Khái niệm texture là gì mà được nhiều người trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế đồ hoạ thường xuyên sử dụng?

Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế, khái niệm texture còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống khác. Đây cũng là khái niệm thường được dùng ở dạng thuật ngữ – nghĩa là nói hoặc viết ở dạng nguyên gốc chứ không dịch sang tiếng Việt, mà hầu hết mọi người đều có thể hiểu được texture là gì. Ngoài thiết kế đồ hoạ nói riêng, texture còn xuất hiện trong nghệ thuật nhiếp ảnh, xây dựng, tranh ảnh,… và thậm chí là làm bánh.

Nhắc đến nghề làm bánh, hoặc nói một cách trân trọng hơn là nghệ thuật làm bánh – đây chính là động lực để Vũ gửi đến các bạn bài viết lần này. Cách đây không lâu, Vũ có xem một chương trình về đề tài làm bánh, các nghệ nhân bếp bánh sẽ thi tài với nhau để tìm ra “tác phẩm nghệ thuật” giành phần thắng. Cuộc thi có 3 vị giám khảo đến từ các tổ chức và nhà hàng nổi tiếng trên thế giới, nhưng đặc biệt chú ý đến phần nhận xét của nữ giám khảo duy nhất.

Texture trong thiết kế và nghệ thuật là một yếu tố vô cùng quan trọng (ảnh: Vũ Digital).

Texture trong thiết kế và nghệ thuật là một yếu tố vô cùng quan trọng (ảnh: Vũ Digital).

Không tập trung vào vẻ ngoài tác phẩm hay kỹ thuật làm bánh của thí sinh như hai giám khảo nam, nữ giám khảo tỏ ra đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm và cảm xúc khi nếm thử bánh. Cô quan tâm đến sự kết hợp nhuần nhuyễn, mỹ vị của phần kem bao phủ bên ngoài và phần cốt bánh phía bên trong. Cảm giác khi muỗng bánh đầu tiên tan dần trên đầu lưỡi như thế nào, miếng bánh khi ăn mang đến hương vị và cảm nhận ra sao. Có một từ khoá mà nữ giám khảo đã hơn một lần nhắc đến – đó là texture.

Không nhiều người nghĩ rằng texture có thể tồn tại, ứng dụng hoặc được nhắc tới trong quá trình làm ra một chiếc bánh. Phần lớn văn bản hay tư liệu tham khảo cũng chỉ đề cập đến hai kiểu texture đặc trưng nhất, đó là nhìn (visual texture) và chạm (tactile texture). Nhưng sau khi dành thời gian quan sát và tìm hiểu ở một số nguồn tài liệu chính thống, đáng tin cậy dưới góc độ khái niệm, Vũ nhận ra thuật ngữ texture còn có thể hiểu rộng hơn như vậy rất nhiều.

ty le vang blog 1

Texture là gì? Bản chất của texture trong thiết kế và nghệ thuật

Theo IGI Global – một chuyên trang xuất bản về chủ đề khoa học thì texture được định nghĩa là tất cả các kết cấu, đặc điểm chung của vật liệu ở xung quanh chúng ta. Nó tồn tại ở hai dạng chính là Thực tế (được tạo ra, sản xuất hoàn toàn có thật) và Mô phỏng (được tái hiện, đánh lừa thị giác để mang đến cảm giác tương đương). Trên từ điển Cambridge cũng ghi rõ, texture là chất lượng của một đồ vật mà ta cảm nhận được bằng cách nhìn ngắm, chạm vào hoặc cảm nhận ở trong miệng.

Bản chất của texture là tập trung vào một và chỉ một giác quan cụ thể của con người, khi tiếp xúc với đồ vật hay hình dạng nào đó bất kì. Đến mức dù bỏ qua việc sử dụng kết hợp những giác quan khác, bản thân mỗi người vẫn cảm nhận rõ ràng kết cấu và chất lượng của đồ vật hoặc hình dạng vật lý đó. Ví dụ như chạm tay vào một khối cứng, khô nhưng dễ vụn thì biết đó là bánh mì, nếm một muỗng mát lạnh, mềm xốp nhưng mau tan thì biết đó là kem tươi.

Không dừng lại ở đó, texture như cách định nghĩa của chuyên trang IGI còn tồn tại ở dạng mô phỏng, nghĩa là được tái hiện hoặc đánh lừa thị giác nhằm mang đến cảm nhận tương đương, nhờ vào kỹ thuật của người hoàn thiện vật thể. Điều thú vị là “cảm nhận tương đương” này có thể dựa vào nhiều giác quan khác nhau, không nhất thiết phải xuất phát từ bản chất ban đầu của vật thể hướng đến. Chẳng hạn như một bức tranh nhìn thoáng qua cứ ngỡ là tranh sơn mài, nhưng dùng tay chạm vào trực tiếp mới biết rằng đó chỉ là một bức tranh bình thường.

