Nhiều nhà quản trị doanh nghiệp đang chạy theo xu hướng ứng dụng Phật Giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ bằng nhiều cách khác nhau.

Phật Giáo và Chủ nghĩa Khắc kỷ là hai trong số nhiều chủ đề nhận nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, thậm chí được quan tâm nhiều nhất nếu chỉ tính trên không gian mạng cùng các kênh truyền thông. Chưa bao giờ người Việt Nam cần trông đợi vào các giá trị tinh thần nhiều đến thế, mới đây nhất câu chuyện về hành trình của thầy Minh Tuệ đã chứng minh cho quan điểm này.

Trước kia khi nói đến chủ nghĩa khắc kỷ, người ta thường so sánh hoặc dễ nhầm lẫn với chủ nghĩa yếm thế – bởi cả hai có điểm chung là lược bỏ những cảm xúc tiêu cực ra khỏi đời sống thường nhật. Tuy nhiên, chủ nghĩa yếm thế có phần cực đoan hơn khi không chỉ loại bỏ các cảm xúc tiêu cực, mà kể cả cảm xúc tích cực như vui vẻ, sung sướng hay hạnh phúc cũng bị loại trừ.

Dùng những tính từ như “khổ hạnh” hay “vô cảm” để mô tả chủ nghĩa yếm thế là hoàn toàn có cơ sở, những người theo đuổi chủ nghĩa yếm thế hầu như không để tâm đến cảm xúc và khổ đau của bất cứ ai – kể cả bản thân họ. 

Phật giáo, chủ nghĩa khắc kỷ và quản trị doanh nghiệp (ảnh: The Stoic Sage).

Phật giáo, chủ nghĩa khắc kỷ và quản trị doanh nghiệp (ảnh: The Stoic Sage).

Diogenes là một trong những triết gia nổi tiếng của chủ nghĩa yếm thế, trong cuốn Diogenes Laertius – Cuộc đời của triết gia có đoạn viết về ông như sau: “Khi ai đó đánh anh ta bằng một nắm đấm, anh ta chỉ tự nhủ thật tệ vì hôm nay quên đội mũ giáp khi đi ra ngoài. Khi những con chuột bò đến bàn ăn của anh ta, anh ta nhẹ nhàng nói rằng ngay cả mình mà cũng có ký sinh trùng.”

Khi con người dần nhận ra giá trị của việc cân bằng giữa hạnh phúc và buồn đau, giữa giàu có và thiếu thốn rồi học cách đón nhận mọi thứ đến với mình một cách tự nhiên, chân phương và ít bị chi phối về mặt cảm xúc, chủ nghĩa yếm thế cũng dần nhường chỗ cho chủ nghĩa khắc kỷ trở thành triết lý sống được ưa chuộng ở thì hiện tại.

Chủ nghĩa yếm thế cũng ít khi được so sánh với chủ nghĩa khắc kỷ, thay vào đó là Phật Giáo được ra đời khoảng thế kỷ thứ 6 TCN bởi Đức Phật – người từng là Thái tử Tất Đạt Đa của Vương quốc Sakya, từ bỏ cuộc sống giàu sang vạn người ao ước để xuất gia, tu học tìm đạo năm 29 tuổi và đạt đến giác ngộ chỉ 6 năm sau đó.

Phật Giáo và Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng là động lực lớn để Vũ thực hiện bài viết này. Nhằm mục đích chia sẻ những điểm tương đồng giữa hai triết lý sống phổ biến hàng đầu thế giới, cùng với xu hướng ứng dụng Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ trong quản trị doanh nghiệp.

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

blog quan tri la gi

Xu hướng quản trị doanh nghiệp thời hiện đại

Trước khi tìm hiểu về xu hướng ứng dụng Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ trong quản trị, cần tìm hiểu và nắm bắt những đặc tính quan trọng của quản trị doanh nghiệp thời hiện đại. Giống như khi chuyển sang dùng một chiếc điện thoại mới, một chiếc máy tính mới mà không đồng bộ dữ liệu từ thiết bị cũ sang – tất cả những gì bạn có thể làm là kích hoạt thiết bị mới lại từ đầu.

Quản trị hay quản trị doanh nghiệp là khái niệm xuất phát tại Anh khoảng thế kỷ thứ 16, 17 khi mô hình công ty cổ phần bắt đầu hiện diện ở quốc gia này. Quản trị doanh nghiệp là cách để minh bạch quy trình và hiệu quả vận hành của toàn thể công ty, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các cổ đông trong quá trình tham gia vận hành doanh nghiệp.

Được luật hoá lần đầu năm 1844 khi nước Anh chính thức ban hành Luật công ty cổ phần, đến đầu những năm 1970 thì khái niệm “quản trị” được công chúng thế giới biết đến nhiều hơn – sau lần đầu xuất hiện trên Công báo liên bang Hoa Kỳ. Từ thời điểm đó đến nay, quản trị doanh nghiệp đã chia làm hai trường phái chính là quản trị truyền thống và quản trị hiện đại.

Luật công ty cổ phần năm 1844 khai sinh ra khái niệm quản trị (ảnh: Art UK).

Luật công ty cổ phần năm 1844 khai sinh ra khái niệm quản trị (ảnh: Art UK).

Cần biết rằng quản trị truyền thống không phải là phong cách xưa cũ, lạc hậu hay đã bị thay thế hoàn toàn bởi quản trị hiện đại. Trong môi trường doanh nghiệp hiện nay, tuỳ thuộc vào tuổi đời, mô hình hay định hướng hoạt động mà ban lãnh đạo của doanh nghiệp chọn đi theo phong cách quản trị hiện đại hay truyền thống.

Thông thường các doanh nghiệp có truyền thống lâu đời, phát triển mạnh mẽ đến mức “phân nhánh” làm nhiều phòng ban, bộ phận và các cấp quản lý khác nhau sẽ theo đuổi phong cách quản trị truyền thống. Vì đây là phong cách quản trị yêu cầu sự phân định rạch ròi giữa từng cấp bậc, nhiệm vụ khác nhau trong công việc và sử dụng bộ quy tắc cố định để thay mặt (một phần hoặc toàn bộ giới hạn nhiệm vụ) của đội ngũ nhân sự.

Đối với quản trị doanh nghiệp truyền thống, quyền hạn hay chức năng của những người lãnh đạo đứng đầu sẽ luôn là ưu tiên cao nhất – một tính chất có phần chuyên quyền và ít nhiều làm hạn chế năng lực sáng tạo, vươn lên của từng mắc xích nhỏ nhất trong đội ngũ. 

Với phong cách quản trị này, thông tin và quyết định công việc chỉ đi một chiều từ trên xuống theo phân cấp quản lý, cấp dưới chỉ có quyền “tham mưu” cho cấp trên chứ hiếm khi thể hiện năng lực ra quyết định độc lập. Nếu có thì như đã nói, quyết định của cấp dưới phần nào cũng bị chi phối bởi bộ quy tắc cố định trong vận hành doanh nghiệp.

Quản trị doanh nghiệp truyền thống hay hiện đại? (ảnh: ANT Lawyers).

Quản trị doanh nghiệp truyền thống hay hiện đại? (ảnh: ANT Lawyers).

Những đặc tính, ưu điểm hay hạn chế của quản trị doanh nghiệp truyền thống cũng đồng thời là đặc tính, ưu điểm và hạn chế của quản trị doanh nghiệp thời hiện đại. Quản trị doanh nghiệp hiện đại được phát triển từ hai nền tảng chủ lực là nhân quyền và trao quyền.

Nhân quyền được thể hiện một cách phổ quát khi lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng hơn đến danh dự, sức khoẻ và các quyền lợi từ cơ bản đến nâng cao của đội ngũ nhân sự. 

Nói cụ thể hơn, nhân quyền được thể hiện khi lãnh đạo doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm, giúp mỗi người vui vẻ và sẵn sàng tận tâm vì hiệu quả công việc. Tránh xem đội ngũ nhân sự của mình như những cỗ máy, vắt kiệt sức hoặc tưởng thưởng không xứng đáng với năng lực đóng góp của mỗi cá nhân.

Trong khi đó yếu tố trao quyền sẽ thâm nhập sâu hơn vào đời sống quản trị của nhà lãnh đạo. Ngược lại với mô hình quản trị truyền thống, quản trị hiện đại dần tối giản cấu trúc và quy trình ra quyết định trong các bộ máy doanh nghiệp. 

Quyền lực tuyệt đối không còn nằm trong tay nhà lãnh đạo cao nhất, mà mỗi nhân sự đều có quyền tự quyết hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định trong môi trường doanh nghiệp.

Trao quyền là đặc tính của quản trị hiện đại (ảnh: Unsplash).

Trao quyền là đặc tính của quản trị hiện đại (ảnh: Unsplash).

Không chỉ giúp tinh gọn quy trình rồi rút ngắn thời gian ra quyết định, xu hướng trao quyền còn trực tiếp thúc đẩy sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm nơi đội ngũ nhân sự. Khi không có quyền quyết định nhưng phải cùng chịu trách nhiệm nếu chẳng may xảy ra vấn đề, con người thường có tâm thế đùn đẩy và sợ vạ lây. Ngược lại, khi ai cũng được trao quyền và có thể tự quyết định, tinh thần trách nhiệm của mỗi người cũng được nâng cao hơn.

Khi ngày càng có nhiều cá nhân trong hệ thống được trao quyền, được ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình, thì đồng nghĩa rằng áp lực dành cho nhà lãnh đạo cũng ngày càng “giảm tải.” 

Chúng ta không dễ bắt gặp nhà lãnh đạo quản trị hiện đại ở nơi làm việc, vì cứ vài ngày họ lại tự tin để lại công việc cho các cộng sự của mình và dành nhiều thời gian hơn cho vợ con, gia đình trong những chuyến đi chơi. Nhưng không khó để nhìn thấy nhà lãnh đạo quản trị truyền thống ở nơi làm việc, vì họ thường phải túc trực và thường xuyên can thiệp trực tiếp đến từng công đoạn nhỏ nhất của bộ máy.

Phong cách quản trị tác động đến cuộc sống nhà lãnh đạo (ảnh: BetterUp).

Phong cách quản trị tác động đến cuộc sống nhà lãnh đạo (ảnh: BetterUp).

Quản trị, Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa yếm thế có nhiều điểm giống nhau trong thực hành, nhưng chủ nghĩa khắc kỷ và Phật giáo lại có nhiều nét tương đồng khi bàn về giá trị thực tiễn. Trong một xã hội ngày càng coi trọng kết quả và giá trị sau cùng, không khó hiểu khi Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ mới là hai phạm trù tinh thần thường được mang ra so sánh, bàn luận với nhau.

Những người có góc nhìn đầy đủ về Phật giáo hay Chủ nghĩa khắc kỷ (hoặc cả hai) đều hiểu rằng, Đức Phật là một triết gia đại tài với năng lực nhìn thấu vạn vật trên thế gian được công nhận từ lâu. Trong khi đó, cách những triết gia khắc kỷ nổi tiếng như Seneca, Epictetus hay Nhà vua Marcus Aurelius đạt đến trạng thái bình thản ung dung – dù trước mắt là hạnh phúc hay niềm đau cũng là một biểu hiện của Giác Ngộ.

Được mô tả rồi truyền đạt bằng các ngôn ngữ khác nhau, hình thức khác nhau hay thậm chí trong hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng cả Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ đều hướng con người theo đuổi mục tiêu đức hạnh trong cuộc sống – để rồi sau cùng chạm đến hạnh phúc và an nhiên đúng nghĩa. 

Những nhà khắc kỷ cũng là bậc giác ngộ (ảnh: Estoico Viver).

Những nhà khắc kỷ cũng là bậc giác ngộ (ảnh: Estoico Viver).

Nếu ở Vương quốc Shakya vào khoảng năm 600 TCN chứng kiến sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa – người sau này sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc và cơ hội làm vua để tìm kiếm sự giác ngộ, thì Đế Quốc La Mã vào năm 121 cũng chứng kiến sự ra đời của Marcus Aurelius – người sau này trở thành Hoàng đế thứ 16 của La Mã nhưng lại nổi tiếng hơn trong các câu chuyện về đề tài triết học.

Marcus Aurelius là nhân vật cuối cùng của nhóm Ngũ Hiền Đế thời kỳ La Mã – tức là nhóm năm nhà vua đa tài, khôn ngoan khi biết cách chọn lựa người kế vị ngai vàng xứng đáng, thay vì mặc định con trai mình sẽ là người nối ngôi. Được tiếp xúc với triết học từ thời niên thiếu, Marcus Aurelius sau này cũng khuyến khích thần dân và quân đội mình hướng đến đức hạnh, trách nhiệm cùng với bổn phận đối với quốc gia.

Một trong những câu nói nổi tiếng của ông được sử sách ghi lại như sau: “Mục tiêu của cuộc sống không phải là chạy theo số đông, mà chính là thoát khỏi hàng ngũ của những kẻ mất trí.”

Quan điểm này cũng tương ứng với lý thuyết vô minh của Phật Giáo, khi Đức Phật cho rằng một trong những mục tiêu của cuộc sống là thoát khỏi vô minh. Theo Phật giáo nguyên thuỷ, vô minh là điều kiện duy trì vòng lặp sinh tử, làm che mờ đi bản chất của vạn vật khiến chúng ta chìm đắm trong khổ đau. Biểu hiện của vô minh là hành động hay suy nghĩ không sáng suốt, không thấu đáo và thiếu chánh niệm.

Marcus Aurelius được mệnh danh là Hoàng đế triết gia (ảnh: Spiderum).

Marcus Aurelius được mệnh danh là Hoàng đế triết gia (ảnh: Spiderum).

Nếu có ai nghi ngờ rằng Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ là những học thuyết, tư tưởng hay quan điểm sống có phần thiếu lý trí, không phù hợp với tính chất của quản trị doanh nghiệp hiện đại thì câu chuyện của Đức Phật và Marcus Aurelius sẽ là câu trả lời thoả đáng.

Việc nhiều nhà lãnh đạo thời nay theo đuổi, ứng dụng Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ vào phong cách quản trị của mình cũng hoàn toàn dễ hiểu. Sẽ rất xa vời nếu ta nhìn nhận Phật giáo và Khắc kỷ như những học thuyết mang tính thần thánh, nhưng sẽ rất gần gũi nếu ta nhìn nhận Phật giáo và Khắc kỷ một cách chân phương – đi sâu vào bản chất đạo đức và các tiêu chuẩn đức hạnh mà cả hai truyền đạt.

Đạo đức và các tiêu chuẩn đức hạnh thì không còn xa lạ gì với văn hoá Á Đông, không phải Phật giáo hay Khắc kỷ trong vài năm gần đây, mà Nho giáo cùng tư tưởng đạo đức của Khổng Tử mới là hai học thuyết tác động mạnh mẽ đến đời sống người Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.

Đây có thể coi là hai trụ cột của văn hoá nước nhà suốt hàng ngàn năm lịch sử. Nho giáo với những giá trị đạo đức của tam cương ngũ thường, ý chỉ Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín cùng ba mối quan hệ được coi trọng là quân thần, phụ tử và phu thê. Không chỉ đóng góp vào nền tảng giáo dục, nho giáo còn đi sâu vào hành trình xây dựng nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

Nho giáo là một trong hai trụ cột của văn hoá Việt Nam (ảnh: RFI).

Nho giáo là một trong hai trụ cột của văn hoá Việt Nam (ảnh: RFI).

Trong khi đó, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử can thiệp vào quá trình điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Đó là một hệ thống các phạm trù đạo đức vô cùng phong phú, giúp xác định vai trò cũng như trách nhiệm của mỗi người với đời sống xã hội. Tư tưởng đạo đức Khổng Tử còn được công nhận là một trong những yếu tố xây dựng tâm lý, lý luận giáo dục trong lịch sử nhân loại.

Ở trong Tứ Thư của Nho Giáo cũng trích lại một số nhận định nổi tiếng của Khổng Tử, chẳng hạn như “Không học Kinh lễ thì không biết đi đứng ở đời”, hoặc “Đạo đức là gốc, tài sản là ngọn.”

Mặt khác, Nho giáo và Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử không phải là không có khuyết điểm. Một trong những hạn chế được nhìn thấu phổ biến nhất ở hai học thuyết này đó là sự phân chia giai cấp, phân hoá giữa các tầng lớp xã hội một cách cực đoan. Từ quan điểm, lời nói cho đến hành vi được đề cập đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ý thức về danh phận.

Bởi vậy, cần liên tục có thêm những mảnh ghép để bổ sung cho Nho giáo và Tư tưởng của Khổng Tử – để cả hai từng bước đến gần hơn với mức độ hoàn hảo, hoặc ít nhất dần lược bỏ những hạn chế mang nặng tư tưởng truyền thống. Phật Giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ chính là những mảnh ghép như thế.

Phật giáo và khắc kỷ là những mảnh ghép hoàn hảo cho tư tưởng Khổng Tử (ảnh: Tô Huệ).

Phật giáo và khắc kỷ là những mảnh ghép hoàn hảo cho tư tưởng Khổng Tử (ảnh: Tô Huệ).

Giờ khi nhìn lại, nếu bản thân Khổng Tử cùng những nhà Nho nổi tiếng quyết định bổ sung Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ vào học thuyết của mình, chúng ta có thể xem họ như những nhà lãnh đạo dũng cảm chuyển đổi từ phong cách quản trị truyền thống, sang phong cách quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Phật giáo và Khắc kỷ mang theo nhiều ưu điểm bổ sung vào đúng những hạn chế, những bất cập còn gây băn khoăn ở Nho giáo và Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến giá trị của nhân quyền, cùng thói quen chiêm nghiệm bản chất thật sự của cuộc sống xung quanh mình – giúp hạn chế đến mức tối đa những ham muốn không đáng có.

Thêm một điểm chung khá thú vị giữa Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ, cả hai đều tạo ra mục tiêu mà những người theo đuổi có thể không bao giờ đạt được, nhưng sẽ luôn phấn đấu để theo đuổi đến tận cùng. Chẳng hạn một Phật tử biết rằng anh ta không bao giờ đạt đến cảnh giới như của Đức Phật, nhưng việc theo đuổi Phật giáo vẫn giúp anh ta chạm đến một mức độ giác ngộ nào đó.

Vì lẽ đó, Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ luôn không ngừng thúc đẩy một cá nhân hay tập thể bất kì tiến lên – thay vì an nhàn rồi phó mặc vào số phận giống như quan điểm sai lệch mà nhiều người thường dành cho. Đồng thời, đây là mục tiêu mà bất cứ nhà quản trị doanh nghiệp nào cũng muốn hướng đến, thậm chí thúc đẩy đội ngũ nhân sự của mình hướng đến thì càng tốt.

Phật giáo và Khắc kỷ không ngừng thúc đẩy ta tiến lên (ảnh: The Sun).

Phật giáo và Khắc kỷ không ngừng thúc đẩy ta tiến lên (ảnh: The Sun).

Thực trạng lạm dụng Phật giáo và Khắc kỷ trong quản trị doanh nghiệp

Khi một học thuyết hay triết lý nào đó được ứng dụng phổ biến trong đời sống thường ngày – đặc biệt là trong quản trị doanh nghiệp, thì ranh giới giữa sử dụng nó và lạm dụng nó là vô cùng mong manh. Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ trong quản trị doanh nghiệp cũng là một trường hợp như vậy.

Vũ luôn tin rằng không phải năng lực, thực tài hay số năm theo đuổi một lĩnh vực nào đó, mà đạo đức mới chính là thành trì kiên cố nhất trong quản trị doanh nghiệp nói riêng, cũng như hầu hết các lĩnh vực đời sống khác nói chung.

Giống như câu nói của Khổng Tử được trích lại trong Tứ Thư: “Đạo đức là gốc, tài sản là ngọn.” Trong cuốn sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ của William B. Irvine cũng có đoạn nhận định với hàm ý tương tự: “Khắc kỷ có ba thành phần chính là đạo đức, lô-gíc và tính vật lý.”

Nếu khắc kỷ là cánh đồng màu mỡ thì đạo đức sẽ là cây trồng, lô-gíc là hàng rào còn tính vật lý là đất đai. Cách nhìn này làm sáng tỏ vai trò trung tâm của đạo đức, nếu không muốn mùa màng bội thu thì bạn chẳng cần quan tâm đến đất đai hay hàng rào làm gì cả.

Vậy nhưng dưới áp lực của tính cạnh tranh, bẫy tăng trưởng ngày một lớn hơn cùng “sức hút” của những thống kê doanh thu đẹp đẽ, nhiều nhà lãnh đạo đang đi chệch hướng trong quản trị doanh nghiệp thời hiện đại. Lạm dụng Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ trong quản trị doanh nghiệp, thậm chí ngay từ đầu đã sử dụng Phật giáo và Khắc kỷ để che đậy cho những mục đích không chính đáng.

Đây là kết quả của tâm lý “mâu thuẫn giữa mong muốn trở thành người tốt và hành vi thực tế.” Con người chúng ta luôn mong muốn trở thành người tốt, trở thành tấm gương cho các chuẩn mực đạo đức trong xã hội nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng ta lại không thật sự làm như vậy.

Đáng chú ý hơn, khi chúng ta làm một điều gì đó sai trái hoặc bản thân hiểu rằng mình không nên làm điều đó (nhưng sau cùng vẫn làm), chúng ta có xu hướng dễ đổ lỗi và tìm kiếm một vỏ bọc cho những gì mình đã làm. Vì nhiều lý do khác nhau như sợ hãi áp lực từ dư luận, sự thiếu nhất quán nơi niềm tin đức hạnh, hoặc đơn giản vì muốn bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn và tin rằng “mình không quá tồi tệ.”

Mâu thuẫn giữa mong muốn trở thành người tốt và hành vi thực tế (ảnh: Potomac).

Mâu thuẫn giữa mong muốn trở thành người tốt và hành vi thực tế (ảnh: Potomac).

Đối với các nhà lãnh đạo có định hướng sai lệch trong quản trị doanh nghiệp, Phật giáo hay Chủ nghĩa khắc kỷ là vỏ bọc lí tưởng để tạo dựng hình ảnh một doanh nhân thành đạt, tri thức và một đời liêm chính. Uy tín với khách hàng, trách nhiệm với cộng đồng và tâm lý với đội ngũ nhân viên là những gì mà nhà quản trị như vậy không có.

Những chuẩn mực đạo đức và giá trị tích cực mà họ thường hay rao giảng, tưởng chừng là biểu hiện rõ ràng nhất của ứng dụng Phật giáo hay Khắc kỷ trong quản trị doanh nghiệp. Nhưng thực tế chỉ là sản phẩm của truyền thông, bản thân những nhà quản trị này cũng không sống và theo đuổi đến cùng các tư tưởng tốt đẹp. Vì hình ảnh và lợi ích cho bản thân, họ sẵn sàng đánh rơi tư tưởng để nhặt nhạnh những giá trị phù phiếm.

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal