Hình mẫu thương hiệu là lý do khiến bạn chọn ủng hộ và tin yêu sản phẩm đến từ thương hiệu bằng mọi giá.
Dưới góc độ của người tiêu dùng, hầu hết mọi người đều tin rằng hành động chọn mua, ủng hộ và tin tưởng sản phẩm của một thương hiệu nào đó hoàn toàn xuất phát từ bản thân. Nghĩa là cá nhân mỗi người tiêu dùng có toàn quyền quyết định, trong việc có chọn mua sản phẩm và ủng hộ thương hiệu đó lâu dài hay không.
Tuy nhiên, thực tế là người tiêu dùng thường không có cơ hội “nắm quyền sinh sát” một cách thường xuyên. Trái lại, chính nhà sáng lập và đội ngũ xây dựng thương hiệu mới là những người tạo ra mối liên kết bền vững. Thu hút và giữ chân khách hàng mục tiêu ở lại để ủng hộ thương hiệu bằng mọi giá.
Theo ghi nhận từ NetBase vào năm 2017, Lego là thương hiệu được yêu thích thứ ba tại thị trường châu Âu – chỉ sau Apple và Google.
Lý do vì sao một thương hiệu tưởng chừng như chỉ dành cho các bạn nhỏ, lại trở nên phổ biến và nhận được nhiều phản hồi tích cực tại một lục địa đang bị đe doạ bởi dân số già. Câu trả lời cũng chính là chủ đề của bài viết hôm nay – hình mẫu thương hiệu.
Bài viết này sử dụng tư liệu từ trang iConicfox, với những phân tích và chia sẻ chuyên sâu của tác giả về 12 hình mẫu thương hiệu được công nhận toàn cầu.
Mong muốn chia sẻ nguồn kiến thức thương hiệu vô tận hoàn toàn miễn phí đến mọi người, cùng với tâm huyết của một đội ngũ xây dựng thương hiệu luôn ưu tiên tính hiệu quả. Vũ đã quyết định biên dịch và biên tập lại bài chia sẻ này để gửi đến tất cả các bạn.
#1 Hình mẫu thương hiệu Bất quy tắc
Hình mẫu thương hiệu này có thể bắt gặp tại các quốc gia theo đuổi tinh thần dân chủ mạnh mẽ, tôn trọng sự khác biệt và bất tuân luật lệ của một số cá nhân hay tổ chức nhất định.
Thương hiệu theo đuổi hình mẫu bất quy tắc thường có tham vọng phá bỏ các rào cản, quy luật và định kiến xưa cũ để biến thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn. Họ thường không “bị” khách hàng lựa chọn mà ngược lại, họ nắm trong tay quyền xác định khách hàng mục tiêu của chính mình.
Hình mẫu thương hiệu Bất quy tắc mang đến tính cạnh tranh rất cao, những thương hiệu kiểu này hoặc liên tục ném mình vào cuộc chiến đúng nghĩa với các đối thủ. Hoặc sẽ tự động bị đào thải và mất dần vị thế trên thương trường.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Bất quy tắc có thể kể đến như: Harley Davidson, Virgin, Diesel,…
#2 Hình mẫu thương hiệu Ảo thuật gia
Hình mẫu thương hiệu này sẽ đưa người tiêu dùng đi qua cuộc hành trình biến nhu cầu, mục tiêu hay thậm chí là ước mơ của mình thành sự thật.
Các thương hiệu theo đuổi hình mẫu Ảo thuật gia có một niềm tin cháy bỏng rằng, những giới hạn của mỗi con người vốn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu sẽ thách thức con người phá vỡ trí tưởng tượng đó, để tìm đến tương lai tốt đẹp hơn nơi mỗi nguyện vọng và giấc mơ đều có thể trở thành sự thật.
Những thương hiệu này cũng giống như các pháp sư hay bậc thầy đắc đạo, họ thường không sẵn lòng chia sẻ toàn bộ vốn kiến thức và hiểu biết của mình.
Thay vào đó, họ sử dụng chúng như một giải pháp để thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển, nhằm mục đích thu hút và lôi kéo ngày một nhiều hơn các khách hàng tìm đến.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Ảo thuật gia có thể kể đến như: Disney, dyson, Coca Cola,…
#3 Hình mẫu thương hiệu Anh hùng
Hình mẫu thương hiệu Anh hùng có một năng lực truyền cảm hứng vô cùng to lớn. Các thương hiệu theo đuổi hình mẫu này thường xuyên chứng minh sự tận tậm, lòng nhiệt huyết và tinh thần không ngại thay đổi của mình trong công việc.
Ở chiều ngược lại, họ cũng mang đến động lực và niềm cảm hứng để biến mỗi khách hàng của mình trở thành một anh hùng. Thông qua việc truyền đạt ý tưởng rằng sở hữu và ủng hộ sản phẩm của thương hiệu, là đồng nghĩa với việc đang chung tay để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong xã hội.
Khách hàng mục tiêu của hình mẫu thương hiệu Anh hùng luôn tự coi mình là xuất sắc, là khác biệt và nắm trong tay quyền lực thay đổi thế giới.
Họ có chính kiến rõ ràng và tư duy đi ngược dòng so với số đông, họ sẵn sàng chống lại cái xấu và đứng lên bảo vệ cho cái thiện. Bao gồm cả việc ủng hộ và tin tưởng vào thương hiệu mà họ vốn rất yêu thích.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Anh hùng có thể kể đến như: Nike, adidas, FedEx,…
#4 Hình mẫu thương hiệu Kẻ si tình
Những thương hiệu theo đuổi hình mẫu này thường được ví như một cô gái đa sầu đa cảm. Vì là kẻ si tình nên bên trong họ luôn thường trực một nỗi sợ vô hình, họ sợ không được chú ý, không được quan tâm và không được tin yêu bởi những khách hàng tiềm năng.
Ngay cả khi đã thành công trong việc chiếm lĩnh vị thế, có được tệp khách hàng trung thành đáng ngưỡng mộ, những thương hiệu này vẫn lo sợ phải đối diện với sự mất mát. Bị khách hàng của mình quay lưng, phản bội và tẩy chay trong một ngày nào đó.
Hình mẫu thương hiệu kẻ si tình luôn tạo ra những thương hiệu quyến rũ, đầy sức hút được xây dựng qua nhiều yếu tố cảm xúc. Họ có thể không vơ vét thị phần hay thống lĩnh về mặt doanh số, nhưng sản phẩm của họ luôn khiến bất cứ ai cũng phải ngước nhìn và trầm trồ thán phục.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Kẻ si tình có thể kể đến như: Alfa Romeo, Chanel, Victoria’s Secret,…
#5 Hình mẫu thương hiệu Đứa trẻ to xác
Đứa trẻ to xác là những người trưởng thành nhưng mang tâm hồn thơ bé. Lấy niềm vui làm lẽ sống và thậm chí sẵn lòng trở thành niềm vui cho những người xung quanh.
Thương hiệu theo đuổi hình mẫu Đứa trẻ to xác mang tính cách hồn nhiên, vô tư và làm tất cả để tạo ra niềm vui cho khách hàng mục tiêu. Thậm chí ngay khi nhiều thương hiệu đối thủ đang không ngừng “chững chạc và trưởng thành” qua từng ngày.
Họ không chỉ thể hiện niềm vui thông qua hình ảnh hay tông giọng thương hiệu, mà còn lồng ghép sự vui nhộn và năng lực châm biếm qua các đoạn phim quảng cáo của mình.
Những thương hiệu kiểu này luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tìm kiếm điều tích cực hiếm hoi đằng sau một cuộc sống chứa đầy rẫy những sự tiêu cực.
