Phông chữ sans serif không được ưa chuộng trong thiết kế in ấn nhưng luôn là chân ái của những nhà thiết kế đồ hoạ.
Sự phát triển và phổ biến của các phông chữ cơ bản nhất trong thiết kế như serif, sans serif đã đến mức độ mà dù không hoạt động hay làm việc trong lĩnh vực thiết kế – nhiều người vẫn kể ra được những ưu nhược điểm và khác biệt quan trọng của hai font này. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều suy nghĩ và cách nhìn nhận còn chưa thật sự phù hợp về serif, sans serif trong việc ứng dụng chúng lên các tác phẩm thiết kế.
Lịch sử và mục đích sử dụng ban đầu của các phông chữ sans serif, serif cũng không được đề cập chi tiết trong những văn bản hay tài liệu về kiến thức thiết kế. Dẫn đến nhiều thiên kiến xác nhận chẳng hạn như phông chữ sans serif thì “trẻ con” và không đáng tin cậy, phông chữ serif thì lạc hậu và không dành cho những nhà sáng tạo trẻ tuổi.
Vậy thì ưu nhược điểm của font sans serif là gì, vì sao phông chữ sans serif ngày càng được ưa chuộng trong thiết kế đồ hoạ? Đó là những câu hỏi mà Vũ muốn cùng các bạn chia sẻ, phân tích trong khuôn khổ bài viết lần này. Nhưng trước đó, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu lại nguồn gốc và mục đích sử dụng ban đầu của phông chữ serif. Bài viết có những nội dung chính như sau:
- Sự khác nhau giữa phông chữ sans serif và serif
- Nguồn gốc ra đời, mục đích sử dụng của font sans serif là gì?
- Tháo gỡ những thiên kiến xác nhận về serif và sans serif.
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Khác biệt giữa font serif với font sans serif là gì?
Serif theo ngôn ngữ cổ đại nghĩa là những nét kết thúc của một con chữ bất kì, đó có thể là một nét thẳng hay dấu ngoặc với kích thước thanh mảnh hơn nhiều so với thân chữ – mà ngày nay chúng ta gọi là “chân” (phông chữ có chân, phông chữ không chân,…). Việc sử dụng các serif để kết thúc một chữ cái xuất hiện từ thời La Mã cổ, khi người Hy Lạp bắt đầu viết và khắc chữ lên những tảng đá lớn nhỏ.
Có hai giả thuyết phân tích lý do sử dụng các serif trong “chữ viết” của người Hy Lạp cổ. Một là các serif giúp tạo hiệu ứng như những nét bút, nét cọ chân thật được viết lên trên đá. Hai là nhà điêu khắc muốn kết thúc chữ cái bằng các serif nhằm thu gọn, làm rõ các chữ để theo thời gian ý nghĩa của chữ khắc không bị bào mòn hay phai mờ. Ngày nay, người ta phân nhóm phông chữ serif thành hai dạng là Serif Old Style (kiểu cũ) và phần còn lại – nhóm font serif từ giai đoạn nửa cuối thế kỷ 15 trở về sau.
Serif kiểu cũ được cho là xuất hiện kể từ năm 1465 – chỉ vài năm sau khi Johan Gutenberg tìm ra giải pháp in chữ đúc rời để thay thế cho các phương án truyền thống. Bối cảnh lịch sử khi đó được định hình trong các nhà thờ lớn cách thành Rome khoảng 70km về phía Đông. Vì quá thất vọng với những người được gọi là “tu sĩ bất trị”, Giáo hoàng Urban đã đề nghị sa thải và thay thế họ bằng các tu sĩ nước ngoài. Những tu sĩ mới đến phần đông là người Đức, người Pháp và một số ít thì đến từ Bỉ, Ba Lan hay Tây Ban Nha.
Trong hành trình vượt qua dãy núi Alps để đến Ý, tu sĩ nước ngoài dĩ nhiên không muốn kéo theo những chiếc máy in truyền thống nặng nề – món đồ họ có thể chế tạo và lắp ráp sau khi đến nơi. Thứ duy nhất họ mang theo bên mình ngoài tư trang cá nhân, đó là một số bản in bằng sách với chữ viết La Mã cổ đại – cùng vật liệu in chữ cần thiết. Xu thế dịch chuyển này phát triển mạnh mẽ nhất từ những năm 1460, cùng giai đoạn giải pháp in chữ rời của Gutenberg được biết đến và lan truyền rộng khắp châu Âu.
Có trong tay các bản in gốc và máy in được chế tạo, lắp đặt ngay tại Ý nên những tu sĩ nước ngoài không gặp khó khăn trong việc phổ cập, lan truyền chữ viết La Mã (chữ Serif kiểu cũ) đến đông đảo người dân ở đây. Các biến thể và phiên bản mới sau này của phông chữ Serif như Antiqua, Didone hay Slab Serif chỉ có tác dụng làm phong phú thêm kiểu chữ lâu đời nhất lịch sử đương đại.
Trái ngược với phông chữ serif chắc chắn là phông chữ sans serif. Trong tiếng Latinh thì sans là một tiền tố có ý nghĩa giống như “without” ở trong tiếng Anh – như vậy phông chữ sans serif có nghĩa là phông chữ không có chân (without serif). Chữ không chân được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và được phát triển trên nền tảng của phông chữ Serif Didone – từng được dùng làm biển hiệu quảng cáo trong giai đoạn đầu với ưu điểm nét chữ chắc chắn, trang nghiêm và thu nhỏ đến mức tối đa các serif hiển thị.
Nếu phông chữ serif được ưa chuộng trong các thiết kế ấn phẩm với ưu thế trang trọng, lịch sự và có tác dụng điều hướng mắt nhìn thì sans serif lại được ưu tiên trong thiết kế đồ hoạ. Vì phông chữ không chân chắc chắn sẽ dễ nhìn hơn trên màn hình điện thoại, màn hình smartphone cũng như các thiết bị đeo thông minh mà chúng ta đang sử dụng. Câu chuyện về phông chữ sans serif sẽ được Vũ chia sẻ chi tiết hơn trong phần kế tiếp.
Mục đích sử dụng của phông chữ sans serif
Cũng giống như người anh em serif, phông chữ sans serif được chia thành nhiều kiểu khác nhau chẳng hạn như Grotesque, Neo-Grotesque, Geometric,… Trong đó dù được sử dụng từ đầu thế kỷ 20, nhưng hai kiểu chữ không chân cơ bản nhất là Geometric và Grotesque vẫn phải chào thua Neo-Grotesque về độ phổ biến trong những năm gần đây. Chắc chắn là nhiều nhà thiết kế đồ hoạ vẫn luôn ghi nhớ: Helvetica được công nhận là typeface thuộc “nhà sans serif” phổ biến nhất thế giới – cũng đến từ kiểu chữ Neo-Grotesque.
Helvetica là typeface được ra đời và phát triển bởi ông Max Miedinger – một nhà thiết kế đồ hoạ nổi tiếng người Thuỵ Sĩ vào năm 1957. Có tên gọi nguyên thuỷ là Neue Haas Grotesk, năm 1960 typeface này chính thức được đổi tên thành Helvetica (dựa theo tên nước Thuỵ Sĩ trong ngôn ngữ Latinh là Helvetia). Helvetica giống như bản nâng cấp và hoàn thiện những giá trị cơ bản nhất của phông chữ sans serif: khoảng cách giữa các chữ và số lớn, các ký tự và dấu câu đậm nét hơn, từ đó cải thiện đáng kể khả năng đọc hiểu của người xem.
Hiện nay Helvetica là kiểu chữ có nhiều “family” hàng đầu thế giới, với ít nhất 51 phiên bản cùng với 3 độ rộng và 9 độ đậm riêng biệt đã được ghi nhận. Chính vì vậy nhiều người thường có cảm giác “quen quen” và vô cùng thân thuộc, khi nhìn thấy bất cứ một tác phẩm thiết kế hay thông điệp truyền thông nào sử dụng kiểu chữ Helvetica. Nó có thể sử dụng làm câu tiêu đề, mở đầu bài viết cho đến nội dung thân bài bên trong – thậm chí xuất hiện trên giao diện website, ấn phẩm thiết kế với mục đích giúp cải thiện tính nhận diện thương hiệu.
Nhắc đến trường hợp các thương hiệu nổi tiếng sử dụng Helvetica làm typeface trong những nội dung, thông điệp truyền thông cùng với giao diện sản phẩm thì không thể quên gọi tên Apple. Nhà Táo Khuyết bắt đầu sử dụng Helvetica từ thế hệ iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007, phông chữ này được ứng dụng trên toàn bộ giao diện iOS nhiều năm kế tiếp. Trước đó vào năm 2001, Apple cũng sử dụng một phông chữ sans serif khác là Chicago – khi cho ra đời thế hệ đầu tiên của máy nghe nhạc iPod.
Trên máy tính Mac thì Apple chỉ sử dụng phông Helvetica ở phiên bản MacOS Yosemite – phát hành năm 2014 trước khi tất cả dải sản phẩm chuyển sang dùng font Sans Francisco, với ưu điểm hiển thị rõ nét trên màn hình nhỏ để phù hợp các sản phẩm mới như Apple Watch, Apple AirPods,… Tuy nhiên, trong quá trình nhập liệu thì phần lớn người dùng MacOS vẫn tiếp tục sử dụng phông Helvetica nhiều năm sau này.
Một thương hiệu nổi tiếng khác sử dụng phông chữ không chân trong các nội dung, ấn phẩm truyền thông của mình là Starbucks. Trên trang hướng dẫn sử dụng nhận diện Creative Starbucks, thương hiệu đặt trụ sở tại thành phố Seattle nêu rõ 3 phông chữ được sử dụng đồng bộ là Sodo Sans, Pike và Lander. Trong đó Pike và Sodo Sans là hai phông chữ sans serif điển hình, sử dụng cho phần lớn nội chung chữ viết đặc biệt là các đoạn thân bài, nội dung có chiều dài trung bình hoặc lớn.
Starbucks tuyên bố rằng trong khi nhiều người đang cố quay lưng với hệ thống chữ viết tay, họ có thể giữ lại và kết nối các giá trị của chữ viết tay thông qua việc sử dụng chữ sans serif. Phông chữ không chân sans serif cũng là lời khẳng định mạnh mẽ của một thương hiệu sẵn sàng thay đổi, làm mới bản thân để phù hợp với nhiều nhóm khách hàng mục tiêu – với đặc tính phông chữ dễ tiếp cận, linh hoạt trong ứng dụng và tính dễ đọc trên nhiều nền tảng khác nhau.
Khác với phông chữ serif hay một số kiểu chữ truyền thống, phông chữ sans serif có thể ứng dụng cho nhiều môi trường và mục đích sử dụng khác nhau. Nếu như thương hiệu Starbucks tích cực sử dụng chữ không chân trên các nền tảng truyền thông, Apple sử dụng trên các thiết kế giao diện người dùng thì hàng loạt thương hiệu lớn còn sử dụng chữ không chân, những biến thể của phông chữ sans serif làm logo của thương hiệu mình. Ví dụ như Samsung, Google, airbnb hay Facebook.
Những thiên kiến sai lệch về font sans serif là gì?
Dù có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng “khoảng cách thế hệ” giữa phông chữ serif và sans serif là vô cùng lớn, dẫn đến nhiều thiên kiến sai lệch về định nghĩa, vai trò cũng như cách ứng dụng một trong hai phông chữ này ở ngoài thực tế. Ngay bên dưới sẽ là 3 hiểu nhầm thường gặp về phông chữ serif và sans serif.
Phông chữ sans serif thiếu nghiêm túc, trang trọng
Cần xác định ngay từ ban đầu rằng sự tối giản, hiện đại và trang trọng, chững chạc là hai phạm trù hoàn toàn độc lập. Một thương hiệu hướng đến sự hiện đại, ủng hộ tinh thần tối giản thì vẫn có thể trang trọng, chững chạc và ngược lại. Nói đến phông chữ cũng vậy, sử dụng phông chữ không chân hay có chân là câu chuyện mang tính thời điểm, xu hướng chứ không thể căn cứ vào đó để đánh giá bản sắc của một thương hiệu.
Chẳng hạn như trường hợp các thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci, Louis Vuitton,… họ từng có khoản thời gian sử dụng phông chữ serif truyền thống trên các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông và thiết kế nhận diện thương hiệu của mình. Nhưng theo thời gian, các thương hiệu này dần chuyển sang sử dụng phông chữ không chân nhiều hơn – nhằm hướng đến sự hiện đại và tinh thần trẻ trung, cầu thị mà bất cứ tên tuổi lớn nào trên thị trường cũng phải thể hiện.
Font serif để thiết kế ấn phẩm, font sans serif để thiết kế giao diện
Với những tính chất rất riêng của cả hai, nhiều người mặc định phông chữ serif chỉ phù hợp cho các thiết kế ấn phẩm, nội dung ngắn hoặc dạng câu tiêu đề. Trong khi đó phông chữ sans serif chỉ phù hợp cho các thiết kế giao diện người dùng, văn bản có độ dài lớn hoặc các thiết kế nhận diện thương hiệu trên môi trường kỹ thuật số. Trên thực tế thì cả hai phông chữ đều có thể linh hoạt, tuỳ biến sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Vì tính lịch sử lâu đời của mình, phông chữ serif thường gắn liền với các hoạt động in ấn, tạo ra sản phẩm nội dung ở dạng vật lý như sách báo, tờ rơi,… nhiều hơn là sử dụng trên môi trường kỹ thuật số hay trong các bộ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên với những thương hiệu đòi hỏi tính trang trọng, sự cao cấp và chững chạc nhất định trong quá trình truyền thông, tiếp thị sản phẩm thì sử dụng phông chữ có chân cũng là một lựa chọn thú vị.
Khi thị trường đang xuất hiện quá nhiều thương hiệu sử dụng phông chữ sans serif – từ các ấn phẩm nội dung cho đến hình ảnh nhận diện, dẫn đến hiện tượng thương hiệu này có nét tương đồng nhất định với thương hiệu kia. Việc nhiều tên tuổi chọn quay về với phông serif được dự đoán sẽ là xu hướng của năm 2025. Ở chiều ngược lại, các thương hiệu xa xỉ và sản phẩm đắt đỏ, dẫn đầu phân khúc phổ thông vẫn có thể sử dụng font sans serif để làm bật lên các giá trị mang tính bản sắc – như tính cách hay văn hoá thương hiệu chẳng hạn.
Phông chữ sans serif dễ đọc hơn phông chữ serif
Chúng ta có thể nhận định rằng: phông chữ sans serif với tính chất tối giản và ít chi tiết thừa nên tương đối dễ đọc – đặc biệt là trên các nền tảng kỹ thuật số hay thiết bị công nghệ có kích thước hiển thị nhỏ, giống như câu chuyện của những chiếc Apple Watch. Tuy nhiên, khẳng định phông chữ sans serif dễ đọc hơn phông chữ serif thì sẽ rất phiến diện, có phần một chiều theo quan điểm của bản thân người nói hoặc người viết.
Ngay từ thời xa xưa khi người La Mã cổ đại quyết định sử dụng kiểu chữ có chân, họ đã tin rằng việc thêm vào cuối con chữ những đường nét nhỏ nhắn, tinh gọn sẽ có tác dụng “gom nét chữ” và phân tách rõ ràng giữa chữ cái này với chữ cái kế tiếp. Không chỉ vậy, chính những nét kết thúc tinh tế ở cuối mỗi con chữ còn mang theo tác dụng điều hướng – giúp mắt của chúng ta thoải mái chuyển từ chữ này sang chữ kia, từ nội dung này đến nội dung khác.
Như vậy, tính dễ đọc là lợi thế mà phông chữ serif và sans serif đều có được. Việc lựa chọn sử dụng, khai thác giá trị của phông chữ nào không hoàn toàn nằm ở tính dễ đọc của chúng. Phông chữ sans serif có lợi thế vượt trội khi so với chữ serif là tính hiển thị ổn định, dễ đọc nên cung cấp thông tin một cách nhanh chóng – dựa trên nhiều nền tảng và thiết bị khác nhau.
Tạm kết
Vũ không phủ nhận sự thật là với trách nhiệm và giá trị của một branding agency, đội ngũ Vũ luôn hướng đến việc theo đuổi, truyền tải các thông điệp mang tính chất trẻ trung, hiện đại và phù hợp với đại bộ phận công chúng. Như vậy Vũ luôn yêu thích và ưu tiên sử dụng phông chữ không chân trong các nội dung truyền thông, thông điệp quảng bá dịch vụ, thậm chí là trong phần lớn tác phẩm thiết kế và nội dung thương hiệu của khách hàng (miễn là phù hợp và hiệu quả).
Nhưng đứng ở góc độ của một người phân tích, chia sẻ kiến thức thương hiệu một cách trung lập, Vũ tin rằng cả phông chữ serif và sans serif đều có chỗ đứng nhất định trong quá trình xây dựng, duy trì rồi củng cố nhận thức tích cực của mỗi đội ngũ thương hiệu. Giống như cái cách thương hiệu Starbucks sử dụng phông Pike và Sodo Sans trong phần lớn ấn phẩm, nội dung truyền thông của mình nhưng vẫn đảm bảo sự xuất hiện của Lander – một phông chữ có chân thuần tuý trong các hoạt động lan toả, truyền đi thông điệp mang tính cảm xúc cao.
Nếu bạn và đội ngũ thương hiệu của mình là những người hướng đến sự hiệu quả, đang tìm kiếm một nhà sáng tạo và xây dựng thương hiệu cho các dự án và mục tiêu bền vững, thật may mắn vì bạn đã tìm thấy Vũ. Đội ngũ những nhà sáng tạo của Vũ luôn làm việc, tư vấn và đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp bằng triết lý hiệu quả, đóng góp vào sự thành công của bản thân doanh nghiệp và cả nền kinh tế nước nhà – vì đó chính là nền tảng để phát triển chất lượng cuộc sống người dân, đúng với tầm nhìn của đội ngũ tại Vũ.
Liên hệ ngay với Vũ để cùng nhau, chúng ta làm nên những giá trị tuyệt vời và hiệu quả cho mô hình kinh doanh của riêng bạn. Với niềm tin cho rằng doanh nghiệp thành công, nền kinh tế phát triển thì đời sống của người dân Việt Nam cũng sớm được nâng tầm. Hotline 0366 366 999.
Xin chân thành cảm ơn,