Bản chất của texture là gì? (ảnh: Vũ Digital).

Bản chất của texture là gì? (ảnh: Vũ Digital).

Nhờ có sự phát triển của công nghệ cùng tiêu chuẩn tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, texture ở dạng Mô phỏng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đạt đến hiệu quả về mặt thị giác cũng như cảm xúc cao hơn. Bằng chứng là nhiều tranh vẽ, ảnh chụp chi tiết và có hồn đến mức cứ ngỡ là có thật – trong khi nhiều vật thể “nhìn như đồ thật” nhưng hoá ra đã được làm giả, tinh chỉnh dưới đôi bàn tay khéo léo của người thực hiện để đánh lừa thị giác chúng ta.

Giống như một trào lưu sáng tạo nội dung trên YouTube gần đây, đặt ra thử thách vui phân biệt giữa đồ vật thật và “đồ vật tạo hình bằng bánh kem.” Nhiều vật dụng quen thuộc với chúng ta trong đời sống thường ngày như điện thoại, khăn giấy, bồn rửa tay,… được tạo hình khéo léo từ đôi bàn tay của các nghệ nhân làm bánh. Chi tiết và chân thật đến mức ít ai nhận ra được đâu là đồ vật, đâu mới là bánh kem.

Không chỉ tạo ra bầu không khí chân thật và gợi lên nhiều xúc cảm cho người chứng kiến, bánh kem hay nhiều tác phẩm nghệ thuật khác như ảnh chụp, tranh vẽ còn có mục tiêu quan trọng hơn nữa khi ứng dụng texture – đó là tạo ra chiều sâu của tác phẩm và cảm giác mà người thực hiện muốn mang đến. Chẳng hạn như trong nghệ thuật nhiếp ảnh: các texture thô ráp tạo ra cảm giác gồ ghề, mạnh mẽ cho từng chi tiết ở trong ảnh, còn các texture mịn màng, nhẵn nhụi thì gợi lên cảm giác nhẹ nhàng và bình yên.

Sử dụng texture trong thiết kế đồ hoạ giúp tạo ra chiều sâu cho tác phẩm (ảnh: Vũ Digital).

Sử dụng texture trong thiết kế đồ hoạ giúp tạo ra chiều sâu cho tác phẩm (ảnh: Vũ Digital).

Vì truyền tải đúng cảm giác và tinh thần thực tế khi tác phẩm được hoàn thiện, ranh giới giữa người xem với bản thân tác phẩm đó cũng được rút ngắn lại. Khi nhìn vào một bức tranh hay ảnh chụp chuyên nghiệp, người xem thường có xu hướng nghĩ rằng mình đang thật sự nhìn thấy hình ảnh đó – ở đúng thời điểm mà nó đang xảy ra. Chứ không nhận thức rõ ràng rằng trước mặt mình chỉ là một sản phẩm của nghệ thuật, hoặc của kỹ thuật số đơn thuần.

Cover TramAnhArt
Bài viết liên quan

Phân loại texture như thế nào?

Trên thực tế, kinh nghiệm của chúng ta với texture phải xuất phát từ kinh nghiệm của chúng ta với thế giới vật chất. Khi bạn chạm vào một khối cứng, khô nhưng dễ vụn và đoán được ngay đây là bánh mì – chính là nhờ bạn đã nhìn thấy, cầm thử rồi ăn qua bánh mì trong vô số lần trước đó. Thậm chí, âm thanh nóng giòn và nghe “rôm rốp” quen thuộc khi bẻ ổ bánh mì ra làm đôi – cũng là cơ sở để bạn nhận ra bánh mì thông qua những texture đặc trưng, dù không được nhìn thấy hay “cắn thử” một miếng.

Đổi lại nếu là một đứa trẻ vừa mới chào đời, thì không thể nhận ra bánh mì ngay lập tức dù được nhìn thấy, chạm vào, cắn thử một miếng hoặc được người lớn hướng dẫn cho một số “texture cơ bản” của bánh mì. Khi con người chưa biết nói, biết viết bằng tiếng mẹ đẻ thì ngôn ngữ đầu tiên mà chúng ta sử dụng thành thạo – hoá ra lại là xúc giác.

Visual texture chỉ là một phần nhỏ của thế giới texture trong thiết kế (ảnh: Parade).

Visual texture chỉ là một phần nhỏ của thế giới texture trong thiết kế (ảnh: Parade).

Sự lầm tưởng cho rằng xúc giác chỉ tập trung ở các đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc vùng lưỡi bởi vì đây là những nơi có nhiều tế bào thụ cảm nhất trên cơ thể chúng ta. Cơ quan thụ cảm đóng vai trò tiếp nhận và truyền dẫn thông tin về cho não bộ, để con người phản ứng gần như ngay lập tức trước các tác động ngoại cảnh. Chẳng hạn như ánh nắng chiếu vào làm ta chói mắt, cơ thể có xu hướng phản ứng nheo mắt hoặc lấy tay che đi nguồn sáng.

Hiểu về xúc giác là cách vô cùng hiệu quả để hiểu về phân loại texture, loại bỏ đi ý tưởng xưa cũ cho rằng chỉ có hai loại kết cấu cơ bản của vật chất – bao gồm nhìn (visual texture) và chạm (tactile texture). Nhìn rộng hơn, texture phải được phân loại thành 2 nhóm là Vật lý (Physical Texture) và Dựa vào kỹ thuật (Implied Texture) – gần giống với cách định nghĩa của IGI Global.

Trong đó texture Vật lý bao gồm những kết cấu vật chất mà chúng ta tiếp nhận, cảm nhận được bằng hệ thống xúc giác của bản thân – thông qua mắt thấy, tai nghe, nếm thử hoặc dùng tay để chạm vào trực tiếp. Có nhiều cách để mô tả một texture vật lý, thậm chí mỗi người sẽ có cách để mô tả một vật chất bằng nhiều cảm nhận kết cấu khác nhau. Đặc biệt, texture vật lý không chỉ đến từ sự khác nhau dưới góc độ bề mặt, mà còn đến từ tính chất vốn có của hai hay nhiều vật thể được mang ra so sánh.

Visual texture và Tactile texture là hai phạm trù độc lập (ảnh: Deja Vu).

Visual texture và Tactile texture là hai phạm trù độc lập (ảnh: Deja Vu).

Lấy ví dụ: việc chạm vào những hạt gạo và những hạt cát mang đến hai trải nghiệm, cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Cho tay vào một thùng gạo mang đến cảm giác như đang cho tay vào một thùng nước, nhưng có độ bám cũng như tính ma sát cao hơn, làm chúng ta thoải mái và cảm thấy được thư giãn. Khi cầm một nắm cát trên tay, cát có mật độ sắp xếp khác với gạo nên cùng với tính chất riêng của nó, cát mang đến cảm giác nhờn dính và dĩ nhiên không thể thoải mái bằng.

Texture dựa vào kỹ thuật (Implied Texture) thì không hẳn là một phạm trù độc lập, nó không tách biệt khỏi texture vật lý giống như cách phân chia thành visual texture (nhìn thấy) và tactile texture (chạm vào). Texture dựa vào kỹ thuật có thể xem như là “ảnh ảo” của texture vật lý, nếu texture vật lý là cảm giác khi chúng ta chạm vào một vật thể thì texture dựa vào kỹ thuật (Implied Texture) chỉ là bức ảnh “chụp lại” cảm giác đó.

Ngày nay texture dựa vào kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong xây dựng, thiết kế nội thất nhờ ưu điểm quan trọng về giá thành. So với việc sử dụng các chất liệu cao cấp, mang tính đặc thù để ứng dụng texture vật lý như gỗ, sơn mài hay acrylic thì việc ứng dụng texture dựa vào kỹ thuật yêu cầu chi phí thấp hơn nhiều. Một số ứng dụng của implied texture trong thiết kế nội thất có thể kể đến như bề mặt da, vân giả gỗ, xốp cẩm thạch,…

Ngày nay lĩnh vực xây dựng thường ứng dụng texture dựa vào kỹ thuật (ảnh: anthology woods).

Ngày nay lĩnh vực xây dựng thường ứng dụng texture dựa vào kỹ thuật (ảnh: anthology woods).

Texture trong thiết kế đồ họa (graphic design)

Không giống như hình ảnh, màu sắc hay các đường nét đặc trưng thể hiện định hướng và tinh thần của tác phẩm thiết kế, texture trong thiết kế đồ hoạ không phải là một yêu cầu bắt buộc. Nhà thiết kế có thể sử dụng các lựa chọn, công cụ thay đổi texture cho tác phẩm của mình hoặc không – tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng dự án xây dựng hình ảnh cụ thể. Dĩ nhiên, khi có sự kết hợp của texture thì tính độc đáo và bản sắc của tác phẩm thiết kế trở nên rõ ràng hơn. 