Giống như hình mẫu thương hiệu Ảo thuật gia, thương hiệu muốn theo đuổi hình mẫu Đứa trẻ to xác phải hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Hoặc ít nhất là có tính giải trí cao trong mọi nỗ lực xây dựng tông giọng và hình ảnh thương hiệu.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Đứa trẻ to xác có thể kể đến như: Old Spice, M&M’s, Dollar Shave Clud,…
#6 Hình mẫu thương hiệu Hoà nhã
Để sống sót và cạnh tranh trong một thị trường có độ phủ khách hàng rộng lớn, thương hiệu của bạn cần làm hài lòng được nhiều người.
Khi khách hàng mục tiêu là những người theo đuổi phương châm “cái gì quá cũng không tốt”, vậy thì đã đến lúc thương hiệu của bạn theo đuổi hình mẫu thương hiệu hoà nhã.
Thương hiệu hoà nhã không quá vui nhộn cũng không quá buồn bã, không quá mạnh mẽ cũng không quá yếu đuối, không quá nổi bật nhưng cũng không quá nhạt nhoà. Hình mẫu thương hiệu hoà nhã phù hợp với phần đông dân số thế giới, được nhiều người yêu thích nhưng đồng thời sẽ mau chóng nhạt nhoà.
Vì thế hình mẫu thương hiệu này chỉ phù hợp khi phạm vi khách hàng mục tiêu rộng lớn, nhu cầu sở hữu và sử dụng sản phẩm số lượng lớn hoàn toàn có thật. Đặc biệt phù hợp khi thương hiệu kinh doanh liên quan đến cuộc sống gia đình, nhu cầu thiết yếu hoặc sản phẩm dành cho khách hàng ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Hoà nhã có thể kể đến như: LYNX, Target, IKEA,…
#7 Hình mẫu thương hiệu Người chăm sóc
Thay vì cố gắng mở rộng phạm vi khách hàng mục tiêu, theo đuổi hình mẫu thương hiệu Người chăm sóc giống như bạn đang tập trung vào một thị trường ngách.
Ở đó có những người yếu thế, những người cô đơn đang cần giúp đỡ hoặc đơn giản là đang cần đến biện pháp hỗ trợ y tế. Thương hiệu mang hình mẫu người chăm sóc cũng giống như một người điều dưỡng, họ cần những nỗ lực và việc làm của mình được ghi nhận nhiều hơn những lời ca tụng hay phần thưởng vật chất.
Khách hàng của các thương hiệu này đều tương đối nhạy cảm, mong manh về mặt tinh thần và cảm xúc. Họ cần được đối xử nhẹ nhàng, tiếp cận bằng lòng nhân ái và thường những thương hiệu Người chăm sóc rất biết cách chiều lòng họ.
Mục tiêu sau cùng của thương hiệu theo đuổi hình mẫu Người chăm sóc là tạo cảm giác yên tâm, được chăm sóc và bảo vệ toàn diện cho khách hàng mục tiêu của mình.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Người chăm sóc có thể kể đến như: UNICEF, WWF, TOMS,…
#8 Hình mẫu thương hiệu Thủ lĩnh
Ông Mario Puzo – nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng người Mỹ từng đoạt giải Oscar đã nhận định như sau: “Quyền năng không phải là tất cả, mà nó là duy nhất.”
Câu nói này như một lời khẳng định cho các thương hiệu hàng đầu thế giới hiện nay, rằng mục tiêu trở thành số một và duy nhất của thế giới thương hiệu là không hề viễn vông.
Hình mẫu thương hiệu Thủ lĩnh chính là điều chúng ta có thể bắt gặp, nhìn thấy và kiểm nghiệm rõ nét ở những thương hiệu như vậy. Họ không ngại ngùng tuyên bố rằng mình là số một, là ông vua ở trong phân khúc mình đang tham gia.
Thương hiệu thủ lĩnh giống như một loài động vật đứng đầu của chuỗi thức ăn. Nó không chỉ thống trị muôn vật và muôn loài, nó còn đối diện với áp lực phải duy trì vị thế và quyền năng thủ lĩnh đó của mình.
Càng cao danh vọng thì càng dày gian nan, hình mẫu thủ lĩnh mang đến sức mạnh và quyền năng cho thương hiệu thống trị. Mỗi lời nói, tuyên ngôn hay khẳng định giá trị của những thương hiệu kiểu này, đều là mối đe doạ đến năng lực cạnh tranh của các thương hiệu khác.
Ngược lại, thương hiệu thống trị phải duy trì tốt năng lực tôn vinh khách hàng mục tiêu. Khẳng định những giá trị mang lại danh vọng, quyền năng và khiến khách hàng hiểu rằng họ luôn ở trên đỉnh thế giới một khi vẫn còn tin yêu và ủng hộ thương hiệu.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Thủ lĩnh có thể kể đến như: Rolex, Mercedes Benz, Louis Vuitton,…
#9 Hình mẫu thương hiệu Sáng tạo
Khác với năng lực tưởng tượng, năng lực sáng tạo có thể thôi thúc một con người hay một tập thể lao động hăng say hơn. Dựa trên tầm nhìn và tinh thần không ngừng tạo ra những cái mới, không tự kìm hãm năng lực lao động bởi trí tưởng tượng phong phú và đôi khi có phần viễn vông.
Hình mẫu thương hiệu Sáng tạo thường thấy ở những thương hiệu có nhiều khách hàng trung thành, tạo dựng được một hệ sinh thái và cộng đồng người dùng không ngừng bàn tán tích cực về thương hiệu.
Những khách hàng mục tiêu của hình mẫu thương hiệu Sáng tạo thường có cái tôi lớn, bản lĩnh cao và một cá tính rõ ràng. Họ khao khát trở nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới, và thật tuyệt khi có thể hiện thực hoá mong ước đó bằng cách chọn lựa và tin dùng sản phẩm đến từ thương hiệu yêu thích.
Đặc điểm thường thấy ở hình mẫu thương hiệu Sáng tạo đó là họ đủ sức khiến khách hàng tin rằng, bản thân mình đang được quyền tự do lựa chọn chứ không hề bị chi phối bởi các động thái đến từ đội ngũ thương hiệu. Trong khi thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Sáng tạo có thể kể đến như: Lego, Apple, Adobe,…
#10 Hình mẫu thương hiệu Sẻ chia
Giữa một thị trường cạnh tranh và không thiếu những màn đấu đá nhau của các thương hiệu trên truyền thông, thì vẫn còn đó những thương hiệu theo đuổi hình mẫu Sẻ chia. Không đố kị, không hơn thua mà cũng không tranh đấu, họ đơn giản là những thương hiệu sẵn sàng chinh phục khách hàng bằng sự trung thực và bản năng sẻ chia của mình.
Họ không chỉ mang đến sự an toàn và niềm tin ban đầu khi tiếp cận khách hàng mục tiêu. Họ còn dùng tông giọng thương hiệu chân thành, hoà nhã và không ngừng lồng ghép vào đó các yếu tố hạnh phúc để chiếm được thiện cảm của bạn.
Hình mẫu thương hiệu Sẻ chia thường bị đánh giá là quá an toàn, đến mức làm hạn chế năng lực cạnh tranh của chính những thương hiệu đó.
Nhưng chẳng sao cả, thương hiệu theo đuổi hình mẫu Sẻ chia luôn trung thành và nhất quán với định hướng của họ. Đó là không ngừng chia sẻ những thông điệp tích cực, nhìn thấy giá trị của hạnh phúc và tìm kiếm cái đẹp ẩn sâu bên trong mỗi tâm hồn lạc quan.
Những thương hiệu này thường không chiêu trò, lấp liếm hay gây hấn với bất cứ ai. Họ đi trên con đường của riêng mình và luôn tin tưởng rằng, khách hàng sẽ luôn tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp đó.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Sẻ chia có thể kể đến như: Dove, Aveeno, Innocent,…
#11 Hình mẫu thương hiệu Nhà thông thái
Chúa Jesus đã nói với những người Do Thái một mực tin tưởng mình rằng: “Sự thật sẽ giúp chúng ta được giải thoát.”
Sự thật cũng chính là kim chỉ nam hoạt động, tồn tại và phát triển của những thương hiệu theo đuổi hình mẫu Nhà thông thái. Họ có năng lực nghiên cứu và tiếp cận với kho tàng kiến thức vô hạn, họ có thể không tự mình thay đổi thế giới nhưng họ sẵn sàng lan toả và chia sẻ kiến thức đến mọi người.
Để rồi những người này vốn là khách hàng mục tiêu của thương hiệu, sẽ đón nhận nguồn cảm hứng bất tận đó và góp sức mình vào hành trình thay đổi nhân loại.
Những thương hiệu này không chỉ chia sẻ đúng kiến thức, mà còn chia sẻ đầy đủ và đi đến tận cùng của sự thật. Sự thật là mục tiêu, là niềm khao khát của các thương hiệu theo đuổi hình mẫu Nhà thông thái.
Họ không giấu giếm và che đậy một phần kiến thức vì mục đích thương mại. Họ chia sẻ toàn bộ những gì mình có, những điều mình biết và những sự thật mà họ tin rằng chúng đủ sức thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Nhà thông thái có thể kể đến như: Google, Slack, University of Oxford,…
#12 Hình mẫu thương hiệu Nhà thám hiểm
Thương hiệu theo đuổi hình mẫu Nhà thám hiểm có xu hướng đi ngược lại với số đông. Họ có nội lực to lớn ở sâu thẳm bên trong, dùng nội lực đó để thúc đẩy các hành động mạo hiểm và đầy thách thức ra bên ngoài.
Hình mẫu thương hiệu Nhà thám hiểm phù hợp với khách hàng mục tiêu sẵn sàng tìm tòi, khám phá và tự ném mình vào những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Đối với họ mái nhà và tổ ấm không phải là nệm ấm chăn êm, càng không phải những giá trị phù phiếm như tiền bạc hay của cải. Mái nhà lí tưởng dành cho họ là những mảnh đất nơi hiếm ai được đặt chân đến, những thử thách mà không phải ai cũng đủ sức vượt qua.
Thương hiệu Nhà thám hiểm phải không ngừng thách thức khách hàng mục tiêu, khơi gợi niềm khao khát và bản năng chinh phục ở sâu thẳm bên trong con người họ. Với khách hàng mục tiêu ưa thích thám hiểm, họ thường không tuân thủ theo những lẽ thường hay các tiêu chuẩn chung của cộng đồng.
Một số tên tuổi nổi tiếng theo đuổi hình mẫu thương hiệu Nhà thám hiểm có thể kể đến như: Jeep, patagonia, The North Face,…
Những câu hỏi thường gặp
Hình mẫu thương hiệu là gì
Hình mẫu thương hiệu là lý do khiến bạn chọn ủng hộ và tin yêu sản phẩm đến từ thương hiệu bằng mọi giá.
Vì sao người tiêu dùng không biết hoặc ít quan tâm đến hình mẫu thương hiệu
Dưới góc độ của người tiêu dùng, hầu hết mọi người đều tin rằng hành động chọn mua, ủng hộ và tin tưởng sản phẩm của một thương hiệu nào đó hoàn toàn xuất phát từ bản thân. Nghĩa là cá nhân mỗi người tiêu dùng có toàn quyền quyết định, trong việc có chọn mua sản phẩm và ủng hộ thương hiệu đó lâu dài hay không.
Hình mẫu thương hiệu giúp ích cho mối liên kết với người tiêu dùng như thế nào
Thực tế là người tiêu dùng thường không có cơ hội “nắm quyền sinh sát” một cách thường xuyên. Trái lại, chính nhà sáng lập và đội ngũ xây dựng thương hiệu mới là những người tạo ra mối liên kết bền vững. Thu hút và giữ chân khách hàng mục tiêu ở lại để ủng hộ thương hiệu bằng mọi giá.
Ví dụ về thành công trong việc xây dựng hình mẫu thương hiệu
Theo ghi nhận từ NetBase vào năm 2017, Lego là thương hiệu được yêu thích thứ ba tại thị trường châu Âu - chỉ sau Apple và Google.