Chiến lược kinh doanh là một kế hoạch tổng thể, dài hạn của một doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu đó. Chiến lược kinh doanh được xây dựng dựa trên phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.
Bài chia sẻ cung cấp nội dung khác biệt với hầu hết những kiến thức trên môi trường internet về chiến lược kinh doanh. Vũ không cố gắng giải thích những nội dung hàn lâm, không phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại.
Thay vào đó Vũ chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn với mục tiêu làm đơn giản hoá mọi thứ phức tạp trở nên bình dân và dễ tiếp cận với mọi người. Bất kỳ ai cũng có thể hiểu và xây dựng chiến lược kinh doanh của riêng mình sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng bài viết này.
Thành công của chiến lược kinh doanh thể hiện qua sự phát triển năng lực tài chính và tài sản thương hiệu.
Vũ đã đưa ra một định nghĩa mới về chiến lược kinh doanh, và để bắt đầu bài chia sẻ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nội dung hướng tới định nghĩa, bắt đầu với việc phân tích định nghĩa.
1. Chiến lược kinh doanh nên được giữ bí mật
Chiến lược kinh doanh là một bộ tài liệu và nó nên được giữ bí mật, tài liệu này là một hồ sơ, bao gồm những văn bản, công thức và các mô hình, nó cũng có thể là hình ảnh hoặc bất kỳ điều gì mà bạn có thể đọc và hiểu.
Chiến lược kinh doanh là một tài liệu quan trọng, thể hiện tầm nhìn, chiến thuật và chất xám của doanh nghiệp. Để xây dựng một chiến lược kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, có thể tính bằng năm.
Tuy nhiên, việc sao chép chiến lược kinh doanh của người khác chỉ mất khoảng một giờ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy khó chịu, bởi họ đã phải bỏ ra nhiều công sức để xây dựng chiến lược của mình, trong khi người khác lại có thể dễ dàng sao chép và sử dụng.
Nói đến bí mật trong kinh doanh, chúng ta không thể không kể đến hãng nước ngọt có gas Coca-Cola. Công thức pha chế ra Coca-Cola là bí mật kinh doanh được giữ gìn cẩn trọng nhất thế giới. Nó là một tài liệu bằng giấy, được bảo quản tại Ngân hàng Trung ương và Quỹ tín thác Atlanta. Quy trình bảo vệ công thức này được đặt hẳn một bí danh “Hàng hóa 7X”.
Theo lời của một Phó Chủ tịch cấp cao và Cố vấn trưởng cho Coca-Cola tại một phiên tòa, như sau: “Các tài liệu dạng giấy mô tả công thức bí mật được giữ trong kho bảo đảm tại Ngân hàng Tín thác ở Atlanta, và kho này chỉ có thể được mở khi có một Nghị quyết của Ban Giám đốc Công ty. Chính sách của Công ty là vào bất cứ thời điểm nào cũng chỉ có hai người trong Công ty biết được công thức này, và chỉ những người đó mới có thể giám sát việc chuẩn bị Hàng hóa 7X trên thực tế.”
Công ty cũng từ chối công bố danh tính của những người này và không cho phép những người này ở cùng bay trên một chuyến bay. Các biện pháp phòng ngừa tương tự cũng được áp dụng đối với các công thức bí mật của các loại nước uống Cola khác của Công ty như: Coke dành cho người ăn kiêng, Coca không chứa cafein dành cho người ăn kiêng, không có chứa Cafein và Coca-Cola không chứa Cafein. [Theo cục Sở hữu trí tuệ]
2. Ý tưởng là quan trọng nhất trong mọi chiến lược kinh doanh
Ý tưởng kinh doanh mới là yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mọi người đều có thể tiếp cận với các kỹ thuật xây dựng chiến lược kinh doanh. Nhiều người kinh doanh có kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng tài chính, nhưng vẫn không thể thành công vì không có ý tưởng kinh doanh mới.
Hai anh bạn nghiên cứu sinh, Larry Page và Sergey Brin, gặp gỡ và hợp tác với nhau. Họ có một ý tưởng đơn giản, đó là viết ra một thuật toán để sắp xếp các website theo thứ tự phù hợp với người dùng. Ý tưởng này đã trở thành nền tảng cho Google, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.
Facebook được thành lập bởi Mark Zuckerberg, khi đó là sinh viên năm thứ hai của Đại học Harvard. Zuckerberg cho biết ý tưởng của anh là tạo ra một nền tảng để mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cá nhân Vũ nghĩ rằng Zuckerberg cũng muốn khẳng định bản thân với thế giới.
Hai câu chuyện huyền thoại của giới công nghệ, xây dựng lên đế chế của riêng mình từ những ý tưởng kinh doanh “chẳng ai nghĩ tới”.
Google và Facebook là những công ty khổng lồ, Vũ đồng ý điều này. Tuy nhiên, hãy nhìn lại và tự tin rằng, họ đã từng bắt đầu như bạn, chỉ với một ý tưởng.
Bạn không cần phải có một công ty với 100 nhân viên để có thể phát triển một ý tưởng
– Larry Page (đồng sáng lập Google)
Tất cả các chiến lược kinh doanh đều bắt đầu từ một ý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng kinh doanh chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng là phải biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Để làm được điều này, bạn cần có khả năng và kinh nghiệm để lập kế hoạch, đưa ý tưởng vào thực tế và tính toán các con số cụ thể. Đó là sự khác biệt giữa một ý tưởng và một chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Trong bài viết này, bạn sẽ không tìm thấy công thức thành công. Lý do là bởi công thức thành công không bao giờ có thể lặp lại. Thay vào đó, Vũ sẽ cung cấp cho bạn kiến thức và nền tảng để bạn có thể phát hiện, nắm bắt ý tưởng và biến chúng thành hiện thực.
Ý tưởng kinh doanh là điều quan trọng nhất, hãy giữ nó bên mình.
3. Chuyển đổi từ ý tưởng trở thành lý tưởng, nền tảng của chiến lược kinh doanh
Lý tưởng là ý tưởng được nâng cao lên tầm cao hơn, trở thành mục tiêu và định hướng cho chiến lược kinh doanh.
Ý tưởng chỉ là ý tưởng, nếu bạn không thuyết phục được người khác tin tưởng, nó sẽ mãi mãi chỉ là ý tưởng. Để làm được điều này, bạn cần tin tưởng bản thân và nâng cấp ý tưởng trở thành lý tưởng.
Chữ viết là cầu nối giúp chuyển đổi ý tưởng thành lý tưởng. Khi viết ra ý tưởng của mình, bạn cần xác định rõ mục đích khi bắt đầu và những lợi ích mà việc kinh doanh sẽ mang lại cho khách hàng và cộng đồng.
Tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu là hai nội dung quan trọng, có thể định hướng cho mọi hoạt động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được xây dựng một cách cẩn thận và chu đáo, tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu có thể trở nên hài hước và phô trương, hoặc chỉ để cho có, không có tác dụng gì trong thực tế.
Ví dụ về sứ mệnh của Google:
Sứ mệnh của chúng tôi là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Chỉ 32 từ nhưng rất mạnh mẽ. Không cần quá cầu kỳ và bay bổng. Hãy chân thật, vì sự thật bao giờ cũng hấp dẫn.
Tầm nhìn của những cá nhân xuất chúng đôi khi cũng có thể khiến chúng ta bất ngờ, thậm chí là bật cười. Ví dụ, Elon Musk từng chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh của mình là “Giải cứu loài người” và “Đưa con người lên sao Hỏa”.
Cách đây 10 năm, nhiều người cho rằng Musk là một kẻ “ảo tưởng sức mạnh”, nhưng giờ thì không. Musk đã chứng minh rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và thực tế. Ông đã thành lập các công ty như SpaceX và Tesla, đang nỗ lực thực hiện tầm nhìn của mình.
Bài học từ Elon Musk cho chúng ta thấy rằng, tin tưởng vào bản thân, bạn có thể chinh phục mọi thứ.
Nhưng để làm được như Elon Musk, Vũ khuyên các bạn nên đọc cuốn sách về anh ấy (Elon Musk: Tesla, SpaceX và Sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng).
