Từng là một thương hiệu danh giá trên thị trường điện tử và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người tiêu dùng nhưng giờ đây, karaoke Arirang đã phải đi đến bước đường khai tử và lùi vào dĩ vãng vì cơn bão công nghệ thay đổi quá nhanh.
Mới đây, CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) – đơn vị sở hữu thương hiệu Karaoke Arirang, đã công bố thông tin về việc thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho, trong đó có cả thương hiệu Arirang. Công ty sẽ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng thương hiệu Karaoke Arirang cho bên mua để tiếp tục quyền sản xuất, duy trì dịch vụ cho khách hàng. Động thái này đã chính thức khai tử một thương hiệu điện tử đình đám một thời.
- Thương hiệu là gì? Các định nghĩa cơ bản về thương hiệu bạn cần biết
- 10 đặc điểm cốt yếu làm nên thương hiệu
- Top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019
CTCP Dịch vụ Phú Nhuận, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2001, với hoạt động chính là sản xuất, bán buôn và bán lẻ sản phẩm, thiết bị linh kiện điện tử trong đó chủ yếu là thiết bị Karaoke Arirang.
Maseco bắt tay vào xây dựng thương hiệu Karaoke Arirang từ những năm 1994-1995, nhưng phải đến năm 2001, Maseco mới nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm Arirang và tới năm 2003 Karaoke Arirang chính thức được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Với nhiều sản phẩm phục vụ các phân khúc các nhau, ngay sau khi có mặt trên thị trường, Arirang đã trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng. Thương hiệu karaoke, loa kẹo kéo này trong một thập kỷ trước gần như thống trị các phòng hát tại những thành phố lớn. Liên tiếp nhiều năm, Arirang được người tiêu dùng ưu ái và bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Thương hiệu này mang về lợi nhuận lớn, giúp Maseco suốt nhiều năm lọt “top” 1.000 công ty nộp thuế nhiều nhất.
Thời điểm đỉnh cao ấy, Maseco không chỉ dừng lại tại mặt hàng điện tử gia dụng, mà còn mở rộng sang làm nông nghiệp cũng như bất động sản thông qua hình thức cho thuê mặt bằng, văn phòng cao ốc. Tới năm 2016, Maseco vẫn tự tin khẳng định rằng thị phần sản phẩm từ thương hiệu Arirang luôn dẫn đầu thị trường và là tiềm năng phát triển khi thị trường hồi phục.
Song, xu hướng hát karaoke theo thời gian đã hoàn toàn thay đổi, các loại đầu thu nội địa với các bài hát được nén trong đĩa đã không còn được ưa chuộng, có chăng thị trường mua bán loại hàng này chỉ tập trung ở vùng nông thôn mà thôi. Trong khi đó với thời đại kỹ thuật số, các bài hát mới liên tục được update trên Zing MP3 hay Youtube khiến giới trẻ “đổ xô” bắt nhịp với xu thế mới, dẫn đến các sản phẩm của Arirang trở nên lép vế trước những nhà sản xuất nội địa và các thương hiệu nước ngoài.
Thấy được sự phát triển quá nhanh của thị trường, thương hiệu Arirang đã tích cực chuyển đổi về công nghệ bằng việc sản xuất sản phẩm đầu karaoke Smart K+, micro karaoke cầm tay nhưng với số vốn ít ỏi, quá trình chuyển mình của Maseco không đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng phần cứng của Arirang cũng được đánh giá là không cạnh tranh so với đối thủ, nền nhạc không hay do nén vào đĩa. Còn đối với sản phẩm tivi led, hay đầu thu kỹ thuật số, Arirang khó có thể địch nổi với Samsung, Sony, LG,…
Trong khi đó, thu nhập của người dân đã bắt đầu tăng lên, nhu cầu sống được nâng cao kéo theo yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe hơn thì sản phẩm của Arirang đã không còn là lựa chọn hàng đầu trong mắt người tiêu dùng. Khó khăn xảy ra với Arirang không chỉ có thế, bởi thời điểm đấy đơn vị sở hữu thương hiệu này còn bị Phương Nam Phim (PNF) tố vi phạm bản quyền nhạc, rắc rối này cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến danh tiếng của Arirang.
Năm 2017, doanh thu của lĩnh vực điện tử sụt giảm mạnh hơn nhiều so với những năm trước, nhưng doanh nghiệp này vẫn khẳng định rằng vị thế của thương hiệu Arirang luôn dẫn đầu trong việc tiêu thụ sản phẩm âm thanh điện tử tại thị trường trong và ngoài nước .
>> Xem ngay: Dịch vụ thiết kế thương hiệu chuyên nghiệp tại Vũ Digital
Tuy nhiên đến năm 2018, những kết quả èo uột thu về đã buộc lãnh đạo Maseco phải chấp nhận sự thật rằng Arirang không còn là “thương hiệu giữ vị thế hàng đầu” nữa.
Giờ đây trong cơn bão công nghệ, Arirang lại trở thành gánh nặng đối với kết quả hoạt động của Maseco với hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho khó thanh lý. Cùng với đó, mảng nông nghiệp cũng gặp phải cảnh khốn khó, trong đó mặt hàng chủ lực là hạt tiêu vấp phải đợt lao dốc thị giá mạnh gây sức ép thêm lên doanh thu, lợi nhuận của Maseco.
Kết quả kinh doanh của Maseco liên tục suy giảm trong nhiều năm liền, đặc biệt trong năm 2018 số lỗ ghi nhận lên tới hơn 160 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu bán hàng điện tử cũng giảm sút từ mức gần 600 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 173 tỷ đồng năm 2018. Báo cáo các cổ đông năm 2018, Maseco thừa nhận: “Tình trạng tồn kho hàng điện tử giá trị cao, hàng hóa đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt, lỗi thời, chậm luân chuyển do không còn phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Đứng trước bối cảnh đó, Maseco đành ngậm ngùi “khai tử” Arirang. Có thể thấy rõ, việc chấm dứt kinh doanh hàng điện tử như một biện pháp nhằm cắt bớt một phần thua lỗ trong hoạt động của Maseco khi mà thị phần trong mảng này của công ty gần như đã không còn.
“Ngủ” quên trên chiến thắng, không kịp thích nghi, dồn quá nhiều nguồn lực vào một sản phẩm đã dẫn tới cái “chết” của Arirang cũng như tình cảnh khó khăn của Maseco, là một bài học hãy còn chưa ráo mực với bất cứ thương hiệu Việt nào.
Theo: Nhà Đầu Tư