Ví dụ thay vì sử dụng màu đỏ cơ bản làm màu sắc chủ đạo cho hình ảnh thương hiệu, đội ngũ sáng tạo có thể thay đổi thành màu đỏ sơn mài để làm tăng tính trang trọng, cổ điển trong nhận diện thương hiệu đó. Ưu điểm của texture trong thiết kế là nếu như hình ảnh, đường nét hay kiểu chữ phải dành thời gian để giải thích, kể chuyện thì texture lại ngay lập tức nhắm trúng vào thị hiếu và cảm xúc của khách hàng mục tiêu. 

Hạn chế gần như là duy nhất của texture đó là ứng dụng texture không phải một lựa chọn an toàn, nó có thể bổ sung thêm nhiều ý nghĩa quan trọng cho tổng thể thiết kế, nhưng ngược lại cũng có thể phá hỏng toàn bộ công sức trước đó của đội ngũ sáng tạo. Một số gợi ý về cách sử dụng texture trong thiết kế bên dưới, hy vọng sẽ giúp các nhà sáng tạo chọn được giải pháp tối ưu và hiệu quả trong quá trình làm việc.

Một số phương án ứng dụng texture trong thiết kế (ảnh: Mont Marte).

Một số phương án ứng dụng texture trong thiết kế (ảnh: Mont Marte).

Sử dụng nét cọ: trong khi nét cọ mảnh mang đến cảm giác thủ công cho tổng thể thiết kế, nét cọ sơn tường với kích thước lớn giúp làm nổi bật các yếu tố khác như hoạ tiết, hoa văn và phông chữ. Nét cọ cũng có tính chuyển động cao nên vì vậy, nó giúp cho thiết kế của bạn trở nên sống động và bắt mắt hơn – đặc biệt với những thiết kế nhằm mục tiêu truyền đi một thông điệp có ý nghĩa.

Làm mịn texture: kết cấu mịn màng tạo ra một hình ảnh đồng nhất và nịnh mắt, giúp thống nhất nhiều yếu tố trong một tác phẩm thiết kế đồ hoạ. Một số chất liệu để làm mịn texture có thể kể đến như vải, thuỷ tinh, sơn bóng hay gốm tráng men. Kết cấu mịn màng phản chiếu ánh sáng đều đặn hơn và vì vậy khiến người xem tập trung hơn vào thiết kế, đặc biệt với các ấn phẩm truyền thông thương hiệu ngoài trời – mang đến hiệu ứng tương tự như hình ảnh, tranh vẽ sử dụng kết cấu mịn màng.

Ứng dụng texture lên chữ: chỉ sử dụng texture cho chữ số thể hiện nội dung truyền thông, bỏ trống hoặc tối giản phông nền và các yếu tố kết hợp sẽ giúp nội dung thêm phần nổi bật, thể hiện ý tưởng truyền thông thương hiệu một cách mạnh mẽ. Một số thiết kế mang phong cách tối giản, hiện đại khi sử dụng phương án này cũng giúp cho tổng thể thiết kế không bị nhạt nhoà, một màu trong khi vẫn tuân thủ phong cách thiết kế vốn có.

Texture trong thiết kế tạo ra cảm giác mà nhà sáng tạo mong muốn (ảnh: Graphic Design Stack Exchange).

Texture trong thiết kế tạo ra cảm giác mà nhà sáng tạo mong muốn (ảnh: Graphic Design Stack Exchange).

Ưu tiên texture thiên nhiên: môi trường thiên nhiên và hoang dã mang đến một “kho tàng texture” đúng nghĩa cho những người làm sáng tạo. Từ một cành lông vũ, chiếc lá non cho đến vỏ ngoài sần sùi của một thân cây gỗ lâu năm. Bất cứ thứ gì xuất phát từ thiên nhiên, gần gũi với tự nhiên đều có thể sử dụng làm texture để mang đến cảm giác gần gũi, thân thiện và đáng tin cậy hơn. Phần lớn khách hàng mục tiêu của các ngành hàng hay lĩnh vực hiện nay cũng dành sự ưu ái cho thiên nhiên, ví dụ như mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực,…

Nhìn chung việc học tập và ứng dụng texture trong thiết kế đồ họa là đáp án cho câu hỏi muôn thuở: “Tôi phải làm gì để tác phẩm thiết kế của mình nổi bật hơn nữa giữa thị trường cạnh tranh? Khi tiêu chuẩn thiết kế đồ hoạ ngày càng cao nhưng năng lực chuyên môn của mỗi nhà thiết kế ngày càng bị thu hẹp – dưới tác động của AI hoặc sự phát triển của quá nhiều công cụ thiết kế kỹ thuật số.”

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal