Lựa chọn bền vững nhất để phát triển đất nước nơi đòi hỏi sự kết nối, phối hợp giữa tầng lớp doanh nghiệp với bộ máy nhà nước chính là xây dựng thương hiệu.

Cuối cùng thì vào ngày 20/4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài với giá trị 95 tỷ USD. Trong đó hơn 60 tỷ USD là dành cho Ukraine, một động thái hỗ trợ kịp thời đến chính quyền Kiev trong giai đoạn căng thẳng của cuộc giao tranh với Nga.

Với những người không có mặt hay trực tiếp tham gia chiến sự như chúng ta, hoặc có thể nói là hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc chiến, câu hỏi gây trăn trở và được quan tâm nhiều nhất vào lúc này là: khi nào thì cuộc chiến mới kết thúc? Bởi chắc chắn không chỉ hai quốc gia tham chiến là Nga và Ukraine, mà bất cứ quốc gia nào cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những cuộc giao tranh kéo dài.

Đó là những ảnh hưởng về thất thoát nguồn tài nguyên vốn đã rất hạn chế, giá thành các mặt hàng trên thị trường tăng đến mức chóng mặt, thậm chí là gánh nặng nếu một quốc gia trở thành “điểm lánh nạn lí tưởng” cho các công dân đến từ đất nước tham chiến. 

Xây dựng thương hiệu: con đường phát triển đất nước

Có lẽ vì vậy nên chiến tranh vũ trang không còn là lựa chọn của hầu hết nước phát triển – trên hành trình hiện thức hoá tham vọng mở rộng bờ cõi hay tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Ngược lại, chiến tranh “phi vũ trang” với những đòn đánh trực diện vào kinh tế hay nền công nghiệp của các quốc gia kém phát triển hơn, mới là xu hướng chủ đạo được các cường quốc trung thành theo đuổi trong vài năm qua.

Hiện nay có 3 yếu tố mà nếu một quốc gia phát triển đang sở hữu, hoặc chiếm ưu thế thì sẽ đương nhiên có được năng lực chi phối nền kinh tế toàn cầu. Ba yếu tố này bao gồm: đồng USD, sở hữu công nghệ và năng lực xây dựng thương hiệu.

Giá trị của đồng USD thì tăng lên từng ngày, rơi vào khoảng 25.450 VNĐ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì là một yếu tố có tính biến thiên lớn, lại nằm ngoài kinh nghiệm và chuyên môn thực tế của đội ngũ, nên trong bài viết này chỉ muốn chia sẻ đến các bạn hai yếu tố còn lại là sở hữu công nghệ và năng lực xây dựng thương hiệu.

Trong đó năng lực xây dựng thương hiệu mạnh sẽ được phân tích cụ thể và chuyên sâu hơn, với niềm tin cho rằng Xây dựng thương hiệu là con đường để phát triển đất nước.

Xây dựng thương hiệu và làm chủ công nghệ để phát triển đất nước (ảnh: Business Post).

Xây dựng thương hiệu và làm chủ công nghệ để phát triển đất nước (ảnh: Business Post).

Bản chất của tham vọng xây dựng thương hiệu

Kể từ khi Kỹ sư người Anh James Watt tìm ra cách ứng dụng năng lượng nước hồi năm 1784, cơ giới hoá ngành dệt may để các nhà máy không còn phải bám trụ nơi ao hồ và sông suối, nhân loại đã không ngừng có thêm các bước tiến vượt bậc về công nghiệp. 

Nhiệm vụ tồn tại và cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp bị đặt trước nhiều thách thức mới. Không chỉ đáp ứng yêu cầu từ thị trường hay người tiêu dùng về số lượng, mà chất lượng của sản phẩm cũng trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm hơn. 

Đi ngược thời gian để trở về châu Âu những năm cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Người châu Âu có lẽ không thể biết trước rằng, những cuộc phát kiến địa lý xuyên suốt lịch sử hàng trăm năm của mình rồi sẽ thay đổi cục diện thế giới đến mức nào. Từ mong muốn chứng minh quan điểm Trái Đất có hình cầu, nhiều nhà khoa học phương Tây đã lên đường đưa nhân loại chạm đến những kiến thức mới về địa lý, vật lý hay thiên văn học.

Hành trình đó chứng kiến sự giao thoa của nhiều nền văn hoá và quan điểm đời sống khác nhau, cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản hay quan trọng nhất như đã nói, còn là cuộc cách mạng hơi nước vốn được ví như Phong trào Khai Sáng của nền công nghiệp thế giới.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu từ những cuộc phát kiến địa lý (ảnh: TheCollector).

Câu chuyện xây dựng thương hiệu từ những cuộc phát kiến địa lý (ảnh: TheCollector).

Thị trường nhanh chóng chuyển đổi từ chỗ các doanh nghiệp chỉ cần đẩy mạnh năng lực sản xuất, cho lên kệ càng nhiều sản phẩm càng tốt để đảm bảo vị thế riêng của mình. Sang một thực tế khắc nghiệt hơn nơi chỉ những doanh nghiệp nghiêm túc, chấp nhận đầu tư xây dựng thương hiệu một cách khoa học mới đủ sức tồn tại và duy trì năng lực cạnh tranh.

Xu hướng người dân từ các vùng nông thôn di cư đến sinh sống, làm việc ở nhiều đô thị lớn cũng ngày một gia tăng. Kéo theo nhu cầu cao cả về số lượng lẫn chất lượng hàng hoá trong cùng một thời điểm, cùng một địa phương đã phát triển hơn trước rất nhiều. 

Nhiều thế kỷ trôi qua, quá trình đô thị hoá cho đến nay vẫn mang đến nhiều thách thức cho đời sống như tình trạng thiếu nước sạch, ô nhiễm khói bụi, dân cư đông đúc kéo theo rủi ro về an ninh trật tự, khủng hoảng lương thực và việc làm… nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những mặt tích cực mà đô thị hoá và phát triển công nghiệp bền vững mang lại. 

Một trong số đó là mong muốn và nhận thức xây dựng thương hiệu của nhiều doanh nghiệp dần hiện hữu. Dưới góc độ kinh tế chính trị, nhà tư tưởng vĩ đại Karl Marx đã nhận định về bản chất của xây dựng thương hiệu như sau:

Thương hiệu là cách để các doanh nghiệp tư bản thao túng thị trường và bóc lột người lao động. Việc xây dựng thương hiệu nhằm mục đích sau cùng là phát triển nhu cầu giả tạo và thúc đẩy tiêu dùng quá mức.

Tuy có phần cực đoan, nhưng nhận định của nhà cách mạng người Đức cũng phần nào lột tả được bức tranh thị trường và thế giới thương hiệu trong thời hiện đại. Ngày nay chúng ta vẫn đang chìm đắm trong xu thế tiêu dùng quá mức, mua những thứ bản thân không thật sự cần thiết, thậm chí là bằng số tiền mà bản thân không thể (hoặc chưa thể) tạo ra.

Ở một góc độ tích cực và mềm mỏng hơn, nhà triết học người Mỹ John Dewey lại đề cao tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu như sau:

Trải nghiệm tốt chính là nền tảng khi xây dựng thương hiệu. Đội ngũ thương hiệu cần tạo ra trải nghiệm tích cực và duy trì mối liên kết với khách hàng, để phát triển niềm tin cùng với sự ủng hộ từ họ.

Nhận định này của ông John Dewey cũng phù hợp với quan điểm cho rằng: Sở hữu công nghệ và năng lực xây dựng thương hiệu chính là những yếu tố quan trọng, giúp phát triển đất nước bền vững và chiếm lĩnh luôn vị thế chi phối nền kinh tế toàn cầu. Vũ sẽ tiếp tục phân tích và chia sẻ cụ thể hơn quan điểm này ở phần sau của bài viết.

Vì sao xây dựng thương hiệu giúp phát triển đất nước?

Trong quá khứ khi các cường quốc phát động và tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào, thì đều vì ba mục tiêu chủ đạo gồm có: mở rộng lãnh thổ quốc gia, bảo vệ không gian sinh tồn, hoặc vì tìm kiếm nguồn tài nguyên mới cho đất nước. Ngược lại với những lợi ích đó, chiến tranh vũ trang cũng đồng thời tạo ra nhiều mối đe doạ có thật cho mọi quốc gia tham chiến.

Ông John Dewey cho rằng xây dựng thương hiệu cần hướng đến trải nghiệm khách hàng (ảnh: Crif-P4C).

