Thiết kế logo bệnh viện là hạng mục thương hiệu dễ bị phớt lờ vì quan điểm và tính chất của lĩnh vực y tế Việt Nam.
Xã hội và nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu – những người được đánh giá là có đủ năng lực tài chính để trang trải cuộc sống hằng ngày, sẵn sàng đối diện với những thách thức về tài chính cá nhân, đồng thời sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng nằm ngoài danh mục sản phẩm thiết yếu.
Theo thống kê trong giai đoạn 2016 – 2021, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đạt mức tăng 10,1% và là mức lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2023, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 13% dân số nước ta, dự kiến đến năm 2026 đạt 26% và sau năm 2030 sẽ cán mốc hơn 50 triệu người – nghĩa là hơn một nửa dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu.
Tầng lớp trung lưu là động lực to lớn giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, khi nhiều người dân chấp nhận chi nhiều tiền hơn cho các mục đích ăn uống, giải trí, giáo dục hay y tế. Trong đó sự thay đổi của lĩnh vực Y tế là đáng khích lệ hơn cả – đặc biệt là với mong muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu y tế thuyết phục, đáng tin cậy.
Nhiều năm trước khi tầng lớp trung lưu vẫn tương đối non trẻ, các cơ sở và thương hiệu bệnh viện quốc tế chưa thâm nhập quá sâu vào thị trường Việt Nam, nhu cầu hay tầm nhìn của các cơ sở Y khoa trong nước về việc thiết kế, xây dựng hình ảnh thương hiệu bệnh viện tích cực vẫn còn rất mơ hồ. Hầu hết ý kiến cho rằng việc xây dựng hình ảnh thương hiệu bệnh viện là không cần thiết, bởi bệnh nhân tìm đến bệnh viện không phải vì họ thật sự muốn – mà vì họ bắt buộc phải đến để thăm khám, khắc phục các vấn đề sức khoẻ.
Suy nghĩ có phần phiến diện và một chiều đó đã dẫn đến những thiếu sót, sai lầm trong thiết kế thương hiệu bệnh viện nói chung và thiết kế nhận diện thương hiệu bệnh viện nói riêng, nhất là trong quá trình thiết kế logo bệnh viện. Đó cũng là câu chuyện Vũ muốn phân tích, chia sẻ qua bài viết lần này với chủ đề: 3 lỗi thường gặp khi thiết kế logo bệnh viện. Bài viết có những nội dung chính như sau:
- Những màu sắc, phông chữ không nên ứng dụng trên logo bệnh viện
- Không xác định đúng mục đích khi thiết kế logo bệnh viện
- Không khảo sát, tinh chỉnh trước khi đưa vào sử dụng logo bệnh viện
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Màu sắc, phông chữ không nên ứng dụng trên logo bệnh viện
Mỗi lĩnh vực và thương hiệu hoạt động trên thị trường đều cần tuân thủ, theo đuổi một nhóm màu sắc chủ đạo nhất định để thể hiện tính cách, giá trị của bản thân thương hiệu đó. Ví dụ như thương hiệu về ăn uống, kinh doanh chuỗi ẩm thực thường có màu đỏ để kích thích cơn đói và vị giác của khách hàng. Thương hiệu bán các mặt hàng xe cộ, năng lượng thì ưu tiên sử dụng màu cam vì tinh thần trẻ trung, giàu sức sống mà nó mang lại.
Ví dụ trên thị trường hiện nay có thương hiệu xe phân khối lớn KTM, thương hiệu nước ngọt Fanta hay thương hiệu thẻ quốc tế Mastercard sử dụng màu cam. Trong khi nhiều thương hiệu F&B nổi tiếng như KFC, McDonald’s và Pizza Hut lại ưu tiên sử dụng màu đỏ.
Màu đỏ cũng là màu thường gặp trên các thiết kế ấn phẩm, thiết kế nhận diện và đặc biệt là thiết kế logo của nhiều thương hiệu bệnh viện tại Việt Nam. Có thể vì màu đỏ là màu của máu – hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở các bệnh viện và cơ sở y tế nói chung, cũng có thể vì màu đỏ là màu của biểu tượng “chữ thập đỏ” – đại diện quen thuộc cho các cơ sở quân y từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và vẫn đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Nhưng chắc chắn màu đỏ không phải màu sắc chủ đạo phù hợp với thương hiệu y tế, mà cụ thể ở đây là các thương hiệu bệnh viện. Màu đỏ là màu sắc hoàn toàn độc lập, nghĩa là không có màu nào có thể trộn lẫn với nhau để tạo ra “màu đỏ hoàn hảo” – như cái cách màu đỏ phối hợp với màu xanh lá, màu xanh dương để cho ra “màu trắng hoàn hảo.”
Màu đỏ là màu sắc rực rỡ có tác dụng thúc đẩy tinh thần mạnh mẽ, gợi lên những ham muốn có thật trong đời sống thường ngày như ăn uống, tập luyện hay tình yêu lứa đôi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng màu đỏ có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, kích thích cơn thèm ăn và làm tăng huyết áp – vì vậy nó phù hợp với các thương hiệu ẩm thực, kinh doanh chuỗi F&B chứ không phải thương hiệu bệnh viện hay một cơ sở chăm sóc y tế.
Không hề tích cực chút nào nếu chúng ta nhìn vào thiết kế hình ảnh, logo bệnh viện mà tim bắt đầu đập nhanh, huyết áp tăng lên trong khi bụng thì đói cồn cào. Tình hình còn có thể nghiêm trọng hơn nữa, vì màu đỏ đôi khi còn là báo hiệu của sự nguy hiểm, mức độ rủi ro cao và mọi người cần cân nhắc thận trọng. Chẳng ai muốn tìm đến một bệnh viện có quy trình thăm khám hay chất lượng chữa bệnh đáng báo động cả.
Bên cạnh màu sắc, còn có một chi tiết chưa phù hợp mà ta dễ dàng bắt gặp trên các thiết kế nhận diện, thiết kế logo bệnh viện ở Việt Nam – đó chính là phông chữ (font). Hầu hết trên các thiết kế nhận diện của thương hiệu bệnh viện nước ta, đặc biệt là tuyến bệnh viện công vẫn đang sử dụng font Times New Roman truyền thống.
Times New Roman là phông chữ được chuẩn hoá một cách có hệ thống, đây gần như là sự lựa chọn duy nhất về font trong buổi đầu của internet và thiết kế đồ hoạ. Nó có sẵn trên mọi ứng dụng, phần mềm và thiết bị máy tính, đồng thời được sử dụng một cách mặc định trong hầu hết các văn bản lưu hành nội bộ. Vì những lý do đó, Times New Roman trở thành phông chữ đại diện cho tính chuyên nghiệp, an toàn và dễ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Phông chữ Times New Roman được sử dụng xuyên suốt trong các thiết kế thương hiệu bệnh viện. Không chỉ trên logo bệnh viện, viết câu slogan trên những phương tiện truyền thông, mà ngay cả tên bệnh viện đặt ở ngoài cổng ra vào hay trên bản tin nội bộ, tất cả nội dung chữ viết đều có sự xuất hiện một phần (hoặc toàn bộ) của phông chữ này.
Nó dễ dùng, an toàn nhưng chính vì vậy cũng mang đến cảm giác sợ hãi, thiếu thân thiện – làm trầm trọng hơn bầu không khí vốn không mấy tích cực của một cơ sở khám chữa bệnh. Font Times New Roman nói riêng và những phông chữ có chân nói chung, dễ gợi lên cảm giác của sự cứng nhắc, thiếu linh động nơi người thầy thuốc. Dẫn đến tâm lý người bệnh không thoải mái, e ngại vì cảm thấy bản thân như đang bị phán xét, chỉ đạo bởi cấp trên thay vì được vỗ về và chăm sóc bằng tất cả lương y trong sáng.
Khi xây dựng hình ảnh thương hiệu hoặc thiết kế logo bệnh viện, có thể cân nhắc một số phông chữ tinh gọn, hiện đại hơn mà vẫn gần gũi với đại đa số công chúng – chẳng hạn như phông Helvetica, hoặc một nhánh khác của nó là Proxima Nova với thiết kế mềm mại, tròn trịa hơn đôi chút. Về phần màu sắc, nên ưu tiên sử dụng nhóm màu xanh ngọc, xanh lam làm màu sắc chủ đạo trong nhận diện thương hiệu và thiết kế logo bệnh viện.
Không xác định đúng mục đích khi thiết kế logo bệnh viện
Bệnh viện là nơi luôn xuất hiện trong tầm nhìn, ngự trị trong trí nhớ của nhiều người dân dù chúng ta có thật sự cần khám bệnh, chữa bệnh vào thời điểm đó hay không. Đây cũng là nơi tiếp nhận sự hiện diện, tương tác của cùng lúc nhiều người ở mọi tầng lớp, độ tuổi và đặc điểm nhân khẩu học khác nhau. Xét về số lượng hay tần suất xuất hiện, chắc chắn các thương hiệu bệnh viện không thể so sánh với thương hiệu thời trang, thương hiệu ăn uống cùng nhiều thương hiệu khác mang tính thiết yếu.
Chính vì nguyên nhân này, nhiều đội ngũ xây dựng và thiết kế thương hiệu thường tạo ra thiết kế logo bệnh viện có phần chung chung, hướng đến số đông người tiếp cận chứ không thể hiện rõ ràng, chính xác mục đích quan trọng của thiết kế. Bằng chứng là chúng ta dễ dàng bắt gặp một logo bệnh viện có những đường nét, hình ảnh quen thuộc đến mức nhàm chán – ví dụ như biểu tượng chữ thập đỏ, biểu tượng hình ống nghe, hoặc biểu tượng Asclepius (hình ảnh một chú rắn bò xung quanh cây gậy thần theo chiều dọc).
Định hướng logo bệnh viện như vậy chỉ mới đáp ứng một nửa tiêu chuẩn thiết kế thương hiệu, đó là thiết kế dễ nhớ và mang tính nhận diện cao – chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ngay logo bệnh viện hoặc của một cơ sở chăm sóc Y tế. Một nửa tiêu chuẩn còn lại cũng quan trọng không kém, đó là sự thân quen và gần gũi với “khách hàng mục tiêu” của đội ngũ thương hiệu, cụ thể là những bệnh nhân tìm đến bệnh viện thì vẫn chưa đáp ứng được.
Đó là bởi các đội ngũ thương hiệu vẫn chưa xác định, nhìn nhận một cách đúng đắn và cẩn thận mục đích thiết kế logo bệnh viện. Thương hiệu bệnh viện hướng đến bệnh nhân như thế nào, ai là người thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thiết kế logo bệnh viện, thiết kế logo bệnh viện ưu tiên truyền tải thông điệp gì đến bệnh nhân, người nhà của họ và đội ngũ Y bác sĩ? Đó là những câu hỏi cần trả lời được để xác nhận mục đích thiết kế logo.
Không xác định hoặc xác định sai mục đích thiết kế logo bệnh viện, có thể đem lại hậu quả giống như việc sử dụng phông chữ và màu sắc chủ đạo không phù hợp. Khiến cho thiết kế có thể đẹp với một nhóm người này, xấu với một nhóm người kia tuỳ theo “khẩu vị” của mỗi cá nhân, nhưng chắc chắn là không hiệu quả với nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu bệnh viện – những người có cách nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá thiết kế thương hiệu tuỳ vào thế giới quan cũng như mục đích khám chữa bệnh của mình.
Mặt khác, thiết kế logo bệnh viện theo lối mòn còn làm kìm hãm năng lực phát triển nhận thức thương hiệu trong tương lai, thương hiệu bệnh viện sẽ mãi là một thương hiệu chỉ có chức năng khám chữa bệnh. Sau khi hoàn thành chức năng cơ bản đó thì mối quan hệ giữa bệnh nhân với đội ngũ Y bác sĩ cũng kết thúc, hoặc tiếp tục tái diễn trong trường hợp bệnh nhân… lại bị bệnh – một viễn cảnh mà chẳng ai mong muốn.
Ví dụ một thương hiệu phụ sản có thiết kế logo bệnh viện là hình ảnh mẹ bồng con, như vậy “khách hàng” chỉ nhớ đến thương hiệu khi bản thân hoặc người quen sắp đến kỳ sinh nở, rồi phát sinh bất cứ một vấn đề nào liên quan đến sức khoẻ mẹ và bé trong tương lai. Còn trong tất cả các trường hợp còn lại, hình ảnh và nhận thức thương hiệu bệnh viện đối với số đông là vô cùng mờ nhạt. Điều tương tự cũng diễn ra với các bệnh viện tim mạch, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình,…
Rất nhiều thương hiệu bệnh viện hiện nay có thiết kế logo đi theo lối mòn, mang định hướng “tell and show” hoàn toàn trái ngược với xu thế nghệ thuật của thế giới. Thiết kế logo bệnh viện trong nước thường ngay lập tức thể hiện lĩnh vực, phạm trù chuyên môn của người Bác sĩ thay vì chia sẻ giá trị đáng quý mà họ có thể mang lại.
Bệnh viện Tai Mũi Họng thì vẽ hình cả một hệ thống xoang mũi của bệnh nhân, bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình thì vẽ hình một thân cây đang được uốn nắn – chẳng lẽ ngụ ý hệ xương khớp của bệnh nhân cũng có thể uốn nắn như một cái cây hay sao? Trong khi đó, xu thế nghệ thuật và thiết kế đồ hoạ của thế giới lại đang ưu tiên thiên hướng “show and tell” – nghĩa là kể được một câu chuyện có ý nghĩa, từ một đồ vật hay hình ảnh trừu tượng tưởng chừng rất vô nghĩa.
“Show and tell” là khái niệm xuất phát từ hệ thống và tiêu chuẩn giáo dục phương Tây, khi học sinh được khuyến khích mang một đồ vật bất kì từ nhà của mình đến trường, rồi kể lại câu chuyện ý nghĩa xuất phát từ đồ vật đó. Khái niệm này được nhân rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giải trí, điện ảnh, xây dựng và cả chăm sóc y tế. Khi thiết kế logo và nhận diện thương hiệu bệnh viện, người phương Tây thường chỉ đi theo hai chiều hướng nhất định.
Một là sử dụng phong cách thiết kế wordmark với tên thương hiệu theo phông chữ hiện đại, tối giản. Hai là sử dụng kỹ thuật “show and tell” bằng những hình ảnh thể hiện giá trị, tinh thần tích cực mà đội ngũ Y bác sĩ có thể mang lại. Ví dụ bệnh viện chữa tim phổi thì logo có hình ảnh một luồng khí thổi qua nhẹ nhàng, thuận lợi hoặc những bước chạy đều đặn, thoải mái của một người có sức khoẻ tim mạch hoàn hảo.
Tất nhiên thiết kế logo bệnh viện theo phương án này yêu cầu sự đồng cảm, thấu hiểu từ đội ngũ thiết kế với những giá trị mà thương hiệu bệnh viện mang đến. Đồng thời đặt ra kỳ vọng rất cao cho quá trình nghiên cứu, nhận định chính xác mục tiêu thiết kế hình ảnh thương hiệu – điều tương đối mơ hồ nếu nhìn vào phần lớn thiết kế logo bệnh viện ở nước ta.
Không khảo sát, tinh chỉnh trước khi đưa vào sử dụng logo bệnh viện
Không chỉ được quan sát và cảm nhận bởi nhiều người với rất nhiều đặc điểm nhân khẩu học khác nhau, các thiết kế nhận diện đặc biệt là logo bệnh viện còn được ứng dụng trong rất nhiều tình huống khác biệt. Từng triển khai dự án logo bệnh viện và các ấn phẩm nhận diện trong lĩnh vực Y khoa, Vũ tin rằng không có thương hiệu nào lại có nhiều ứng dụng logo giống như các thương hiệu bệnh viện.
Từ thiết kế bảng tên cho mỗi phòng ban, chuyên khoa, nghiệp vụ khác nhau cho đến bảng hiệu đủ mọi kích cỡ sử dụng cho không gian phòng khám, không gian sảnh chờ hoặc cả không gian phối cảnh phía bên ngoài bệnh viện. Đó là còn chưa kể đến nhóm ấn phẩm thiết kế trong danh mục “accessories” – từ áo blouse, mũ nón cho đến viết mực của từng Y bác sĩ. Mỗi thiết kế dù là nhỏ nhất có thể xuất hiện trong tầm mắt của bệnh nhân, đội ngũ nhân viên cùng các Bác sĩ đều cần có sự hiện diện của logo bệnh viện.
Vì vậy không giống như các thiết kế thương hiệu doanh nghiệp, thiết kế logo bệnh viện cần được xem xét, nhìn nhận rồi đánh giá trực tiếp bởi các bên có liên quan: các Bác sĩ, lãnh đạo, đội ngũ nhân viên của bệnh viện hay kể cả bệnh nhân thường tiếp xúc với thương hiệu bệnh viện. Từ đó rút ra những ý kiến, đề xuất hiệu chỉnh cần thiết để hoàn thiện hơn nữa thiết kế logo – trước khi đưa vào sử dụng ở ngoài thực tế.
Trước kia nhiều thương hiệu bệnh viện có thói quen tổ chức những sự kiện, cuộc thi thiết kế logo bệnh viện một cách công khai – với mục đích tìm ra thiết kế logo ấn tượng và giàu tính thuyết phục. Điểm hay của những cuộc thi này là quá trình thiết kế, trình bày ý tưởng được thực hiện công khai, để người theo dõi và cả ban lãnh đạo, nhân viên bệnh viện đều có thể chọn lựa phương án thiết kế tối ưu nhất.
Nhưng hạn chế của việc tổ chức cuộc thi là tính chuyên môn thường bị nghi ngờ, thiết kế được chọn cuối cùng dễ bị đặt nghi vấn về chất lượng và khả năng ứng dụng trong thực tế. Ngoài ra, nhóm lãnh đạo và những người đứng đầu bệnh viện có xu hướng can thiệp quá sâu vào quá trình, chất lượng thiết kế logo – thay vì lắng nghe ý kiến từ cấp dưới có chuyên môn cao hơn ví dụ như phòng marketing, phòng thiết kế,…
Sau này khi nhiệm vụ thiết kế logo bệnh viện và nhận diện thương hiệu được giao phó, tin tưởng đặt để vào đôi tay và khối óc của những đội ngũ thiết kế thương hiệu chuyên nghiệp, quá trình đề xuất hay đóng góp ý kiến của các bên liên quan cũng trở nên rõ ràng, xuyên suốt hơn. Vũ vẫn nhớ những ngày được hoà mình vào cuộc sống, guồng quay công việc của các bạn và cô chú, anh chị trong lĩnh vực Y khoa. Tất cả cùng nhau phối hợp, làm việc nhằm mục đích nhanh chóng cho ra đời những thiết kế nhận diện ưng ý, hiệu quả nhất.
Mục tiêu sau cùng là đưa vào sử dụng thiết kế thương hiệu bệnh viện hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kể về tính nhận diện, thuyết phục và sự gần gũi với chính những người nhìn ngắm, tiếp xúc với thành phẩm thiết kế mỗi ngày. Góp phần giải toả những mối bận tâm, lo lắng cũng như cảm xúc tiêu cực của người bệnh khi tìm đến bệnh viện, phòng khám và các cơ sở chăm sóc Y tế.
Xin chân thành cảm ơn,