Nhượng quyền truyền thống và nhượng quyền không toàn diện có những ưu nhược điểm nhất định mà bạn nên tìm hiểu trước.

Nhượng quyền hay nhượng quyền thương mại đã không còn là một khái niệm mới mẻ, dễ gây nhầm lẫn trong xã hội và đời sống kinh tế hiện nay. 

Từ những năm đầu được định hình, phát triển rồi đa dạng hoá trên phạm vi toàn cầu, nhượng quyền thương mại sớm được công nhận là một trong những phương thức kinh doanh có ít rủi ro – đối với bên nhượng quyền và cả bên nhận quyền.

Nhưng vì sao chúng ta nên gọi Nhượng quyền thương mại là phương thức, thay vì một mô hình kinh doanh? Lý do là bởi khái niệm nhượng quyền hiện nay ngày càng mở rộng và phát triển, từ chính phương thức nhượng quyền thương mại đã sản sinh ra nhiều mô hình nhượng quyền khác nhau. Tuỳ thuộc ứng dụng sao cho phù hợp, hiệu quả với mỗi định hướng khác biệt của chủ thể kinh doanh.

Từ nhượng quyền truyền thống cho đến nhượng quyền không toàn diện, rồi chi tiết và tách bạch hơn nữa là nhượng quyền chỉ tham gia hoạt động quản lý, hoặc nhượng quyền chỉ tham gia hoạt động đầu tư nguồn vốn. 

Nhượng quyền không toàn diện là gì? (ảnh: Entrepreneur).

Nhượng quyền không toàn diện là gì? (ảnh: Entrepreneur).

Nhiều mô hình nhượng quyền khác nhau mang đến nhiều cơ hội lựa chọn và quyết định đầu tư trên thị trường, nhưng cùng với đó còn là những rủi ro khi nhà đầu tư không lựa chọn được mô hình nhượng quyền phù hợp.

Trong bài viết lần này Vũ muốn phân tích, chia sẻ đến tất cả các bạn về mô hình nhượng quyền không toàn diện. Bài viết có một số nội dung chính như sau:

  • Nhượng quyền là gì? Vì sao nhượng quyền trở thành phương thức kinh doanh phổ biến hiện nay?
  • Ưu nhược điểm của Nhượng quyền không toàn diện khi so sánh với nhượng quyền truyền thống.
  • Ai nên tham gia đầu tư, theo đuổi mô hình nhượng quyền không toàn diện?

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

nhuong quyen toan dien

Phân biệt nhượng quyền truyền thống, nhượng quyền không toàn diện

Giai đoạn đầu thế kỷ thứ 18, người châu Âu đã sớm sử dụng khái niệm “nhượng quyền thương mại” để mô tả hoạt động phổ biến ở những quốc gia thuộc địa. Đó là khi họ trao đi quyền và cơ hội được kinh doanh, nhằm thu về một số tiền nhất định dưới dạng “chi phí sở hữu bản quyền.” Năm 1729, Benjamin Franklin – được công nhận là Người thành lập nước Mỹ đã có một quyết định giúp củng cố khái niệm nhượng quyền.

Cơ sở báo in do Benjamin Franklin thành lập là một trong những doanh nghiệp đi đầu về công ty hợp danh, sử dụng nền tảng phân định nguồn vốn và chia sẻ rạch ròi về lợi nhuận.

Đến thời đại cách mạng công nghiệp ở Mỹ, nhà thành lập công ty máy may Singer là ông Isaac Merritt Singer được ghi nhận là người đầu tiên ứng dụng nhượng quyền thương mại. Ông lên ý tưởng tập hợp và kết nối nhiều doanh nhân địa phương, thu về từ họ một khoản phí nhất định để đổi lấy sự hỗ trợ về máy móc, công nghệ và bí quyết kinh doanh từ công ty Singer.

Isaac Singer là người đặt nền móng cho nhượng quyền thương mại (ảnh: Mark Falzon).

Isaac Singer là người đặt nền móng cho nhượng quyền thương mại (ảnh: Mark Falzon).