Ông John Dewey cho rằng xây dựng thương hiệu cần hướng đến trải nghiệm khách hàng (ảnh: Crif-P4C).

Đối với những quốc gia bị xếp vào hàng nhược tiểu, có “nguồn lực và nguồn vốn đầu tư” cho chiến tranh bị giới hạn – họ thường là các đội quân rơi vào thế bị động trong chiến tranh. Họ là bên hứng chịu những động thái qua lại, xê dịch và xâm phạm vào biên giới hợp pháp của quốc gia mình. 

Với nguồn lực hạn chế, họ càng dễ sa lầy vào niềm tin mù quáng cho rằng từ bỏ nghĩa là đang lãng phí nguồn lực của đất nước. Trong trường hợp kéo dài chiến sự mà không có sự hỗ trợ kịp thời từ các quốc gia đồng minh, những nước yếu thế sẽ đối diện với nhiều rủi ro có thật mà chẳng phương kế nào đủ sức cứu vãn.

Vậy còn những cường quốc thì sao? Họ có phải đối diện với mối đe doạ nào từ những nỗ lực tham chiến của mình hay không?

Câu trả lời là có. Dù là người giàu hay người nghèo thì tất cả chúng ta đều có những tâm sự rất khác nhau. Cũng như vậy với vị thế của một cường quốc trên chiến trường, họ thường là những tập thể e ngại việc thừa nhận và làm quen với những thất bại quá rõ ràng. Ở vị trí của người lãnh đạo, phe cường quốc thường bảo thủ tin tưởng vào những đường lối và kế sách bản thân đã hoạch định từ trước.

Xây dựng thương hiệu và doanh nghiệp là lối thoát cho chiến tranh phi nghĩa (ảnh: EL PAÍS English).

Xây dựng thương hiệu và doanh nghiệp là lối thoát cho chiến tranh phi nghĩa (ảnh: EL PAÍS English).

Họ hiếm khi dám thừa nhận sai lầm của mình, thay đổi chiến lược mà mình đề ra lại càng không. Trong tâm trí của những chính trị gia đứng đầu thế giới, thừa nhận và sửa chữa sai lầm của bản thân chẳng khác nào một vụ “tự sát chính trị.” Đó là còn chưa tính đến viễn cảnh màu hồng với những thống kê giả, số liệu báo cáo che đậy phần lớn sự thật mà giới chóp bu có tâm lý xu nịnh vẫn thường vẽ ra.

Người Mỹ có lẽ sẽ thấm thía thực tế này một cách rõ ràng nhất. Với tham vọng bảo vệ và phát triển đất nước bằng các cuộc chiến tranh vũ trang, Mỹ là quốc gia tiêu tốn nhiều tiền bạc và nguồn lực của mình hơn cả. 

Trong năm 2021 nhân kỷ niệm tròn 20 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9, Đại học Brown (Mỹ) đã thực hiện một chủ đề nghiên cứu với tên gọi Costs Of War – để thống kê thiệt hại về nhân mạng và phí tổn mà nước này dành ra cho hoạt động chiến tranh chống khủng bố.

Trong vòng 20 năm, hơn 430 ngàn thường dân đã tử vong trong các cuộc giao tranh liên quan đến ngày 11/9, ít nhất 3,8 triệu người đã chết gián tiếp trong các vùng chiến sự được ghi nhận. Tổng cộng khoảng 8 ngàn tỷ USD đã được chi trả cho chiến tranh chống khủng bố, quân đội Mỹ đã dùng phần lớn số tiền này chỉ để “phủ sóng lực lượng” của mình tại hơn 75 quốc gia khác nhau.

Mưu cầu xây dựng thương hiệu mạnh kéo chúng ta khỏi vũng lầy vũ trang (ảnh: War on the Rocks).

Mưu cầu xây dựng thương hiệu mạnh kéo chúng ta khỏi vũng lầy vũ trang (ảnh: War on the Rocks).

Mà nếu ai cho rằng thiệt hại quân sự và thiệt hại về kinh tế cá nhân là hai vấn đề độc lập, thì những con số quan trọng trong nghiên cứu của bà Neta Crawford – Nhà khoa học chính trị người Mỹ nổi tiếng sẽ sớm dập tắt luận điểm này.

Cụ thể thì mỗi người đi làm nộp thuế tại Mỹ tốn trung bình 8.000 USD – chỉ tính riêng phí tổn cho các cuộc chiến tranh với Iraq, đưa tổng số tiền những người nộp thuế ở Mỹ đã phải chi cho chiến tranh lên đến 2 ngàn tỷ USD. Những con số này vượt xa báo cáo đến từ Lầu Năm Góc, khi chính quyền Washington chỉ ước tính con số bình quân 3.907 USD mỗi người – nghĩa là chưa bằng một nửa so với thực tế.

Vậy nước Mỹ làm thế nào để thay đổi bộ mặt, định hướng và tầm nhìn của một quốc gia “chỉ được biết đến về sức mạnh vũ trang?” Vũ xin phép mượn một đoạn trích trong tác phẩm Chiếc Lexus và cây ô liu của tác giả Thomas Friedman để chia sẻ câu chuyện này.

Để nhìn nhận và quán xuyến chi tiết về trật tự thế giới mới, có đoạn tác giả đã viết như sau: “Tôi đang đi trên chuyến tàu siêu tốc với vận tốc hơn 180 dặm một giờ, tâm trí tôi hiện lên hình ảnh người Nhật dùng những cánh tay robot để sản xuất xe hơi Lexus sang trọng, trong khi đó trên tờ báo Herald Tribune là hình ảnh những người tôi từng chung sống tại Jerusalem, họ vẫn đang bắn giết nhau chỉ để tranh giành xem ai là người sở hữu cây ô liu nào.”

Hậu Chiến Tranh Lạnh, nửa thế giới bước ra khỏi cuộc chiến để dồn sức cho công nghệ kỹ thuật, tư nhân hoá nền kinh tế để không ngừng tiến bộ trong thời đại toàn cầu. Nửa còn lại của thế giới, hoặc của một quốc gia hay cá nhân nào đó, vẫn tranh cãi và bắn giết hằng ngày để giành quyền sở hữu những cây ô liu.

Đúng như quan điểm ở phần đầu bài viết, các quốc gia phát triển giờ đây chuyển sang xu hướng chiến tranh “phi vũ trang” nhiều hơn. Họ tận dụng triệt để những thế mạnh về nguồn vốn và nguồn lực kinh tế sẵn có, để phát triển đất nước mình thông qua những hoạt động bồi đắp và xây dựng thương hiệu bền vững.

Nguyên Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhận định: “Quốc gia mạnh mẽ phải có những thương hiệu mạnh mẽ, thể hiện rõ bản sắc riêng biệt của quốc gia đó trên trường quốc tế.”

Ta có thể nhận thấy tính đúng đắn của lời nhận xét này, khi nhìn vào trường hợp những thương hiệu Mỹ nổi tiếng như Ford, Tesla hay Apple – và cũng vậy nếu nhìn vào trường hợp những thương hiệu nổi tiếng của Đức như adidas, Hugo Boss hay Volkswagen. 

Ford là đại diện cho năng lực xây dựng thương hiệu của người Mỹ (ảnh: Cartimes).

Ford là đại diện cho năng lực xây dựng thương hiệu của người Mỹ (ảnh: Cartimes).

Tesla hay Ford đều sản xuất những mẫu xe có thiết kế cơ bắp, rắn rỏi và thể hiện sự mạnh mẽ đúng như tinh thần Mỹ. Apple thì luôn toát lên văn hoá Mỹ trong từng động thái cụ thể – phấn đấu để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Còn với adidas, Hugo Boss hay Volkswagen, ở họ vừa có sự nghiêm túc và kỷ luật trong quá trình làm việc, vừa toát lên được nét hấp dẫn và thanh lịch rất riêng của nước Đức.

Không quá khi nói rằng các thương hiệu mạnh chính là thể diện của một quốc gia. Không chỉ toát lên tinh thần và bản sắc của một đất nước, những thương hiệu dẫn đầu còn là động lực để chính phủ các nước tin tưởng và theo đuổi đường lối phát triển bền vững của mình.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, không có đội ngũ doanh nghiệp nào có thể tự mình đi lên và phát triển thuận lợi – nếu thiếu đi sự đồng hành và hợp tác của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác. Thậm chí đó có thể là những tên tuổi đang tham gia trong cùng lĩnh vực, như những gì Vũ chia sẻ trong bài viết trước với chủ đề Mối quan hệ doanh nghiệp.

