Chuẩn mực đạo đức khởi đầu cho văn hoá và là bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực theo đuổi văn hoá thương hiệu của ban lãnh đạo hoặc đội ngũ nhân sự.

Immanuel Kant là một triết gia người Đức sinh thời vào thế kỷ thứ 18, ông có sức ảnh hưởng lớn đến Kỷ nguyên khai sáng bằng những học thuyết đi theo định hướng duy tâm. Immanuel Kant từng có một câu nói nổi tiếng về chuẩn mực đạo đức như sau:

Chuẩn mực đạo đức không giúp ta hạnh phúc được ngay, mà giúp ta trở nên xứng đáng để hưởng thụ hạnh phúc.

Có một thực tế là nhiều người đang hiểu chưa đúng và đặt kỳ vọng sai lên khái niệm chuẩn mực đạo đức. Chẳng hạn như những người vốn trung thành theo đuổi với một tôn giáo hay đức tin nào đó, họ tin rằng tôn giáo nào cũng có mục đích sau cùng là định hướng con người tìm đến chân thiện mỹ. 

Chuẩn mực đạo đức là gì?

Chuẩn mực đạo đức là gì?

Từ nhận định này mà nhiều người nghĩ rằng đạo đức chính là nguồn cội của hạnh phúc, chỉ cần sống đạo đức và không làm điều gì trái ngược với luân lý, thì bất cứ ai rồi cũng sẽ đạt đến hạnh phúc đúng nghĩa. 

Một trong những biểu hiện cụ thể nhất cho quan điểm này chính là câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành.” Chúng ta đều tin rằng mỗi hành động tốt đẹp, mang lại giá trị tích cực cho một người hoặc một tập thể ở thì hiện tại, rồi sẽ được đền đáp bằng một “quả ngọt” tương ứng ở trong tương lai.

Nếu quả đúng như vậy thì tại sao giữa hai anh em trong câu chuyện Ăn khế trả vàng, chỉ có người em tội nghiệp nghèo khó mới được đổi đời nhờ đi lấy vàng với chú chim? 

Còn vợ chồng người anh thì trên đường về liền bị chú chim hất văng xuống biển. Dù cả hai đều có hành động tử tế là cho phép chú chim ăn sạch khế trong vườn nhà mình.

Để trả lời câu hỏi này cần liên hệ trực tiếp với câu nói nổi tiếng của Immanuel Kant, đồng thời đi tìm bản chất sâu xa của khái niệm chuẩn mực đạo đức. 

Ngày hôm nay với vai trò của một nhà tư vấn, xây dựng bản sắc và chiến lược thương hiệu hiệu quả, Vũ muốn gửi đến tất cả các bạn bài viết có chủ đề Chuẩn mực đạo đức là gì?

Chân dung của triết gia người Đức Immanuel Kant (ảnh: Modern Diplomacy).

Chân dung của triết gia người Đức Immanuel Kant (ảnh: Modern Diplomacy).

Bài chia sẻ không nhằm mục đích bác bỏ hay phê bình lối sống theo đuổi chân thiện mỹ, bản thân Vũ cùng với đội ngũ của mình vẫn đang trên con đường tạo ra nhiều giá trị tích cực cho khách hàng, cộng đồng và người dân Việt Nam.

Đây cũng là động lực để Vũ thực hiện bài chia sẻ lần này, phân tích bản chất của khái niệm Chuẩn mực đạo đức cùng những tác động đến đời sống nói chung và quy trình xây dựng thương hiệu mạnh nói riêng.

⇒ Xem thêm: Thương hiệu mạnh là gì? 6 bước xây dựng thành công thương hiệu mạnh.

Chuẩn mực đạo đức là gì? Nên hiểu như thế nào?

Từ nhiều đời xưa văn hoá phương Tây đã lan truyền một quan điểm đạo đức cho rằng: “Muốn người khác đối xử với mình như thế nào thì cứ đối xử với họ như vậy.” Quay về văn hoá phương Đông thì Khổng Tử cũng từng nhận định như sau: “Điều gì mình không thích thì cũng đừng làm với người khác.”

Hay như một triết lý sống và làm việc hiệu quả mà đội ngũ tại Vũ vẫn luôn tin rằng: “Hành động chỉ được xem là hiệu quả khi mang lại quyền lợi và lợi ích cho một nhóm người này, mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của nhóm người nào khác.”

Chuẩn mực đạo đức không được tạo ra hay xây dựng bởi bất cứ cá nhân nào. Nó đến một cách vô cùng tự nhiên ngay từ khi tổ tiên loài người bắt đầu chia nhóm, phân công nhiệm vụ một cách chi tiết trong quá trình săn bắt hái lượm nhằm duy trì sự sống.

van hoa doanh nghiep 1

Nếu có một trường hợp con người có thể sống khoẻ, sống tốt mà không cần đến chuẩn mực đạo đức, có lẽ đó là khi chúng ta sống một mình một cõi ở trên đảo hoang, hoặc vừa thoát nạn khỏi một “thảm hoạ tận thế” nếu như nó thật sự xảy đến. 

Còn trong tất cả các trường hợp còn lại, con người luôn cần có chuẩn mực đạo đức để làm kim chỉ nam trong từng hành động nhỏ nhất của bản thân. Con cái hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung sống hoà thuận và tuyệt đối chung thuỷ, học sinh biết giữ lễ nghĩa tối thiểu với người giáo viên,… tất cả đều là những hành động xuất phát từ chuẩn mực đạo đức.

Chuẩn mực đạo đức chính là kim chỉ nam cho lối sống (ảnh: Unsplash).

Chuẩn mực đạo đức chính là kim chỉ nam cho lối sống (ảnh: Unsplash).

Chuẩn mực đạo đức không nhất thiết phải được viết ra, đóng khung rồi treo hẳn lên tường như một lời nhắc nhở có phần máy móc. Sức mạnh lớn nhất của chuẩn mực đạo đức được thể hiện khi nó nằm lại trong trí nhớ, trong nhận thức hay thậm chí đi sâu vào trong tàng thức của mỗi người mà không cần ai khác nhắc đến.

Chuẩn mực đạo đức của mỗi người cũng không hề giống nhau. Có người chỉ mang theo những chuẩn mực đạo đức tương đối cơ bản, thường được nhận xét là người “có tính khí hài hoà dễ chịu.” Có người thì mang theo đời mình những chuẩn mực đạo đức chi tiết, phức tạp và nếu in ra giấy thì độ dày chẳng kém gì cuốn bách khoa toàn thư.

Đây là những người thường bị đánh giá là khó tính, khó chịu hay thậm chí là hà khắc. Tuy nhiên cần hiểu rằng chuẩn mực đạo đức không phải một thước đo, để rồi ta sử dụng nó nhằm đánh giá một con người là dễ tính hay khó tính, hài hoà dễ gần hay là khó chịu đến mức “cục súc.”

Chẳng hạn như một cô gái có hình mẫu lý tưởng là người đàn ông dễ chịu, đáng mến và biết cách ứng xử. Rồi cô cảm nắng khi nhìn thấy một anh chàng bước vào quán cà phê nọ, nhưng không quên giữ cửa cho một bà cụ đi ngay phía sau. 

Cô bất chợt tin là mình đã gặp được người đàn ông của cuộc đời, mà quên mất rằng những người biết cách ứng xử khéo léo, tinh tế thì lại chẳng bao giờ dễ chịu như cô hằng trông mong. Không phân biệt độ tuổi, giới tính hay tính chất nhân khẩu học ra sao, chuẩn mực đạo đức chưa bao giờ là thước đo hiệu quả nhằm đánh giá tư chất của một con người.

Chuẩn mực đạo đức không phải là công cụ đánh giá tư chất của một người (ảnh: Car and Driver).

Chuẩn mực đạo đức không phải là công cụ đánh giá tư chất của một người (ảnh: Car and Driver).

Chuẩn mực đạo đức cũng không nên được tin tưởng, sử dụng bởi một hay nhiều người khác để nhìn nhận về một người nào đó cụ thể. Ngược lại, chuẩn mực đạo đức phải xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân, đi theo họ trong suốt cuộc đời và dĩ nhiên không ngừng thay đổi hay cải thiện thêm theo thời gian.

Liên hệ trực tiếp với câu nói nổi tiếng của triết gia Immanuel Kant, chúng ta nên hiểu khái niệm chuẩn mực đạo đức như sau:

Chuẩn mực đạo đức là chuỗi những suy nghĩ, hành động mà khi một ai đó tin tưởng rồi theo đuổi, thì họ tin rằng bản thân xứng đáng được sở hữu và trải nghiệm niềm hạnh phúc.

Chuẩn mực đạo đức của mỗi người có giống nhau không?

Nếu liệt kê chuẩn mực đạo đức của hai người bất kì ra thành từng gạch đầu dòng, thì “danh sách” này có thể trùng nhau nhưng chưa thể khẳng định chuẩn mực đạo đức của cả hai đều giống nhau. Vì chuẩn mực đạo đức có thể trùng lặp khi xét trên từng hành động, suy nghĩ cụ thể nhưng hình mẫu của chuẩn mực đạo đức thì rất khó giống nhau.

Hình mẫu được xem như khởi đầu của mọi chuẩn mực đạo đức, mỗi người có cho riêng mình một xuất phát điểm để tạo dựng chuẩn mực đạo đức cá nhân. 

Chuẩn mực đạo đức có thể xuất phát từ một người nổi tiếng hay danh nhân yêu thích, có thể được đúc kết từ văn hoá tích cực của một cá nhân hay tổ chức bất kì. Chuẩn mực đạo đức cũng có thể đến từ một hình ảnh được sử dụng như đại diện cho địa phương, quốc gia và dân tộc. Đó có thể là chính phủ, các bộ ban ngành hoặc thậm chí là gia đình hoàng tộc.

Trên thế giới có nhiều quốc gia tồn tại từ hai đảng phái trở lên, luân phiên nhau nắm giữ các trọng trách và vai trò quan trọng trong việc điều hành đất nước – chẳng hạn như nước Mỹ. 

Cũng có nhiều quốc gia theo đuổi nền quân chủ lập hiến, tồn tại song song giữa cơ quan chính phủ nắm vai trò điều hành quốc gia, cùng với gia đình hoàng tộc có nhiệm vụ trở thành đại diện tích cực cho dân tộc. Có thể kể tên một số quốc gia đang theo đuổi nền quân chủ như Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Thái Lan hay Hà Lan.

Gia đình hoàng tộc thường trở thành chuẩn mực đạo đức ở các quốc gia quân chủ lập hiến (ảnh: NBC News).

Gia đình hoàng tộc thường trở thành chuẩn mực đạo đức ở các quốc gia quân chủ lập hiến (ảnh: NBC News).

Quốc vương hay Nữ hoàng ở những nước này không được toàn quyền điều hành, lãnh đạo như ở các quốc gia quân chủ chuyên chế. Hiến pháp sẽ phần nào chi phối các quyết định, hành động của họ và theo sau đó, từng hành động hay quyết định của họ cũng tạo nên hình mẫu đạo đức để người dân nhìn vào và noi theo.

Lấy ví dụ điển hình ở Hoàng gia Anh, hình ảnh của Nữ Hoàng Elizabeth từng là chuẩn mực đạo đức cho rất nhiều cá nhân và gia đình trên đất nước này. 

Không dừng lại ở đó, người ta còn ca ngợi cách hành xử của Hoàng tử William (nay là Thái tử William) trước truyền thông. Trong khi phong cách thời trang, cách lựa chọn trang phục tinh tế của Công nương Kate vẫn luôn là một chủ đề thu hút nhiều độc giả.

Nhìn sang các quốc gia đa đảng phái như Mỹ chẳng hạn, một bên là Đảng Cộng Hoà với tư tưởng nước Mỹ và người dân Mỹ luôn là ưu tiên trên hết, một bên là Đảng Dân Chủ với tư tưởng của tự do, công bằng và bác ái dành cho mọi tầng lớp cũng như thành phần xã hội.

Dù là người ủng hộ và dành niềm tin yêu cho đảng phái nào, thì người dân Hoa Kỳ đều có một hình mẫu nhất định nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cá nhân họ. 

Có người đề phòng bất trắc đến nỗi trữ hàng tá súng ống đạn dược ở trong ngăn kéo, thì cũng có người sẵn sàng cưu mang vị khách hoàn toàn xa lạ vì không thể nhìn người đó bơ vơ giữa bão tuyết. 

CNNTrumpBiden

Chính trị đa đảng phái của Mỹ cũng là nền tảng cho chuẩn mực đạo đức ở người dân (ảnh: CNN).

Không một ai trong số họ bị phán xét hay chất vấn về hành động của mình cả. Đó không chỉ là biểu hiện của một đất nước tự do đúng nghĩa, mà còn là bằng chứng cho thấy rằng – chuẩn mực đạo đức của mỗi người có thể khác nhau, nhưng mục đích hướng thiện và trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua là hoàn toàn giống nhau.

Rõ ràng xây dựng chuẩn mực đạo đức dựa trên Hiến pháp và hành động của gia đình Hoàng tộc, hay tư tưởng chính trị và hình ảnh của một đảng phái mình ủng hộ thì vẫn tốt hơn là thần tượng, tôn sùng một celeb tự xưng nào đó có danh tiếng phất lên nhanh chóng nhờ thuật toán của các mạng xã hội.

Chuẩn mực đạo đức trong quá trình xây dựng thương hiệu

Chuẩn mực đạo đức cũng là một khái niệm dễ gây nhầm lẫn cho nhiều nhà lãnh đạo, đội ngũ nhân sự hay thậm chí cả đội ngũ xây dựng thương hiệu trong quá trình tạo dựng một thương hiệu mạnh.

Chuẩn mực đạo đức dễ bị nhầm lẫn với văn hoá thương hiệu, nhiều doanh nghiệp chỉ mới hệ thống lại chuẩn mực đạo đức nhưng nghĩ rằng đã xây dựng xong văn hoá công ty. Ngược lại, không ít nhà lãnh đạo vội vàng xây dựng văn hoá công ty trong khi chưa xác định rõ bộ chuẩn mực đạo đức.

Vì đều sở hữu các yếu tố và giá trị có phần hoa mỹ về văn chương, tốt đẹp về hành động nên chuẩn mực đạo đức và văn hoá doanh nghiệp thường bị nhầm lẫn với nhau.

Tuy nhiên trên thực tế, chuẩn mực đạo đức chỉ là một phần của văn hoá doanh nghiệp. Nói một cách cụ thể hơn, chuẩn mực đạo đức chính là nền tảng, là khởi nguồn cho quá trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp bài bản và hiệu quả nhất.

Đội ngũ Vũ trong quá trình tư vấn văn hoá và chuẩn mực đạo đức thương hiệu.

Đội ngũ Vũ trong quá trình tư vấn văn hoá và chuẩn mực đạo đức thương hiệu.

Chuẩn mực đạo đức hiệu quả là khi nó phù hợp và nhất quán với tính cách, bản sắc của mỗi thương hiệu. Chẳng hạn một thương hiệu yêu thiên nhiên, tạo ra sản phẩm gần gũi và thân thiện với môi trường thì bản thân mỗi người trong đội ngũ cũng phải yêu thiên nhiên.

Họ luôn kiên định, nhất quán và không ngừng đóng góp vào quá trình cải tiến của doanh nghiệp. Ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ gần gũi với thiên nhiên, xuất phát từ tự nhiên rồi liên tục tái tạo để nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị khai thác quá tàn khốc.

Nhìn xa hơn về văn hoá doanh nghiệp của một thương hiệu yêu thiên nhiên, văn hoá yêu thiên nhiên được thể hiện mạnh mẽ nhất khi cả nhà sáng lập, ban lãnh đạo cùng với đội ngũ nhân sự đều cùng nhìn về một hướng.

Nhân sự công ty cần liên tục được đào tạo, trau dồi cả về kiến thức lẫn kỹ năng làm việc trong thực tế. Sao cho phù hợp với tinh thần và chuẩn mực đạo đức của một thương hiệu yêu thiên nhiên, được ra đời rồi phát triển để không ngừng lan toả các giá trị thiên nhiên đến cộng đồng người dân.

Trong quá trình làm việc, các ý tưởng hay đóng góp quan điểm sáng tạo, khác biệt và phù hợp với chuẩn mực yêu thiên nhiên cần được lãnh đạo kịp thời ghi nhận. Không những vậy, cần tích cực tuyên dương và khen thưởng các cá nhân, đội nhóm có giàu nhiệt huyết đưa kết quả đội ngũ đi lên bằng nền tảng của chuẩn mực đạo đức và văn hoá thương hiệu.

Từ đó giúp mỗi mảnh ghép trong đội ngũ nhân sự không chỉ cảm nhận được sự ghi nhận, tôn trọng mà bản thân họ cũng ngày càng muốn đóng góp nhiều hơn, dấn thân mạnh mẽ hơn vào quá trình xây dựng văn hoá thương hiệu nói riêng và thành công của thương hiệu mạnh nói chung.

Chuẩn mực đạo đức là khởi đầu cho văn hoá thương hiệu tích cực.

Chuẩn mực đạo đức là khởi đầu cho văn hoá thương hiệu tích cực.

Có thật là ở hiền sẽ gặp lành? Không gặp lành thì gặp gì?

Quay trở lại câu chuyện nổi tiếng Ăn khế trả vàng, bỏ qua việc người anh đã vô cùng tham lam đến mức may một chiếc túi to, nhồi nhét vàng bạc của cải bằng nhiều cách khác nhau. Sau cùng bị chú chim hất văng xuống biển vì “quá nặng và chú chim không thể chở nổi.”

Chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời rơi vào trường hợp người anh trong câu chuyện, tưởng rằng hành động tử tế của bản thân rồi sẽ mang đến nhiều quả ngọt ở thì tương lai. Sau đó không được thoả mãn liền vội than thân trách phận, gửi đến tận mây xanh những thắc mắc kiểu “tại sao tôi ăn ở hiền lương nhưng cuộc đời gặp quá nhiều bất trắc.”

Thực trạng này làm Vũ nhớ đến câu nói nổi tiếng của triết gia người Hy Lạp Aristotle:

Chúng ta là những gì chúng ta lặp đi lặp lại hằng ngày, bởi vậy ưu tú không phải một hành động mà chính là thói quen.

Những việc làm tử tế mà ta tin rằng một khi đã hoàn thành nó, bản thân sẽ lập tức nhận được sự đền đáp như một “quả ngọt” mà ta xứng đáng có được, thực chất chỉ là nguyên nhân hay khởi đầu cho một tương lai đầy hứa hẹn. 

Đó là trong trường hợp việc làm tử tế đó xuất phát hoàn toàn từ lòng từ bi, tính nhân văn và nhân cách cao đẹp của chúng ta.

Liên hệ sang hiệu ứng cánh bướm được nhà toán học Edward Norton giới thiệu lần đầu năm 1972, cho rằng một cái đập cánh của con bướm ở Brasil cũng có thể gây ra cơn lốc xoáy ở Texas. Nếu như “một cánh én không làm nên mùa xuân” thì một mình cánh bướm cũng chẳng thể tạo ra cơn lốc.

Cái đập cánh của con bướm muốn tạo ra cơn lốc xoáy lớn cách đó vạn dặm, vậy thì nó cần nhiều tác nhân bổ trợ khác như một đám mây giông ở khu vực Texas, hoặc luồng không khí nóng và luồng không khí lạnh cùng hội tụ theo phương ngang chẳng hạn.

Hiệu ứng cánh bướm giúp trả lời câu hỏi Có đúng ở hiền thì sẽ gặp lành (ảnh: Natural History Museum).

Hiệu ứng cánh bướm giúp trả lời câu hỏi Có đúng ở hiền thì sẽ gặp lành (ảnh: Natural History Museum).

Thậm chí để tỉ lệ xảy ra lốc xoáy cao hơn, con bướm cần tranh thủ đập cánh vào ban ngày trong giai đoạn mùa xuân hoặc mùa thu. Bởi đây là thời điểm các nhà khoa học khí tượng tin rằng lốc xoáy dễ hình thành nhất.

Điều đó cũng có nghĩa là nếu con bướm ở Brasil chỉ đập cánh vào buổi đêm mùa đông, cùng với các tác nhân về đám mây giông hay luồng khí hội tụ không xuất hiện, khả năng tạo ra lốc xoáy lớn ở Texas gần như bằng không. Cũng như vậy, ở hiền thì chưa chắc gặp lành được ngay, mà cũng không phải cứ ở ác thì sẽ toàn gặp điều chướng ngại.

Chẳng phải trong đời sống chúng ta vẫn bắt gặp những hoàn cảnh sống tốt, suy nghĩ hướng thiện nhưng bản thân luôn gặp nhiều khó khăn bất trắc, còn nhiều người sống vô tâm, cư xử không chuẩn mực nhưng luôn chìm trong lụa là gấm vóc hay sao?

Đó là còn chưa kể đến trường hợp, những gì ta nhìn thấy vốn không phải những điều đang thật sự xảy ra. Có người sở hữu vẻ ngoài khó gần, hung ác nhưng sâu bên trong là một con người hướng thiện, luôn thực hành và suy nghĩ đến những giá trị tốt đẹp. Cũng có người bên ngoài xởi lởi, tỏ vẻ tốt tính nhưng bên trong là tính cách có phần ích kỷ và thâm độc.

Giống như trường hợp hai anh em trong câu chuyện Ăn khế trả vàng, dù đều bắt đầu từ hành động cho chim ăn khế nhưng lại dẫn đến hai kết cục khác nhau. 

Nguyên do là bởi hai anh em có những chuẩn mực đạo đức khác nhau, suy nghĩ và hành động khác nhau nên người thì như “con bướm ở Brasil” – tạo ra những hiệu ứng và giá trị lớn lao. Người thì công cốc, trắng tay vì chuẩn mực đạo đức chẳng hề tốt đẹp đã dẫn đến hành động tham lam muốn vơ vét của cải về mình.

Sau cùng thì hành động tử tế, hiền lương hay ích kỷ, dối trá không hoàn toàn quyết định kết cục của quá trình hay một cuộc đời. Chuẩn mực đạo đức mới là yếu tố xương sống, vừa là điều kiện cần vừa là điều kiện đủ để trở thành chất xúc tác cho những giá trị lớn lao.

Thực hành một việc làm tử tế nhưng không lặp đi lặp lại sự tử tế đó hằng ngày, như cái cách triết gia Aristotle đã nói thì khác gì con bướm chỉ đập cánh duy nhất một lần, rồi tự huyễn hoặc bản thân rằng mình đã tạo ra lốc xoáy ở tận Texas.

Khung cảnh yên bình ở Texas khi con bướm vỗ cánh một cách lười nhác (ảnh: Unsplash).

Khung cảnh yên bình ở Texas khi con bướm vỗ cánh một cách lười nhác (ảnh: Unsplash).

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho một thương hiệu mạnh cũng vậy, chuẩn mực đạo đức không đơn giản chỉ là mấy cái gạch đầu dòng, liệt kê ra một loạt những suy nghĩ hay việc làm tốt mà đội ngũ nhân sự cần làm theo.

Chuẩn mực đạo đức của một thương hiệu cần được truyền đạt, chia sẻ liên tục hay thậm chí nhắc đi nhắc lại từ ngày này qua ngày khác. Để nó đi sâu vào tận trong tàng thức của người lao động, đội ngũ nhân sự và cả ban lãnh đạo công ty. 

Trước khi hướng đến việc thực hành chuẩn mực liên tục, thường xuyên để nó trở thành một thói quen đúng nghĩa trong quá trình làm việc. Khi đó chuẩn mực đạo đức thương hiệu mới có cơ hội hoàn thành vai trò của mình – trở thành nền tảng và là bước khởi đầu cho văn hoá thương hiệu khác biệt, hiệu quả.

Lời kết

Ở hiền thì chưa chắc gặp lành được ngay, nhưng chắc chắn tâm lý cũng như tinh thần của bản thân luôn ở trong trạng thái tích cực, trong sáng và tràn đầy nguồn cảm hứng sáng tạo. Bởi vậy chuẩn mực đạo đức của thương hiệu cần tránh làm cho đội ngũ nhân sự lầm tưởng, thậm chí ảo tưởng rằng rồi quả ngọt sẽ sớm đến ngay thôi.

Chuẩn mực đạo đức không phải là cái giá của những giá trị tốt đẹp, không một ai có thể “trả giá” với chuẩn mực đạo đức giống như mua mớ rau con cá ở ngoài chợ, rằng tôi thực hiện theo thì tôi có thu về lợi ích ngay lập tức được không. Chuẩn mực đạo đức không phải phương tiện sống, nó phải được hiểu như một mục đích sống cao đẹp mà bất cứ ai cũng nên hướng tới.

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal

Hy vọng bài chia sẻ này đã giúp bạn có góc nhìn toàn diện hơn về khái niệm chuẩn mực đạo đức, hiểu về sự khác nhau giữa chuẩn mực đạo đức với văn hoá thương hiệu mạnh. Từ đó ứng dụng hiệu quả vào chính mô hình kinh doanh và quá trình tạo dựng thương hiệu của bản thân.

Để hiểu hơn về văn hoá và thế giới kiến thức thương hiệu, củng cố kiến thức về xây dựng và quản trị thương hiệu, bạn đọc có thể kết nối với Vũ qua thông tin ở phía bên dưới:

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Vai trò của chuẩn mực đạo đức với văn hoá doanh nghiệp

Chuẩn mực đạo đức chính là nền tảng, là khởi nguồn cho quá trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp bài bản và hiệu quả nhất.

Chuẩn mực đạo đức cần được lan rộng như thế nào

Chuẩn mực đạo đức của một thương hiệu cần được truyền đạt, chia sẻ liên tục hay thậm chí nhắc đi nhắc lại từ ngày này qua ngày khác. Để nó đi sâu vào tận trong tàng thức của người lao động, đội ngũ nhân sự và cả ban lãnh đạo công ty. 

Chúng ta có bắt buộc phải theo đuổi chuẩn mực đạo đức

Nếu có một trường hợp con người có thể sống khoẻ, sống tốt mà không cần đến chuẩn mực đạo đức, có lẽ đó là khi chúng ta sống một mình một cõi ở trên đảo hoang, hoặc vừa thoát nạn khỏi một “thảm hoạ tận thế" nếu như nó thật sự xảy đến.