Thiết kế tên thương hiệu là một trong những bước đầu của quá trình xây dựng thương hiệu. Một cái tên hiệu quả sẽ giúp khách hàng nhận biết, phân biệt và kết nối với thương hiệu.

Theo một khảo sát từ Crowdspring, 77% người tham gia phỏng vấn đồng ý rằng họ sẽ đề cập đến một số sản phẩm, dịch vụ theo tên thương hiệu cụ thể.

Chúng ta hiếm khi nói rằng mình chuẩn bị “đón xe ôm công nghệ thông qua ứng dụng trên điện thoại”. Quá dài dòng. Chúng ta chỉ đơn là đang “đặt Grab”.

Chúng ta sẽ không trả lời rằng mình “tìm thấy thông tin này bằng công cụ tìm kiếm dựa theo từ khóa trên Internet”. Quá phức tạp. Chúng ta chỉ bảo “tôi Google là ra”.

Còn rất nhiều ví dụ khác để minh họa hành vi trên của người tiêu dùng. Điều đó chứng tỏ rằng, việc thiết kế tên thương hiệu nếu được làm đúng, làm nghiêm túc, làm bài bản, kết hợp đồng bộ với những chiến lược khác, sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho thương hiệu.

Tên thương hiệu xuất hiện ở khắp mọi nơi, vì vậy cần phải thật cẩn thận khi đặt tên thương hiệu. Một cái tên khó nhớ hoặc khó phát âm có thể cản trở những hoạt động truyền thông, tiếp thị của doanh nghiệp trong tương lai. Mặt khác, một cái tên nếu không được bảo hộ sẽ khiến công ty vướng phải những rủi ro pháp lý không đáng có.

Vì vậy, thiết kế tên thương hiệu là một thách thức lớn và yêu cầu những công đoạn nghiên cứu, sáng tạo và những chiến lược cụ thể. Nhưng một tên thương hiệu tốt sẽ bao gồm những tiêu chí nào? Trong bài viết này, Vũ sẽ chia sẻ đến bạn đọc về những sai lầm khi thiết kế tên thương hiệu và những tiêu chí tạo nên một cái tên hiệu quả.

cover dat ten

Những hiểu lầm khi thiết kế tên thương hiệu

Thương hiệu cũng như một con người, cũng có tính cách và bản sắc riêng biệt. Đối với con người, một trong những thứ làm nên sự độc đáo của mỗi cá nhân chính là cái tên. Tên gọi giúp phân biệt người A và người B. Tên gọi còn là phương tiện để mở đầu câu chuyện, là cầu nối để gắn kết cảm xúc. Điều tương tự cũng áp dụng cho lĩnh vực thiết kế tên thương hiệu.

Thiết kế tên thương hiệu là một phần của quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Bên cạnh logo và tagline, tên thương hiệu đóng vai trò như yếu tố hạt nhân của một bộ nhận diện hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thiết kế tên thương hiệu. Trong quá trình tư vấn và thực thi chiến lược cho các doanh nghiệp, Vũ nhận thấy có những sai lầm mà nhà lãnh đạo thường mắc phải như sau.

Sai lầm 1: Cho rằng thiết kế tên thương hiệu rất dễ làm

Một vài nhà lãnh đạo đánh giá việc thiết kế tên thương hiệu ít quan trọng hơn nhiều so với bản chất và ý nghĩa vốn có của nó. Họ cho rằng việc đổi tên hay đặt một cái tên mới không cần đầu tư quá nhiều công sức hay ‘chất xám’, vì tên nào mà chẳng được, chỉ cần khác đối thủ một tí, dễ đọc, dễ nhớ một tí là được thôi mà.

Nhưng đây là một quan điểm sai lầm và về lâu dài có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với thương hiệu. Không chỉ với những doanh nghiệp mới bắt đầu xây dựng thương hiệu, những tập đoàn lớn cũng khó tránh khỏi hậu quả nếu không đầu tư nghiêm túc cho việc thiết kế tên thương hiệu.

Sai lầm trong thiết kế tên thương hiệu đã từng khiến PWC tốn kém hơn 110 triệu đô la (ảnh: linkedin)

Sai lầm trong thiết kế tên thương hiệu đã từng khiến PWC tốn kém hơn 110 triệu đô la (ảnh: linkedin)

Vào năm 2002, PWC – tập đoàn kiểm toán hùng mạnh bậc nhất thế giới – đã chi đến 110 triệu đô la để đổi tên thành “Monday” (Thứ Hai). Động thái này nhằm thể hiện nỗ lực biến mình thành một thương hiệu tươi mới và nhiều sức sống hơn. Quyết định này đã thất bại thảm hại và rất nhanh, hãng đã phải lấy lại cái tên PWC quen thuộc.

Quá trình thiết kế tên thương hiệu yêu cầu nhà lãnh đạo và đội ngũ sáng tạo phải thực hiện nghiêm túc và đầu tư cho việc nghiên cứu, thảo luận và thấu hiểu vấn đề thật sự của thương hiệu.

Nhiều trường hợp thương hiệu gặp khó khăn trong việc truyền thông không phải do cái tên khó đọc, mà là vì nó nghe giống một thương hiệu nào đó khác. Như vậy, vấn đề thật sự ở trường hợp này là sự khác biệt, không phải cách phát âm.

Điều quan trọng chính là đội ngũ thiết kế tên thương hiệu có đủ năng lực và khả năng tìm ra được vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Thông thường, sẽ có hàng trăm cái tên được xem xét và loại bỏ trước khi đội ngũ thiết kế tên thương hiệu tìm ra được ý tưởng hiệu quả nhất.

thiet ke bo nhan dien thuong hieu 11

Sai lầm 2: Đặt ra quá nhiều yêu cầu cho tên thương hiệu

Tên thương hiệu, logo hoặc sản phẩm chỉ là một phần của thương hiệu. Một cái tên ‘Apple’ không thể nào làm nên thương hiệu Apple. Một từ ‘Amazon’ cũng không tạo ra hình ảnh của một công ty thương mại điện tử toàn cầu.

Đôi khi nhà lãnh đạo quên mất điều này và đặt ra quá nhiều kỳ vọng cho đội ngũ thiết kế tên thương hiệu. Họ tìm cách “nhồi nhét” năm, sáu ý nghĩa khác nhau cho một cụm từ hai ba âm tiết. Cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Bởi vì như Vũ đã chia sẻ, bên cạnh cái tên thì logo, thông điệp, tín hiệu nhận diện,… sẽ cùng góp phần làm nên danh tiếng thương hiệu và nhận thức của khách hàng về thương hiệu.

Thương hiệu được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau (ảnh: Screen post)

Thương hiệu được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau (ảnh: Screen post)

Luận điểm này cũng áp dụng với những tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Ví dụ, hai mươi năm trước nếu nghe thấy cái tên Tesla, bạn có nghĩ rằng doanh nghiệp này sẽ trở thành người dẫn lối trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi không?

Nhiều khả năng là không. Có thể bạn sẽ chép miệng và cho rằng “Đây rồi, lại thêm một nhóm fan cuồng của Nikola Tesla”. Vậy bây giờ “nhóm fan cuồng” này đang ở đâu? Thêm vào logo, màu sắc, câu chuyện, sản phẩm, tagline, dịch vụ, và… Elon Musk, chúng ta có thương hiệu Tesla – top 30 thương hiệu toàn cầu dựa trên giá trị thương mại.

Thiết kế tên thương hiệu rất quan trọng, nhưng đừng vì thế mà đặt ra yêu cầu quá cao cho nó. Hãy nhớ xây dựng thương hiệu là một quá trình, chứ không chỉ dừng lại ở bước gọi tên.

Sai lầm 3: Thiếu tiêu chí đánh giá khách quan khi thiết kế tên thương hiệu

Chúng ta không thể nào gạt bỏ một ý tưởng tên thương hiệu chỉ vì đơn giản là ta không thích nó, hoặc vì cái tên này nghe không hợp.

Thích hay không thích là đánh giá chủ quan của mỗi người. Ý tưởng có thể tuyệt vời với người này nhưng lại là thảm họa với người kia. Do đó, nếu đánh giá việc thiết kế tên thương hiệu dựa trên những cảm xúc chủ quan đôi khi sẽ không hợp lý, mà lại còn vô tình loại đi những ý tưởng hiệu quả.

Thành viên đội ngũ Vũ Digital trong quá trình thiết kế tên thương hiệu (ảnh: vudigital.co)

Thành viên đội ngũ Vũ Digital trong quá trình thiết kế tên thương hiệu (ảnh: vudigital.co)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cảm xúc chủ quan (thích hoặc ghét) và sự quen thuộc. Mọi người thường có xu hướng thích những gì mà họ đã quen thuộc và thuộc về “vùng an toàn” của nhận thức.

Điều đó có nghĩa: những cái tên “dễ mến” sẽ rất khó nổi bật giữa một loạt những cái tên “dễ mến khác”. Trong khi “khác biệt” lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng và phát triển thương hiệu.

Nếu vậy, chúng ta nên sử dụng những tiêu chuẩn nào để đánh giá việc thiết kế tên thương hiệu? Theo quan điểm của Vũ, 7 tiêu chí sau sẽ giúp chúng ta khách quan hơn trong việc lựa chọn các ý tưởng tên thương hiệu.

Thuong hieu cover blog

Thiết kế tên thương hiệu cần đơn giản

Như Vũ đã chia sẻ nhiều lần, đơn giản là nguyên tắc đầu tiên khi chúng ta xây dựng và phát triển bộ nhận diện thương hiệu.

Quy tắc này không chỉ ứng dụng cho logo, tagline mà bao gồm cả việc thiết kế tên thương hiệu.

Nếu việc thiết kế tên thương hiệu của bạn quá phức tạp và khó đọc thì chúng sẽ có tác động tiêu cực đến các hoạt động truyền thông của thương hiệu. Đây là điều hiển nhiên vì não bộ chúng ta sẽ dễ tiếp nhận và xử lý nếu “đầu vào” là các thông tin ngắn gọn, đơn giản, hơn là những nội dung quá dài dòng, đa nghĩa.

Đã có nhiều trường hợp các thương hiệu nổi tiếng phải đổi tên để phù hợp hơn với thị trường như Google (đổi từ BackRub), Instagram (đổi từ Burbn),…

Một ví dụ cụ thể là Nike, lúc đầu vốn không hề được đặt tên là… Nike – cái tên chúng ta đã rất quen thuộc ngày nay. Nhà sáng lập Phil Knight ban đầu đã sử dụng cụm từ “Blue Ribbon Sports” để đặt cho đứa con tinh thần của mình.

Cửa hàng đầu tiên của Nike, lúc đó còn tên là "Blue Ribbon Sports" (ảnh: TravelMag)

Cửa hàng đầu tiên của Nike, lúc đó còn tên là “Blue Ribbon Sports” (ảnh: TravelMag)

Đến năm 1971, hãng quyết định đổi tên, nhưng ý tưởng “Nike” vẫn không đến ngay lập tức mà là Dimension Six – cái tên được ông chủ Knight lựa chọn, dù cho nhân viên của ông đã mô tả đó là một cái tên “tệ không thể tả nổi”.

Tuy nhiên, vào phút cuối cùng trước khi hoàn tất các thủ tục đăng ký, một nhân viên của hãng là Jeff Johnson đã đề xuất từ ‘Nike’, với cảm hứng từ nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp cổ. Và như chúng ta đã biết, cái tên Nike đã trở nên phổ biến toàn thế giới, một phần cũng từ tính chất đơn giản của nó.

Một case study khác là Tân Mỹ Hạnh – doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thép được Vũ tư vấn chiến lược và xây dựng toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu. Bên cạnh việc cải tiến về mặt hình ảnh, Vũ xác định cái tên cũ “Tân Mỹ Hạnh” không những không phù hợp với xu thế mới trên thị trường, mà còn không đồng điệu với năng lực và tham vọng to lớn của đội ngũ kế thừa.

Thiết kế tên thương hiệu Tamyha được Vũ Digital thực hiện (ảnh: vudigital.co)

Thiết kế tên thương hiệu Tamyha được Vũ Digital thực hiện (ảnh: vudigital.co)

Sau khi chỉ ra vấn đề để ban lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ, Vũ đã đề xuất giải pháp đổi tên thương hiệu Tân Mỹ Hạnh trở thành Tamyha. Tamyha là cụm chữ cái viết tắt của từ Tân Mỹ Hạnh, nhưng được rút gọn chỉ còn sáu chữ cái và ba âm tiết, giúp dễ dàng phát âm, dễ dàng hội nhập trên trường quốc tế.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về dự án Tamyha tại đây.

Thiết kế tên thương hiệu cần khác biệt

Tên thương hiệu, cùng với logo, là hai yếu tố nhận diện thường xuyên được khách hàng sử dụng để phân biệt thương hiệu của bạn với những doanh nghiệp khác trên thị trường

Chúng ta sử dụng tên thương hiệu ở hầu hết các điểm chạm với khách hàng. Từ fanpage Facebook, tài khoản email, danh thiếp,… Cái tên thường là thứ khách hàng chú ý đến đầu tiên, ghi nhớ và nghĩ đến khi cần tìm hiểu về sản phẩm của thương hiệu.

Họ sẽ chỉ đơn giản hỏi nhau “Tôi mua hàng ở thương hiệu A” hoặc “Bạn có biết hãng B không”, chứ sẽ không phải mất thời gian mô tả chi tiết sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang kinh doanh.

Nói cách khác, việc thiết kế tên thương hiệu của bạn phải thật sự khác biệt để đảm bảo tính nhận diện, đặc biệt là giữa những doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng. Chúng ta cần tránh việc tên thương hiệu có thể khiến khách hàng hiểu nhầm hoặc nhớ nhầm sang một thương hiệu khác, kể cả khi chỉ sử dụng trùng nhau một thành tố.

Hoạt động cùng lĩnh vực nhưng Duracell và Enerrgizer được khách hàng phân biệt rõ ràng nhờ tên thương hiệu (ảnh: Budgetlight)

Hoạt động cùng lĩnh vực nhưng Duracell và Enerrgizer được khách hàng phân biệt rõ ràng nhờ tên thương hiệu (ảnh: Budgetlight)

Cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh pin tiểu, Duracell được định vị thông qua thuộc tính “bền”, vì vậy, họ sử dụng cụm từ đó để thiết kế tên thương hiệu của mình (Durable – bền bỉ) để truyền đạt ý tưởng và tạo ra sự khác biệt với đối thủ Energizer – thương hiệu lựa chọn cụm từ “năng lượng” (Energize) để làm định vị.

Thiết kế tên thương hiệu cần dễ phát âm

Đôi khi nhà lãnh đạo quá tập trung vào việc suy nghĩ ý nghĩa hay tìm kiếm một từ ngữ thật đặc biệt mà lại bỏ quên một yếu tố vô cùng quan trọng khi thiết kế tên thương hiệu: phát âm. Với một quốc gia mà tiếng địa phương là đặc trưng như Việt Nam thì điều này lại càng trở nên cần thiết.

Một trường hợp “được” phát âm sai nhiều nhất có lẽ là Head&Shoulders, thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Cái tên Head&Shoulders được biến tấu thành rất nhiều phiên bản thuần Việt khác nhau như “hết sầu đơ”, “đét èn sâu”,…

Hoặc có nhiều thương hiệu bị phát âm sai rất nhiều nhưng chúng ta không nhận ra như Adobe (ah-doh-bee), Chevrolet (shev-ro-lay), Ikea (ih-key-yah),…

thiết kế tên thương hiệu

Dù nổi tiếng như thế, nhưng Chevrolet vẫn bị đọc sai tên thương hiệu khá nhiều (ảnh: Giorgio Trovato)

Bạn có thể cho rằng đó, những thương hiệu này bị đọc nhầm tên nhưng có làm sao đâu, họ vẫn phát triển thành các tập đoàn lớn kia kìa?

Đúng là vậy. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng, những thương hiệu trên được xây dựng từ những quốc gia khác, không phải Việt Nam. Và ở người dân ở những nước này nhiều khả năng sẽ phát âm đúng tên gọi của thương hiệu.

Một lý do khác, thương hiệu không chỉ bao gồm tên, như Vũ đã chia sẻ ở trên. Chúng ta cũng cần quan tâm đến các yếu tố cạnh tranh, chiến lược sản phẩm, giá cả,… của các doanh nghiệp này. Dù ít hay nhiều, chúng đều tác động đến thương hiệu theo những cách riêng biệt.

Còn nếu bạn vịn vào những case study trên mà cho rằng mình có thể đặt một cái tên nào bất kỳ thì rất có thể bạn sẽ gặp rắc rối. Những tập đoàn trên đã có nền tảng vững chắc và sở hữu thương hiệu được nhiều người nhận biết. Do đó, việc khách hàng ở một thị trường nào đó phát âm sai tên đôi khi cũng chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến họ.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp Việt mới khởi đầu hoặc chưa xây dựng thương hiệu thì lại là một câu chuyện khác. Nếu người dùng đọc tên thương hiệu của bạn mỗi người một kiểu, bạn cần phải suy nghĩ lại về cái tên đó. Chúng có thể gây ra sự hiểu nhầm hoặc tệ hơn là khiến khách hàng nhầm sang một thương hiệu khác cũng có cách đọc giống như vậy.

thiết kế tên thương hiệu

Tên thương hiệu là yếu tố quan trọng để phát triển thương hiệu (ảnh: Denny Müller)

Một mẹo hiệu quả khi thiết kế tên thương hiệu mà bạn có thể sử dụng đó là hãy dùng các nguyên âm như i, e, a, o. Những nguyên âm này giúp khách hàng thuận miệng khi đọc và từ đó dễ nhớ hơn.

Hãy liên tưởng đến tên gọi của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha, Coca Cola, Amazon, Mercedes, Audi, Virgin, Motorola, Lenovo… Tất cả đều sở hữu những cái tên dễ dàng ghi nhớ và có cùng phát âm ở nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thiết kế tên thương hiệu cần dễ viết ra

Bên cạnh việc xuất hiện thông qua ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, khách hàng đôi khi cũng cần phải viết tên thương hiệu ra một cách cụ thể.

Giả sử một người có nhu cầu mua hàng và thương hiệu của bạn bỗng xuất hiện trong tâm trí họ. Anh ta đã nghe nói đến cửa hàng của bạn một vài lần và có ý muốn tham khảo sản phẩm, giá bán hay đánh giá của người khác trước khi quyết định.

Nhưng đến bước quan trọng nhất là gõ tên thương hiệu của bạn trên trang tìm kiếm thì lại không ra kết quả, chỉ vì cái tên đó quá khó viết nên khách hàng đã viết sai. Họ mất hứng và lựa chọn một thương hiệu khác. Vậy là bạn đã mất đi khách hàng chỉ vì họ không thể gõ đúng tên thương hiệu của bạn.

Hãy đảm bảo khách hàng gõ đúng tên thương hiệu khi tìm kiếm trên Google (ảnh: Firmbee.com)

Hãy đảm bảo khách hàng gõ đúng tên thương hiệu khi tìm kiếm trên Google (ảnh: Firmbee.com)

Trên thực tế, câu chuyện này diễn ra rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Nhà lãnh đạo đôi khi quá mải mê tìm kiếm một cái tên hấp dẫn mà sơ ý bỏ qua những yếu tố tưởng chừng như rất cơ bản khi thiết kế tên thương hiệu

KFC chắc chắn sẽ dễ viết hơn Kentucky Fried Chicken. Yahoo chắc chắn sẽ là một ý tưởng hiệu quả hơn nếu so với Jerry’s Guide To The World Wide Web.

Chúng ta đang sống giữa một thời đại thông tin. Nhà lãnh đạo có trong tay những công cụ vô cùng hiệu quả để phát triển thương hiệu, thứ mà những thế hệ trước không bao giờ nghĩ đến. Nhưng nếu không làm đúng ngay từ những bước khởi đầu như thiết kế tên thương hiệu, chúng ta sẽ rất khó kết nối và giữ chân được khách hàng.

Vì vậy, hãy chắc chắn thương hiệu của bạn được tìm ra trên Google hay ít nhất, khách hàng sẽ gõ đúng địa chỉ website của bạn.

Thiết kế tên thương hiệu cần ý nghĩa

Thiết kế tên thương hiệu cũng cần phải chứa đựng một ý nghĩa riêng. Cái tên sẽ truyền đạt được ý nghĩa hoặc giá trị của thương hiệu. Tên gọi còn giúp xây dựng hình ảnh mà thương hiệu muốn truyền tải.

Tất nhiên, ý nghĩa của tên thương hiệu có thể không được hiểu ngay lập tức khi khách hàng nhìn hoặc nghe thấy. Nhưng tên thương hiệu cần gợi lên một ý tưởng nào đó khi mọi người lần đầu nghe đến.

thiết kế tên thương hiệu

Tên thương hiệu Fanta bắt nguồn từ chữ “Fantasie”, nghĩa là trí tưởng tượng (ảnh: Matt Botsford)

Ví dụ, tên gọi của nước ngọt Fanta được rút gọn từ cụm từ “Fantasie” trong tiếng Đức, có nghĩa là “Trí tưởng tượng”. Chúng tạo nên ấn tượng về một thương hiệu dành cho giới trẻ, với niềm đam mê khám phá, sáng tạo, sẵn sàng thách thức và phá vỡ mọi giới hạn.

Hoặc như từ Hyundai – tên của tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc – mang ý nghĩa là “hiện đại” trong tiếng Hàn. Cụm từ này thể hiện cô đọng tinh thần của một thương hiệu chuyên tham gia vào những lĩnh vực tân tiến như không gian, chế tạo xe hơi, xây dựng,…

thiết kế tên thương hiệu

Cụm từ “Hyundai” có nghĩa là “hiện đại” trong tiếng Hàn (ảnh: Mpho Photo)

Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng cần nghiên cứu ý nghĩa của cái tên mình muốn sử dụng ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Một từ nghe rất hay ở ngôn ngữ A có thể sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác ở ngôn ngữ B

Năm 1991, hãng xe hơi Mazda đã tung ra một dòng sản phẩm mới với tên gọi Laputa. Laputa là một hòn đảo bay hư cấu trong tác phẩm “Gulliver Du Ký” nổi tiếng của nhà văn Jonathan Swift.

Tưởng chừng như đó là một cái tên vô cùng ý nghĩa, nhưng xui xẻo thay, Laputa trong tiếng Tây Ban Nha lại là từ ngữ dùng để chỉ những người hành nghề mại dâm. Chúng vô tình trở thành một rào cản lớn khi thương hiệu muốn đặt chân vào xứ sở bò tót.

Thiết kế tên thương hiệu cần thể hiện được ngành nghề hoặc sản phẩm

Một tên thương hiệu “hiệu quả” là cái tên khiến khách hàng của bạn nghĩ đúng về sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực của thương hiệu.

Nhà lãnh đạo cần xác định thương hiệu của mình sẽ đại diện cho điều gì, cả về mặt logic của các tính năng, cũng như về mặt cảm xúc và liên tưởng. Khi quan sát các thương hiệu ở xung quanh, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một số thương hiệu sẽ lựa chọn các thành phần ngôn ngữ mô tả ngành nghề mà họ đang hoạt động và đưa vào tên thương hiệu của mình.

Một ví dụ phổ biến là chữ “Milk” được các nhãn hàng sữa như Vinamilk, TH True Milk,… lựa chọn. Từ “milk” không chỉ cho khách hàng biết được doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ gì, mà về lâu dài, nó còn giúp thương hiệu xây dựng một định vị vững chắc trên thị trường.

thiết kế tên thương hiệu

Các thương hiệu sữa Việt thường đưa hậu tố “Milk” vào tên thương hiệu (ảnh: buyers)

Điều tương tự cũng được các thương hiệu giáo dục áp dụng với từ “Education” (Giáo dục) như: Eduzone, Hope Education. Họăc từ “Land” cũng rất phổ biến với các doanh nghiệp bất động sản, đầu tư địa ốc,…

Cách thiết kế tên thương hiệu này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu kế hoạch truyền thông, không cần phải giới thiệu quá nhiều về ngành nghề của mình. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng dẫn đến tình trạng “một màu”, thiếu tính sáng tạo giữa các thương hiệu.

Thiết kế tên thương hiệu phải có thể bảo hộ được

Việc bảo hộ tên thương hiệu là một khái niệm còn xa lạ với nhiều người. Nhưng sự thật, những vấn đề liên quan đến luật pháp là một khía cạnh vô cùng quan trọng khi xây dựng và phát triển thương hiệu.

Về mặt pháp lý, tên thương hiệu rất dễ bị sao chép, vì thế điều đầu tiên cần quan tâm khi thiết kế tên thương hiệu là cần xác định bản quyền tên thương hiệu. Liệu có ai đã đăng ký cái tên này chưa và nếu chưa thì bạn cần làm gì để bảo vệ tài sản sáng tạo của mình?

Những rủi ro về mặt pháp lý sẽ dẫn đến những tranh chấp không đáng có sau này. Hoặc các doanh nghiệp có thể nghĩ đến phương án thay vì bảo hộ tên thì sẽ bảo hộ bằng hình ảnh (logo).

thiết kế tên thương hiệu

Nhà lãnh đạo cũng cần cân nhắc các vấn đề liên quan đến tên miền hay pháp lý khi thiết kế tên thương hiệu (ảnh: Carlos Muza)

Ngoài ra, tên miền khi tạo website cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Tên thương hiệu và tên miền thường trùng nhau, do đó bạn nên đăng ký tên miền sớm nhất có thể. Có nhiều trường hợp sẽ không thể đăng ký tên miền do trùng tên, vì thế, bạn nên có quá trình rà soát hệ thống tên miền để tránh việc tên thương hiệu ra đời nhưng lại không thể dùng khi lập domain website.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Lời kết

Thiết kế tên thương hiệu không phải là một việc “làm cho xong”. Thiết kế tên thương hiệu đòi hỏi nhiều sự đầu tư, nghiên cứu tỉ mỉ từ nhà lãnh đạo và đội ngũ sáng tạo. Cái tên sẽ gắn bó với thương hiệu của bạn trong một thời gian dài và là thứ đại diện cho thương hiệu ở mọi điểm tiếp xúc với khách hàng.

Thiết kế tên thương hiệu có những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá, chứ không chỉ nằm ở cảm xúc chủ quan. Việc áp dụng 7 nguyên tắc trên khi đặt tên sẽ giúp bạn đọc hạn chế được những trường hợp loại bỏ đi ý tưởng tốt, hay mọi người không đồng thuận với nhau.

Tuy nhiên, tên thương hiệu không phải toàn bộ thương hiệu. Vũ hy vọng bạn đọc hiểu rõ điều này. Thương hiệu được tạo nên từ nhiều yếu tố khác biệt và cùng nhau, chúng giúp khách hàng nhận biết, kết nối và có những cảm xúc tích cực với thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu là một đường chạy marathon và thiết kế tên thương hiệu chỉ là một điểm dừng chân trên suốt hành trình đó. Hy vọng bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để tạo nên những thương hiệu bền vững và lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.

Để hiểu hơn về thế giới thương hiệu và củng cố kiến thức xây dựng thương hiệu và thiết kế thương hiệu của bản thân, mọi người có thể ngay lập tức kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:

Xin chân thành cảm ơn,