Khi mà sự phát triển của một doanh nghiệp, một thương hiệu hay cả một nền kinh tế quốc gia vẫn đang phụ thuộc lẫn nhau – doanh nghiệp của nước A vẫn phải trông cậy vào chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nước B, nếu muốn phát triển sản phẩm hay dịch vụ của mình đúng hướng.

Khi đó cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ các nước vẫn phải dành cho nhau sự tôn trọng, cùng tiến lên thay vì kéo nhau vào những cuộc giao tranh không đáng có – như câu chuyện những cây ô liu đã xảy ra tại Jerusalem.

Xây dựng thương hiệu làm nổi bật đặc tính của quốc gia (ảnh: VW SAIGON).

Xây dựng thương hiệu làm nổi bật đặc tính của quốc gia (ảnh: VW SAIGON).

Mặt khác việc xây dựng thương hiệu mạnh còn mang đến sự chủ động cho chính doanh nghiệp, đất nước và cả nền kinh tế quốc gia. Sở hữu thương hiệu cũng đồng nghĩa với việc sở hữu công nghệ, khi đó đội ngũ doanh nghiệp không cần thiết phải đầu tư toàn lực cho quá trình sản xuất. 

Thay vào đó có thể đặt niềm tin vào đối tác gia công ở các quốc gia khác, với lợi thế nguồn lực dồi dào cùng chi phí phải trả cho người lao động thuộc hàng trung bình thấp. Đây là điều vẫn đang diễn ra mỗi ngày ở Việt Nam, Trung Quốc hay Indonesia – các quốc gia luôn được nhìn nhận là công xưởng lí tưởng của thế giới.

Đứng nhìn từ chính góc độ của chúng ta, việc trở thành “công xưởng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc” không thể hiện được nhiều năng lực sản xuất của Việt Nam. Ngoài việc có thêm nhiều đơn hàng, đồng nghĩa việc chấp nhận gia công cho nền kinh tế tư bản với giá thành thấp, chúng ta gần như không chứng minh được tiềm lực sản xuất của bản thân một cách vượt trội.

Không sở hữu thương hiệu mạnh, cũng không sở hữu công nghệ và làm chủ bộ máy sản xuất, mãi chạy đua gia công cho nước khác giống như việc bạn sống ở năm 2024 nhưng vẫn làm việc dưới chế độ nô lệ giai đoạn trước thế kỷ 16. 

Xây dựng thương hiệu giúp quốc gia phát triển (ảnh: New York Times).

Xây dựng thương hiệu giúp quốc gia phát triển (ảnh: New York Times).

Ngày nay chúng ta vẫn thường được nghe đến khái niệm “nô lệ thời hiện đại” – ý chỉ người dân ở các quốc gia kém phát triển đang phải lao động cưỡng ép, theo diện khấu trừ nợ, trả lương thấp và bóc lột sức lao động nặng nề. Theo ước tính của Tổ chức người lao động thế giới, hiện có khoảng 50 triệu người đang là “nô lệ thời hiện đại” trên toàn cầu – chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia Trung Phi.

Nhưng Vũ tin rằng con số còn có thể lớn hơn gấp vài lần, bởi dù sao “công xưởng của thế giới, sân sau của Hoa Kỳ hay đứng trên vai người khổng lồ” cũng chỉ là một cách nói hoa mỹ. Về bản chất, phần lớn người lao động ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và cả Việt Nam vẫn đang làm việc trong môi trường không tương xứng với năng lực hay mức đóng góp của bản thân.

Ngược lại hãy nhìn vào thái độ hồ hởi, phấn khích của nhiều người khi CEO Tim Cook của Apple, hay trước đó là người đứng đầu hãng chip Nvidia Jensen Huang đến Việt Nam. Đó chính là vị thế và quyền lợi của những người nắm trong tay công nghệ, có trong tay thương hiệu và thật sự có nhận thức tốt về vai trò của xây dựng thương hiệu mạnh.

Người giàu thì luôn có nhiều sự lựa chọn, cũng như người làm chủ thương hiệu và công nghệ thì không quá khó để thống lĩnh hay thậm chí chi phối nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, xây dựng thương hiệu là con đường độc đạo mà mỗi cá nhân, đoàn thể doanh nghiệp cho đến chính phủ của mỗi quốc gia phải theo đuổi – trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước trở nên tốt đẹp hơn.

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal