Moodboard là gì? đây là câu hỏi không dễ dàng trả lời ngay cả với những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Nhưng với những nội dung phía dưới, Vũ sẽ giúp bạn hiểu đúng về khái niệm tuyệt vời này.
Theo Vũ, Moodboard là công cụ khơi gợi ý tưởng, định hướng sáng tạo hoặc là những tài liệu tham khảo phục vụ cho quá trình thiết kế.
Nhà văn Johnathan Lethem đã từng chia sẻ rằng, khi một người gọi một thứ gì đó là “nguyên bản” (original) – tức có ý cho rằng đó là một sự khám phá mà chưa một ai nghĩ ra trước kia – thì đa phần họ không biết những nguồn cảm hứng dẫn đến sự ra đời của tác phẩm đó.
Một nghệ sĩ giỏi sẽ hiểu không có ý tưởng nào đến từ hư không. Mọi sản phẩm sáng tạo đều được xây dựng dựa trên những gì đã có trước đó. Nói cách khác, tất cả ý tưởng đều là sự tổng hợp và làm mới của những ý tưởng khác.
John Hegarty – nhà sáng lập của agency danh tiếng BBH – viết trong quyển sách “On Creativity” (tựa tiếng Việt: Trên Đường Sáng Tạo) nổi tiếng của ông:
‘Nguyên bản’ là một từ cực kỳ khó nghe mà người làm sáng tạo có thể sử dụng để mô tả tác phẩm của họ. Đây cũng là một trong những từ vô nghĩa nhất mà người khác hay dùng để nói về công việc sáng tạo.
Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy không đồng tình với luận điểm này hoặc cảm thấy chưa thuyết phục, nhưng sự thật không ý tưởng nào là 100% nguyên bản.
Rất ít nhà thiết kế tự mình tạo ra một logo mà không dành thời gian tham khảo những dự án cùng lĩnh vực. Rất ít nhạc sĩ có khả năng viết nên một bài nhạc hoàn chỉnh mà không dựa trên những chuỗi hợp âm sẵn có. Rất ít nhà khoa học nào tạo ra một phát minh đột phá nếu không dựa trên những nghiên cứu đã được xuất bản từ trước.
Sáng tạo là một quá trình khám phá, học hỏi và tìm cách kết nối những thứ sẵn có để tạo nên những khái niệm mới. Giá trị của một ý tưởng nằm ở cách nó được lấy cảm hứng từ thế giới xung quanh và sau đó được diễn giải lại theo cách mà người khác chưa từng thấy trước đây. Từ những nguyên liệu giống nhau, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều ý tưởng khác nhau.
Cùng là một vườn hoa súng trong sân nhà, Claude Monet đã vẽ nên kho tàng đồ sộ với hơn 250 tác phẩm khác nhau. Cùng là một chuỗi hợp âm Đô Rê Mi Pha Son, hàng trăm bài hát đã được viết nên với những nét khác biệt riêng của chúng.
Tóm lại, mọi ý tưởng đều sẽ được liên kết bởi những ý tưởng khác. Do đó, nếu bạn là một Designer và muốn tìm cảm hứng cho bản thân, hãy bắt đầu bằng việc tham khảo những người đi trước. Và đó là lúc chúng ta cần đến Moodboard. Vậy Moodboard là gì và công dụng của Moodboard là gì trong quá trình sáng tạo?
Vũ sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết này. Trước tiên hãy cùng tìm hiểu định nghĩa Moodboard là gì.
Moodboard là gì?
Moodboard là tập hợp những hình ảnh trực quan nhằm truyền tải ý tưởng, phong cách hoặc định hướng nghệ thuật mà người sáng tạo muốn hướng đến. Chúng đóng vai trò như một trong những điểm khởi đầu của dự án và là bước đệm để phát triển những ý tưởng đột phá khác.
Trong lĩnh vực thiết kế, Moodboard là công cụ hiệu quả để Designer tổng hợp ý tưởng để kích thích quá trình thiết kế sáng tạo hoặc đa dạng hóa những nguồn cảm hứng.
Chúng ta có thể hình dung Moodboard giống như một bảng pha màu của người họa sĩ – một không gian để thử nghiệm hoặc trộn lẫn các màu sắc lại với nhau để lựa chọn ra những màu sẽ được dùng cho tác phẩm cuối cùng.
Không ai biết chính xác Moodboard xuất hiện từ khi nào, nhưng những nhà thiết kế thời trang, thiết kế nội thất,… từ lâu đã bắt đầu sưu tập các mẫu chất liệu, màu sắc,… để lưu trữ cho những lúc cần thiết sau đó.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Pinterest vào năm 2010 đã khiến việc xây dựng Moodboard trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc người dùng cần làm chỉ là nhấp vào bất kỳ hình ảnh thú vị nào trên internet và “ghim nó” vào một Moodboard ảo.
Phân loại Moodboard
Về mặt định nghĩa, Moodboard đơn giản là một tập hợp hình ảnh có thể mang lại cảm hứng cho chúng ta. Nhưng có những loại Moodboard nào và làm sao chúng ta biết khi nào thì sử dụng chúng?
Tất nhiên, không có một quy tắc cụ thể nào cho việc sáng tạo Moodboard cả. Cảm hứng ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra và tiếp nhận những nguồn ý tưởng đó hay không.
Tuy nhiên, sắp xếp kho ý tưởng cũng giống như bày biện một căn phòng. Nếu phòng gọn gàng, ngăn nắp, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy thứ mình cần vào những thời điểm quan trọng. Ngược lại, một căn phòng lộn xộn sẽ mang đến nhiều khó khăn khi ta cần đến một món đồ nào đó, trong lĩnh vực sáng tạo thì đó chính là ý tưởng.
Theo quan điểm của Vũ, Designer có thể chia Moodboard của mình thành ba loại sau để “hệ thống lại” những nguồn ý tưởng của mình: Moodboard tổng hợp, Moodboard cảm hứng và Moodboard dự án.
a. Moodboard tổng hợp
Kiểu Moodboard này rất đơn giản. Những gì bạn cần chỉ là một cuốn sổ hoặc tiện hơn là một chiếc điện thoại thông minh. Chúng sẽ là những công cụ giúp bạn ghi lại ý tưởng từ mọi thứ xung quanh.
Một trong những lời khuyên của huyền thoại thiết kế Paul Rand dành cho những Designer trẻ chính là hãy tìm cảm hứng trong những thứ tưởng chừng như “vô vị”.
Ý tưởng có thể đến từ mọi vật, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, tôi tin rằng phần lớn những ý tưởng hay ho nhất sẽ bắt nguồn từ những thứ khá phi lý, đôi khi bất ngờ, hoặc thậm chí chẳng hề thú vị… Người nghệ sĩ là người sưu tập ý tưởng từ mọi thứ, từ những khái niệm trừu tượng cho đến những thứ thật sự tồn tại ngoài kia.
Hãy lưu giữ lại bất cứ thứ gì khiến bạn cảm thấy thích thú. Đó có thể là khung cảnh dòng người qua lại trên phố một sáng chủ nhật, hay một tấm hình độc đáo mà bạn vô tình lướt qua trên Facebook.
Một ý tưởng hay là sự hòa hợp của những ý tưởng hay khác. Một thói quen quan trọng của người làm sáng tạo là tò mò, tò mò về mọi thứ, tò mò về thế giới xung quanh. Đi sâu vào những sự việc mà ít ai quan tâm và bạn sẽ nhận ra mình biết ít về thế giới như thế nào. Khi chúng ta giữ được ngọn lửa đam mê khám phá, ý tưởng sẽ đến.
b. Moodboard cảm hứng
Moodboard cảm hứng là tập hợp những dự án xuất sắc, thú vị mà một người có thể sử dụng để làm nguồn tham khảo cho công việc của mình. Nó cụ thể hơn Moodboard tổng hợp, vì Moodboard cảm hứng sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực mà bạn đang làm.
Nếu bạn là một Brand Designer, một thư mục bao gồm những dự án thiết kế thương hiệu tiêu biểu là điều cần thiết để cập nhật các xu hướng, phong cách thịnh hành trên thế giới.
Nếu bạn là một họa sĩ chuyên vẽ minh họa, việc tìm cảm hứng hoặc học hỏi từ những nghệ sĩ khác cũng là chuyện rất bình thường và nên làm.
Không ai tự tin và dám khẳng định mình biết hết mọi thứ cả. Có thể chuyên môn của bạn là về typography, nhưng những kiến thức về logo, màu sắc, bố cục lại là những mảng bạn không quá xuất sắc. Do đó, bạn có thể tận dụng Moodboard như một nguồn để học tập và nâng cao kiến thức chuyên môn.
Có nhiều công cụ hỗ trợ bạn tạo Moodboard dạng này. Dễ dàng nhất có lẽ là Pinterest hoặc Behance – những diễn đàn thiết kế cho phép người dùng xây dựng Moodboard cá nhân.
Lời khuyên của Vũ là hãy tạo riêng cho mình nhiều Moodboard theo các chủ đề khác nhau, ví dụ như brand design (thiết kế thương hiệu), editorial design (thiết kế bố cục cho sách, tạp chí) hoặc packaging design (thiết kế bao bì). Chúng ta không biết khi nào sẽ cần đến những nguồn cảm hứng này, nên tốt nhất là bắt tay vào chuẩn bị ngay từ bây giờ.
c. Moodboard dự án
Moodboard dự án có thể được xem là Moodboard quan trọng nhất trong số ba loại, vì nó ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và sản phẩm cuối cùng của một dự án thiết kế sáng tạo.
Như tên gọi của mình, Moodboard dự án là tập hợp những hình ảnh có liên quan hoặc dùng để định hướng cho công việc, project của Designer. Do tính chất quan trọng của loại Moodboard này, chúng ta cần lựa chọn những nguồn phù hợp để xây dựng Moodboard dự án, vì những hình ảnh tham khảo sẽ có tác động lớn đến tiến trình sáng tạo sau đó.
Giả sử bạn chuẩn bị bước vào dự án thiết kế thương hiệu cho một doanh nghiệp xây dựng, Moodboard của bạn nên tập trung vào các thông tin hoặc dự án liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Hoặc trong trường hợp bạn cần tham khảo ý tưởng cho một website hoạt động trong mảng tài chính, đầu tư, việc thu thập nhiều ý tưởng từ những trang web thể thao, thời trang,… là điều không hợp lý.
Moodboard dự án ảnh hưởng nhiều đến quá trình làm việc, vì chúng không chỉ là thứ để khách hàng và Designer thống nhất định hướng thiết kế, mà còn là nguồn tham khảo chính khi Designer xây dựng và phát triển ý tưởng chủ đạo sau đó.
Trên đây là những loại Moodboard cần có để nuôi dưỡng ý tưởng. Tuy nhiên, bạn không cần phải xây dựng cả ba Moodboard này cùng một lúc, hãy lựa chọn hình thức nào phù hợp nhất với bản thân, công việc và bắt đầu từ đó, trước khi chuyển sang những Moodboard khác.
Công dụng của Moodboard
Moodboard đã được sử dụng trong thế giới sáng tạo từ trước khi thiết kế kỹ thuật số ra đời. Chúng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thời trang cho đến kiến trúc, từ hội họa cho đến nhiếp ảnh.
Vậy cụ thể công dụng của Moodboard là gì? Theo quan điểm của Vũ, có những lý do sau dẫn đến việc Designer cần xây dựng Moodboard: duy trì cảm hứng, định hướng thiết kế và thảo luận cùng khách hàng.
Moodboard giúp duy trì cảm hứng
Làm sao để luôn có ý tưởng là câu hỏi được nhiều người quan tâm, không chỉ riêng gì Designer. Từ những họa sĩ, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư,… ai cũng đã từng đối mặt với tình trạng không biết tìm đâu cho ra được “ý hay” và loay hoay tìm cách thoát ra khỏi trạng thái “creative block” này.
Một trong những lời giải cho vấn đề trên chính là Moodboard.
Moodboard giúp chúng ta duy trì nguồn cảm hứng sáng tạo. Vì khi xây dựng Moodboard, ta sẽ phải chú ý đến những thứ xung quanh hoặc những project xuất sắc mà bản thân thường ít dành thời gian để ý đến.
Như đã chia sẻ, người sáng tạo là người biết góp nhặt ý tưởng xung quanh họ, tổng hợp và diễn giải chúng theo những cách mới lạ hơn. Do đó, việc dành một khoảng thời gian cụ thể trong ngày để tham khảo những ý tưởng xung quanh sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Tuy nhiên không phải thứ gì cũng có thể gợi lên cảm hứng. Chúng ta nên lựa chọn một cách cẩn thận, chỉ nên lựa chọn những ý tưởng thật sự xuất sắc. Bởi vì một Moodboard nhiều ý tưởng tốt sẽ cho ra những sản phẩm tốt, ngược lại một Moodboard chỉ toàn ý tưởng kém nổi bật sẽ có ảnh hưởng không mấy tích cực đến quá trình sáng tạo của chúng ta..
Moodboard giúp định hướng thiết kế
Khi làm việc chung trong một dự án, Moodboard giúp các thành viên trong nhóm hiểu được định hướng chung, không bị lẫn lộn hoặc “lạc” sang những chủ đề không phù hợp. Cả nhóm có thể cùng nhau thảo luận những chi tiết khác từ brief của khách hàng dựa trên Moodboard trước khi bắt đầu thực hiện.
Ngoài ra, với các dự án sáng tạo, những thành viên có thể tràn đầy ý tưởng và đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau cho bài toán của khách hàng. Trong một số trường hợp, mọi người có thể bị thu hút bởi nhiều ý tưởng. Vậy làm thế nào chúng ta biết đâu là giải pháp tốt nhất?
Moodboard là một cách để khám phá tất cả các ý tưởng tiềm năng, cũng như để nhóm thống nhất về những gì sẽ đảm bảo hiệu quả. Các thành viên có thể tạo ra nhiều Moodboard khác nhau và chọn ra hướng đi phù hợp nhất và loại bỏ đi những ý tưởng chưa đủ xuất sắc.
Moodboard hỗ trợ việc giao tiếp giữa khách hàng và Designer
Ngoài những công dụng trên, Moodboard còn là một cầu nối giao tiếp hữu hiệu giữa khách hàng và Designer khi cùng làm việc trong một dự án.
Chắc chắn chúng ta sẽ không muốn đặt mình vào tình huống đã thiết kế hoàn chỉnh dự án, nhưng khách không thích phong cách bạn chọn và yêu cầu làm lại từ đầu với một định hướng hoàn toàn mới.
Không chỉ gây lãng phí thời gian, việc bắt đầu lại mọi thứ sẽ khiến Designer mất đi cảm hứng cần có trong quá trình sáng tạo. Mặt khác, khách hàng đôi khi cũng cần phải hiểu hướng đi mà Designer muốn thực hiện để có những thảo luận chung nhằm thống nhất các phương án.
Do đó, một tài liệu trực quan chung như moodboard là điều rất cần thiết. Chúng giúp đôi bên giao tiếp hiệu quả hơn và nhanh chóng đi đến thống nhất hơn.
Cách tạo Moodboard
Xây dựng Moodboard là một trong những bước đầu tiên trong bất kỳ dự án thiết kế nào. Tại Vũ, quá trình thiết kế thương hiệu thường sẽ được khởi động bằng một bảng Moodboard hoàn chỉnh.
Một số Designers thường hay bỏ qua bước này và bắt tay trực tiếp vào việc suy nghĩ ý tưởng. Nhưng việc không đầu tư cho Moodboard có thể gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là với những người chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc thường xuyên gặp tình trạng “bí ý tưởng”.
Vậy chúng ta nên bắt đầu xây dựng Moodboard cho dự án thiết kế của mình như thế nào? Trên thực tế, không có quy tắc riêng nào cho việc tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Nhưng khi đối diện một deadline quá gấp hoặc khối lượng công việc đồ sộ, những bước sau đây có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Bắt đầu với từ khóa
Khi tạo Moodboard, chúng ta nên bắt đầu bằng cách liệt kê những từ khóa cụ thể mô tả thương hiệu, khách hàng hoặc tổng thể dự án. Từ nào mô tả được thương hiệu? Giá trị của thương hiệu là gì? Dự án nên khơi gợi những cảm xúc gì từ người dùng? Câu chuyện của họ có thể được tóm tắt như thế nào?
Một số Designer sẽ chọn đưa những từ khóa đó trực tiếp vào Moodboard của họ và lựa chọn những nguồn tham khảo liên quan trực tiếp đến bộ từ khóa đó. Trong khi những người khác sẽ chỉ sử dụng chúng để làm định hướng trong suốt phần còn lại của quá trình. Với cả hai trường hợp, từ khóa đều giúp chúng ta dễ dàng để xây dựng Moodboard hơn.
Xác định mục đích của Moodboard
Moodboard được tạo ra để chia sẻ với những người cùng tham gia trong một dự án. Nhóm này có thể bao gồm những Designer khác, nhà lập trình web, marketer, khách hàng,… Họ sẽ cần biết định hướng của dự án để đóng góp ý kiến, trước khi sản phẩm cuối cùng được hoàn thành.
Do sẽ có những người không có chuyên môn thiết kế cùng tham khảo Moodboard, nên điều quan trọng là phải làm rõ mục đích của Moodboard là gì. Mỗi mục đích khác nhau sẽ tạo ra những Moodboard có nội dung và hình thức khác nhau.
Ví dụ, Moodboard dùng để thảo luận concept thiết kế logo sẽ khác với Moodboard tham khảo ý tưởng về website. Do đó, Designer cần xác định mục đích của Moodboard trước khi bắt đầu thu thập hình ảnh ý tưởng.
Cho gì vào Moodboard dự án?
Mặc dù Moodboard có thể khác nhau về định dạng và nội dung của chúng, nhưng có một số yếu tố cơ bản mà một Moodboard dự án nên có:
- Cảm hứng về định hướng nghệ thuật
- Cảm hứng về logo
- Cảm hứng về màu sắc
- Cảm hứng về kiểu chữ
- Cảm hứng về texture
- Một số cách ứng dụng sản phẩm thiết kế
Cần lưu ý Moodboard không nhất thiết phải bao gồm các yếu tố đã hoàn thiện. Mục đích chính của Moodboard là cung cấp cho các bên liên quan ý tưởng về hướng đi của dự án thiết kế. Chúng ta cũng không cần đầu tư quá nhiều thời gian cho việc lập Moodboard mà bỏ quên các công đoạn nghiên cứu khác. Do đó, quy tắc càng đơn giản càng tốt đôi khi cũng được áp dụng khi xây dựng Moodboard.
Moodboard in ấn hay Moodboard điện tử
Tùy thuộc vào lý do và mục đích khi bạn tạo Moodboard, bạn có thể chọn các định dạng khác nhau. Nếu Moodboard chỉ dùng để tham khảo trong nội bộ hoặc bạn không cần thảo luận kỹ lưỡng về định hướng thiết kế với khách hàng, bạn có thể chọn một vài hình thức online đơn giản như Pinterest hoặc Behance.
Trong trường hợp bạn đang chia sẻ Moodboard của mình với nhiều người, đặc biệt là khách hàng, lời khuyên của Vũ là hãy chăm chút cho Moodboard đó, vì nó thể hiện sự nghiêm túc đối với dự án và quá trình nghiên cứu của bạn. Tốt hơn nữa là hãy in Moodboard ra để mọi người có thể ghi chú, chỉnh sửa hoặc highlight những ý tưởng nổi bật.
Lời kết
Qua bài viết này, đội ngũ Vũ hy vọng bạn đã hiểu Moodboard, công dụng của Moodboard là gì và cách ứng dụng Moodboard trong quá trình thiết kế sáng tạo.
Moodboard là một công cụ hiệu quả giúp người làm sáng tạo duy trì niềm cảm hứng. Không một ý tưởng nào là nguyên bản và chúng ta cần thu thập những “nguyên liệu” tốt nhất để tạo ra ý tưởng mới lạ nhất.
Nhưng Moodboard chỉ là phương tiện hỗ trợ chúng ta tạo ra ý tưởng. Việc lấy ý tưởng của người khác và tuyên bố chúng thuộc về mình là một hành vi đạo nhái đáng lên án. Designer cần biết tạo ra những đường kết nối mới từ những điểm có sẵn từ trước. Chính việc tìm ra cách diễn đạt, bố cục, màu sắc, chi tiết khác biệt mới chính là sáng tạo.
Ngoài ra, đừng quá chú trọng vào việc xây dựng Moodboard mà bỏ qua những công đoạn quan trọng khác như xác định vấn đề của khách hàng, nghiên cứu thị trường,… Chúng ta cần biết phân bổ nguồn lực và thời gian hợp lý cho toàn bộ dự án.
Xin chân thành cảm ơn,
Những câu hỏi thường gặp
Moodboard là gì
Moodboard là tập hợp những hình ảnh trực quan nhằm truyền tải ý tưởng, phong cách hoặc định hướng nghệ thuật mà người sáng tạo muốn hướng đến. Chúng đóng vai trò như một trong những điểm khởi đầu của dự án và là bước đệm để phát triển những ý tưởng đột phá khác.
Những loại Moodboard cần thiết
Có 03 loại Moodboard phục vụ cho quá trình tìm kiếm ý tưởng: Moodboard tổng hợp - Moodboard cảm hứng - Moodboard dự án
Công dụng của Moodboard?
Moodboard giúp duy trì cảm hứng sáng tạo, thống nhất định hướng thiết kế và giao tiếp với khách hàng
Làm sao để xây dựng Moodboard?
Bạn đọc có thể tham khảo những bước sau: bắt đầu với từ khóa, xác định mục tiêu của Moodboard, xác định những thứ cần cho vào Moodboard và lựa chọn hình thức phù hợp