đổi nhận thức và nhu cầu từng ngày ra sao?

Thương hiệu đang làm gì để truyền đạt giá trị tích cực của mình đến cộng đồng?

Hãy dễ chịu hơn khi buộc phải thay đổi và xóa học

“Tại sao tôi phải thay đổi khi mọi thứ đã luôn diễn biến như thế trong suốt thời gian đã qua.” Đây là một quan điểm vô cùng lạc hậu mà Vũ từng có dịp nhận thấy ở không ít những người xung quanh. 

Đây chính là dạng tư duy kiểu “Trứng mà đòi khôn hơn vịt” hay “Cá không ăn muối cá ươn.” Chúng ta đều đang mặc định rằng những gì mà thế hệ đi trước đã đúc kết và sử dụng làm công cụ giáo dục con trẻ, thì chúng luôn luôn đúng và có quyền nằm lại sâu bên trong tầng nhận thức của mỗi cá nhân. Dẫn đến hệ luỵ con người ngại ngùng, mệt mỏi đến mức khó chịu khi cần thay đổi hoặc bị ai đó ép buộc phải thay đổi.

Tư duy này còn đến từ nguyên do sâu xa khác mà Vũ cho rằng cũng không kém phần quan trọng. Đó chính là một giai đoạn đất nước chìm trong khó khăn, người dân Việt Nam phải sống trong những ngày tháng sau giải phóng vô cùng thiếu thốn về vật chất. 

Khi mà cái ăn cái mặc đã liên tục trở thành mục tiêu tối thượng trong suốt nhiều ngày, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Hai chữ an toàn cũng dần định hình và trở thành triết lý sống kinh điển của hàng triệu gia đình Việt. Người ta muốn tìm kiếm sự an toàn trong đời sống vật lộn với cơm áo gạo tiền, người ta tìm kiếm sự an toàn trong học vấn đỗ đạt cũng chỉ mong sớm có được sự nghiệp ổn định hơn.

Để giờ đây khi đứng trước những cơ hội vàng nhằm xóa học và cải thiện năng lực, không ít người cảm thấy khó chịu và ức chế tâm lý bởi nỗi ám ảnh an toàn năm xưa chưa hề phai nhạt. Chính vì những lý do đó, người muốn làm quen và tập xây dựng thói quen xóa học tích cực, trước tiên cần phải loại bỏ sự khó chịu đến từ bản ngã của chính mình – khi buộc phải thay đổi và tiếp nhận thêm những kiến thức hay kỹ năng đời sống mới mẻ.

Case study – Coorpacademy

xoa hoc la gi va 3 giai phap thay doi nang luc xoa hoc 10

Giao diện website: www.coorpacademy.com

Coorpacademy là một tổ chức được ra đời bởi đội ngũ đồng sáng lập yêu công nghệ, tham vọng ứng dụng công nghệ để định nghĩa lại khái niệm E-learning vốn đã dần trở nên cũ kĩ. Trong một buổi phỏng vấn với Forbes, ông Jean-Marc Tassetto – Co.Founder và CEO của Coorpacademy đã tiết lộ một số định hướng trong tương lai của công ty, gắn liền với xóa học và chuyển đổi số trong dạy và học trực tuyến.

Sau thành công của việc ứng dụng mô hình Escape Game – một xu hướng trò chơi nhập vai đã và đang khuấy đảo giới trẻ châu Á suốt thời gian qua, Coorpacademy tiếp tục ấp ủ cho một dự án hoàn toàn mới với tên gọi Suspects. Nhận thấy nhu cầu xem phim của hàng triệu gia đình trên toàn thế giới đã thay đổi, trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19.

Ông Jean-Marc Tassetto đã cùng với các cộng sự của mình, cho ra đời một hệ thống dạy và học mới kết hợp với hoạt động xem phim tại nhà. Suspects đặt người tham gia khóa học vào vai của một điều tra viên, đảm nhận trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ và đồng thời lấy lời khai của các nghi phạm.

Bằng các kỹ năng đã học được thông qua các khoá học lý thuyết trước đó, học viên cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp lắng nghe, phương pháp thuyết phục và kỹ năng chinh phục cảm xúc người đối diện. Đó chính là nhóm nền tảng chìa khoá để mở ra kết quả tích cực khi hóa thân thành một điều tra viên thực thụ.

Ông Jean-Marc Tassetto cho biết: “Tham vọng của chúng tôi là không ngừng xóa học và cải thiện mức độ thu hút của từng khóa học, bằng cách kết hợp giữa học tập và giải trí, nhất là khi thế giới đang phải hứng chịu những tác động không mấy tích cực từ đại dịch. Phương pháp của chúng tôi đang làm chính là cách tốt nhất để thu hút thêm nhiều học viên, đề ra đường lối mới tích cực hơn để tái định nghĩa khái niệm E-Learning.”

Lời kết

Xóa học không phải là vứt bỏ lạnh lùng những giá trị của kiến thức sẵn có, mà là hệ thống lại những kiến thức cũ nhằm mở ra cơ hội tiếp cận luồng kiến thức mới một cách bài bản, khoa học và nhân văn hơn. Giáo viên và lãnh đạo của ngành giáo dục có thể tái cơ cấu lại phương pháp dạy và học, lãnh đạo doanh nghiệp có thêm cơ hội để hiểu hơn về đối tác, đối thủ cũng như nhóm khách hàng mục tiêu của công ty.

Nhìn xa hơn, xóa học chính là bàn đạp đưa đất nước, xã hội và cộng đồng đi lên dựa trên nền tảng của kiến thức. Một khi bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều sẵn sàng bỏ qua bản ngã của mình, tiếp cận và cập nhật kiến thức mới bằng một thái độ cũng như góc nhìn tích cực. Khi đó mọi giới hạn về địa vị, của cải hay lĩnh vực hoạt động cũng dần bị xóa nhoà.

Thay vào đó, củng cố kiến thức cho bản thân và đồng thời sẻ chia những kiến thức bổ ích đến khắp tất cả mọi người, mới chính là triết lý sống mà bất cứ cá nhân hay tập thể nào cũng muốn theo đuổi. Cũng như đội ngũ của Vũ khi quyết định gửi đến tất cả các bạn những bài chia sẻ như thế này, đó đều là nỗ lực và tâm huyết lớn lao của một tập thể mà không hề có chút toan tính nào về doanh thu hay lợi nhuận.

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Xóa học là gì?

Xóa học là quy trình chắt lọc kiến thức sẵn có và bổ sung thêm kiến thức hiện đại, nhằm chuẩn bị cho bộ não một tinh thần sẵn sàng cầu thị, đổi mới và phát triển.

Vì sao xóa học không phổ biến tại Việt Nam?

- Cơ chế nền giáo dục khuôn khổ
- Hiểu sai về tầm quan trọng của địa vị, chức danh xã hội
- Con người ngày càng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình

Giải pháp xoá học?

- Đừng sợ bản thân trở thành “trò hề" trong mắt người khác

- Thành công là khi bạn không bao giờ tự đặt ra giới hạn
- Hãy dễ chịu hơn khi buộc phải thay đổi và xóa học

Learn, Unlearn và Relearn là gì?

Ba khái niệm đã liên tục được nhắc đến tại các quốc gia phát triển trong thời gian gần đây. Khi hầu hết mọi người đều đã bắt đầu quay lại với cuộc sống bình thường mới, tập làm quen với những kỹ năng, kinh nghiệm cũng như thao tác hoàn toàn mới trong công việc. 

Tầm quan trọng của xoá học?

Xóa học chính là bàn đạp đưa đất nước, xã hội và cộng đồng đi lên dựa trên nền tảng của kiến thức. Một khi bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều sẵn sàng bỏ qua bản ngã của mình, tiếp cận và cập nhật kiến thức mới bằng một thái độ cũng như góc nhìn tích cực. Khi đó mọi giới hạn về địa vị, của cải hay lĩnh vực hoạt động cũng dần bị xóa nhoà.