Nhiều thập kỷ sau đó, các thương hiệu hàng đầu thế giới liên tục học hỏi và ứng dụng phương thức nhượng quyền thương mại. Từ Coca-Cola, McDonald’s cho đến The UPS Store, KFC,… phương thức nhượng quyền đã thật sự vươn ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Chỉ tính đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đã có hơn một ngàn thương hiệu nhượng quyền ra đời với ước tính hơn 200 ngàn cửa hàng khác nhau.

Nhìn chung, nhượng quyền là một phương thức kinh doanh phổ biến và quan trọng của thương mại toàn cầu. Với nhượng quyền thương mại, lợi ích luôn được đảm bảo cho bên nhượng quyền, bên nhận quyền và kể cả thị trường hàng hoá hay dịch vụ mà các bên đang tham gia vào.

Ở góc độ của bên nhượng quyền, đây là thời cơ tốt giúp đẩy mạnh mở rộng kinh doanh với nguồn vốn đầu tư thấp, sử dụng nguồn lực, nền tảng và một phần nguồn vốn của chính bên nhận nhượng quyền. Ở chiều ngược lại, bên nhận nhượng quyền có thể sớm hiện thực hoá tham vọng kinh doanh – khi chưa thể ngay lập tức lên ý tưởng, kế hoạch và chiến lược xây dựng thương hiệu một cách khoa học, chỉn chu nhất.

Hiện nay hai mô hình kinh doanh nhượng quyền phổ biến nhất là nhượng quyền toàn diện (nhượng quyền truyền thống) và nhượng quyền không toàn diện. Trong đó nhượng quyền không toàn diện là mô hình mà phía nhượng quyền chỉ tham gia, đảm nhận một trong nhiều hạng mục công việc khác nhau để vận hành hiệu quả hệ thống của mình.

Khác biệt giữa nhượng quyền truyền thống và không toàn diện (ảnh: China Daily).

Khác biệt giữa nhượng quyền truyền thống và không toàn diện (ảnh: China Daily).

Thông thường với mô hình nhượng quyền không toàn diện, phía nhượng quyền hoặc chỉ tham gia vào công tác quản lý, hoặc chỉ tham gia vào công tác và quá trình góp vốn đầu tư. Cùng với đó là các hoạt động mua bán, cho thuê hay hỗ trợ vận hành máy móc, công nghệ cũng như đội ngũ nhân sự tuỳ vào thoả thuận chi tiết của đôi bên.

Ưu nhược điểm của nhượng quyền không toàn diện

Khác biệt giữa nhượng quyền toàn diện và không toàn diện nằm ngay ở tên gọi, tuỳ thuộc vào mức độ hỗ trợ rồi can thiệp của phía nhượng quyền vào quy trình quản lý, góp vốn, vận hành máy móc hoặc hệ thống kinh doanh toàn chuỗi.

Chắc chắn rằng, phía nhượng quyền không tham gia vào toàn bộ quy trình vận hành hệ thống, từ câu chuyện tài chính cho đến nguồn lực hoạt động đối với nhượng quyền không toàn diện.

Thực tế đó dẫn đến những ưu nhược điểm riêng biệt của mô hình nhượng quyền này. Với nhượng quyền không toàn diện, phía nhận quyền vẫn được đảm bảo một số nhiệm vụ và quyền hạn nhất định trong sáng tạo, linh hoạt thay đổi để phù hợp với đặc tính thị trường hay thói quen tiêu dùng thực tế của khách hàng mục tiêu.

chien luoc nhuong quyen 1

Ưu điểm này phù hợp với những mô hình kinh doanh không mang tính đặc thù cao. Ngược lại tính hiệu quả được quyết định phần lớn bởi nhân khẩu học, đặc tính dân cư hoặc một số yếu tố liên quan đến văn hoá, tính cách và truyền thống địa phương.

Cần biết trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại (ảnh: Franchise Business Review).

Cần biết trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại (ảnh: Franchise Business Review).

Lấy ví dụ một thương hiệu ẩm thực sở hữu chuỗi nhượng quyền phủ sóng từ Bắc đến Nam, khắp mọi miền đất nước với khách hàng mục tiêu có tính cách, suy nghĩ và thói quen tiêu dùng khác nhau. Như vậy từng cơ sở và đối tác nhận quyền có thể không làm theo 100% những gì thương hiệu gốc đang vận hành, hoạt động để tạo ra giá trị. 

Đối tác nhận quyền có thể linh hoạt thay đổi trong giới hạn thương hiệu cho phép, mà vẫn đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng địa phương mình. Chẳng hạn như menu các món ăn đặc biệt phục vụ theo mùa, tặng kèm khăn ướt thay vì giấy lau khô ở một số cơ sở nhượng quyền cụ thể,…

Ưu điểm của nhượng quyền không toàn diện giúp khoả lấp nỗi băn khoăn muôn thuở từ các bên nhận quyền, rằng liệu nhượng quyền thương mại có làm giảm đi năng lực sáng tạo, ứng phó tuỳ theo biến động thị trường của nhà kinh doanh hay không. 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia thương hiệu còn khẳng định thêm một ưu điểm của nhượng quyền không toàn diện, đó là chi phí thanh toán cho hợp đồng nhượng quyền giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, Vũ không nghĩ rằng đây hoàn toàn là lợi thế dành cho các đối tác nhận quyền.

Bởi chi phí hợp đồng nhượng quyền thương mại nằm trong nhóm chi phí cố định, nghĩa là khoản chi dù muốn hay không thì đơn vị kinh doanh vẫn phải chi trả định kỳ theo mỗi tháng, mỗi quý và mỗi năm. Bên cạnh chi phí cố định, một yếu tố khác cũng quan trọng và đáng lưu tâm không kém là chi phí biến đổi. 

Chi phí nhượng quyền thương mại là yếu tố rất quan trọng (ảnh: Franchise Panda).

Chi phí nhượng quyền thương mại là yếu tố rất quan trọng (ảnh: Franchise Panda).

Chi phí biến đổi dĩ nhiên sẽ thay đổi tuỳ theo biến động thị trường, tình hình giá cả, thói quen tiêu dùng của khách hàng ở từng giai đoạn cùng hàng tá lý do khác.

Trong đó không thể quên kể đến mức độ đóng góp và tham gia quản lý của phía nhượng quyền. Một khi đã ký hợp đồng nhượng quyền không toàn diện, phía nhận quyền phải chấp nhận rằng mức độ đóng góp có giới hạn của phía nhượng quyền sẽ là “con dao 2 lưỡi.”

Isaac Newton – Nhà vật lý và toán học vĩ đại từng chia rẻ rằng: “Nếu có thể nhìn xa hơn nữa thì đó là nhờ tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ.”

Trong mối quan hệ kinh doanh được giao kết bằng hợp đồng nhượng quyền toàn diện, sự đóng góp của phía nhượng quyền không chỉ nằm ở câu chuyện về nguồn vốn, nguồn lực hay tiếng tăm thương hiệu họ sẵn có. 

Với một góc nhìn đa chiều, sự đóng góp của phía nhượng quyền còn đến từ cách xây dựng kế hoạch marketing, cách tối ưu nhân sự mà vẫn đảm bảo hiệu suất công việc, thậm chí là bài học từ những thất bại trước đó của đội ngũ thương hiệu. 

Cần có mối quan hệ nhượng quyền tích cực của đôi bên (ảnh: M-N).

Cần có mối quan hệ nhượng quyền tích cực của đôi bên (ảnh: M-N).

Nếu là một đối tác nhượng quyền chuyên nghiệp và đáng tin cậy, phía thương hiệu còn tích cực đưa ra những tư vấn về địa điểm kinh doanh, hướng hoàn thiện sản phẩm để chiều lòng khách hàng mục tiêu, hoặc những rủi ro mà đối tác nhận quyền có thể đối diện trong buổi đầu “mở hàng” kinh doanh.

Dĩ nhiên ở vị trí là những người đã dày công tích luỹ, dồn hết thời gian và năng lực chuyên môn của mình để xây dựng thương hiệu, mọi đóng góp tích cực và quan trọng nhất của đối tác nhượng quyền thường chỉ xuất hiện trong mối quan hệ mang tính toàn diện. 

Đó đồng thời cũng là nhược điểm cố hữu của những bản hợp đồng nhượng quyền không toàn diện, giúp các nhà đầu tư trả lời câu hỏi “ai phù hợp với mô hình nhượng quyền này?” – câu chuyện sẽ được Vũ gửi đến ở phần cuối của bài viết.

Nhượng quyền không toàn diện phù hợp với ai?

Ở trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì kinh doanh hay nhượng quyền thương mại, số tiền chi trả và mức độ đóng góp từ phía đối tác luôn tỉ lệ nghịch với năng lực chuyên môn của bản thân nhà đầu tư. Nghĩa là khi chi phí thanh toán cho hợp đồng nhượng quyền càng thấp, mức độ đóng góp của đối tác nhượng quyền càng có giới hạn, thì yêu cầu về kinh nghiệm, hiểu biết về ngành và năng lực chuyên môn của phía nhận quyền càng cao.

Yêu cầu về kinh nghiệm và kiến thức ngành của phía nhận quyền (ảnh: CafeF).

Yêu cầu về kinh nghiệm và kiến thức ngành của phía nhận quyền (ảnh: CafeF).

Có một giai đoạn mà tư duy nhượng quyền trong nước có nhiều nét tương đồng với tư duy khởi nghiệp, đặc biệt là trong suy nghĩ và định hướng của các bạn trẻ. Mỗi khi đề cập đến câu chuyện khởi nghiệp hay ký hợp đồng nhượng quyền, hầu hết mọi người luôn nghĩ đến việc mở quán ăn và quán cà phê – dù chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực này.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, thị trường nhượng quyền thương mại của Việt Nam đạt mức tăng trưởng đều đặn 15-20% mỗi năm, trong đó chiếm tỉ trọng phần lớn là mô hình nhượng quyền F&B. Giai đoạn 10 năm trở lại đây, ghi nhận xu hướng nhượng quyền F&B bùng nổ từ những Phúc Long, Highland Coffee, The Coffee House cho đến hiện tại là Mixue, Tocotoco hay Cơm tấm Phúc Lộc Thọ.

Về bản chất, nhượng quyền thương mại mang đến những mô hình kinh doanh đã được chứng minh là thành công, nhưng không đảm bảo cho thành công. Nghĩa là phần lớn các cơ sở nhượng quyền đi trước đang làm rất tốt nhiệm vụ và mục tiêu của họ, nhưng không đồng nghĩa rằng tất cả cơ sở nhượng quyền theo sau cũng tương tự.

Không ít những nhà khởi nghiệp non trẻ, chọn đầu tư nhượng quyền thương mại đang kỳ vọng quá cao ở phương thức kinh doanh này, đặc biệt là với mô hình nhượng quyền không toàn diện. Nên nhớ rằng, nhượng quyền thương mại nói chung không phải là một nguồn thu nhập thụ động. Nó không giống với việc bạn đầu tư cho một mã chứng khoán, đợi nó lên giá rồi nhanh tay khớp lệnh để chốt lời.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng quá cao vào nhượng quyền thương mại (ảnh: Phú Mỹ Hưng).

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng quá cao vào nhượng quyền thương mại (ảnh: Phú Mỹ Hưng).

Đặt bút ký vào bản hợp đồng nhượng quyền không toàn diện nghĩa là đã cam kết, chấp nhận bước vào một “mối quan hệ chia sẻ” song phương. Phía nhượng quyền chia sẻ một phần nguồn vốn, nguồn lực nhân sự hoặc năng lực quản lý mô hình kinh doanh. Ở chiều ngược lại, phía nhận quyền cũng đồng hành với thương hiệu bằng cách chia sẻ phần nào kiến thức, năng lực chuyên môn và nền tảng tài chính của bản thân.

blog nhuong quyen kinh doanh la gi nhuong quyen co can dang ky khong 04

Trong một thương vụ nhượng quyền không toàn diện, quy trình đánh giá năng lực hay nền tảng kinh tế đôi bên cũng trở nên quan trọng và diễn ra thận trọng hơn. 

Phía nhận quyền cũng có quyền đòi hỏi đầy đủ, chi tiết hơn những tài liệu chứng minh cho tiềm năng phát triển của thương hiệu nhượng quyền. Cũng như vậy, phía nhượng quyền cũng có quyền đánh giá mức độ phù hợp của nhà đầu tư, tránh trường hợp thiếu đồng bộ và nhất quán trong suốt quá trình vận hành hệ thống kinh doanh.

Bên cạnh đó, tính pháp lý cũng là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình tư vấn, thảo luận rồi tiến tới bước thương thảo hợp đồng nhượng quyền. Vì vậy nhà đầu tư nhận quyền cần tìm đến các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý trong suốt quá trình giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại – hạn chế thấp nhất các vấn đề về luật có thể phát sinh.

Nhìn chung, nhượng quyền không toàn diện không phải lựa chọn đầu tư phù hợp cho các cá nhân, tổ chức kinh tế chưa có đủ trang bị về tư duy xây dựng thương hiệu, năng lực quản lý kinh doanh và đặc biệt là các kiến thức nền tảng của ngành nghề, lĩnh vực mà bản thân chuẩn bị tham gia.

Nhượng quyền toàn diện hay không toàn diện phù hợp với bạn? (ảnh: The Coffee House).

Nhượng quyền toàn diện hay không toàn diện phù hợp với bạn? (ảnh: The Coffee House).

Nếu bạn không có đủ năng lực, nguồn lực hay tối thiểu là mong muốn tạo ra những ý tưởng sáng tạo, đột phá thì mô hình nhượng quyền không toàn diện cũng chưa thật sự phù hợp với bạn. Bởi đó chắc chắn chưa phải tất cả những khó khăn, rủi ro tiềm tàng mà đội ngũ của bạn có thể phải đối diện.

Đặt trường hợp bạn chỉ xem đầu tư nhượng quyền là một giải pháp mở rộng kinh doanh, đa dạng nguồn thu và tận dụng tiềm lực tài chính của mình một cách bền vững, mô hình nhượng quyền toàn diện theo kiểu truyền thống sẽ là quyết định đầu tư đúng đắn hơn hết.

Trong các trường hợp còn lại, mô hình nhượng quyền không toàn diện là giải pháp mà bạn có thể cân nhắc. Nếu bạn đã tự trang bị đầy đủ kiến thức, tư duy và phần nào đó kinh nghiệm chuyên môn của lĩnh vực mà mình sắp dấn thân, nhượng quyền không toàn diện là mô hình đầu tư lí tưởng trong số các phương án nhượng quyền thương mại.

Nếu bạn đã sẵn sàng đầu tư vào phương thức nhượng quyền, chuẩn bị tốt cả về nguồn lực và nguồn vốn, điều lăn tăn duy nhất là năng lực sáng tạo và kiến thiết ý tưởng sẽ bị kìm hãm khi tham gia nhượng quyền truyền thống. Lúc này nhượng quyền không toàn diện cũng là giải pháp mà bạn có thể cân nhắc chuyển hướng.

Nhượng quyền thương mại không phải là nguồn thu thụ động (ảnh: Stonewood Homes).

Nhượng quyền thương mại không phải là nguồn thu thụ động (ảnh: Stonewood Homes).

Như đã nói, khác với nhiều giải pháp tạo ra nguồn thu thụ động và phần nào thành công phải dựa vào yếu tố thời thế, nhượng quyền không toàn diện nói riêng và nhượng quyền thương mại nói chung sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở mỗi nhà đầu tư.

Đó không chỉ là tiền bạc, thời gian hay năng lực đưa mô hình kinh doanh phát triển, mà còn là tâm huyết và định hướng nhân văn từ cả phía nhượng quyền lẫn nhận quyền thương mại.

Dù là đơn vị nhượng quyền hay nhà đầu tư nhận quyền, mỗi cá nhân hay tổ chức kinh tế đều là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ hệ thống kinh doanh của thương hiệu đó. Để không chỉ đóng góp vào thành công chung của chuỗi hệ thống, mà còn đóng góp vào thành công và sự bền vững của cả một nền kinh tế địa phương, nhìn xa hơn là nền kinh tế quốc gia.

Xin chân thành cảm ơn,

Tặng Vũ một ly cà phê nhé

Số tiền donate từ “những tấm lòng vàng” chỉ được dùng để mua cà phê, tiếp sức sáng tạo cho đội ngũ của Vũ và sẽ luôn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn,

Momo
Paypal