Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là một trong những cuốn sách gối đầu giường phổ biến nhất từ Đông sang Tây ở thế kỷ 21.
Sách về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ có khá nhiều phiên bản và đầu bút khác nhau viết ra, từ cuốn Chủ Nghĩa Khắc Kỷ – Nuôi dưỡng sự tích cực của Matthew J. Van Natta cho đến cuốn Khắc Kỷ – Từ Zeno đến Marcus Aurelius của Ryan Holiday và Stephen Hanselman. Thậm chí nhà xuất bản nổi tiếng First News cũng từng dịch lại cuốn sách nói về Khắc Kỷ của tác giả Donald Robertson.
Tuy nhiên cuốn sách nổi tiếng và bán chạy nhất viết về Khắc Kỷ chính là Chủ Nghĩa Khắc Kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản của tác giả William B. Irvine, người bắt đầu tiếp xúc với chủ nghĩa khắc kỷ ở độ tuổi ngoài 40. Cảm hứng lớn để ông bắt đầu tác phẩm này cũng đến từ một cuốn sách khác – A Man In Full của Tom Wolfe xuất bản năm 1998.
Nói đúng hơn thì William B. Irvine có sở thích tìm hiểu về lòng ham muốn của con người, xem xét và phân tích góc nhìn của các tôn giáo phổ biến như Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo hay đặc biệt là Phật giáo khi bàn về ham muốn. Ông cũng thừa nhận mình là người mến mộ Thiền tông (Phật giáo) và nhận ra nhiều điểm chung giữa thiền tông với khắc kỷ.
Chẳng hạn như cả hai đều nhấn mạnh vai trò của việc làm chủ ham muốn, trong một giới hạn cho phép. Hoặc đều hướng con người theo đuổi sự bình thản của tâm hồn mình, định nghĩa rồi hướng dẫn giải pháp để duy trì trạng thái bình thản cao quý.
Tuy nhiên khắc kỷ có lẽ phù hợp hơn với người ưa phân tích như William B. Irvine, nên cuối cùng ông chọn đi sâu vào nghiên cứu chủ nghĩa khắc kỷ – thay vì phấn đấu trở thành một thiền sư. Đó cũng là hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Chủ Nghĩa Khắc Kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản.
Trong bài tổng hợp lần này, Vũ muốn trích dẫn và gửi đến các bạn những chi tiết, lời nói cùng câu từ đáng nhớ nhất của tác phẩm. Tất nhiên chỉ đọc qua chừng đó thì không thể phản ánh toàn bộ nội dung cuốn sách, nhưng cũng giúp các bạn phần nào cảm nhận được tinh thần và giá trị của khắc kỷ trong giới hạn thời gian cho phép – điều mà Vũ tin rằng chính tác giả William B. Irvine cũng muốn độc giả của ông hướng đến.
Ngay bên dưới sẽ là nội dung chi tiết, lưu ý rằng hầu hết đều là nội dung được trích dẫn từ sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản. Không xuất hiện suy nghĩ hay quan điểm cá nhân để bảo toàn ý nghĩa cùng với sự minh bạch trong việc trích dẫn, củng cố luận điểm quan trọng của tác giả sách.
Nội dung giới thiệu về chủ nghĩa khắc kỷ
Khắc kỷ là một triết lý nhưng chứa đựng nhiều hàm ý thiên hướng cảm xúc, bởi vậy các nhà khắc kỷ luôn cho rằng các cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, tức giận hay lo âu không giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về bản chất, các nhà khắc kỷ liên tục sử dụng những kỹ thuật cảm xúc để ngăn chặn sự xuất hiện của cảm xúc tiêu cực, hoặc cố gắng triệt tiêu mất khi chúng đã xuất hiện. Khắc kỷ không phải là loại bỏ cảm xúc khỏi đời sống, mà chỉ loại bỏ các cảm xúc tiêu cực.
Nhà khắc kỷ Epicurus cho rằng: “Thuốc thang sẽ vô dụng nếu không loại trừ được bệnh tật, triết học cũng trở nên vô dụng nếu không loại trừ được khổ đau trong tâm trí.” Cách hiệu quả nhất để khắc chế bản thân muốn nhiều thứ hơn nữa đó là thuyết phục bản thân muốn những gì có sẵn.
Khắc kỷ và Thiền tông có nhiều nét tương đồng, điển hình là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiêm nghiệm bản chất thật sự cuộc sống xung quanh, cùng với làm chủ ham muốn trong phạm vi cho phép.
Tác giả chia sẻ thêm: “Đồng nghiệp của tôi thường nghiên cứu về lý thuyết, trong khi tôi muốn áp dụng triết lý này vào cuộc sống của mình. Tôi cho rằng các triết gia ngày xưa sẽ khuyến khích cả hai hướng này, nhưng họ sẽ công nhận mục đích tìm hiểu triết lý này là để áp dụng nó vào thực tiễn.”
Dưới sự cai quản của một thể chế nhà nước chuyên quyền như Ba Tư cổ đại, khả năng đọc viết và làm toán rất được coi trọng trong khi năng lực thuyết phục người khác thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên ở Hy Lạp và La Mã, sự phát triển của chế độ dân chủ đồng nghĩa những người có khả năng thuyết phục người khác dễ thành công hơn trong sự nghiệp.
Vì vậy các bậc phụ huynh giàu có ở đây luôn tìm kiếm những người thầy giúp con mình phát triển khả năng thuyết phục, chẳng hạn như những nhà luận biện hay các triết gia – vốn luôn tìm cách chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Ví dụ Aristotle được Vua Philip của Macedonia mời về kèm cặp Alexander – người sau này trở thành Alexander Đại Đế danh tiếng.
Ngày nay, hiếm có sinh viên nào theo đuổi triết học ở trường đại học vì thật sự muốn có một triết lý sống, mà họ cố học chỉ vì giáo sư đe doạ rằng không học thì không được tốt nghiệp.
Những giảng viên và trường học đào tạo triết lý sống rơi vào thoái trào, con người giờ đây có xu hướng tìm đến các tôn giáo thường xuyên hơn. Nhưng không nhiều tôn giáo sở hữu triết lý sống quá rõ ràng, càng không đề cập đến những điều phải làm giúp con người có cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Những người đại diện cho tôn giáo chẳng có lỗi gì nếu tín đồ của họ làm việc cật lực để mua xe sang hay nhà biệt thự, miễn là không làm gì phi pháp. Cũng vậy nếu tín đồ từ bỏ khao khát sở hữu xe sang hay nhà biệt thự, để sống trong một túp lều nhỏ và đi bộ hay chạy xe đạp.
Những người theo Công giáo, Do Thái giáo và Giáo phái Baptist có thể khác nhau trong lúc đi nhà thờ, nhưng bên ngoài nhà thờ họ lại đang làm những công việc giống nhau, có tham vọng nghề nghiệp giống nhau. Họ cũng sống trong những ngôi nhà tương đối giống nhau, đồ nội thất giống nhau và cùng thèm khát những sản phẩm tiêu dùng thịnh hành.
Các triết gia nổi tiếng của chủ nghĩa khắc kỷ nói gì?
Tác giả nhận định rằng khắc kỷ có 3 thành phần chính là Đạo đức, lô gíc và tính vật lý. Nếu chủ nghĩa khắc kỷ là một cánh đồng màu mỡ, thì đạo đức sẽ là cây trồng, lô gíc là hàng rào và tính vật lý là đất đai. Đây là cách nhìn làm sáng tỏ vai trò trung tâm của Đạo đức trong chủ nghĩa khắc kỷ, nếu bạn không muốn có mùa màng bội thu thì chẳng cần bận tâm đến đất đai hay hàng rào làm gì cả.
Lấy ví dụ: người khắc kỷ sẽ uống rượu nhưng không uống để say. Trạng thái này cực kỳ hiếm gặp trong đời sống thường nhật, nhưng không thành vấn đề với những nhà khắc kỷ.
Nếu nói với một người nào đó rằng bạn muốn chia sẻ một chiến lược cổ xưa để đạt được đức hạnh, họ có thể sẽ rất ngao ngán. Nhưng nếu nói với người đó rằng bạn muốn chia sẻ một chiến lược cổ xưa để đạt được sự bình thản, họ có thể sẽ rất hứng thú. Thông thường, con người dễ tin tưởng hơn vào giá trị của sự bình thản.
Triết gia Diogenes cho rằng: “Con người thật điên rồ nếu chọn lối sống khổ sở trong khi có đầy đủ quyền năng để sống hạnh phúc, chỉ những người xấu tuân theo những ham muốn của họ mới giống như tôi tớ tuân lệnh chủ nhân, và do không kiểm soát được ham muốn của mình nên họ không bao giờ thấy thoả mãn.”
Trong khi đó, trường phái của Zeno tin rằng: “Các nhà khắc kỷ tận hưởng bất cứ thứ gì tốt đẹp đến với họ, đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần để từ bỏ hoặc mất đi chúng.”
Các nhà khắc kỷ có một nhận định chung: “Hoàn toàn có những người kiếm nhiều tiền nhưng cuộc sống của họ rất tệ, chẳng hạn người đó căm ghét cái công việc hưởng lương cao của mình, hoặc công việc đó tạo ra nhiều mâu thuẫn ngay trong bản thân người đó, vì nó ép họ phải làm những việc họ hiểu là sai trái.”
Điểm chung giữa Khắc Kỷ và Phật Giáo: đều là mục tiêu để hướng đến, dù có thể sẽ không đạt được – cũng như nhiều Phật Tử không mong cầu giác ngộ như Đức Phật, nhưng hiểu rằng việc chiêm nghiệm Phật Giáo vẫn giúp họ đạt đến một mức độ nào đó của giác ngộ.
Chủ nghĩa khắc kỷ thời La Mã
Chủ nghĩa khắc kỷ được kế thừa bởi nhiều thế hệ triết gia Hy Lạp như Cleanthes, Chrysippus, Panaetius,…trước khi du nhập vào Rome khoảng năm 140 TCN.
Vị tướng nổi tiếng Scipio Africanus và nhiều quý ông La Mã khác dần quan tâm đến chủ nghĩa khắc kỷ, họ cũng nhanh chóng tiếp nhận và điều chỉnh học thuyết này để phù hợp với nhu cầu của mình.
Các nhà khắc kỷ nổi tiếng nhất La Mã cũng là những người mà ngày nay ta có thể học hỏi nhiều nhất từ họ, gồm có Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius.
Senecca sinh ra khoảng năm thứ Tư TCN, là một trong những người viết nhiều nhất về chủ nghĩa khắc kỷ ở Tây Ban Nha. Khi Nero lên ngôi Hoàng Đế, Seneca được thăng chức làm cố vấn và đóng vai trò kiểm soát xu hướng tàn bạo của Nero.
Giai đoạn đầu ông trở nên giàu có, nhưng phải đối mặt với cáo buộc của những kẻ chống đối cho rằng Seneca đang đi ngược lại chủ nghĩa khắc kỷ, có người còn khẳng định ông là kẻ đạo đức giả.
Mối quan hệ không mấy tốt đẹp này ảnh hưởng đến Seneca kể cả khi ông đã rời chính trường, các cố vấn thay thế thuyết phục Nero rằng Seneca dính líu đến nhiều âm mưu tạo phản. Năm thứ 65, Hoàng đế Nero xử Seneca tội chết.
Ở buổi hành quyết, những người bạn thân thiết khóc thương cho Seneca, nhưng bị ông chất vấn rằng “triết lý khắc kỷ của các người đâu hết rồi.” Nói xong, ông ôm vợ lần cuối rồi tự mình cắt các động mạch trên cánh tay, nhưng sự suy nhược của tuổi già khiến ông mất máu chậm. Tiếp đó ông tự cắt thêm các động mạch ở chân và đầu gối, uống thuốc độc của một người bạn mang đến nhưng vẫn chưa chết ngay.
Cuối cùng, ông yêu cầu người ta đặt mình vào một bồn tắm hơi – nơi ông dần chết ngạt rồi trút hơi thở cuối cùng.
Trong khi đó, Musonius Rufus và Epictetus là những nhà khắc kỷ La Mã có mối quan hệ thầy trò. Musonius Rufus là người ít nổi tiếng nhất trong số 4 cái tên kể trên, vì ông không quá mặn mà trong việc ghi chép lại những trải nghiệm của mình với chủ nghĩa khắc kỷ.
May mắn thay, ông lại đào tạo thành công rất nhiều học trò nổi tiếng và một trong những cái tên tiêu biểu là Epictetus.
Sau này Epictetus luôn yêu cầu học trò của mình 2 điều kiện: mong muốn gặt hái lợi ích từ triết học, và hiểu rõ nhiệm vụ của triết học trong đời sống. Epictetus không thích giảng dạy triết lý theo hướng một chiều, ông muốn học trò có thể tự liên hệ lời giảng của ông với chính bản thân họ.
Epictetus cho rằng một ngôi trường khắc kỷ phải giống như phòng tư vấn của thầy thuốc và khi ra về, người bệnh phải cảm thấy tồi tệ chứ không phải dễ chịu hơn. Vì bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi cũng chỉ làm người bệnh cảm thấy khó chịu.
Epictetus nhận định thần Zeus tạo ra chúng ta khác với những loài vật ở một khía cạnh quan trọng: chúng ta có lý trí, giống như các vị thần. Do đó, chúng ta là một sinh vật lai hiếu kỳ, nửa thú và nửa thần. Epictetus tưởng tượng rằng nếu có cơ hội, thần Zeus sẽ nói với ông như sau khi hai người trò chuyện:
Nếu có thể thì ta đã làm cho ngươi được tự do và thoát khỏi kìm kẹp của cơ thể trần tục. Nhưng vì không thể, nên ta ban cho ngươi một phần của chính ta, đó là khả năng chọn lựa và từ chối, khả năng khao khát và ghét bỏ.
Nói cách khác, ông sẽ giữ được sự bình thản của mình trong khi vẫn cảm thấy vui vẻ, bất chấp những tai hoạ có thể giáng xuống chính ông bất cứ lúc nào.
Ở một đoạn khác Epictetus mô tả thần Zeus như huấn luyện viên thể thao, luôn chỉ định bạn phải thách đấu với một thanh niên vạm vỡ – để khiến bạn mạnh mẽ và không ngừng rắn rỏi hơn, để sớm chạm đến đẳng cấp của một “nhà vô địch Olympic.”
Nên nhớ rằng Seneca cũng từng lập luận tương tự, ông nói Thượng Đế không muốn biến chúng ta thành con vật nuôi hư hỏng, thay vào đó sẽ thử thách và tôi luyện ta từng ngày, để giúp ta luôn sẵn sàng cho nghĩa vụ của mình.
Bạn hoàn toàn có thể thực hành chủ nghĩa khắc kỷ để đạt được sự bình thản – mà không cần tin vào Zeus hay các đấng sáng tạo. “Hãy bắt đầu ngày mới bằng cách tự nhủ: hôm nay tôi sẽ gặp những kẻ phiền phức, vô ơn, ác tâm và ích kỷ – bọn họ như thế bởi vì họ không biết cái gì là tốt, cái gì là xấu.”
Những lời trên không trích dẫn từ một người xuất thân nô lệ như Epictetus – người mà ta nghĩ sẽ hay gặp phải những kẻ phiền phức và ác tâm, mà là câu nói của người quyền lực nhất thế giới ở thời điểm đó – Hoàng Đế La Mã Marcus Aurelius.
Marcus Aurelius là người chúng ta nghe danh nhiều hơn bất cứ triết gia khắc kỷ nào khác. Ông sinh năm 121 và dành sự quan tâm cho triết học từ sớm. Một nhân vật có ảnh hưởng quan trọng đến Marcus là Quintus Rusticus – người cho Marcus mượn cuốn sách Discourses của Epictetus. Sau này Epictetus cũng trở thành nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến Marcus.
Giống như Epictetus, Marcus quan tâm nhiều đến khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa khắc kỷ – hơn là lô gíc và tính vật lý của nó. Ông là vị hoàng đế La Mã xuất chúng, trước hết ông hạn chế tối đa việc sử dụng quyền lực. Chưa một vị hoàng đế nào thể hiện sự kính trọng với viện nguyên lão nhiều như Marcus.
Marcus luôn xin phép viện nguyên lão trong chuyện chi tiêu, dù thực tế ông không cần làm như vậy. Trong một bài diễn văn, Marcus nhắc lại rằng cung điện nơi ông đang sống không phải của ông, mà là của họ. Thay vì tăng thuế để lấy kinh phí phục vụ cho chiến tranh, Marcus chọn bán đi các tài sản có giá trị của hoàng cung như tượng, tranh, trang sức hay quần áo đắt tiền.
Marcus Aurelius là hoàng đế cuối cùng trong Năm bậc minh quân, trị vì từ năm 96 đến năm 180 để mang lại thời kỳ lịch sử nơi điều kiện sống hạnh phúc và thịnh vượng nhất. Marcus là ví dụ hiếm hoi về một vị vua triết gia, và có lẽ là ví dụ duy nhất về một triết gia mà thần dân muốn tôn lên làm vua.
Nhà sử học La Mã Cassius Dio đã tóm tắt hoàn cảnh của Marcus như sau: “Ông không có được vận may tương xứng bởi ông không có cơ thể khoẻ mạnh, gặp vô số khó khăn trong thời gian trị vì. Nhưng chính vì vậy tôi càng ngưỡng mộ ông hơn, giữa những khó khăn dị thường, ông vẫn vượt qua và duy trì được đế chế.”
Năm 180 Marcus lâm trọng bệnh, ông từ chối ăn uống vì muốn nhanh chóng ra đi. Ông mất ngày 17/3 năm đó, gây ra nỗi thương xót sâu sắc trong lòng thần dân và nhất là binh lính của ông.
Ngày nay chủ nghĩa khắc kỷ không còn giữ được vị thế như trước. Con người thời nay hiếm khi có nhu cầu tuân theo một triết lý sống, họ có xu hướng làm việc chăm chỉ để mua những thiết bị tiêu dùng mới nhất. Với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ khi mua sắm đầy đủ, họ mới có một cuộc đời vừa ý nghĩa vừa viên mãn.
Kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực
Con người không hạnh phúc chủ yếu vì chúng ta không bao giờ thấy thoả mãn. Thay vì cảm thấy thoả mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với nỗi buồn chán chúng ta sẽ tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn.
Hai nhà tâm lý học Shane Frederick và George Loewenstein đã nghiên cứu, đặt tên cho hiện tượng này là tâm lý thích nghi với khoái lạc. Để minh hoạ, họ đưa ra nghiên cứu của mình về những người trúng xổ số. Việc trúng số cho phép họ sống cuộc đời trong mơ, nhưng sau giai đoạn hồ hởi ban đầu, họ nhanh chóng quay lại mức độ hạnh phúc ở thời điểm chưa trúng số.
Họ bắt đầu xem nhẹ chiếc Ferrari và căn biệt thự mới, giống như trước kia từng xem nhẹ chiếc xe bán tải rỉ sét và căn hộ chật chội của mình. Tương tự như vậy, chúng ta từng mơ ước một công việc nào đó nên vất vả đèn sách, mất nhiều năm trời để có được công việc trong mơ. Nhưng chẳng bao lâu sau chúng ta có xu hướng bất mãn trở lại, bắt đầu ca cẩm về lương lậu, đồng nghiệp hay không được sếp trọng dụng.
Bí quyết để có được hạnh phúc là chặn trước quá trình thích nghi: con người cần ngăn bản thân xem nhẹ những thứ mình phải vất vả để có được, nghĩa là bên cạnh việc chặn trước chúng ta còn phải đảo ngược quá trình đó. Tức là tạo ra ham muốn với những gì chúng ta có sẵn.
Cho phép tôi gọi kỹ thuật này là Tưởng tượng tiêu cực, một giải pháp đã được các nhà khắc kỷ ứng dụng ít nhất từ thời Chrysippus. Hãy dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ đáng quý: người vợ bỏ ta mà đi, chiếc xe của ta bị lấy cắp, công việc ta mơ ước giờ không còn nữa.
Theo các nhà khắc kỷ, làm như vậy sẽ khiến chúng ta thêm trân trọng vợ mình, chiếc xe và công việc mơ ước của mình. Triết gia Seneca cũng từng chia sẻ:
Luôn nhớ rằng chúng ta không được hứa hẹn để giữ những người thân yêu bên cạnh mãi mãi, thậm chí không được hứa hẹn rằng có thể giữ họ lại lâu dài. Do đó, chúng ta cần phải yêu thương tất cả những người thân bên cạnh mình.
Epictetus cũng ủng hộ giải pháp tưởng tượng tiêu cực, ông khuyên chúng ta khi ôm hôn con mình, hãy nhớ rằng đứa trẻ có thể chết bất cứ lúc nào và không phải vật sở hữu của chúng ta.
Để hiểu hơn, hãy xem xét trường hợp của hai người cha sau. Người cha thứ nhất ghi nhớ lời khuyên của Epictetus, tự nhủ rằng đứa trẻ có thể chết ngay ngày mai. Người cha thứ hai gạt phăng những suy nghĩ ảm đạm đó, ông cho rằng đứa trẻ sẽ sống lâu hơn mình và luôn ở bên để làm mình vui.
Người cha thứ nhất chắc chắn sẽ trân trọng và quan tâm con nhiều hơn. Khi thấy con vào mỗi buổi sáng, ông sẽ vui mừng vì đứa trẻ vẫn là một phần trong cuộc sống của mình. Ông sẽ tận dụng tối đa mọi cơ hội trong ngày để chơi với đứa trẻ.
Ngược lại, người cha thứ hai khó có cảm giác hạnh phúc trào dâng khi nhìn thấy con mỗi buổi sáng. Ông ta thậm chí không rời mắt khỏi tờ báo để xác nhận sự hiện diện của đứa trẻ trong phòng, tất nhiên cũng không tận dụng mọi cơ hội để chơi với đứa trẻ vì tin rằng có thể hoãn chuyện đó đến ngày mai.
Điểm quan trọng cần hiểu là chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ của người giàu, người nghèo cũng có thể hưởng lợi từ việc theo đuổi chủ nghĩa khắc kỷ. Xét đến tình huống một người nghèo tới nỗi chỉ sở hữu một cái khố, hoàn cảnh anh ta vẫn có thể bi đát hơn nếu anh ta mất luôn cái khố đó.
Rồi giả dụ anh ta thật sự đánh mất cái khố, vậy thì chừng nào vẫn còn khoẻ mạnh, hoàn cảnh của anh ta vẫn có thể bi đát hơn nữa. Nếu sức khoẻ của anh ta xấu đi thì sao? Lúc này anh ta vẫn có thể thấy biết ơn vì mình vẫn còn sống.
Nhờ suy nghĩ về sự mất đi của những thứ ta đang có sẵn, ta có thể lấy lại cảm giác trân trọng và phục hồi khả năng tận hưởng niềm vui. Trẻ em có khả năng tận hưởng niềm vui bởi chúng không xem bất cứ thứ gì là đương nhiên. Đối với chúng, thế giới này toàn là những thứ vô cùng mới mẻ và bất ngờ.
Biết đâu những thứ chúng có ngày hôm nay sẽ biến mất một cách bí ẩn vào ngày mai. Chúng khó mà xem nhẹ một thứ gì đó, khi bản thân chúng còn không chắc nó có tiếp tục tồn tại nữa không.
Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên, chúng ngày càng chai lì. Đến độ tuổi vị thành niên, chúng xem nhẹ gần như mọi thứ và mọi người xung quanh. Nếu có thể, chúng ước được thay đổi người bạn đời, con cái, nhà cửa, cân nặng, thậm chí là màu tóc hay hình dạng cái rốn của mình.
Đôi khi một tai hoạ xảy đến và phá vỡ vỏ bọc chai lì đó, giả dụ có một trận lốc xoáy phá huỷ căn nhà chẳng hạn. Tuy nhiên tai hoạ có thể giết chết chúng ta, còn thực hành tưởng tượng tiêu cực thì không. Tưởng tượng tiêu cực có thể thực hiện nhiều lần, cho nên tác dụng tích cực của nó sẽ kéo dài vô hạn – không như tác dụng của một tai hoạ ập đến.
Thuyết vận mệnh quá khứ, hiện tại và tương lai
Với người tin vào thuyết vận mệnh tương lai, người này luôn tâm niệm rằng những hành động của mình không hề ảnh hưởng đến các sự kiện trong tương lai. Người đó ít dành thời gian hay năng lượng để suy nghĩ về tương lai, cũng như cách để thay đổi nó. Còn một người tin vào thuyết vận mệnh quá khứ, cũng sẽ giữ thái độ tương tự với các sự kiện trong quá khứ.
Khi làm một việc gì đó, người này cho rằng hành động của mình không thể tác động tới quá khứ. Họ ít dành thời gian hoặc năng lượng để nghĩ đến chuyện quá khứ có thể khác đi như thế nào.
Tôi cho rằng các nhà Khắc kỷ ủng hộ một hình thức giới hạn của thuyết vận mệnh. Họ sẽ không khuyên một người mẹ có con đang bệnh tin vào thuyết vận mệnh tương lai, thay vì vậy hãy tìm cách chăm sóc đứa con khoẻ lại.
Nếu chẳng may đứa con chết, họ sẽ khuyên người mẹ tin vào thuyết vận mệnh quá khứ – đau buồn sau cái chết của con là hoàn toàn tự nhiên, nhưng chìm đắm vào cái chết của con sẽ dẫn người mẹ đến với đau khổ không cần thiết.
Người mẹ nên suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến cái chết. Ví dụ nếu đứa con chết vì ăn phải quả độc, người mẹ cần tìm cách ngăn những đứa trẻ khác đến gần quả dại và dạy chúng rằng quả này không ăn được.
Đối với con người thời nay, thuyết vận mệnh quá khứ luôn hấp dẫn hơn nhiều khi so với thuyết vận mệnh tương lai. Chúng ta thường phản đối suy nghĩ cho rằng cuộc đời mình đã sớm được an bài, trái lại luôn tin rằng những nỗ lực của mình sẽ thay đổi tương lai.
Các nhà khắc kỷ thì khuyên chúng ta tin vào thuyết vận mệnh quá khứ và hiện tại. Như đã nói, chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng cách tốt nhất để thoả mãn là bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Học cách vui vẻ với bất cứ thứ gì bản thân được nhận.
Một trong những thứ chúng ta thật sự sở hữu chính là khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể chọn lựa phung phí hoặc đón nhận khoảnh khắc này. Nếu có thói quen làm theo vế đầu tiên, chúng ta sẽ sống bất mãn trong phần lớn thời gian. Còn nếu thường làm theo vế sau, chúng ta sẽ thật sự sống cuộc đời của mình.
Lời khuyên này tương tự với lời dạy trong Phật giáo, rằng chúng ta cần cố gắng sống trong giây phút hiện tại – một sự tương đồng thú vị giữa Phật giáo với chủ nghĩa khắc kỷ.
Thực hành kiểm soát bản thân khỏi các lạc thú
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ luôn tin rằng thực hành kiểm soát bản thân đòi hỏi nhiều tâm sức, nhưng đồng thời hiểu rằng việc không thực hành kiểm soát bản thân cũng làm hao tổn tâm sức.
Musonius từng nói: “Hãy nghĩ đến toàn bộ thời gian và năng lượng người ta tiêu tốn cho những cuộc tình vụng trộm, mà vốn họ sẽ không dính vào nếu thực hành kiểm soát bản thân. Triết gia khắc kỷ Seneca cũng nhận định như sau: “Sự trong sạch cho ta thảnh thơi, sự phóng đãng thì không cho ta giây nào để ngơi nghỉ.”
Đối với người sống theo chủ nghĩa khắc kỷ, chẳng mấy thú vị nếu phải đi xe bus trong khi có thể lái ô tô, chẳng mấy thú vị khi mặc một chiếc áo mỏng bước ra ngoài bão tuyết để cảm nhận cái lạnh nhức nhối. Một người mới thực hành chủ nghĩa khắc kỷ sẽ phải huy động toàn bộ sức mạnh ý chí để làm như vậy.
Tuy nhiên, các nhà khắc kỷ khám phá ra rằng sức mạnh ý chí cũng giống như sức mạnh cơ bắp: càng rèn luyện cơ bắp sẽ giúp chúng ta khoẻ hơn, càng rèn luyện ý chí sẽ giúp chúng ta trở nên kiên định hơn. Biến chúng ta thành những cá nhân nổi bật về dũng khí và khả năng tự chủ.
Chúng ta có thể làm những việc mà người khác khiếp sợ không dám làm, cũng như hạn chế làm những việc mà người khác thường không thể cưỡng lại. Điều này giúp chúng ta tăng đáng kể khả năng có một cuộc sống tốt đẹp.
Việc chủ động kiêng khem các lạc thú, tự thân nó cũng có thể mang lại cảm giác dễ chịu. Giả dụ bạn đang ăn kiêng nhưng lại thèm ăn kem vì biết kem có sẵn trong tủ lạnh.
Nếu chọn ăn kem, bạn sẽ có được cảm giác ngon miệng nhưng kèm theo đó là một cảm giác tội lỗi. Còn nếu cố nhịn không ăn, bạn chỉ từ bỏ cảm giác ngon miệng nhưng lại được trải nghiệm một lạc thú khác. Giống như nhận định của Epictetus, bạn sẽ “hài lòng và tự hào về bản thân mình” vì đã không ăn kem.
Không có gì lạ khi chủ nghĩa khắc kỷ chỉ ra rằng hành động từ bỏ lạc thú, thậm chí có thể mang lại lạc thú. Như tôi đã nói, những triết gia khắc kỷ cũng là những nhà tâm lý học thông thái nhất trong thời đại của họ.
Lời khuyên của những nhà khắc kỷ
Seneca từng nói rất rõ: “Muốn biết có bao nhiêu người ghen tị với bạn, hãy đếm số người ngưỡng mộ bạn.” Chúng ta thường muốn người khác nghĩ tốt về mình, nên chúng ta dành nhiều thời gian và năng lượng để ăn mặc đúng cách, lái chiếc xe chất lượng cao, sống trong những ngôi nhà sang trọng kiểu mẫu,…
Tuy nhiên, những cố gắng đó sẽ kéo theo một mức độ lo lắng nhất định: chúng ta sợ rằng mình sẽ đưa ra quyết định sai lầm, khiến người khác nghĩ xấu về mình.
Musonius lại cho rằng, bản chất con người không khác gì loài ong – nghĩa là chúng ta sẽ chết nếu bị bầy đàn cô lập. Bởi vậy một người thực hiện tốt chức năng của con người, phải vừa có lý trí vừa có tính xã hội. Mà để hoàn thành bổn phận xã hội của mình, tôi phải quan tâm đến toàn thể nhân loại. Tôi phải làm những điều tốt đẹp cho đồng loại và khoan dung với họ nhiều hơn.
Nhận xét về bổn phận xã hội của con người, Marcus Aurelius cho rằng nên thực hiện nó một cách âm thầm và hiệu quả. “Lý tưởng nhất là không ghi nhớ những gì mình làm cho người khác, giống như cây nho cho quả nhưng không chờ người bán rượu vang báo đáp. Thay vì huênh hoang về việc giúp đỡ người khác, cây nho chọn tiếp tục ra quả.”
Tiếp tục là Marcus Aurelius nhưng để nói về cái chết. Marcus gợi ý rằng khi chúng ta biết cái chết của mình đang đến gần, chúng ta có thể giảm bớt nỗi khổ khi phải từ biệt thế giới này – bằng cách nghĩ về những người mang đầy phiền toái, mà ta sẽ không phải cố ứng phó với họ nữa khi đã qua đời.
Marcus từng thể hiện sự chán ghét của ông với con người qua câu nói sau: “Ăn, ngủ, giao hợp, bài tiết và hàng loạt thứ tương tự, cái giống loài gì thế này!”
Nói về các thói hư tật xấu, triết gia Seneca cho rằng: “Nếu ta giao du với những người có ham muốn không lành mạnh, khả năng cao chúng ta sẽ sớm có những ham muốn tương tự. Bởi vậy ta nên tránh dính dáng đến người có giá trị sống sai lạc, giống như tránh không hôn người bị cảm cúm vậy.”
Các nhà khắc kỷ cũng nhận định, ngoài chọn lọc bạn bè chúng ta cũng nên chọn lọc những buổi tụ tập mình tham dự (trừ phi việc thực hiện bổn phận xã hội đòi hỏi ta phải tham dự). Suy cho cùng, vẫn tồn tại nguy cơ các giá trị của họ bị tiêm nhiễm sang chúng ta, khiến chúng ta đi lùi trên hành trình theo đuổi chủ nghĩa khắc kỷ.
Marcus Aurelius thì khuyên rằng, khi tiếp xúc với một người phiền toái thì hãy nhớ có những người cũng cảm thấy chúng ta phiền toái. Nói chung, khi thấy bản thân bực bội vì thiếu sót của ai đó, chí ít hãy dừng lại để tự suy ngẫm về những thiếu sót của mình trước. Nên nhớ, con người không bao giờ lựa chọn sai lầm mà mình phạm phải.
Nếu chúng ta mong những người phiền toái hãy hành xử khác đi, thì chẳng khác nào chúng ta mong rằng cây sung đừng ra quả. Do đó, nếu cảm thấy sốc trước hành vi thô lỗ của một người, chúng ta chỉ có thể tự trách bản thân vì “đáng lẽ mình nên hiểu chuyện hơn.”
Marcus cũng đưa ra lời khuyên về chủ đề tình dục. Trong cuốn Meditations, ông cho rằng: “Nếu phân tích các thành phần cấu tạo, ta sẽ thấy được bản chất và giá trị thật sự của một vật hay một sự việc. Chẳng hạn rượu vang cũng chỉ là nước ép nho lên men, áo lông cừu cũng chỉ là lông cừu nhuộm với chất nhầy của một loài ốc.”
Tương tự như vậy, tình dục về bản chất chỉ là sự cọ xát và xuất tinh, nên thật ngu ngốc nếu chúng ta đề cao chuyện quan hệ tình dục, càng ngu ngốc hơn nữa nếu chúng ta làm rối loạn đời sống của mình chỉ để thoả mãn chuyện tình dục.
Phật giáo cũng đã ứng dụng kỹ thuật phân tích tương tự. Khi một người đàn ông cảm thấy ham muốn thể xác của một người phụ nữ, ông được khuyên rằng đừng nghĩ đến cơ thể người phụ nữ ở dạng nguyên vẹn. Hãy nghĩ đến các thành phần cấu tạo nên cô ta bao gồm phân, lá phổi, nước bọt hay cả máu mủ của cô ta. Nếu vẫn không hiệu quả, hãy tưởng tượng cơ thể đó sau khi chết đi sẽ phân huỷ đến mức nào.
Khi bàn về câu chuyện kiểm soát cơn giận, triết gia Seneca nói chúng ta cần hiểu rằng khi có điều gì đó xảy ra không vừa ý, không có nghĩa là người khác đang đối xử bất công với mình. Nếu ta cứ nuông chiều bản thân, cứ tự làm hư chính mình thì ta chẳng thể chịu nổi điều gì cả. Cơ bản là mọi việc không hề quá khó khăn, chỉ là bản thân ta đang quá yếu mềm.
Seneca chia sẻ: “Ta chính là kẻ xấu sống ở giữa một đám đông xấu xa, cách duy nhất để ta xoa dịu chính mình đó là cư xử phóng khoáng hơn với người khác. Nên nhớ rằng đôi khi hành động của chúng ta cũng có thể làm người khác nổi giận.”
“Vì sao lại chịu đựng tâm trạng đối nghịch lại niềm vui khi hoàn toàn có thể cảm nhận niềm vui, vì sao không khiến bản thân trở thành người được yêu quý khi còn sống, và được nhiều người tưởng nhớ khi đã mất?” Seneca nói thêm.
Nếu ai đó xem thường việc nghiên cứu về chủ nghĩa khắc kỷ trong thời thanh xuân, họ vẫn có thể quay lại vào một giai đoạn sau của cuộc đời. Ngay cả những người già cả và yếu đuối cũng có thể đọc về chủ nghĩa khắc kỷ, có thể thực hành tưởng tượng tiêu cực rồi từ chối lo lắng về những thứ ngoài tầm kiểm soát.
Quan trọng hơn hết, họ có thể có một thái độ sống thuận theo cuộc đời – để không dành những năm tháng cuối đời nằm ước rằng “giá như mọi chuyện đã khác.”
Xin chân thành cảm ơn,