Elon Musk có ý chí kiên cường với nền tảng là sức mạnh tri thức, Elon Musk là một người đam mê đọc sách, anh tập luyện và theo đuổi lý tưởng của mình. Elon Musk không bao giờ tham gia các khóa học làm giàu, nhưng giờ anh là người giàu hàng đầu thế giới.
4. Xác định thị trường ngách trong chiến lược kinh doanh
Vũ nghĩ rằng trong chúng ta, ai cũng có hoài bão lớn lao, muốn giúp ích cho đất nước và xã hội, giúp cho thật nhiều người hạnh phúc hơn và giàu có hơn. Thật nhiều, thật nhiều người tiếp cận được với sản phẩm của mình, điều này sẽ giúp cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn đang nghĩ điều này, chúc mừng, bạn đã hoàn thành lý tưởng kinh doanh.
Tuy nhiên đừng có khởi đầu như vậy, bạn không đủ sức lực đâu, hãy tỉnh táo. Việc kinh doanh không chỉ đơn giản là mang sản phẩm đưa tới tay người cần và thu về lợi nhuận, nó còn cần tài chính, quản lý, vận hành… rất nhiều thứ rắc rối khác nữa, nhưng đáng sợ nhất vẫn là những “kẻ khổng lồ”, những người lớn hơn bạn về cả tiềm năng, tài chính và đội ngũ, vì thế lời khuyên của Vũ là, hãy tìm kiếm thị trường ngách, sau đó tìm kiếm thị trường ngách trong thị trường ngách này.
Facebook đã làm như vậy, ban đầu họ chỉ phát triển trong một trường đại học, rồi nhiều trường đại học, rồi các trường Đại học của một Bang, rồi nhiều Bang, rồi toàn nước Mỹ, và giờ thì khắp mọi nơi (trừ Trung Quốc và…). Vậy nên hãy học hỏi từ Facebook, tìm kiếm thị trường ngách để thực hiện lý tưởng của mình. Đừng đạp cửa xông vào Đại hội, mệt đấy!
Ví dụ về thị trường ngách: ý tưởng là bán cà phê, thị trường cà phê rất lớn, thu nhỏ lại lần 1, chọn cà phê rang xay, thu nhỏ lại lần 2, chọn cà phê rang xay cho quán, thu nhỏ lại lần 3, chọn cà phê rang xay cho quán cóc, thu nhỏ lại lần 4, cho người đi làm bận rộn, thu nhỏ tiếp, cho phụ nữ…
Hãy nhớ rằng, tìm kiếm một thị trường nhỏ để khởi đầu, nhưng sau đó phát triển không giới hạn tệp khách hàng mà bạn có thể tiếp cận thông qua các hoạt động thâm nhập thị trường.
Tuyệt vời khi bạn kiên trì đọc tới đoạn này, khi bạn đã sở hữu lý tưởng kinh doanh, tìm thấy thị trường ngách, giờ là lúc tìm hiểu về kỹ thuật, trong xây dựng chiến lược kinh doanh:
Nếu bạn muốn làm giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc. – Warren Buffett
5. Chiến lược kinh doanh gồm những gì?
5.1 Lý tưởng kinh doanh
Bắt đầu hành trình kinh với với ý tưởng của riêng bạn, nhưng để phát triển ý tưởng trở thành một doanh nghiệp vững chắc, bạn cần chuyển đổi ý tưởng đó trở thành lý tưởng. Lý tưởng kinh doanh giúp bạn thuyết phục và hiệu triệu nhiều người cùng tham gia hoàn thành ý tưởng đó.
5.2 Mục tiêu
Tâm lý học hành vi luôn thể hiện con người luôn luôn có nhu cầu nhiều hơn, hậu quả trong mọi chiến lược thường gặp phải, đó là quá nhiều mục tiêu. Không quan trọng bạn đặt ra bao nhiêu mục tiêu, quan trọng là bạn đạt được bao nhiêu mục tiêu trong đó.
5.3 Nghiên cứu đối thủ
Chìa khóa cho một chiến lược kinh doanh hiệu quả, chính là tập trung nghiên cứu cả những ưu điểm vượt trội lẫn nhược điểm còn hạn chế của đối thủ.
5.4 Lợi thế cạnh tranh
Giáo sư Michael Porter giảng dạy tại Đại học Harvard, Mỹ, là người tạo ra lý thuyết lợi thế cạnh tranh của các quốc gia. Michael Porter là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Đại học Harvard. Những tác phẩm kinh điển như “Chiến lược cạnh tranh” (competitive strategy), “Lợi thế cạnh tranh” (competitive advantage) và “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” (competitive advantage of nations) được xem như là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 30 năm qua.
5.5 Khung chiến lược
Các chiến lược cấp độ bộ phận như chiến lược thương hiệu, chiến lược marketing, chiến lược phân phối, chiến lược tài chính sẽ được tích hợp vào khung chiến lược này.
Việc xác định và kết hợp các chiến lược cấp thấp hơn này cùng chiến lược kinh doanh được gọi là khung chiến lược. Nó đảm bảo cho sự thành công của kế hoạch chung, vì khung chiến lược thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của từng bộ phận, định hướng chúng hỗ trợ mọi mục tiêu cao nhất.
5.6 Chỉ số đo lường
Sự thành công của một chiến lược kinh doanh được thể hiện qua các con số, được đánh giá bằng một loạt các chỉ số hiệu suất “Key Performance Indicator (KPI)”, các KPI này được xây dựng đảm bảo hai yếu tố sau:
- Các KPI này đo lường mức độ đạt được các mục tiêu đã xác định.
- Các KPI này được xác định trước khi triển khai chiến lược để đảm bảo độ chính xác.
6. Phân biệt giữa chiến lược kinh doanh và chiến thuật kinh doanh
Trước khi đi vào chi tiết của quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh, điều quan trọng phải hiểu được chiến lược và chiến thuật khác nhau như thế nào. Hai thuật ngữ này thường được dùng thay thế cho nhau, nhưng hiểu và sử dụng chúng lại hoàn toàn khác.
Một chiến lược kinh doanh đặt ra mục tiêu dài hạn và đưa ra kế hoạch để hiện thực hoá nó, đơn giản hơn nó là đường chạy dẫn chúng ta về đích.
Một chiến thuật sẽ đưa ra những giải pháp, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu (của chiến thuật đó) hỗ trợ và giúp đạt được mục tiêu của chiến lược.
Một chiến lược kinh doanh có thể có nhiều chiến thuật kinh doanh khách nhau.
Chiến lược như một chai rượu vang hảo hạng khi bạn mời ai đó đi ăn tối. Chiến thuật khiến họ uống nó. – Frank Muir
7. Ba cấp độ trong mô hình tháp chiến lược kinh doanh
Có ba cấp độ trong chiến lược kinh doanh toàn cầu thường được sử dụng: Cấp tập đoàn, Cấp công ty, Cấp bộ phận. Ba cấp này tạo thành một khung chiến lược của một tổ chức.
7.1 Cấp tập đoàn:
Chiến lược kinh doanh cấp tập đoàn là các chiến lược của ban lãnh đạo cấp cao nhất, tác động đến mọi hoạt động trong tương lai của tổ chức (nhiều công ty, lĩnh vực kinh doanh khác nhau). Nó hướng dẫn mọi quyết định liên quan đến sự phát triển mới, sáp nhập, hoặc đa dạng hoá đầu tư.
7.2 Cấp công ty:
Chiến lược kinh doanh cấp công ty được xây dựng tích hợp vào chiến lược tập đoàn(dựa trên những mục tiêu mà cấp tập đoàn yêu cầu). Chiến lược cấp công ty sẽ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh cụ thể.
7.3 Cấp độ bộ phận:
Chiến lược cấp bộ phận là những chiến lược bao gồm: chiến lược thương hiệu, marketing, phân phối, tài chính, sản xuất, hậu cần và nguồn nhân lực (dựa trên mục tiêu mà cấp công ty yêu cầu). Những chiến lược cấp độ này tập trung vào một chức năng, phòng ban cụ thể, nhằm phát huy mọi nguồn lực của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảo sự phối hợp hài hoà giữa những bộ phận chức năng khác nhau.
Đừng quá lo lắng khi thấy quy mô của ba cấp độ này, bạn có thể chưa cần xây dựng tới cấp độ 1, nhưng để đảm bảo mình “không mất gốc”, cần nắm rõ những cấp độ trong tháp chiến lược. Trên thực tế, một doanh nghiệp sở hữu nhiều chiến lược ở mỗi cấp sẽ càng đảm bảo mọi thứ đều được kiểm soát và dự tính trước.
Một điều tất yếu của tháp chiến lược kinh doanh, có nhiều chiến lược sẽ có mâu thuẫn nhau về các mục tiêu và phương pháp, rủi ro này có thể hạn chế thông qua việc minh bạch mục tiêu trong nội bộ, và khả năng xác định vấn đề, quản lý mục tiêu của cấp lãnh đạo.
8. Vì sao chiến lược kinh doanh lại quan trọng?
Vũ xin trích dẫn câu nói của nhà triết học, bác học Hy Lạp Aristoteles mà mình rất tâm đắc:
“Khởi đầu bạn có một lý tưởng rõ ràng, thiết thực. Sau đó bạn cần có những tiềm lực cần thiết để đạt được mục tiêu gồm tri thức, vật chất, và phương pháp. Cuối cùng hãy hướng tất cả tiềm lực vào mục tiêu đó.”
Thời đại ngày nay với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sự cạnh tranh khốc liệt, mọi thông tin đều minh bạch và cơ hội chia đều cho tất cả mọi người.
Không chiến lược kinh doanh chi tiết sẽ dẫn đêns hệ quả là sự hoạt động không nhất quán, làm lãng phí nguồn lực . Không nhất quá sẽ làm suy yếu lợi thế cạnh tranh, yếu tố bất ngờ mà đáng nhẽ doanh nghiệp cần phải tận dụng một cách nhanh và hiệu quả.
Chiến lược kinh doanh rất quan trọng, vì bạn cần phải dồn toàn lực hướng về một mục tiêu và nó giúp bạn dự đoán trước những rủi ro.
Không lập kế hoạch là đang lập kế hoạch cho sự thất bại
> Xem tiếp: Chiến lược kinh doanh là gì? Hướng dẫn từ cơ bản tới nâng cao, ứng dụng mô hình 5T [Phần 2]
9. Những câu hỏi thường gặp về chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh là gì?
Chiến lược kinh doanh là một tài liệu tuyệt mật, giúp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh trở thành những nội dung cụ thể, thông qua những kế hoạch và chính sách rõ ràng. Mục tiêu của chiến lược kinh doanh là giúp cá nhân/tổ chức đạt được sự ổn định, và gia tăng về tài chính.
Phân biệt giữa chiến lược kinh doanh và chiến thuật kinh doanh?
Một chiến lược kinh doanh đặt ra mục tiêu dài hạn và đưa ra kế hoạch để hiện thực hoá nó, đơn giản hơn nó là đường chạy dẫn chúng ta về đích. Một chiến thuật sẽ đưa ra những giải pháp, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu (của chiến thuật đó) hỗ trợ và giúp đạt được mục tiêu của chiến lược.
Ba cấp độ trong mô hình tháp chiến lược kinh doanh?
1. Cấp tập đoàn
2. Cấp công ty
3. Cấp độ bộ phận
Tại sao cần chiến lược kinh doanh?
Thời đại ngày nay với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sự cạnh tranh khốc liệt trên “chiến trường” kinh doanh, mọi thông tin đều minh bạch và cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Không có một kế hoạch kinh doanh chi tiết sẽ dẫn đến các hoạt động lộn xộn trong mọi bộ phận, làm lãng phí tiềm lực và khiến bạn dễ dàng “hở sườn” trước các đối thủ. Sự không thống nhất sẽ làm mất đi sức mạnh cạnh tranh, yếu tố bất ngờ mà đáng nhẽ bạn cần phải tận dụng chiếm lấy nhanh nhất.
Quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh?
Quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh 5T do vũ đúc kết và chia sẻ tới cộng đồng bao gồm 5 giai đoạn:
T1 – Tạo dựng lý tưởng
T2 – Thiết lập mục tiêu
T3 – Thấu hiểu thị trường
T4 – Tìm thấy lợi thế
T5 – Thiết kế khung chiến lược